BÀI LÀM 

Không chỉ mùa xuân mới gợi cho những người thi sĩ nguồn cảm xúc dồi dào để sáng tác, mà mùa thu cũng khơi dậy trong lòng các nhà thơ biết bao cảm hứng. Mỗi người có cách nhìn về mùa thu khác nhau, có người thì cho đó là mùa của những rặng liễu buồn rủ xuống, mùa của rừng phong thay lá,… Hữu Thỉnh lại khác, ông có cảm nhận rất riêng về mùa thu, đặc biệt là mùa thu ở nông thôn Việt Nam được miêu tả trong bài “Sang thu”.

Bài thơ “Sang thu” được sáng tác năm 1977, thể hiện những cảm xúc tinh tế của nhà thơ khi đất trời chuyển từ mùa hạ sang thu. Chỉ với ba khổ thơ năm chữ nhưng những cảm nhận, những hình ảnh và sức gợi của bài thơ lại hết sức mới mẻ.

Không như những nhà thơ khác, cảm nhận mùa thu qua những chuyển biến có thể nhìn thấy bằng mắt, nhưng Hữu Thỉnh lại cảm nhận mùa thu thông qua hương vị làng quê:

Bỗng nhận ra hương ổi       
Phả vào trong gió se            
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.              

Mùa thu đến không có lá rụng như trong thơ xưa, cũng không có màu vàng như trong thơ mới mà bằng những cảm nhận rất riêng, rất mới. “Bỗng nhận ra” là cảm giác ngỡ ngàng, không có sự chuẩn bị từ trước, ngỡ ngàng đến giật mình, sửng sốt. Nhà thơ cảm nhận sang thu bắt đầu bằng khứu giác – hương ổi rồi đến xúc giác – gió se. “Hương ổi” là mùi hương không dễ nhận ra bởi đó không phải là mùi hương ngào ngạt, nồng nàn mà chỉ là một mùi hương thoảng đưa êm dịu trong đầu mùa thu nhưng cũng đủ để đánh thức cảm xúc trong lòng những con người nhạy cảm. “Phả” là động từ mạnh mang ý tác động được dùng như một cách khẳng định sự xuất hiện của hơi thu trong không gian. Những làn gió se đã xua đi cái nóng bức, oi ả của mùa hạ, thay vào đó là làn gió mát lành của mùa thu. Thu về mang theo bao lớp sương sớm:

Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.             

Thu còn mang về những hạt sương buổi sớm mai. Sương cũng như muốn tận hưởng trọn vẹn cái không khí sang thu nên còn chưa muốn dời chân. Từ láy “chùng chình” gợi sự lưu luyến, ngập ngừng, dùng dằng gợi cảm giác yên tĩnh, thong thả. Một chút bâng khuâng, một chút bàng hoàng tác giả đã phát hiện ra vẻ đẹp rất riêng của mùa thu. Sau cùng là cảm nhận bằng lí trí “Hình như thu đã về”. “Hình như” là sự cảm nhận chưa chắc chắn, vẫn còn thoáng chút băn khoăn, ngập ngừng. Chỉ những người thật sự yêu mùa thu, yêu làng quê và gắn bó với quê hương đất nước mới có được những cảm nhận tinh tế như vậy.

Từ những cảm nhận của giác quan tác động đến lí trí, cảm xúc của tác giả về mùa thu đến như tràn ra, hòa vào cảnh vật xung quanh:

Sông được lúc dềnh dàng 
Chim bắt đầu vội vã          
Có đám mây mùa hạ         
Vắt nửa mình sang thu .    

Sự bỡ ngỡ, băn khoăn về mùa thu đã về ở khổ một đến đây đã được khẳng định lại một cách chắc chắn rằng thu thực sự đã về trên dòng sông, cánh chim, đám mây. Thu đến thật rồi, thu có mặt ở khắp mọi nơi, hiện hình cụ thể. Sông không còn cuộn lên những lớp sóng dữ dội của những cơn bão mùa hè mà bắt đầu “dềnh dàng”, thong thả, lững lờ trôi như ngừng chuyển động, mặt sông bỗng trở nên yên ả, mang lại cho con người cảm giác thảnh thơi, thong thả. Ngược lại với dòng sông, những cánh chim đã bắt đầu vội vã bay đi tìm nơi tránh rét mùa đông. Phải tinh thể lắm mới có thể nhận ra sự bắt đầu vội vã trong những cánh chim bay bởi mùa thu vừa mới chớm, rất nhẹ nhàng. Điểm nhìn của nhà thơ được nâng lên, cao hơn, rộng ra lên đến bầu trời. Cảm giác giao mùa được tô đậm bằng hình ảnh “Đám mây mùa hạ – vắt nửa mình sang thu”. Đây là phát hiện rất mới và rất độc của nhà thơ. Mùa thu mới bắt đầu nên những chòm mây thảnh thơi, duyên dáng, “vắt mình”. Đám mây như những dải lụa mềm mại múa lượn trên bầu trời trong xanh, thoáng đãng. Bức tranh chuyển mùa vì thế càng trở nên sinh động, hấp dẫn.

Nếu như ở hai khổ thơ đầu là những cảm nhận về thời điểm giao mùa một cách trực tiếp bằng nhiều giác quan thì ở khổ thơ cuối cảm nhận về thời điểm giao mùa đã dần đi vào lí trí:

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa      
Sấm cũng bớt bất ngờ     
Trên hàng cây đứng tuổi. 

Nắng, mưa ở thời điểm giao mùa từ hạ sang thu được tác giả thể hiện qua quan sát, nhận xét rất tinh tế. Vẫn còn đó dấu ấn của nắng nhưng không oi ả, chói chang như nắng mùa hạ, mưa giảm dần về số lượng để mang những nét đặc trưng của mùa mưa, nắng mùa thu. Hai câu thơ cuối trước hết là hình ảnh tả thực. Sang thu không những dịu nắng, bớt mưa mà sấm cũng thừa và nhỏ dần, không còn đùng đoành như những tiếng sấm mùa hạ, không đủ sức lay động những hàng cây với những tán lá già dặn khi đã trải qua hai mùa xuân hạ. Tuy nhiên, “bất ngờ, đứng tuổi” vốn là những từ ngữ chỉ đặc trưng của người, khi được dùng ở đây với ý nghĩa tả thực lại gợi cho ta liên tưởng đến một tầng ý nghĩa khác – ý nghĩa về con người và cuộc sống. Phải chăng, mùa thu của đời người là sự khép lại những ngày tháng sôi nổi, bồng bột của tuổi trẻ để mở ra một mùa mới, một không gian thâm trầm, điềm đạm, vững vàng hơn. Ở tuổi sang thu, con người không còn bất ngờ trước những tác động của ngoại cảnh, của cuộc đời.

Bài thơ hấp dẫn chúng ta bởi những câu, những từ ngữ giàu hình ảnh gợi cảm, khơi gợi trong lòng người đọc nhiều nét đẹp về cảnh, về tình. Các phép nhân hóa được tác giả sử dụng một cách tự nhiên làm cho cảnh vật ở thời điểm giao mùa trở nên có hồn, gần gũi với cuộc sống và gợi cho ta nhiều suy nghĩ về quê hương, đất nước, con người.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 72: Phân tích sự cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về những biến chuyển trong không gian lúc sang thu qua bài thơ “Sang thu”
Đánh giá bài viết