I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Trước hết cần nắm được xuất xứ của đoạn trích để thấy cái chí khí anh hùng của Từ Hải đã được bộc lộ rõ trong hoàn cảnh cụ thể nào, càng đáng trân trọng và ca ngợi ra sao. Sau đó đọc diễn cảm đoạn trích, cố gắng thể hiện được cái chí khí anh hùng của nhân vật qua ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ đối thoại của Từ Hải. Đoạn trích có một số chú thích cần xem kĩ để hiểu đúng và hiểu sâu thêm nhân vật. (Các cụm từ “lòng bốn phương”, “mặt phi thường”, “tâm phúc tương tri”, “nghi gia”, “bốn bể”, đặc biệt hình ảnh “chim bằng” trong câu cuối).

   Dưới đây là những gợi ý để các em trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài.

1. Hãy cho biết hàm nghĩa của các cụm từ “lòng bốn phương” và “mặt phi thường”. Tìm những từ ngữ thể hiện sự trân trọng kính phục của Nguyễn Du đối với Từ Hải.

   “Lòng bốn phương” và “mặt phi thường là những cụm từ đẹp, trang trọng mà Nguyễn Du đã dùng để nói về người anh hùng Từ Hải. “Bốn phương”  nam, bắc, tây, đông có nghĩa là thiên hạ thế giới. “Lòng bốn phương” là chí. nguyện lập công danh, sự nghiệp của người làm trai, ở đây là người anh hùng. “Mặt phi thường” là gương mặt của người xuất chúng, hơn người hiểu theo nghĩa tài năng, bản lĩnh, đức độ). Nguyễn Du đã dùng những hình tượng – khái niệm có tính chất vũ trụ (“lòng bốn phương”) để chỉ phẩm chất xuất chúng (“mặt phi thường”) của Từ Hải. Hai cụm từ này có quan hệ gắn bó với nhau trong việc miêu tả chân dung người anh hùng. Phải là người có chí lớn (lòng bốn phương) thì mới thành người có tài cao, mới hiển danh thành đạt được (mới “rõ mặt phi thường”). Hai cụm từ vừa là khái niệm, vừa là hình tượng văn học, có quan hệ tương hỗ : người anh hùng là người xuất chúng, phi phàm, đồng thời lại là con người vũ trụ chứ không phải là người thường. Văn học trung đại tả người anh hùng thường gắn với các hình tượng thiên nhiên, không gian vũ trụ. Bốn câu thơ mà dựng lên một con người kì vĩ, đáng khâm phục, từ cái chí lớn, cho đến dáng vẻ, và nhất là sự “dứt áo ra đi”:

                     Nửa năm hương của đương nồng

            Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

                     Trông vời trời bể mênh mang,

           Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong. 

   Các từ ngữ chỉ thái độ trân trọng, kính phục của Nguyễn Du đối với Từ Hải : ông dùng những từ ngữ có sắc thái tôn xưng như “trượng phu”, “lòng bốn phương”, “mặt phi thường”, đặc biệt dùng hình tượng chim bằng để nói về sự ra đi đến với “bốn phương” của Từ Hải : đã đến lúc chim bằng bay lên cùng gió mây. (Ở những đoạn thơ khác trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ “anh hùng” để gọi Từ Hải)

2. Từ Hải bộc lộ lí tưởng anh hùng của mình qua lời nói với Thúy Kiều như thế nào ?

   Lí tưởng anh hùng của Từ Hải bộc lộ qua ngôn ngữ khi Từ Hải đối thoại với Kiều. Đây là một lời nói đẹp, mang khẩu khí của người anh hùng. Trước hết, Từ Hải không quyến luyến, bịn rịn vì tình yêu mà quên lí tưởng cao cả. Khi Kiều ngỏ ý muốn đi theo, Từ Hải đã nói: “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?” (Nếu quyến luyến, chấp nhận cho Kiều đi theo, đó là thói thường nhi nữ). Tiếp theo là lời hứa hẹn, một lời hứa hẹn mang tầm cỡ của người anh hùng :

                       Bao giờ mười bạn tinh binh,

           Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

                       Làm cho rõ mặt phi thường

           Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

                   … Đành lòng chờ đó ít lâu, 

           Chây chăng là một năm sau Đội gì ?

   Hình ảnh không gian hoành tráng với “mười vạn tinh binh”, với “tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường” gợi lên khát vọng lớn lao, tầm vóc vũ trụ của người anh hùng xưa. Đây không phải là lời nói khoa trương mà là một lời nói có cơ sở của một con người tự tin vào tài năng và bản lĩnh của mình để có được một lời hứa ngắn gọn, dứt khoát, chắc nịch: “Chây chăng là một năm sau vội gì ?” Và sự thực đã chứng tỏ điều đó như truyện đã miêu tả sự trở về trong thắng lợi huy hoàng của Từ Hải.

3. Nêu nhận xét về đặc điểm của cách miêu tả (hiện thực hay lí tưởng hóa) người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích. Đây có phải là cách tả phổ biến của văn học trung đại không ?

   Cách tả người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích của Nguyễn Du nằm trong cách tả người anh hùng nói chung của văn học trung đại nhưng vẫn mang nét riêng của ngòi bút Nguyễn Du. Cách tả người anh hùng Từ Hải ở đây có hai đặc điểm : hình tượng có tính ước lệ và hình tượng con người vũ trụ. Tính ước lệ là một đặc trưng nổi bật của thi pháp văn học trung đại, đặc biệt trong việc tả người. Giai nhân (người đẹp) tả theo bút pháp ước lệ thì anh hùng cũng vậy. Ở một đoạn khác, Từ Hải được tả

                    Râu hùm, hàm én, mày ngài

             Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

là ước lệ. Ở đây cũng vậy. “Lòng bốn phương”, “mặt phi thường”, “cánh chim bằng”,…đều là ước lệ. Chỉ có điều, bút pháp ước lệ lại gắn bó chặt chẽ với cảm hứng vũ trụ để tôn cao, lí tưởng hóa vẻ đẹp của người anh hùng. “Lòng bốn phương” là khái niệm có nội hàm diễn tả lí tưởng con người có tầm vóc vũ trụ đồng thời lại mang tính ước lệ để nói lên con người có chí khí lớn lao. Hình tượng “trông vời trời bể mênh mang” vừa ước lệ (không tả cái nhìn cụ thể) lại vừa tạo nên ấn tượng về tầm vóc vũ trụ của Từ Hải. Các hình tượng khác như bốn bể, chim bằng, gió mây cũng vừa mang tính ước lệ vừa gợi lên tầm vóc vũ trụ của người anh hùng. Một loạt hình ảnh như vậy được tập trung trong một đoạn thơ ngắn đã khắc họa thành công và làm nổi bật chân dung người anh hùng Từ Hải với một vẻ đẹp lí tưởng. Điều đó nói lên sự trân trọng, kính phục và thái độ ngợi ca, khẳng định của Nguyễn Du đối với Từ Hải (Nguyễn Du đã có sự nhận thức lại nhân vật Từ Hải so với nhân vật Từ Hải trong Kim Vân Kiều truyện vốn chỉ là một con người tầm thường thành một nhân vật anh hùng lí tưởng trong Truyện Kiều của mình).

II. LUYỆN TẬP

Bài tập bổ sung:

   “Người anh hùng Từ Hải là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du về các phươngdiện cảm hứng sáng tạo và nghệ thuật miêu tả” (Ghi nhớ). Hãy làm sán g tỏ nhận định trên qua đoạn trích Chí khí anh hùng.

   Gợi ý : Các em dựa vào phần phân tích của bài học trên đây, suy nghĩ để làm bài tập này.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 30: Chí khí anh hùng
Đánh giá bài viết