Cần nắm được khái niệm về văn bản, các đặc điểm cơ bản của văn bản và các loại văn bản.

I. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM

1. Thí dụ: Câu tục ngữ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

– Bài ca dao Thân em như hạt mưa rào… hạt ra ruộng cày.

– Bài Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Các em trả lời 5 câu hỏi trong sách giáo khoa và rút ra những điểm sau đây:

Văn bản là sản phẩm được tạo ra trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, thường bao gồm nhiều câu và có những đặc điểm cơ bản sau đây:

– Mỗi văn bản tập trung nhất quán vào một chủ đề và triển khai chủ đề đó một cách trọn vẹn. 

– Các câu trong văn bản có sự liên kết chặt chẽ, đồng thời cả văn bản . . được xây dựng theo một kết cấu mạch lạc.

– Mỗi văn bản nhằm thực hiện một mục đích giao tiếp nhất định.

– Mỗi văn bản có dấu hiệu hình thức biểu hiện tính hoàn chỉnh về nội . dung: thường mở đầu bằng một nhan đề và có dấu hiệu kết thúc thích hợp với từng loại văn bản.

II. CÁC LOẠI VĂN BẢN

1. Nhận xét ba văn bản nêu ở mục I.1. trên đây, ta thấy:

– Văn bản 1 và 2 đề cập đến những vấn đề trong cuộc sống xã hội của con người, dùng từ ngữ thông thường trong đời sống nhưng là từ ngữ có hình ảnh, gợi cảm: đó là văn bản nghệ thuật.

– Văn bản 3 đề cập đến một vấn đề hệ trọng của quốc gia dân tộc, thể hiện trực tiếp bằng lí lẽ, lập luận; bên cạnh từ ngữ thông thường còn dùng nhiều từ ngữ thuộc lĩnh vực chính trị: đó là văn bản chính luận.

2. Ngoài hai loại văn bản trên đây, còn có nhiều loại văn bản khác như: “. thư, nhật kí; sách giáo khoa, tài liệu học tập, công trình nghiên cứu; đơn từ, biên bản, thông báo; bản tin, bài phóng sự, bài phỏng vấn,… Các văn bản đó đều được viết theo các phong cách ngôn ngữ khác nhau do phạm vi sử dụng, mục đích giao tiếp, lớp từ ngữ riêng, cách kết cấu và trình bày đều không giống nhau (các em có thể nêu một số văn bản để minh họa).

3. Từ những điều nhận xét trên đây, có thể rút ra kết luận về các văn bản như sau:

Ở mức độ khái quát nhất, người ta phân biệt các loại văn bản:

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (thư, nhật kí,…) .

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học (sách giáo khoa, tài liệu học tập, bài báo khoa học, luận văn, luận án,…).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính (đơn, biên bản, nghị quyết, luật,…).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận (bài bình luận, lời kêu gọi, bài hịch, tuyên ngôn,…).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí (bản tin, bài phóng sự, bài phỏng vấn,…).

– Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch,…).

III. THỰC HÀNH – LUYỆN TẬP 

  • Bài tập bổ sung

1. Đọc lại văn bản Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chứng minh rằng đây là một văn bản đã thể hiện đầy đủ và đẹp đẽ nhất các đặc điểm cơ bản của một văn bản.

2. Tìm thí dụ về các loại văn bản đã học (mỗi loại cho một thí dụ có xuất xứ rõ ràng).

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 2: Văn bản
Đánh giá bài viết