I. LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

1. Các thao tác lập luận đã học là chứng minh, giải thích, phân tích, so sánh, bác bỏ và bình luận.

Đặc trưng cơ bản của từng thao tác:

– Chứng minh: là dùng dẫn chúng để làm cho người ta tin.

– Giải thích: là dùng lí lẽ để cho người ta biết.

– Phân tích: là tách nhỏ thành bộ phận, chi tiết để làm cho người ta hiểu biết một cách cặn kẽ thấu đáo.

– So sánh: là làm cho người ta nhận rõ giá trị của sự vật, hiện tượng, tư tư cách đối chiếu với một sự vật, hiện tượng, tư tưởng khác.

– Bác bỏ: là nhằm phủ nhận.

– Bình luận: là thuyết phục người khác nghe theo sự đánh giá và bàn bạc của người viết, người nói.

2. Trong đoạn trích, tác giả sử dụng thao tác chứng minh là chủ yếu. Bằng thực tế lịch sử hơn 80 năm đô hộ nước ta, tác giả chứng minh thực dân Pháp đã phản bội, chà đạp lên những thành tựu về tư tưởng và văn minh nhân loại: độc lập, tự do, bình đẳng.

3. Viết một bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến về một vấn đề đang đặt ra trong đời sống văn hóa – tinh thần của con người.

Dàn bài Trang phục và văn hóa

a. Mở bài:

– Người xưa có câu: “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”.

– Trang phục là một người bạn đồng hành gắn bó với chúng ta. Chúng không chỉ để che chở, sưởi ấm mà còn thể hiện nhu cầu thẩm mĩ của mỗi cá nhân.

– Do đó, việc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với hoàn cảnh, thời tiết là quan trọng hơn hết.

b. Thân bài:

Ý nghĩa việc lựa chọn trang phục:

– Có thể nhận biết được nghề nghiệp, thị hiếu thẩm mĩ của mỗi người.

– Góp phần thể hiện nhân cách con người.

– Giúp ta tự tin và thành công hơn trong các cuộc giao tiếp.

* Nhận định về trang phục đẹp:

– Việc lựa chọn trang phục hết sức quan trọng.

– Trang phục đẹp là trang phục không cầu kì, tuy đơn giản nhưng màu sắc hài hoà, phù hợp với đối tượng, khung cảnh và tuỳ trường hợp giao tiếp.

– Trang phục thể hiện tính cách:

+ Trang phục đơn giản? Người giản dị, không cầu kì.

+ Trang phục hợp thời trang, có sự chăm chút? Người thích làm đẹp, quan tâm đến hình thức bên ngoài.

* Quan điểm về đồng phục học sinh: 

– Tôn thêm nét đẹp tuổi học trò, đảm bảo tính nghiêm túc, tránh được kiểu ăn mặc kệch cỡm, lố lăng không phù hợp với lứa tuổi ở trường học. .

– Xoá bỏ sự ngăn cách và mặc cảm về giàu nghèo giữa các học sinh trong cùng trường, cùng lớp.

– Học sinh xây dựng ý thức giữ gìn truyền thống, lòng tự hào về truyền thống nhà trường 

* Về đồng phục áo dài của nữ sinh:

– Thể hiện nét duyên dáng của nữ sinh. 

– Không gì đẹp mắt bằng hình ảnh khi mỗi sáng từng nhóm nữ sinh tung tăng với chiếc áo dài thướt tha đến trường. 

– Đem lại nét đẹp cho nữ sinh nhưng cũng tạo nên một số khó khăn trong các sinh hoạt tập thể.

* Khẳng định về trang phục đẹp:

– Trang phục đẹp không phải là trang phục đắt tiền, mà là phù hợp với lứa tuổi, tính cách của mỗi người.

– Tránh ăn mặc hở hang, chưng diện không phù hợp. 

– Chọn trang phục hài hòa, lịch sự, thể hiện tính cách riêng của mỗi người. 

– Trang phục trẻ trung, dễ thương có thể giúp bạn chống stress, giải tỏa căng thẳng mỗi khi cảm thấy mệt mỏi.

   Nói tóm lại, việc lựa chọn trang phục cho phù hợp lứa tuổi là điều mà mỗi học sinh chúng ta cần quan tâm đúng mức để làm nên cái đẹp cho cuộc sống.

c. Kết bài:

   Nói tóm lại, việc lựa chọn trang phục phù hợp, đẹp là điều mà chúng ta cần quan tâm để tô thêm nét đẹp văn hóa.

II. LUYỆN TẬP Ở NHÀ 

1. Sưu tầm những bài (đoạn) văn hay, trong đó tác giả sử dụng kết hợp thành công nhiều thao tác lập luận khác nhau.

   Bài viết tham khảo về Tinh thần tự học

   Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật phát triển thì việc học tập cũng phát triển theo. Chính vì vậy, giới học sinh chúng ta đã sáng tạo ra rất nhiều cách học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho bản thân. Nhưng theo tôi: trong học tập, tự học là cách học tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong khi học. Và khi nói đến vấn đề này, tôi muốn mọi người hiểu được trước nhất là ý nghĩa của việc học rồi mới đến cách tự học. Vậy học là gì? Tự học là gì?

   Học là quá trình con người tiếp thu những kiến thức, kĩ năng do người khác truyền lại và tự học là việc con người phát huy những kiến thức, kĩ năng đã được truyền lại bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình. Thực tế ngày nay cho thấy, các cách học của các bạn chưa mang lại hiệu quả cao. Học sinh ngày nay đã quá phụ thuộc vào các bài giảng của thầy cô trên lớp, thầy cô dạy như thế nào thì lại hiểu và học như thế ấy dẫn đến quá trình thụ động, thiếu suy nghĩ và sáng tạo trong lúc học để đào sâu kho tàng kiến thức còn ẩn sâu các bài giảng của thầy cô. Và cũng chính vì chỉ học cô đọng trong các bài giảng bốn mươi lăm phút trên lớp của thầy cô mà dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm tràn lan. Mà khi đã học thêm tràn lan thì lại càng khiến mọi người không chịu tự học, càng thêm phụ thuộc vào việc học thêm. Thêm việc ngày nay khi việc học được nâng cao thì có quá nhiều sách tham khảo, văn mẫu, hướng dẫn… dẫn đến việc học sinh lười suy nghĩ trong khi làm các bài tập.

   Hậu quả của những việc trên rất nặng nề vì như vậy sẽ dễ dẫn đến hiện tượng “học vẹt”: học thuộc bài nhưng không hiểu nội dung, vấn đề được nêu ra trong bài dẫn đến việc học xong là quên ngay, kiến thức không bền và sẽ không làm được các bài tập thực hành, chỉ học lí thuyết suông, kiến thức sẽ ngày càng rỗng, thành tích học tập sẽ càng sút kém khiến mọi người đâm nản chí. Một khi kiến thức đã trang bị không chắc . chăn thì kết quả sẽ không bao giờ cao. Chính những thực tế được nêu trên lại càng khẳng định việc tự học cho bản thân là rất quan trọng. Nó chính là một chiếc chìa khóa đưa ta đến kho tàng tri thức, là điều kiện giúp ta thành công trong học tập. Nếu chúng ta biết tự học cho bản thân thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công và nâng cao được tri thức của chính mình. Tự học giúp con người có được ý thức tốt nhất trong quá trình học: chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu và nắm được bản chất vấn đề từ đó tự học giúp ta tiếp thu được kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, từ truyền hình, từ bạn bè hoặc từ những người xung quanh, những kinh nghiệm sống của nhân dân. Tự học giúp ta có thể chủ động ghi nhớ các bài giảng trên lớp, tiết kiệm được thời gian, có thể tiếp thu một lượng kiến thức lớn mà vẫn hiểu và nắm chắc bài học. Và qua tự học, từ lí thuyết, chúng ta biết chủ động luyện tập thực hành, giúp ta có thể nhanh chóng hình thành kĩ năng, củng cố và nâng cao kiến thức đã học. Vì vậy, chủ động tự học sẽ giúp ta tìm ra được phương pháp học tốt nhất mang lại hiệu quả cao cho chính bản thân mình.

Ví như các vị danh nhân nổi tiếng trên thế giới thành đạt trong sự nghiệp học tập, có được kiến thức uyên thâm cũng là nhờ biết chủ động tự học mà dẫn đến thành công như thần đồng Lương Thế Vinh khi xưa, nhờ cố gắng chủ động tự học, cộng với phẩm chất thông minh trời ban mà sau đỗ trạng, chế ra bảng cửu chương còn lưu truyền mãi đến ngày nay. Hay trạng nguyên lừng danh Mạc Đĩnh Chi, lúc nhỏ, nhờ biết chủ động tự học, sáng tạo cách học bắt đom đóm bỏ vỏ trứng mà sau đỗ trạng, đi xứ làm rạng danh nước nhà, được phong “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” vang danh hai nước, ghi vào sử sách nhân loại về những tấm gương tự học sáng ngời. Tuy phương pháp tự học đã có từ lâu đời những đó là một phương pháp rất có hiệu quả cho việc học tập. Tôi khẳng định rằng tự học là chìa khóa, là con đường đưa ta đến thành công… Vị lãnh tụ vĩ đại ngày trước của dân tộc Việt Nam ta cũng đã từng nỗ lực tự học, Bác đã tự say mê tìm tòi học hỏi và đã thành công, thông thuộc được nhiều ngôn ngữ của các nước trên thế giới và tìm ra được con đường cứu nước, đưa cả dân tộc Việt Nam ra khỏi ách đô hộ của giặc ngoại xâm tàn ác, hướng đến nền độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc ngày nay.

   Chính vì vậy, tự học là cách tốt nhất giúp ta tiến bộ hơn trong học tập, mang lại một kết quả học tập cao nhất có thể. Nếu chúng ta biết nỗ lực tự học, chúng ta sẽ thành công, sẽ mở được một tương lai rộng mở cho chính mình. Nếu chúng ta học tập thành công, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước, đưa đất nước ngày càng đi lên, phát triển đến một tầm cao mới.

                                                                    (Nguồn: Những bài văn hay)

2. Viết một văn bản nghị luận ngắn, trong đó vận dụng kết hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau để trình bày quan điểm, ý kiến của anh (chị) về: .

a) Nét đặc sắc mà anh (chị) đã phát hiện từ một bài thơ (một thiên truyện, một kịch bản văn học).

Gợi ý:

– Khái quát về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

– Khái quát về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đó.

– Nét đặc sắc đó nằm ở phương diện nội dung hay nghệ thuật? Đó là nét đặc sắc gì?

– Đặc điểm đó đặc sắc ở điểm nào? (gợi một liên tưởng mới, mang một ý nghĩa mới, suy nghĩ mới,…). Cần lưu ý đặc điểm đó trong mối quan hệ với những kiến thức phổ | biến về tác phẩm để làm rõ nét đặc sắc, độc đáo.

– Giá trị của nét đặc sắc mà bản thân mới phát hiện (gợi những hướng khai thác mới về tác phẩm, góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm sâu sắc hơn,…).

b) Một tác phẩm văn học mới ra đời và đang được nhiều người quan tâm bàn luận.

Gợi ý:

– Đó là tác phẩm nào? Của ai?

– Khái quát những vấn đề về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đã được dư luận tiếp nhận, những ý kiến đánh giá của dư luận về tác phẩm.

– Những suy nghĩ, đánh giá của bản thân về tác phẩm. Đó có thể là một trong các nội dung sau đây:

+ Phân tích, cảm nhận về một nét hay của tác phẩm (về nội dung tư tưởng hoặc nghệ thuật).

+ Trao đổi về một ý kiến (đánh giá sai về tác phẩm). 

+ Trao đổi về một vấn đề nội dung tư tưởng mà tác phẩm đề cập đến nhưng bản thân còn thấy chưa thỏa đáng.

c) Một nội dung kiến thức ngữ văn cần được tìm hiểu sâu hơn, kĩ hơn.

Gợi ý:

– Đó là nội dung gì? Thuộc mảng kiến thức nào? (Văn học, làm văn, tiếng Việt)

– Khái quát về nội dung kiến thức của nội dung đó, những vấn đề còn tồn tại là gì? (Chỗ nào chưa được, chưa sâu, còn nhiều thắc mắc,…)

– Vai trò của việc làm rõ, tìm hiểu sâu nội dung ấy?

– Ý kiến đề xuất của bản thân là gì?

+ Đặt câu hỏi để người nghe góp ý giải quyết.

+ Nêu ý kiến mang tính giải pháp của bản thân.

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 14: Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận
Đánh giá bài viết