BÀI LÀM

Sau thời gian được sống vui vẻ, hạnh phúc cùng gia đình thì giờ đây là chuỗi ngày đau đớn nhất của cuộc đời Kiều. Kiều phải bán mình chuộc cha, làm trọn chữ hiếu”, chính vì thế mà cô bị Mã Giám Sinh lừa và đưa đến lầu xanh của Tú Bà. Kiều biết mình bị lừa gạt, đau đớn, uất ức; mặt khác Tú Bà sợ mình bị mất vốn bèn và chăm sóc Thúy Kiều và đưa nàng ra sống một mình tại lầu Ngưng Bích. Có thể nói hai mươi hai câu thơ trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là những “câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình”…

Trích đoạn nằm trong phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc, đoạn trích nằm giữa hai biến cố đau xót của cuộc đời Kiều đó là Kiều bị lừa bán vào lầu xanh và sau này, nàng bị gả cho một gã sở khanh và phải chấp nhận làm gái lầu xanh. Hoàn cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích đã tác động đến nỗi buồn sẵn có của nàng Kiều. Từ hồi ức của mình, nỗi buồn của Kiều cứ thế tràn ra, thấm đẫm vào cảnh vật. Đoạn thơ không chỉ thể hiện lòng xót thương của Nguyễn Du đối với kiếp người bạc mệnh mà còn cho thấy tài năng về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ độc thoại trong biểu hiện tâm trạng của Thúy Kiều. Cảnh không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Cảnh và tình thấm đượm vào nhau, qua cảnh để thấy được tâm trạng.

Sáu câu thơ đầu là hoàn cảnh cô đơn, cay đắng, xót xa, một không gian nghệ thuật và một tâm trạng đồng hiện. Lầu Ngưng Bích rất đẹp nhưng lại tù túng đối với Kiều.

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân, 
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông, 
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia. 
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng. 

Thiên nhiên rộng lớn, hoang vắng hiện ra trước mắt Kiều. Con người trong không gian ấy vốn đã nhỏ bé, cô độc nay lại càng thêm côi cút, lẻ loi. Kiều bị giam lỏng ở nơi đây, nàng không có lấy một chút tự do thực sự, nàng chỉ biết ngồi vò võ một mình với “mây sớm”, “đèn khuya”. Thiên nhiên tươi đẹp nhưng lòng Kiều buồn bã nên mọi thứ như trầm lắng xuống theo tâm trạng của nàng bởi:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

 Nàng trơ trọi giữa thời gian mênh mông, không gian hoang vắng trong hoàn cảnh tha hương, nay lại bị bán vào lầu xanh, tất cả như sụp đổ trước mắt nàng. Nàng nhìn trăng chỉ thấy vầng trăng đơn côi, nhìn mặt đất thì bên là cồn cát, bên là bụi hồng hoang vu,  vắng lặng. Lầu Ngưng Bích chỉ là một chấm nhỏ giữa thiên nhiên trơ trọi, mênh mang trời nước và dễ dàng bị xóa nhòa trước không gian ấy. Cảnh vật cứ luân chuyển vô tư theo quy luật của nó, không một nét thân mật, không một niềm an ủi. Trong cái không gian luẩn quẩn “mây sớm, đèn khuya” gợi vòng tuần hoàn khép kín của thời gian, cứ hết ngày đến đêm, hết đêm rồi lại đến ngày, tất cả như giam hãm tuổi xuân của Kiều, khi nó đang ở độ đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất cuộc đời thật quá bất công, bắt cô phải chôn vùi tuổi xuân trong nỗi cô đơn, buồn tủi, sự sống của Kiều bị những bàn tay tàn bạo bóp nghẹt. Khung cảnh bấy giờ khác hẳn với khung cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che” khi còn ở nhà. Giờ đây, nàng chỉ biết bầu bạn với mây, đèn, cảnh vật mênh mông, hoang vắng. Khung cảnh đó đã tác động đến Kiều, giờ đây nàng càng đau đớn, tủi nhục cho thân phận của mình. Chính trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, tâm trạng của Kiều chuyển từ buồn sang nhớ. Nỗi nhớ ấy được Nguyễn Du miêu tả bằng những lời độc thoại:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, 
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai. 

Trước tiên, nàng nhớ tới Kim Trọng, nhớ lời thề dưới trăng đêm tình tự “dưới nguyệt chén đồng”, nàng tưởng tượng Kim Trọng đang hướng về mình, thương nhớ người yêu đau khổ “rày trông mai chờ” uổng công vô ích khiến nàng thêm xót xa, thấp thỏm, lo âu. Các từ ngữ “tưởng”, “trông”, “chờ” trong ngôn ngữ độc thoại làm nổi bật lên nỗi nhớ Kim Trọng khôn nguôi của nàng. Kiều càng nhớ về lời thề đôi lứa, lời hẹn ước trăm năm lại càng thương cho Kim Trọng. Đối với nàng, Kim Trọng là người mất mát nhiều nhất, nỗi đau ấy cứ vò xé trong tâm can khiến Kiều luôn nghĩ đến chàng. Rồi nàng tự dằn vặt mình: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Dằn vặt bởi tấm lòng son sắt thủy chung của nàng với Kim Trọng vì gia biến mà không giữ trọn, hơn nữa tấm lòng son ấy giờ đã bị Tú Bà, Mã Giám Sinh làm hoen ố. Càng nghĩ, Kiều càng lo lắng, khiến nàng bật lên câu hỏi không biết trên đường đời trôi dạt bao giờ nàng mới có thể bù đắp lại được tình yêu mà Kim Trọng dành cho nàng.

Nhớ người yêu, Kiều cũng xót xa nghĩ đến cha mẹ mình. Kiều nhớ Kim Trọng là nhớ về quá khứ, nhớ về những kỉ niệm. Nhưng khi nhớ cha mẹ lại bao trùm lên là một nỗi xót xa vô bờ bến:

Xót người tựa cửa hôm mai, 
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ? 
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm. 

Nỗi nhớ cha mẹ của Kiều kéo dài theo năm tháng. Các từ ngữ chỉ thời gian xa cách: “hôm mai” “cách mấy nắng mưa” kết hợp với các thi liệu điển cố trong văn học Trung Hoa như “sân Lai”, “gốc tử” “quạt nồng ấp lạnh” đặc biệt là hình ảnh mẹ già “tựa cửa hôm mai”. Nàng lo lắng, xót xa khi nghĩ đến cảnh cha mẹ già tựa cửa trông con. Nàng lo lắng không biết giờ đây ai là người chăm sóc cha mẹ khi thời tiết đổi thay. Cha mẹ ngày càng già yếu nên nàng vô cùng day dứt, áy náy khi chưa làm tròn bổn phận của một người con đối với cha mẹ, tấm lòng hiếu thảo của Kiều hiện lên rõ rệt. Nguyễn Du đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại kết hợp hài hòa giữa phong cách cổ điển tạo nên những vần thơ giàu sức biểu cảm, nêu bật tâm trạng bị kịch, một cảnh ngộ đầy bi kịch của Kiều. Trong chia lìa, nàng vẫn dành cho người mình yêu bao thương nhớ, là một đứa con hiếu thảo, giàu đức hi sinh. Điều đáng nói là trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng vẫn quên mình để nghĩ đến người yêu, nghĩ đến cha mẹ. Và trong hoàn cảnh bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nàng còn bất lực trước số phận của mình. Vì thế, nàng lại càng buồn. Nỗi buồn ấy cứ thế trào dâng, lan tỏa vào thiên nhiên như từng đợt sóng. Mỗi đợt sóng buồn là một nỗi lo âu tạo thành điệp khúc:

Buồn trông cửa bế chiều hôm, 
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa, 
Hoa trôi man mác biết là về đâu? 
 Buồn trông nội cỏ rầu rầu, 
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. 

Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại bốn lần, đứng ở vị trí đầu câu sáu của mỗi cặp lục bát tạo âm hưởng trầm buồn, trở thành điệp khúc diễn tả nỗi buồn đang dâng lên lớp lớp trong lòng Kiều. “Buồn trông” là buồn mà nhìn ra xa, cũng là buồn mà trông ngóng một cái gì đó mơ hồ sẽ đến làm đổi thay tình trạng hiện tại. Nhìn “cửa bể chiều hôm” Kiều cảm thấy bơ vơ. Hình như nàng mong có một cánh buồm đến đưa nàng chạy trốn khỏi nỗi cô đơn, nhưng cánh buồm đó lại ở xa mãi không tới. “Nhìn ngọn nước mới sa”, Kiều xót xa cho duyên phận của mình. Rồi màu xanh của nội cỏ càng khiến cho nỗi buồn thêm mênh mang trong không gian. Để rồi cuối cùng, nỗi buồn ấy trở nên dữ tợn như một cơn sóng mạnh mẽ bủa vây xung quanh nàng khiến nàng vô cùng sợ hãi. Kiều dự cảm về cuộc sống bấp bênh với bao nhiêu tai họa đang đổ dồn vào nàng. Bức tranh về tâm trạng buồn rầu của Kiều thật sống động. Cảnh lầu Ngưng Bích được mô tả từ xa đến gần, từ nhạt đến đậm, từ tỉnh đến động. Tâm trạng buồn tủi của Kiều cứ mở rộng dần theo điệp từ “buồn trông” và cứ trở đi trở lại trong tâm trạng của nàng Kiều.

Như vậy, qua việc miêu tả khung cảnh thiên nhiên ở lầu Ngưng Bích, tác giả đã khắc họa thành công tâm trạng cô đơn, buồn tủi của Kiều, Nguyễn Du cũng đau thay nỗi đau của nàng, ông viết về Kiều từ trái tim rỉ máu của mình, một trái tim với lòng nhân đạo sâu sắc.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 17: Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du
Đánh giá bài viết