BÀI LÀM 

Mùa xuân là mùa đầu tiên của năm, mùa của tình yêu, mùa hạnh phúc. Vì thế, đã có nhất nhiều nhà thơ đã viết về mùa xuân và Nguyễn Du cũng là một trường hợp như thế. Trong “Cảnh ngày xuân” ông đã trình bày bối cảnh Thúy Kiều gặp nấm mộ Đạm Tiên và cuộc gặp gỡ với Kim Trọng.

Đoạn trích nằm ở phần đầu “Truyện Kiều” sau khi giới thiệu gia cảnh và tài sắc của chị em Thúy Kiều, gồm có 18 câu từ câu 39 đến câu 56. Đó là bức họa về cảnh sắc mùa xuân trong tiết thanh minh và cảnh du xuân của trai tài gái sắc. Ở đây vừa có vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa có vẻ đẹp của con người trong các hoạt động lễ – hội. Cái đẹp của thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau. Ở mỗi thời điểm, tác giả có một bút pháp riêng: vừa tả vừa gợi, tả cận cảnh, tả cảnh kết hợp với tâm trạng của nhân vật.

Bốn câu thơ đầu mở ra một không gian nghệ thuật hữu sắc, hữu hương, hữu tình, nên thơ.

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hai câu mở đầu vừa gợi không gian, vừa gợi thời gian nhưng không gian, thời gian ở đây không phải tĩnh mà đó là một không gian, thời gian sống động. Nhà thơ đã lựa chọn những chi tiết tiêu biểu mang nét đặc trưng của ngày xuân để khắc họa bức tranh ấy. Hình ảnh “chim én”, “thiều quang” báo hiệu mùa xuân tới, gợi sự ấm áp, dịu dàng, khẳng định mùa xuân đang ở độ đẹp nhất, chín nhất, sung mãn nhất. Thời gian trôi nhanh như cánh én đưa thoi, những cánh én chao liệng trên bầu trời gợi ra không gian thoáng đãng cũng gợi lên nhịp trôi chảy của thời gian, đồng thời bày tỏ muốn tiếc nuối thời gian trôi quá nhanh. Và có lẽ, đây là thời điểm mà cảnh vật đẹp nhất.

Hai gam màu chủ đạo được tác giả sử dụng để miêu tả thiên nhiên là màu xanh của cỏ và màu trắng của hoa lê. Từ “non” vừa bổ nghĩa cho từ “cỏ” ở phía trước lại vừa bổ nghĩa cho từ “xanh” ở sau gợi lên một màu xanh mềm mại, non tơ. Màu xanh ở đây kết thành hình khối, mở rộng trong không gian, cảnh xuân vì thế tràn đầy sức sống. Trên nền xanh ấy có điểm xuyết sắc trắng của một vài bông hoa trên cành lê. Nếu màu xanh gợi lên vẻ đẹp đầy sức sống thì sắc trắng của hoa lê gợi lên vẻ đẹp trong trẻo, tinh khiết. Cách thay đổi trật tự từ trong câu làm cho màu trắng hoa lê càng thêm sống động và nổi bật trên cái nền màu xanh bất tận của đất trời cuối xuân. Hai câu thơ này đã lấy ý từ hai câu thơ cổ Trung Quốc:

“Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa”            

Nhưng hai câu thơ cổ này chỉ nói đến hoa lê mà không hề tả màu sắc. Qua đây cho ta thấy sự sáng tạo của Nguyễn Du khi vận dụng những tứ thơ đã có sẵn.

Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, cây cối đâm chồi nảy lộc, tâm hồn con người phơi phới, đó cũng là mùa của lễ hội. Trong tiết Thanh minh đầy chất thơ ấy xuất hiện khung cảnh lễ hội tưng bừng, rộn rã. Một lễ hội có gần, có xa, có sự tham gia của rất nhiều người, nhất là nam thanh nữ tú:

Gần xa nô nức yến anh 
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân, 
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Cuộc du xuân là cuộc vui chơi trên đồng cỏ xanh của những trai tài gái sắc. Tác giả vừa sử dụng cách nói ẩn dụ, hoán dụ vừa sử dụng hàng loạt động từ, danh từ, tính từ làm cho không khí lễ hội sống động, có hồn, khung cảnh ấy đang diễn ra trên mọi miền đất nước. Dòng người trẩy hội tấp nập như ngựa xe, cuồn cuộn như nước, hồ hởi, giục giã. Trong đám tài tử giai nhân ấy có ba chị em Kiều cũng sắm sửa hòa nhập vào cái đẹp, cái tưng bừng của tuổi trẻ. Hình ảnh so sánh giản dị: “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” gợi tả không khí náo nức của lễ hội, từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân khoác lên mình những bộ quần áo đẹp đẽ, tươi thắm, họ như từng đàn én ríu rít bay về để cùng thưởng thức không khí lễ hội. Tác giả còn miêu tả một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, nét đẹp của văn hóa phương Đông:

Ngổn ngang gò đống kéo lên, 
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay. 

Nhịp thơ 2/4 và 4/4 có thoáng chút buồn. Đời sống tâm linh, phong tục dân gian cổ truyền trong lễ tảo mộ được Nguyễn Du nói đến với nhiều cảm thông, sẻ chia. Cõi âm và cõi dương, người đang sống và kẻ đã khuất, hiện tại và quá khứ cùng hiện lên. Ba chị em nhà Kiều không chỉ nguyện cầu cho những vong linh mà còn gửi gắm bao niềm tin, bao ước mơ về một tương lai được hạnh phúc. Dưới ngòi bút miêu tả tinh tế của nhà thơ, lễ và hội là một sự giao hòa độc đáo, chứng tỏ nhà thơ vẫn gìn giữ, trân trọng những truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Cuộc vui rồi cũng đến hồi kết thúc. Sáu câu thơ tiếp theo là cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về, đây là cảnh chiều xuân rất đẹp nhưng lại nhuốm màu tâm trạng.

Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

Nhịp thơ chậm rãi dường như mong muốn thời gian được kéo dài ra. Ở đây ta thấy bỗng có sự tiếc nuối tiếc nuối vì niềm vui đã qua đi, tâm trạng thơ thẩn. Dường như ra về với tâm trạng bị ép buộc, cưỡng ép, trở về là sự quay trở lại với cuộc sống đời thường.

Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh
 Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Các từ láy tượng thanh “nao nao”, “nho nhỏ”, “thanh thanh” gợi lên sự nhạt nhòa của cảnh vật. Cảnh mang nét dìu dịu của buổi chiều với nắng nhạt, khe nước nhỏ, nhịp cầu đều thấm buồn. Cảnh lúc này trái ngược hoàn toàn với khung cảnh tươi vui của buổi lễ hội. Cả một không gian êm đềm, vắng lặng, không gian thu hẹp lại, thời gian bỗng trôi chậm hơn. Thiên nhiên như quấn quýt lấy con người, gần gũi với con người, cảnh vật thiên nhiên buổi chiều đang đi vào lòng người với một cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến. Mọi chuyển động nhẹ nhàng đều thể hiện qua tâm trạng giai nhân đa sầu, đa cảm của Thúy Kiều. Và đúng như vậy, Thúy Kiều đã gặp nấm mộ của Đạm Tiên – một ca nhi tài sắc mà mệnh yểu và cả ngẫu nhiên gặp Kim Trọng như một định mệnh. Như vậy, ở sáu câu thơ cuối, cảnh và tình có sự tương hợp nhau, lòng người và cảnh vật như đang lắng đọng lại cùng nhau.

Tựu chung lại, trong đoạn trích này Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật tả cảnh đặc sắc, giàu hình tượng để miêu tả bức tranh ngày xuân trước thì đặc sắc, vui vẻ, náo nhiệt; sau thì ưu buồn, mang nặng nỗi lòng của con người. Đây là yếu tố tạo nên thành công của cả đoạn trích và của tên tuổi đại thi hào.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 16: Phân tích đoạn trích “Cảnh ngày xuân” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du
Đánh giá bài viết