BÀI LÀM 

Mối tình của Kiều và Kim Trọng đang nồng say thì bỗng cơn hoạn nạn xảy đến với gia đình Kiều. Cha của nàng bị vu oan, phải có tiền mới có thể giúp được cha mình. Từ đây, cuộc đời nàng là một chuỗi ngày đen tối. Lợi dụng tình cảnh đó, Mã Giám Sinh đến hỏi cưới Kiều là cái cớ để bán nàng vào lầu xanh. Đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” lột tả bộ mặt của tên buôn người và nỗi đau đớn ê chề của Kiều. Cuộc đời cô rơi vào bi kịch.

Mã Giám Sinh lấy cớ đến hỏi cưới Kiều nhưng thực chất đây lại là cuộc mua bán người. Kiều bị Mã Giám Sinh mua về để bán cho mẹ Tú Bà, đưa Kiều vào lầu xanh. Với ngòi bút sắc sảo của mình, Nguyễn Du đã lột tả bộ mặt bỉ ổi, tàn ác, ghê tởm của bọn buôn người.

Cuộc buôn bán ban đầu được dàn xếp thật chu đáo: một bà mối dẫn một chàng thư sinh Trường Quốc Tử Giám đến để hỏi cưới Kiều về làm vợ lẽ. Chàng thư sinh ấy ngay từ những giây phút đầu đã tạo ấn tượng không tốt đẹp gì. Cách giới thiệu có vẻ trang trọng nhưng câu trả lời lại hoàn toàn trái ngược:

Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Thanh Lâm cũng gần”.  

Câu trả lời cộc lốc, giới thiệu không rõ ràng, điều này không giống với một chàng thư sinh. Hắn chung lưng với mụ tú Bà mở lầu xanh nhưng lại nói dối là ở Lâm Thanh; hắn chỉ là một tên buôn người bán thịt nhưng mập mờ khoe hão là sinh viên trường Quốc Tử Giám. Nhân cách được che giấu đã dần hé lộ. Nguyễn Du đã dùng nét vẽ châm biếm để khắc họa vẻ bề ngoài của hắn: 

Quá niên trạc ngoại tứ tuần, 
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. 

Một con người chẳng còn trẻ trung, đã ngoài bốn mươi mà vẫn trai lơ “nhẵn nhụi” “bảnh bao”, hắn tỉa tót, chưng diện như trai tân, tưởng như lịch sự nhưng lại rất lố bịch. Trong xã hội phong kiến xưa thì tứ tuần là người trung niên, với độ tuổi như vậy mà vẫn còn là Nho sinh thì thật khiến cho người khác có cảm giác khó tin. Hơn nữa, sự chải chuốt quá đà về vẻ bên ngoài gợi ra hình ảnh của một con người không đúng đắn, cố tỏ ra là mình còn trẻ trung. Chỉ xét ở ngoại hình đã thấy được sự giả tạo ở con người này. Xưng hô có vẻ cũng tỏ ra lịch sự: “trước thầy sau tớ” nhưng hành động của hắn lại phản lại cái lịch sự mà hắn đang cố “diễn”: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” Ghế “trên” ở đây là ghế dành riêng cho chủ nhà, ghế của những người lớn tuổi, ấy thế mà hắn nhảy tót lên ngồi mà không biết trước sau, hắn tự cho rằng mình là người đến mua Kiều, mình có tiền nên được phép lộng quyền ở đây. Hắn và những người của hắn kéo đến “lao xao”, tưởng như đó là cái chợ muốn tới thì tới muốn lui thì lui. Trước hoàn cảnh ấy, Kiều vô cùng đau khổ:

Nỗi mình thêm tức nỗi nhà, 
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió e sương, 
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai. 

 Giờ đây trong lòng Kiều ngổn ngang những nỗi sầu. Bởi cuộc hôn nhân của nàng và tên Mã Giám Sinh hoàn toàn là cuộc mua bán, không hề có chút tình yêu nào. Mặt khác, hắn là người không hề tử tế, là một tên lưu manh. Nàng đi theo hắn thì cuộc đời nàng sẽ khổ đau. Nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, nếu nàng không theo hắn thì cha sẽ bị bắt oan, nàng đành gạt đi nỗi sầu của mình, hi sinh bản thân để cứu cha và em, Cứu nguy cho gia đình nàng. Dù trong hoàn cảnh nào, nàng vẫn luôn đề cao chữ hiếu lên trên hết. Mỗi bước chân nàng đi bỗng trở nên nặng nề, mỗi bước là một hàng lệ tuôn rơi, khung cảnh này thật chua xót làm sao. Hình ảnh của nàng gợi lên cho người đọc bao niềm thương cảm, xót xa.

Lúc này, dường như Kiều cũng đã có những dự cảm về cuộc đời của mình sau này, nàng lo sợ cho thân phận của mình, lòng thương mình bỗng trào lên như cơn bão, đó cũng là cơn bão táp của cuộc đời Kiều. Đây là cảm giác dễ hiểu bởi người con gái nào trong hoàn cảnh của Kiều cũng có tâm trạng như vậy. Cảm xúc không thể che giấu được nữa, nó thể hiện hết lên trên khuôn mặt nàng, khuôn mặt đẹp đẽ, kiêu sa là thế mà giờ chỉ toàn là màu của nước mắt. Nhưng dường như những kẻ buôn người kia không hề để ý đến tâm trạng của nàng, họ vẫn đang say mê cân tài, đọ sắc, mặc cả,… bản chất thật của họ giờ đã bộc lộ rõ nét. Nỗi đau từ đó nhân lên gấp bội.

Đắn đo cân sắc cân tài, 
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.
Mặn nồng một vẻ một ưa, 
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu. 

Hình ảnh của Kiều hiện lên thật đáng thương. Nàng bị bọn chúng “ép” chơi đàn, làm thơ để cho họ xem thử, nếu vừa ý thì chúng mới mua. Bỗng nhiên nàng lại thấy hận cái tài và cái sắc của mình, nếu không có hai thứ ấy chắc đời nàng đã không khổ đến thế. Một con người tài sắc, có tài năng trời phú như thế lại phải thể hiện cho những người đến mua mình xem, họ mua mình về cũng là để làm công cụ mua vui cho những kẻ có tiền khác. Nàng căm phẫn, uất hận. Mọi thứ không dừng lại ở đó, sau khi vừa lòng, chúng lại mặc cả:

Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm. 

Kiều còn không bằng những mớ rau ngoài chợ. Bọn buôn người kia thật bỉ ổi. Đến Kiều chúng còn “cò kè” ra giá. Điều đáng giá ngàn vàng cuối cùng chỉ còn được bốn trăm lạng, số phận con người bất hạnh hơn bao giờ hết.

Cảnh Mã Giám Sinh mua Kiều có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc. Trong xã hội tồn tại những bọn buôn người bán thịt. Tài sắc của người con gái như Thúy Kiều đã trở thành một món hàng để mua bán. Nhân phẩm của người phụ nữ bị chà đạp. Qua đó còn lên án đồng tiền hôi tanh, mặt trái của đồng tiền trong tay bọn bất lương, bọn buôn người, bán thịt. Nguyễn Du đã thể hiện lòng đồng cảm, thương xót cho số phận nàng Kiều: phải bán mình chuộc cha; thương tiếc tài sắc giai nhân bị vùi dập. Đoạn thơ là sự khởi đầu tiếng kêu thương của một kiếp đoạn trường.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 18: Phân tích đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” trích “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du
Đánh giá bài viết