Diện tích : 9629 nghìn km2

Dân số :    296,5 triệu người (năm 2005)

Thủ đô :     Oa-sin-tơn

I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Biết vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ Hoa Kì.

– Trình bày được đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và phân tích được những thuận lợi, khó khăn của chúng đối với sự phát triển kinh tế.

– Phân tích được các đặc điểm dân cư và ảnh hưởng của chúng tới kinh tế.

– Trình bày và giải thích được đặc điểm kinh tế – xã hội của Hoa Kì, vai trò của một số ngành kinh tế chủ chốt, sự chuyển dịch cơ cấu ngành và sự phân hóa lãnh thổ của nền kinh tế Hoa Kì.

– Ghi nhớ một số địa danh (dãy A-pa-lat, dãy Coóc-đi-e, sống Mi-xi-xi-pi, Hồ Lớn, thủ đô Oa-sin-tơn, Niu-Iooc, Xan Phran-xi-cô).

– Sử dụng bản đồ Hoa Kì để phân tích đặc điểm địa hình và sự phân bố khoáng sản, dân cư, các ngành kinh tế và các vùng kinh tế.

– Phân tích số liệu, tư liệu về đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế Hoa Kì, so sánh sự khác biệt giữa các vùng.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

TIẾT 1. TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

1. Lãnh thổ và vị trí địa lí

1.1. Lãnh thổ

– Gồm phần rộng lớn trung tâm Bắc Mĩ, bán đảo A-la-xca và quần đảo Ha-oai.

– Phần trung tâm rộng lớn (khoảng 8 triệu km2), có sự thay đổi rõ rệt từ ven biển vào nội địa, từ phía nam lên phía bắc.

1.2. Vị trí địa lí

   Nằm ở bán cầu Tây, giữa hai đại dương lớn (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương), tiếp giáp với Ca-na-đa và khu vực Mĩ Latinh.

2. Điều kiện tự nhiên

2.1. Phần lãnh thổ của Hoa Kì nằm ở trung tâm Bắc Mĩ phân hoá thành 3 vùng tự nhiên

– Vùng phía Tây (vùng Coóc-đi-e)

+ Gồm các dãy núi trẻ cao trung bình trên 2000m, chạy song song theo hướng bắc – nam, xen giữa là các bồn địa và cao nguyên có khí hậu hoang mạc và bán hoang mạc.

+ Tập trung nhiều kim loại màu (vàng, đồng, bôxit, chì), tài nguyên năng lượng phong phú, diện tích rừng tương đối lớn.

+ Ven Thái Bình Dương có một số đồng bằng nhỏ, đất tốt, khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới hải dương.

– Vùng phía Đông

+ Dãy A-pa-lat cao trung bình 1000m – 1500m, sườn thoải, nhiều thung lũng rộng cắt ngang, giao thông tiện lợi. Khoáng sản chủ yếu: than đá, quặng sắt với trữ lượng lớn, lộ thiên. Nguồn thuỷ năng phong phú. Khí hậu ôn đới, có lượng mưa tương đối lớn.

+ Các đồng bằng phù sa ven Đại Tây Dương: diện tích tương đối lớn, đất phì nhiêu, khí hậu mang tính chất ôn đới hải dương và cận nhiệt đới.

– Vùng Trung tâm

+ Gồm các bang nằm giữa dãy núi A-pa-lat và Rốc-ki.

+ Phần phía tây và phía bắc có địa hình đồi gò thấp, bao phủ bởi các đồng cỏ rộng mênh mông, thuận lợi phát triển chăn nuôi. Phần phía nam là đồng bằng phù sa màu mỡ và rộng lớn, thuận lợi cho trồng trọt.

+ Khoáng sản có nhiều loại với trữ lượng lớn: than đá, quặng sắt, dầu mỏ, khí tự nhiên.

+ Khí hậu: phía bắc có khí hậu ôn đới, phía nam có khí hậu cận nhiệt và nhiệt đới.

2.2. A-la-xca và Ha-oai

– A-la-xca là bán đảo rộng lớn, nằm ở tây bắc của Mĩ, địa hình chủ yếu là đồi núi. Tài nguyên: có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên lớn.

– Ha-oai là quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương, có tiềm năng rất lớn về hải sản và du lịch.

3. Dân cư

3.1. Gia tăng dân số

– Số dân đứng thứ ba thế giới.

– Dân số tăng nhanh, do nhập cư. Người nhập cư đem lại nguồn tri thức, vốn và lực lượng lao động lớn, khỏi phải mất chi phí đầu tư ban đầu.

3.2. Thành phần dân cư

– Đa dạng: 83% dân số có nguồn gốc châu Âu, người châu Phi có khoảng 33 triệu. Dân cư có nguồn gốc châu Á và Mỹ La tinh gần đây tăng mạnh. Dân Anh điêng (bản địa chỉ còn khoảng hơn 3 triệu người.

3.3. Phân bố dân cư

– Dân nhập cư phân bố ở nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, người Anh điêng bị dồn vào sinh sống ở vùng núi đồi hiểm trở phía tây.

– Mật độ dân số trung bình là 31 người/km2 (năm 2005). Dân cư tập trung nhiều ở vùng ven biển, đặc biệt ven Đại Tây Dương.

– Dân cư có xu hướng di chuyển từ các bang vùng Đông Bắc đến các bang phía Nam và ven bờ Thái Bình Dương.

– Dân cư chủ yếu sống ở các thành phố. Tỉ lệ thị dân lớn (79% – 2004). Chủ yếu là các thành phố vừa và nhỏ dưới 500.000 dân (chiếm 91,8%).

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Quy mô nền kinh tế

   Nền kinh tế Hoa Kì đứng đầu thế giới, GDP của Hoa Kì năm 2004 là 11667,5 tỉ USD.

2. Các ngành kinh tế

1.1. Dịch vụ

Phát triển mạnh tỉ trọng trong GDP năm 2004 là 79,4%).

a) Ngoại thương: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn, chiếm khoảng 12% tổng giá trị ngoại thương thế giới. Giá trị nhập siêu ngày càng lớn.

b) Giao thông vận tải: Hệ thống các loại đường và phương tiện vận tải hiện đại nhất thế giới. Số sân bay nhiều nhất thế giới. Đường sắt và đường ô tô đều phát triển. Vận tải đường biển và đường ống cũng rất phát triển.

c) Các ngành tài chính, thông tin liên lạc, du lịch:

+ Hoa Kì có hơn 600 nghìn tổ chức ngân hàng, tài chính hoạt động thu hút khoảng 7 triệu lao động. Ngành ngân hàng và tài chính hoạt động khắp thế giới.

– Thông tin liên lạc rất hiện đại, các vệ tinh và hệ thống định vị toàn cầu cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhiều nước trên thế giới.

– Ngành du lịch phát triển mạnh. Doanh thu du lịch đạt giá trị cao (74,5 tỉ năm 2004).

1.2. Công nghiệp

– Là ngành tạo nguồn hàng xuất khẩu chủ yếu cho Hoa Kì.

– Có 3 nhóm ngành:

+ Công nghiệp chế biến: chiếm 84,2% giá trị hàng xuất khẩu và thu hút trên 40 triệu lao động.

+ Công nghiệp điện lực: nhiệt điện, điện nguyên tử, thuỷ điện và cả điện địa nhiệt, điện từ gió, điện mặt trời…..

+ Công nghiệp khai khoáng: đứng đầu thế giới về khai thác phốt phát, molipden; thứ hai thế giới về vàng, bạc, đồng, chì, than đá và thứ ba về dầu mỏ.

– Cơ cấu giá trị sản lượng giữa các ngành có thay đổi: giảm tỉ trọng của các ngành công nghiệp luyện kim, dệt, gia công, đồ nhựa,… tăng tỉ trọng của các ngành công nghiệp hàng không – vũ trụ, điện tử….

– Phân bố:

+ Trước đây, chủ yếu tập trung ở vùng Đông Bắc với các ngành truyền thống như luyện kim, chế tạo ô tô, đóng tàu, hoá chất, dệt…

+ Hiện nay, mở rộng xuống vùng phía Nam và ven Thái Bình Dương, phát triển mạnh các ngành công nghiệp hiện đại như: hoá dầu, hàng không – vũ trụ, công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử – Viễn thông. 

1.3. Nông nghiệp

– Nền nông nghiệp đứng đầu thế giới. Giá trị nông nghiệp chiếm 0,9% GDP (2004).

– Cơ cấu có sự chuyển dịch: giảm tỉ trọng hoạt động thuần nông, tăng tỉ trọng dịch vụ nông nghiệp.

– Phân bố: theo hướng đa dạng hóa nông sản trên cùng một lãnh thổ.

– Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu: trang trại.

– Nông nghiệp hàng hoá được hình thành sớm và phát triển mạnh. Các khu vực chủ yếu sản xuất nông sản hàng hoá là miền Nam (bông, mía, lúa gạo, thuốc lá, đỗ tương…), phía nam Ngũ Hồ (lúa mì, ngô, chăn nuôi bò, củ cải đường,…)

– Xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu: lúa mì, ngô, đậu tương,…

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

TIẾT 1. TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

1. Hãy cho biết vị trí địa lí của Hoa Kì có thuận lợi gì cho phát triển kinh tế.

– Phần lớn lãnh thổ nằm trong khu vực có khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt.

– Nằm cách châu Âu bởi Đại Tây Dương, cách châu Á bởi Thái Bình Dương, nên hầu như không bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh thế giới.

– Tiếp giáp với Ca-na-đa và khu vực Mĩ Latinh, gần với nguồn nguyên liệu phong phú và giàu có, đồng thời là thị trường tiêu thụ rộng lớn.

2. Dựa vào bảng 6.2, nêu những biểu hiện của xu hướng già hóa dân số của Hoa Kì.

– Tuổi thọ trung bình tăng.

– Tỉ lệ nhóm tuổi dưới 15 tuổi giảm, nhóm trên 65 tuổi tăng.

3. Quan sát hình 6.3, hãy nhận xét sự phân bố dân cư của Hoa Kì.

Dân cư phân bố không đều.

– Các bang ven Đại Tây Dương, Thái Bình Dương có mật độ dân số cao (đây là những nơi có khí hậu thuận lợi, giàu tài nguyên); vùng Đông Bắc là nơi dân cư tập trung đông đúc nhất (ngoài những thuận lợi về khí hậu và tài nguyên, nơi đây có lịch sử khai thác sớm nhất và kinh tế phát triển nhất Hoa Kì).

– Vùng núi phía tây là nơi dân cư thưa thớt nhất. Đây là nơi sản xuất gặp nhiều khó khăn, giao thông chưa phát triển.

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Dựa vào bảng 6.3, hãy so sánh GDP của Hoa Kì với thế giới và một số châu lục.

   GDP của Hoa Kì chiếm 28,5% của thế giới, cao gấp 14,8 lần của châu Phi, lớn hơn của châu Á.

2. Dựa vào hình 6.6, hãy trình bày sự phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp chính của Hoa Kì.

– Vùng lâm nghiệp tập trung ở phía tây và một số nơi ở đóng nam.

– Vùng trồng lúa mì, ngô, củ cải đường và chăn nuôi bò, lợn tập trung ở trung tâm, phía bắc.

– Vùng trồng lúa gạo và cây ăn quả nhiệt đới ở trung tâm, phía nam; Ca-li-phooc-ni-a, duyên hải phía nam, sát vịnh Mê-hi-cô.

– Vùng trồng cây ăn quả và rau xanh ở Ngũ Hồ và ở đông bắc, ở duyên hải phía đông xung quanh thủ đô Oa-sinh-ton và phía đông Việc-gi-ni-a, Ca-rô-li-na bắc.

– Vùng trồng lúa mì và chăn nuôi bò ở phía đông.

   Nhìn chung, các vùng nông nghiệp của Hoa Kì thường có quy mô lớn, tập trung thành những vành đai phù hợp với điều kiện sinh thái của cây trồng và vật nuôi:

– Phía Bắc là các nông sản ôn đới, phía Nam là các nông sản cận nhiệt đới.

– Phía Đông là các nông sản ưa ẩm, phía Tây là loại nông sản chịu hạn.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

TIẾT 1. TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ.

1. Phân tích những thuận lợi của vị trí địa lí và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển nông nghiệp, công nghiệp ở Hoa Kì.

a) Vị trí địa lí

– Nằm ở bán cầu Tây, giữa hai đại dương lớn (Đại Tây Dương và Thái Bình Dương), tiếp giáp với Ca-na-đa và khu vực Mĩ Latinh.

– Thuận lợi : ít bị ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh thế giới trước đây, khả năng mở rộng thị trường thuận lợi, có khả năng phát triển kinh tế biển,…

b) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

– Vùng phía Tây (vùng Coóc-đi-e)

+ Gồm các dãy núi trẻ cao trung bình trên 2000m, chạy song song theo hướng bắc – nam, xen giữa là các bồn địa và cao nguyên có khí hậu hoang mạc và bán hoang mạc. Đây là nơi tập trung nhiều kim loại màu (vàng, đồng, bôxit, chì). Tài nguyên năng lượng phong phú. Diện tích rừng tương đối lớn.

+ Ven Thái Bình Dương có một số đồng bằng nhỏ, đất tốt, khí hậu cận nhiệt đới và ôn đới hải dương.

– Vùng phía Đông

+ Dãy A-pa-lat cao trung bình 1000m – 1500m, sườn thoải, nhiều thung lũng rộng cắt ngang, giao thông tiện lợi. Khoáng sản chủ yếu: than đá, quặng sắt với trữ lượng lớn, lộ thiên. Nguồn thuỷ năng phong phú. Khí hậu ôn đới, có lượng mưa tương đối lớn.

+ Các đồng bằng phù sa ven Đại Tây Dương: diện tích tương đối lớn, đất phì nhiêu, khí hậu mang tính chất ôn đới hải dương và cận nhiệt đới.

– Vùng Trung tâm

+ Gồm các bang nằm giữa dãy núi A-pa-lat và Rốc-ki.

+ Phần phía tây và phía bắc có địa hình đồi gò thấp, bao phủ bởi các đồng cỏ rộng mênh mông, thuận lợi phát triển chăn nuôi. Phần phía nam là đồng bằng phù sa màu mỡ và rộng lớn, thuận lợi cho trồng trọt.

+ Khoáng sản có nhiều loại với trữ lượng lớn: than đá, quặng sắt, dầu mỏ, khí tự nhiên.

+ Khí hậu: phía bắc có khí hậu ôn đới, phía nam có khí hậu cận nhiệt và nhiệt đới.

– A-la-xca và Ha-oai

+ A-la-xca là bán đảo rộng lớn, nằm ở tây bắc của Mĩ, địa hình chủ yếu là đồi núi. Tài nguyên: có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên lớn.

+ Ha-oai là quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương, có tiềm năng rất lớn về hải sản và du lịch,

* Tài nguyên thiên nhiên

– Có nhiều loại tài nguyên với trữ lượng hàng đầu thế giới (sắt, đồng, thiếc, chì, phốt phát, than đá, đất nông nghiệp, rừng).

– Đường bờ biển dài, hồ lớn (Ngũ Hồ). Sông ngòi có giá trị lớn về thủy năng, giao thông và cung cấp nước.

2. Dựa vào bảng 6.1, hãy vẽ biểu đồ thể hiện số dân Hoa Kì qua các năm. Giải thích nguyên nhân và phân tích ảnh hưởng của sự gia tăng dân số đối với phát triển kinh tế.

– Gợi ý vẽ biểu đồ: biểu đồ cột, thể hiện giá trị tuyệt đối.

– Nguyên nhân: chủ yếu do nhập cư.

– Dân số tăng nhanh, đặc biệt tăng nhanh trong suốt thế kỉ XIX; hiện nay, Hoa Kì có số dân đứng thứ ba thế giới. Dân số tăng nhanh cung cấp nguồn lao động dồi dào, đặc biệt nguồn lao động được bổ sung nhờ nhập cư nên ít mất chi phí đầu tư ban đầu, nhưng đem lại nguồn lợi lớn về tri thức, vốn và sức lao động.

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Dựa vào bảng 6.3, vẽ biểu đồ so sánh GDP của Hoa Kì với thế giới và một số châu lục.

   Gợi ý: Vẽ biểu đồ tròn. Chuyển bảng số liệu tuyệt đối sang bảng tương đối (%), toàn thế giới là 100%.

2. Nhận xét xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp và giải thích nguyên nhân.

– Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp: cơ cấu giá trị sản lượng giữa các ngành có thay đổi: giảm tỉ trọng của các ngành công nghiệp luyện kim, dệt, gia công, đồ nhựa,… tăng tỉ trọng của các ngành công nghiệp hàng không – vũ trụ, điện tử…

– Nguyên nhân:

+ Các ngành công nghiệp truyền thống (luyện kim, dệt, may mặc…) bị thu hẹp vì các ngành này đòi hỏi nhiều nhân công và bị cạnh tranh bởi các nước đang phát triển.

+ Hoa Kì đã đạt được nhiều thành tựu về vật liệu mới, công nghệ thông tin nên đã đầu tư phát triển nhiều ngành hiện đại như điện tử, hàng không, vũ trụ, hóa chất, viễn thông…. 

3. Trình bày những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phân hóa lãnh thổ sản xuất nông nghiệp của Hoa Kì?

– Do tự nhiên của Hoa Kì phân hóa đa dạng, tạo ra các điều kiện sinh thái phù hợp cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi. (Ví dụ: ở phía Bắc là các nông sản ôn đới, ở phía Nam là các nông sản cận nhiệt đới, ở phía Đông là các nông sản ưa ẩm, ở phía Tây là loại nông sản chịu hạn).

– Thị trường rộng lớn của nông nghiệp Hoa Kì.

– Hình thức tổ chức sản xuất trang trại với diện tích lớn, tạo ra nhiều sản phẩm theo mùa vụ trên cùng một lãnh thổ.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

TIẾT 1. TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

1. Ngoài phần lãnh thổ có diện tích rộng hơn 8 triệu km2, Hoa Kì còn bao gồm cả:

A. Bán đảo A-la-xca.                               B. Quần đảo Ha-oai.

C. Bán đảo Ca-li-phoóc-ni-a.                  D. A + B đúng.

2. Điểm nào sau đây không đúng với lãnh thổ vùng phía Tây Hoa Kì?

A. Nguồn thuỷ năng nhỏ.                     B. Diện tích rừng lớn.

C. Đồng bằng nhỏ phì nhiêu.               D. Kim loại màu nhiều.

3. Vùng phía Đông Hoa Kì không có:

A. Quặng sắt, than đá.

B. Các đồng cỏ rộng mênh mông.

C. Đồng bằng phù sa rộng, đất phì nhiêu.

D. Khí hậu ôn đới hải dương.

4. Đặc điểm nào sau đây không đúng với tài nguyên đất nông nghiệp của Hoa Kì?

A. Đất canh tác chiếm 43,5% diện tích đất nông nghiệp.

B. Bình quân đất nông nghiệp đầu người đạt 1,48 ha.

C. Phân bố tập trung chủ yếu ở duyên hải.

D. Đất màu mỡ, diện tích lớn.

5. Hạn chế chủ yếu của tự nhiên Hoa Kì là:

A. Nhiều thiên tai (lũ lụt, bão,..).

B.  Duyên hải phía đông Coóc-đi-e khô hạn.

C. Khoáng sản tập trung ở những nơi khó khai thác.

D. Câu A + B đúng.

6. Điểm nào sau đây không đúng với sự thay đổi đặc điểm dân số Hoa Kỳ từ năm 1950 đến 2002?

A. Nhóm dân cư đới 15 tuổi giảm.

B. Nhóm dân cư trên 65 tuổi tăng.

C. Tỉ lệ gia tăng tự nhiên tăng.

D. Tuổi thọ trung bình tăng.

7. Sự đa dạng về thành phần dân cư của Hoa Kì thể hiện ở:

A. Có cả người Anh điêng và người gốc Mĩ Latinh.

B. Có cả người gốc Âu, Á, Phi và Mĩ Latinh.

C. Có cả 3 chủng tộc Môn-gô-lô-it, a-rô-nê-ô-it, Nê-prô-it.

D. Có cả người da trắng, da đen, da màu.

8. Thành phần dân cư có số lượng đứng thứ hai ở Hoa Kì là:

A. Người da đen.                                    A. Người Anh điêng.

C. Người da màu.                                   D. Người da trắng.

9. Dân cư Hoa Kì tập trung với mật độ cao ở:

A. Ven Thái Bình Dương.

B. Ven vịnh Mê-hi-cô.

C. Ven Đại Tây Dương.

D. Câu A + C đúng.

TIẾT 2. KINH TẾ

1. Sự phát triển kinh tế của Hoa Kì phụ thuộc rất lớn vào:

A. Mức độ tiêu thụ hàng hoá.

B. Mức độ sử dụng dịch vụ trong nước.

C. Mối quan hệ cung cầu.

D. Câu A + B đúng.

2. Đặc điểm nào sau đây không đặc trưng cho nền kinh tế Hoa Kì?

A. Nền kinh tế thị trường điển hình.

B. Nền kinh tế có tính chuyên môn hoá cao.

C. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất, nhập khẩu.

D. Nền kinh tế có quy mô lớn.

3. Vùng Đông Bắc của Hoa Kỳ là nơi tập trung các ngành sản xuất chủ yếu:

A. Luyện kim, chế tạo ô tô.                        B. Đóng tàu, dệt.

C. Hoá dầu, hàng không vũ trụ.                D. Câu A + B đúng.

4. Cơ cấu công nghiệp thay đổi nhanh với sự tăng mạnh của các ngành:

A. Dệt, gia công đồ nhựa.

B. Hàng không, vũ trụ.

C. Điện tử, thông tin.

D. Câu B + C đúng.

TIẾT 3. THỰC HÀNH
TÌM HIỂU SỰ PHÂN HÓA LÃNH THỔ SẢN XUẤT CỦA HOA KÌ

I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Kiến thức: Xác định được sự phân hoá lãnh thổ trong nông nghiệp và công nghiệp của Hoa Kỳ và những nhân tố ảnh hưởng đến sự phân hoá đó.

– Kĩ năng: Rèn luyện được kĩ năng phân tích bản đồ, thu thập, chọn lọc thông tin và phân tích các mối liên hệ địa lí.

II. GỢI Ý NỘI DUNG THỰC HÀNH

1. Phân hoá lãnh thổ nông nghiệp

   Quan sát hình 6.6, SGK (Phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp chính của Hoa Kì) thấy rõ tình hình phân hoá lãnh thổ nông nghiệp của Hoa Kì hiện nay:

2. Phân hoá lãnh thổ công nghiệp

   Quan sát 6.7, SGK (Các trung tâm công nghiệp chính của Hoa Kì) cho thấy rõ tình hình phân hoá lãnh thổ công nghiệp của Hoa Kì hiện nay.

ĐÁP ÁN CÂU TRẮC NGHIỆM

Tiết 1.Tự nhiên và dân cư

Câu 1D, Câu 2A, Câu 3B, Câu 4C, Câu 5D, Câu 6C, Câu 7C, Câu 8A, Câu 9C.

Tiết 2. Kinh tế

Câu 1D, Câu 2C, Câu 3D, Câu 4D.

Nguồn website giaibai5s.com

B. Địa lí khu vực và quốc gia-Bài 6. Hợp chủng quốc Hoa Kì
Đánh giá bài viết