HƯỚNG DẪN 

I. MẢNG THƠ TỰ TRÀO CỦA NGUYỄN KHUYẾN

Nguyễn Khuyến không chỉ làm thơ châm biếm nhằm vào các đối tượng khác mà ông còn làm thơ tự giễu mình. Ngoài những bài thơ đưa bản thân mình ra giễu trực liếp như Tự trào, Than nghèo, Tự giễu mình... thì sắc thái giễu còn xuất hiện rải rác trong nhiều tác phẩm khác của mảng thơ trào phúng. Mảng thơ này vừa có giá trị tố cáo xã hội mạnh mẽ lại vừa thể hiện ý thức của nhà thơ về bản thân mình và nền Nho học nước nhà trong bước ngoặt lịch sử đặc biệt. Những bài thơ hay nhất của mảng thơ này cho chúng ta thấy hình ảnh một vị Tam nguyên khi là một vai chèo mua vui, khi là ông say rượu, ông già mù, anh giả điếc, phỗng đá… Nói chung đó là hình ảnh của những con người không tỉnh, không muốn biết gì về thời cuộc. Có người cho rằng Nguyễn Khuyến tỉnh táo nhất, vì tỉnh táo nhất mới thấm thía sâu sắc bi kịch của chính mình. Thơ tự trào của Nguyễn Khuyến bài nào cũng để lại cái dư vị xót xa, chua chát. Cái giày vò, dằn vặt ông trong những bài thơ này là mặc cảm của một người bỏ cuộc, chạy trốn khi mọi việc đang dang dở (Cờ đang dở cuộc, không còn nước – Bạc chửa thâu canh đã chạy làng). Ông chọn một lối sống như những nhà Nho khí tiết xưa đã chọn, đành sống làm kẻ điếc, mù giữa cuộc đời, tìm chỗ ẩn mình, hoà vào thiên nhiên dân dã… 

Tiến sĩ giấy là bài II trong chùm thơ hai bài Vịnh tiến sĩ giấy nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Trong khi Tú Xương cay cú bảy lần nỗi hỏng thi thì Nguyễn Khuyến là người đứng trên đỉnh cao vinh quang của sự học, vậy mà viết về đề tài này, không chỉ thơ Tú Xương mà thơ Nguyễn Khuyến cũng mang mùi vị chua chát lành sao. Bài thơ mượn hình ảnh vị tiến sĩ làm bằng giấy (đồ chơi) để giễu đời và tự giễu mình.

II. BÀI THƠ TIẾN SĨ GIẤY

– Hai câu đề: Đối tượng của bài thơ là ông tiến sĩ được làm bằng giấy cho trẻ con chơi. Quan sát thật kĩ ông tiến sĩ giấy, Nguyễn Khuyến đã vẽ lại hình ảnh ông bằng bút pháp tả thực: có cờ, biển, cân đai, cũng vinh dự được gọi là ông nghè. Rõ ràng đang vịnh ông tiến sĩ giấy mà sao giọng điệu lại xót xa đến vậy! Hàng loạt từ cũng vừa giống như là sự liệt kê lại vừa nhấn mạnh thái độ mỉa mai của Nguyễn Khuyến với những thứ đáng lẽ là thiêng liêng, trân trọng (Trong bài Di chúc, ông viết những dòng đầy trân trọng về những thứ vua ban khi về vinh quy bái tổ: Cờ, biển vua ban thuở trước – Khi đưa thầy con rước đầu tiên).

– Hai câu thực: Hai câu 3, 4 sử dụng nghệ thuật đối rất tài tình để miêu tả hình thức của ông tiến sĩ đồ chơi: mảnh giấy (đồ rẻ rúng) – thân giáp bảng (cao sang); Nét Son (sự tô vẽ giả tạo bên ngoài) – mặt văn khôi (vẻ đẹp trí tuệ). Nghệ thuật đối đã khai thác triệt để ý nghĩa của từng chữ trong hai câu thơ. Thật nhạy cảm, quan sát tỉ mỉ và khéo léo chọn chi tiết miêu tả, Nguyễn Khuyến đã thể hiện rõ thái độ xem thường của mình với một học vị được xem là cao nhất trong nền thi cử Hán học.

– Hai câu luận: Từ tả thực, nhà thơ trình bày một cách trực tiếp suy ngẫm của mình về ông tiến sĩ giấy, về áo xiếm khoa danh ở đời. Vì là mảnh giấy nên nhẹ; vì là đồ chơi rẻ rúng nên hời. Ai đã từng học hành thi cử và đỗ đạt, khi đọc những câu thơ này quả thực không khỏi xót xa. Nguyễn Khuyến có biệt tài dùng cách bông lơn, đùa cợt để thể hiện những suy ngẫm sâu sắc về đời.

– Hai câu kết: Hai câu kết là hai câu hạ màn thật bất ngờ, hình ảnh uy nghi, sang trọng của các ông Nghè dâu còn nữa, thay vào đó là hình ảnh:

Ghế tréo, long xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!         

Ghế tréo, lọng xanh (oai vệ, sang trọng, đặt bên cạnh ngồi bảnh chọe (kiểu ngồi cố tỏ ra vai vế) đã làm mất đi tính chất trang trọng của ông Nghè. Câu thơ cuối có hai lớp nghĩa: 1 – Ông nghè giấy giống như thật nhưng lại là đồ chơi; 2- Tất cả đồ thật hoá ra toàn là đồ chơi. Câu thơ là sự khái quát sâu sắc: tất cả các ông nghè đang ngồi chễm chệ trên ghế tréo, long xanh đều là đồ chơi, trong đó có cả chính mình.

Tiến sĩ là người có học vị cao nhất nhờ thi cử chọn người tài mới có. Nguyễn Khuyến đang ở vị trí vinh quang ấy, vậy mà khi đang đứng ở tột đỉnh vinh quang ông lại cho rằng cái danh ấy là vô vị. Bài thơ đã vẽ ra một hình ảnh thảm hại cho nền học vấn Nho giáo đương thời.

Giá trị phê phán của bài thơ càng sâu sắc hơn khi hình thức phê phán ấy là tự trào, đưa mình ra để cười, từ cười mình đến cười đời. Chỉ có người trong cuộc mới có cái nhìn thấm thía như vậy về cánh ghế tréo, lọng xanh. Bài thơ hướng tới nhiều đối tượng: 1. Ông tiến sĩ là đồ chơi giấy cho trẻ con. 2. Những tiến sĩ mang danh khoa hàng mà trống rỗng. 3. Tình cảnh éo le, trớ trêu của chính nhà thơ – một vị Tam nguyên trong thời đại trắng đen lẫn lộn.

Trong chùm bài Vịnh tiến sĩ giấy thì bài II hay hơn và sắc thái tự trào rõ nét hơn. Ở bài 1, Nguyễn Khuyến cũng có chút xót xa khi nhìn ông tiến sĩ giấy:

Rõ chú hoa man khéo và trò
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.

Từ hiện tượng thật, tiến sĩ giấy chỉ là một thứ đồ chơi cho trẻ con vậy mà cụ Tam Nguyên cảm thấy xót xa như bỡn chính mình. Trong bài 1, ông có ý thức phân biệt rất rõ tiến sĩ giấy đồ chơi và bản thân mình, một tiến sĩ đương triều. Một bên là đồ giấy má đáng mấy đồng xu (Tiến sĩ giấy) còn một bên là bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu (Tiến sĩ đích thực).

ĐỀ 109: Phân tích bài thơ Tiến sĩ giấy (Nguyễn Khuyến).
3.7 (73.33%) 12 votes