HƯỚNG DẪN 

Tư tưởng sâu xa của bi kịch Vũ Như Tô là bi kịch của cái vĩnh cửu và cái nhất thời, Cái lí tưởng và cái thực tiễn, cái trường cửu và cái lịch sử, hoặc nói như Đan Thiềm: Tài, Sắc và Lụy, một vấn đề muôn thuở của loài người (ý nghĩa vĩnh cửu và toàn nhân loại).

– Mâu thuẫn thứ nhất: mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa trụy lạc của bọn tham quan bạo chúa với đời sống cơ cực, thống khổ của nhân dân lao động (mâu thuẫn giữa lợi ích của bạo chúa với quyền sống của thường dân, tất yếu sẽ dẫn đến việc dân chúng nổi dậy diệt trừ bạo chúa và tất cả những kẻ bị xem là phe cánh của hắn ở hồi cuối vở kịch). Đây là vấn đề thuộc quan điểm nghệ thuật của nghệ sĩ, rằng nghệ thuật phải gắn với quyền lợi, với vận mệnh của quần chúng lao động, rằng nghệ thuật không thể đem phục vụ cho giai cấp thống trị và bi kịch của Vũ Như Tô là bị kịch nhầm lẫn về nhận thức…Với nghệ sĩ phải biết gắn sự nghiệp nghệ thuật với đời sống của nhân dân lao động; trái với điều đó nghệ thuật chỉ còn là thứ xa xỉ, phục vụ cho thiểu số bóc lột.

– Mâu thuẫn thứ hai: đó là ý thức về thiên chức của người nghệ sĩ và những bi kịch xảy ra trong quá trình đụng độ của ý thức này với thực tế, là mâu thuẫn giữa niềm khao khát hiến dâng tất cả cho nghệ thuật của người nghệ sĩ đắm chìm trong mơ mộng với lợi ích trực tiếp và thiết thực của đời sống nhân dân. Cửu Trùng Đài không còn là tòa lâu dài của tên bạo chúa nữa, nó thành biểu tượng của cái đẹp mà kẻ sĩ phải dốc tài vươn tới, nó thành cái đích sống mà vì đấy kẻ sĩ được sinh ra. Là Vũ Như Tô – nghệ sĩ, ông bị Đan Thiềm thuyết phục. Lí tưởng của ông là mang bàn tay, khối óc phụng sự nghệ thuật, làm đẹp cho non sông và chăm chút cho sự nghiệp để đời của mình. Nhưng khi là vũ Như Tô – công dân, trước nỗi đau khổ, của đồng loại, những máu chảy, đầu rơi, những cảnh xa hoa trụy lạc của vua chúa trên đau khổ của nhân dân, lại khiến cho nghệ sĩ muốn khước từ ý nguyện của chính mình. Mâu thuẫn này tuy có day dứt nghệ sĩ nhưng chưa phải là cội nguồn bi kịch của Vũ Như Tô: sự thất bại làm nên bị kịch Vũ Như Tô là do nghệ sĩ “sinh bất phùng thời”. Dù đài Cửu Trùng có thành công thì số phận của Vũ Như Tô và Đan Thiềm cũng đã được định đoạt. Kẻ đáng nguyền rủa và lên án là Lê Tương Dực và đồng bọn chứ đâu phải Vũ Như Tô (giá không phải vua Lê Tương Dực mà là một vị vua anh minh khác chẳng hạn, Vũ Như Tô vừa được vua trọng dụng, dân không oán thán mà đất nước lại có thêm những công trình để lái đến muôn đời).

– Vũ Như Tô thì bảo dân chúng “hiểu nhầm”; Đan Thiềm nói rằng: Trịnh Duy Sản vì bị vua đánh trường mà làm phản, dấy dân chúng đốt phá Cửu Trùng Đài và thúc giục Vũ Như Tô: “ông trốn đi. Khi dân nổi dậy, họ nông nổi vô cùng. Họ không phân biệt được phải trái”. Đan Thiềm suy nghĩ hết sức đúng đắn về dân chúng, họ “nông nổi”, họ “hiểu lầm”. Họ bị kẻ phản loạn khuấy động, xúi giục và họ hành động theo bản năng. Nguyễn Huy Tưởng không kết tội dân chúng, mà gọi đích danh thủ phạm là Trịnh Duy Sản. Ông cũng không mị dân: chỉ có chế độ thật sự dân chủ, người dân có văn hóa, có hiểu biết quyền công dân, quyền con người của mình, biết thế nào là dân chủ, tự do, biết thế nào là những giá trị trường tồn và bất biến, thì những người nghệ sĩ vĩ đại mới được thi thố và thể hiện hết tài năng của mình với đất nước.

ĐỀ 110: Mâu thuẫn cơ bản của vở kịch thể hiện trong Hồi V của vở Vũ Như Tô.
Đánh giá bài viết