BÀI LÀM

Thu – xưa và nay – là nguồn cảm hứng vô tận của biết bao thi sĩ. Đọc thơ Xuân Diệu ta thấy một mùa thu động, một nét thu mang dáng dấp hồn người, run rẩy rung rinh, ngẩn ngơ, u uất. Trong thơ Hữu Thỉnh ta lại bắt gặp một khí thu nhẹ nhàng êm ả phả vào giác quan qua hương ổi ngọt ngào. Thế nhưng khi dừng lại ở mùa thu Nguyễn Khuyến thì mới đúng là ta được trôi đi trong thu của mùa thu thật sự: tĩnh, nhẹ, trong trẻo và lắng đọng. Nhà thơ đã biến cái gần gũi, thô mộc trở nên sống động, có hồn và đầy dư vị.

Không ở đâu ta lại có thể thưởng thức khí thu, sắc thu giản dị, đẹp đẽ như trong Thu điếu. Một cảnh giác mùa thu đến không vồ vập mà từ từ, cái thu ấy nó thấm dần vào tâm hồn và cảm xúc. Cảnh thu qua con mắt của nhà thơ toát lên một vẻ đẹp hài hoà hiếm có. Tất cả đều thấm nhuần hơi thu, đều hoà hợp sắc thu. Cái ao thu nhỏ lạnh lẽo với chiếc thuyền câu bé teo, một làn gió nhẹ với sóng hơi gợi tí; ngõ trúc vắng teo với người ngồi câu trầm ngâm yên lặng và đặc biệt thú vị là sắc điệu của màu xanh: xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời. Nhà thơ thật tinh tế, tài tình khi biến những ao, thuyền, ngõ thô mộc, giản dị trở nên thanh thoát, có hồn đến lạ thường. Thu từ gần đến xa, đến cao; rồi lại từ cao, xa trở về gần. Mùa thu của xóm làng, bờ ruộng vừa trong lại vừa tĩnh: ao nước thì trong veo, chỉ có sóng nhỏ khẽ theo làn gió gợi; trên cao tầng mây trong vắt, lơ lửng, hững hờ như chẳng buồn trôi để lộ mảng trời xanh ngắt soi bóng xuống mặt ao. Thu trong, đẹp nhưng tĩnh lặng như muốn tôn thêm cái trong trẻo ấy. Một bầu không khí se lạnh; lá vàng theo gió khẽ rơi, đường làng không bóng khách; chân bèo, cá đớp bóng mơ hồ. Phải là con người của thiên nhiên làng cảnh, con người có tâm hồn thanh cao, phong phú mới có thể lột tả vẻ đẹp của mùa thu bằng những hình ảnh gần gũi, thân thuộc ở xứ đồng chiêm trũng đến như vậy. Nguyễn Khuyến đã đưa người đọc về quê ông bằng trang thơ mình; cho người đọc tràn ngập trong những xúc cảm mùa thu. Hình ảnh thơ chọn lọc và gợi cảm, đường nét mềm mại, nhẹ nhàng, sắc màu hài hoà, thanh nhã, thanh âm trong trẻo, tĩnh lặng. Dáng dấp mùa thu hiện ra như một thiếu nữ trẻ trung, ngây thơ và đôn hậu. Cái cảm giác mùa thu trừu tượng giờ đây như được cụ thể hoá. Ta chạm vào nước, vào bèo – chất thu; ta chạm vào lá vàng – sắc thu; ta nghe gió thu lướt qua tai, phả vào mặt – khí thu… Ta đã thấy được cái tài của Nguyễn Khuyến trong miêu tả cảnh vật giàu chất hội họa phương Đông; biên cái thực vô tri trở thành bức tranh phập phồng hồn sống. Thế nhưng để thấy được cái “cao tay”, “nhà nghề” của tác giả, ta không thể bỏ qua những đặc sắc ấn tượng trong cách gieo vần. Phải rất sành tiếng Nôm và bản lĩnh nghệ thuật bậc thầy, nhà thơ mới dám gieo vần “eo” như thế. Cảnh trời thu cứ như muốn thu lại, khép lại, cô đặc lại. Những tính từ teo vần “eo” thể hiện mực ý nghĩa vượt quá độ chuẩn: nước không chỉ trong mà là “trong veo”; thuyền không “bé” mà “bé tẻo teo”; chiếc lá đưa vào thể hiện sự rơi nhưng lại như không có cảm giác rơi, bởi vì cái thoáng chốc ấy quá nhanh, quá đột ngột, dường như không thể và cũng không muốn phá vỡ cái tĩnh lặng đang có của mùa thu. Các hình ảnh sự vật xuất hiện một cách độc lập với nhau nhưng đều thấm đượm chung một màu sắc nghệ thuật, không gian nghệ thuật và cùng chuyển tải một nội dung cảm xúc. Chính vần “eo” đã đưa chúng về cùng một vẻ đẹp hài hoà, xứng hợp.

Bên cạnh việc chú ý xác lập mối quan hệ tương đồng, tương ứng giữa các chi tiết được miêu tả, tác giả còn sử dụng khả năng biểu đạt ý nghĩa của hình thức tương phản giữa tĩnh và động: sóng gợn tí – lá đưa vèo; cảnh vắng lặng – tiếng cá đớp bóng… Nhờ cách miêu tả giản dị, tự nhiên nhưng sâu lắng, nhiều dư vị; ngôn từ trong sáng, biến hoá tinh vi và sử dụng thủ pháp nghệ thuật bậc thầy; nhà thơ đã lột tả được những vẻ đẹp thanh tĩnh của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, tạo cho người đọc sự đồng điệu về cảm xúc và hơi hướng nghệ thuật.

Thế nhưng, phải chăng Thu điếu là bài thơ chỉ thuần tả cảnh hay sau nó còn ẩn chứa một nỗi niềm gì khác? Có lẽ nếu chỉ hiểu về phương diện tả cảnh không thôi thì chúng ta chưa thấu được cái hay, cái đẹp của bài thơ, chưa thật sự đi sâu đồng cảm cùng chủ thể trữ tình. Nếu tinh ý, ta sẽ nhận thấy ngay đầu đề bài thơ nói tới việc câu cá mùa thu, thế nhưng trong toàn bài, tác giả chủ yếu miêu tả cảnh vật và dường như không hề xuất hiện dưới dáng dấp một ông cậu. Câu cá giống như một cái cớ nghệ thuật. Từ xưa đến nay, câu cá vốn là thú chơi tao nhã, thanh cao. Đi câu cần một bầu không khí tĩnh lặng, tâm hồn thoải mái, không vướng bận. Hành động của tác giả cùng với sức nước trời thu trong trẻo đã cho thấy vẻ đẹp miêu tả trong bài thơ không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật mà còn là vẻ đẹp thuần khiết, thanh cao trong tâm hồn tác giả. Chỉ những tâm hồn đẹp mới đủ sức sáng tạo nên cái đẹp. Và khi một bài thơ hội đủ vẻ đẹp của thiên nhiên và con người thì đó là vẻ đẹp đồng điệu và hoàn mĩ nhất.

Có ý kiến cho rằng Thu điếu đẹp thật nhưng vẫn vương buồn. Cái lạnh lẽo của ao thu có lẽ đã nói lên điều đó. Nguyễn Khuyến có niềm khao khát được hướng về một không gian sống trong sạch, thanh cao. Thế nhưng vẫn xuất hiện một nỗi niềm u hoài bế tắc trùm lên cảnh vật một vẻ hiu hắt rất đặc biệt:

Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.    

Tư thế ngồi của tác giả không hề thanh thản mà lại mang dáng vẻ của người đang suy tư, trăn trở, day dứt. “Cá đâu đớp động” với ba phụ âm liên tiếp gợi được âm thanh đủ sức phá vỡ bầu khí tĩnh lặng và khiến tác giả phải giật mình. Đây chính là cái nghịch lí, chứng tỏ tác giả đang miên man trong dòng tâm trạng u hoài. Dù toàn bài thơ không hề xuất hiện một từ ngữ miêu tả tâm trạng, nhưng ta vẫn hiểu sự suy tư của tác giả về sự đời, đất nước, và sự bất lực của chính bản thân. Một lần nữa, ta nhận ra sự tinh tế của nhà thơ khi khéo léo cất giấu cảm xúc, tâm sự của mình trong tác phẩm.

Cái hay, cái đẹp của Thu điếu đã chứng tỏ tài thơ Nguyễn Khuyến. Ông chính là nhà thơ của làng quê Việt Nam với ngòi bút ấm áp, bình dị. Thông qua bài thơ, ta còn hiểu thêm về nỗi niềm của tác giả trước thời cuộc và càng thêm kính phục tài năng cũng như tư chất của ông.

ĐỀ 108: Tài thơ Nguyễn Khuyến qua bài “Thu điếu”.
Đánh giá bài viết