I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT ĐỐI VỚI TRẺ

1. Về kĩ năng nghe

– Biết tập trung, chăm chú nghe bố mẹ kể.

– Biết nhận xét, đánh giá, kể tiếp lời kể của bố mẹ.

2. Về kĩ năng nói

– Yêu cầu con nhớ được nội dung, tình tiết câu chuyện, dựa vào tranh minh hoạ, kể lại được từng đoạn và toàn bộ câu chuyện.

– Biết cách kể chuyện, giọng kể tự nhiên, biểu cảm, biết phối hợp lời kể với nét mặt, điệu bộ, cử chỉ.

– Biết cách thay lời nhân vật Tộ để kể lại đoạn cuối câu chuyện.

II. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

1. Bài tập này yêu cầu các con dựa vào các tranh trang 102 SGK và kể lại từng đoạn câu chuyện Ai ngoan sẽ được thưởng.

   Lưu ý kể đúng trình tự, nội dung. Giọng kể diễn cảm, lưu loát, rõ ràng. Cách kể tự nhiên, biết phối hợp lời kể với điệu bộ, nét mặt, phân biệt được giọng các nhân vật. Lời kể, cử chỉ có sáng tạo.

M:

(1) Một buổi sáng, Bác Hồ đến thăm trại nhi đồng. Các em nhỏ ríu rít ùa tới vây quanh Bác. Ai cũng muốn được gần Bác, được nhìn Bác cho thật rõ.

   Bác dắt hai em nhỏ nhất đi giữa đoàn học sinh, cùng các em đi thăm phòng ngủ, phòng bếp, nơi tắm rửa… Bác rất vui, mắt Bác sáng ngời, da Bác như hồng hào hẳn lên.

(2) Trở lại phòng họp, Bác ngồi giữa các em và hỏi:

– Các cháu chơi có vui không?

– Thưa Bác, vui lắm ạ!

– Các cháu ăn có no không?

– Thưa bác, no ạ!

– Các cô có mắng, phạt các cháu không?

– Không ạ!

Bác vui vẻ:

– Thế thì tốt lắm! Bây giờ

Bác sẽ chia kẹo cho các cháu nhé, các cháu có thích ăn kẹo không?

– Có ạ! Có ạ! Một em bé xin nói:

– Thưa Bác, ai ngoan mới xứng đáng được ăn kẹo của Bác, ai không ngoan thì không được ăn kẹo ạ!

Bác cười hiền từ:

– Các cháu có đồng ý với ý kiến của bạn không?

Các em đồng thanh:

– Đồng ý ạ!

(3) Các em đứng thành vòng tròn rộng quanh Bác. Bác chia kẹo cho từng cháu một.

Đến lượt Tộ, Tộ không dám nhận, chỉ lí nhí nói:

– Thưa Bác, hôm nay cháu đã không vâng lời cô. Cháu chưa ngoan nên không được ăn kẹo của Bác.

Nghe xong, Bác cười trìu mến:

– Cháu biết nhận lỗi, thế là ngoan lắm! Cháu vẫn xứng đáng được kẹo như các bạn khác.

Tộ sung sướng nhận những chiếc kẹo từ tay Bác.

2. Dựa vào bài tập 1, kể lại toàn bộ câu chuyện.

   Lưu ý: Kể đủ, đúng nội dung. Giọng kể to, rõ ràng, diễn cảm, có sáng tạo trong ngôn ngữ, điệu bộ khi kể. Không nên kể lại giống hoàn toàn như bài Tập đọc.

3. Thay lời bạn Tộ để kể lại đoạn cuối câu chuyện.

   Lưu ý khi kể cần nhập vai, luôn nhớ mình là Tộ để tưởng tượng được lời nói, suy nghĩ của nhân vật Tộ. Khi kể phải xưng là “tôi”.

M:

   Chúng tôi đứng thành vòng tròn rộng quanh Bác. Bác chia kẹo cho từng bạn một.

   Đến lượt tôi, tôi cũng rất muốn được nhận kẹo của Bác, nhưng sáng hôm đó tôi đã không ngoan. Tôi không dám nhận, chỉ lí nhí nói:

– Thưa Bác, hôm nay cháu không ngoan, cháu đã không vâng lời cô. Cháu chưa ngoan nên không được ăn kẹo của Bác.

   Nghe xong, Bác cười trìu mến:

– Cháu biết nhận lỗi, thế là ngoan lắm! Cháu vẫn xứng đáng được kẹo như các bạn khác.

   Tôi ngạc nhiên, rồi sung sướng nhận kẹo từ tay Bác. Đó là những chiếc kẹo ngon nhất trong đời tôi.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần II: Mẹ dạy con học Tiếng Việt ở nhà-Chủ điểm Bác Hồ-Tuần 30. Kể chuyện: Ai ngoan sẽ được thưởng
Đánh giá bài viết