I. Yêu cầu

– Kiểu bài văn thuyết minh một danh lam thắng cảnh. Qua bài viết phải thể hiện được một cách rõ nét Hồ Gươm có từ bao giờ, gắn với truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như thế nào. Hồ rộng bao nhiêu, xung quanh và giữa hồ có Công trình kiến trúc gì, giá trị văn hoá, lịch sử ra sao. Phong tục du xuân quanh Hồ Gươm vào đêm ba mươi Tết, các hoạt động thể thao, văn hoá quanh bờ hồ,…

– Cần chú ý phân bố nội dung của bài viết hợp lí, nhấn mạnh những nét đặc sắc của Hồ Gươm.

– Trình tự thuyết minh rõ ràng, mạch lạc.

II. Gợi ý

– Cần đọc các tài liệu liên quan đến Hồ Gươm như Sự tích Hồ Gươm, những câu ca dao, câu thơ, bài văn hiện đại về Hồ Gươm.

– Có thể trực tiếp đến hồ để quan sát, tìm hiểu.

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

– Giới thiệu chung về Hồ Gươm.

B. Thân bài

– Vị trí của Hồ Gươm giữa thủ đô.

– Những sự kiện lịch sử liên quan đến tên hồ, đặc biệt là truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.

– Vẻ đẹp của các công trình kiến trúc, văn hoá quanh Hồ Gươm.

– Cây và hoa quanh hồ.

– Những hoạt động văn hoá, thể thao quanh hồ.

– Nét đặc sắc về vẻ đẹp của Hồ Gươm.

– Hồ Gươm trong ca dao, trong thơ, trong nhạc, hoạ.

C. Kết bài 

– Niềm tự hào về Hồ Gươm, trung tâm của thủ đô.

IV. Bài tham khảo

Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai là không biết đến Hồ Gươm. Hồ Gươm là một di tích lịch sử, một thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Nếu ai đã từng đến đây chắc hẳn phải ghé thăm hồ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính độc đáo của nó.

Hồ Gươm nằm tại trung tâm của thủ đô. Hồ hình bầu dục, bao quanh đó là những vườn hoa. Nhìn từ xa, hồ như lẵng hoa xinh xắn. Hồ Gươm còn có tên gọi là hồ Lục Thuỷ vì nước rất trong và xanh. Ngoài ra nó còn được gọi là hồ Hoàn Kiếm hay hồ Tả Vọng. Hai tên gọi này có từ thời Lê. Truyền thuyết kể rằng : năm đó, sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, vua Lê Lợi ngự trên thuyền rồng thì bỗng Rùa Vàng từ dưới hồ hiện lên để đòi lại gươm. Nhà vua trả lại gươm. Tên hồ Hoàn Kiếm, hay Hoàn Gươm cũng được gọi từ đó thay cho tên hồ Tả Vọng.

Xung quanh hồ có rất nhiều cây như si, phượng, đa,… và những vườn hoa lớn. Phía bắc hồ là nhà hàng Thuỷ Tạ. Sau mỗi giờ mệt mỏi, du khách có thể tới đây vừa ăn kem vừa ngắm cảnh hồ. Giữa hồ là Tháp Rùa, với hình dáng uy nghi cố kính, bao gồm ba tầng, xung quanh là thảm cỏ. Tháp Rùa đã tạo nên cho hỗ một vẻ đẹp khó tả. Phía bắc hồ là đền Ngọc Sơn. Cứ mỗi dịp Tết đến, rất nhiều người tới đây để thắp hương cầu trời. Đi sâu vào đền là khu bán hàng lưu niệm. Đó là nơi trưng bày một con rùa rất lớn. Đền Ngọc Sơn được nối với bờ bởi cầu Thê Húc cong cong, được quét sơn đỏ tươi. Đi ra một quãng là Dài Nghiên, Tháp Bút. Trên thân Tháp Bút có ba chữ : “tả thanh thiên” của Nguyễn Siêu, nghĩa là “viết lên trời xanh”. Gần hồ có nhiều tượng đá nhằm nói lên sự tôn nghiêm của một di tích lịch sử.

Hồ Gươm đẹp một cách cổ kính và linh thiêng. Quanh hồ là một khu dân cư đông đúc với nhiều nhà cao tầng. Bắt đầu từ phố Đinh Tiên Hoàng là Bưu điện Hà Nội. Bên cạnh là vườn hoa Chí Linh, nơi đây có tượng đài Vua Lý Thái Tổ rất uy nghi. Đối diện với cầu Thê Húc là đền Bà Kiệu có từ thế kỉ XVIII, cạnh nó là tượng đài cảm tử gồm ba chiến sĩ cầm bom ba càng với tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Đi tiếp độ hai mươi mét nữa là Nhà hát múa rối Thăng Long. Ở đó biểu diễn những tiết mục đặc sắc của dân tộc ta. Đi nữa về tay phải là dãy phố Hàng Ngang – Hàng Đào là nơi bao trùm tấp nập người đi lại như trẩy hội.

Quanh hồ cũng có rất nhiều hoạt động thi vị dành cho mọi lứa tuổi. Các cụ già thường ngồi đánh cờ, bàn luận tình hình thời sự trong và ngoài nước. Không chỉ vậy đây còn là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi. Mỗi buổi sáng sớm mọi người thường đi tập thể dục tại đây. Gần đây, ở tuyến xe buýt Hà Nội – Hà Đông gần hồ khai trương phố đi bộ vào ban đêm. Cả dãy phố sáng lên bởi ánh đèn rực rỡ muôn màu.

Em rất tự hào vì được sinh ra tại đây. Hồ Gươm không to đẹp, lộng lẫy như nhiều cảnh quan khác nhưng nó là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, là sự sống ngàn năm văn vật của đất nước chúng ta.

Đề: Thuyết minh về Hồ Gươm
Đánh giá bài viết