I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Biết được vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

– Nêu và giải thích được một số đặc điểm nổi bật về địa lí tự nhiên của miền.

– Biết những khó khăn do thiên nhiên gây ra và vấn đề khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường của miền.

– Sử dụng bản đồ tự nhiên miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ để trình bày các đặc điểm tự nhiên của miền.

– Phân tích biểu đồ lượng mưa của một số địa điểm trong miền.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vị trí, phạm vi lãnh thổ

– Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc hữu ngạn sông Hồng, từ Lai Châu đến Thừa Thiên – Huế.

– Phía tây giáp Lào, phía đông bắc giáp miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, phía nam giáp miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

2. Địa hình cao nhất Việt Nam

– Là miền núi non trùng điệp, nhiều núi cao, thung lũng sâu 

+ Dãy Hoàng Liên Sơn cao với đỉnh Phan-xi-păng 3.143m.

+ Các dãy núi chạy theo hướng tây bắc – đông nam, so le,nhau, xen giữa là các sơn nguyên đá vôi rất đồ sộ.

+ Sông suối lắm thác ghềnh.

– Các mạch núi lan ra sát biển, ngăn cách các đồng bằng với nhau. Phía đông có các cồn cát và đầm phá.

3. Khí hậu đặc biệt do tác động của địa hình 

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có hai mùa rõ rệt .

+ Mùa đông đến muộn và kết thúc khá sớm. 

+ Mùa hạ có gió phơn Tây Nam khô nóng hoạt động theo từng đợt ngắn.

– Mùa lũ chậm dần

+ Tây Bắc có lũ lớn nhất vào tháng 7.

+ Bắc Trung Bộ có lũ lớn nhất vào tháng 10, 11.

4. Tài nguyên phong phú đang được điều tra, khai thác 

– Sông ngòi có độ dốc lớn, có giá trị cao về thuỷ điện, đặc biệt trên sông Đà có thể xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện lớn.

– Khoáng sản phong phú, trong đó có giá trị lớn là các mỏ đất hiếm, crômit, thiếc, titan, đá quý và đá vôi.

– Tài nguyên sinh vật: có đủ hệ thống các vành đai thực vật ở Việt Nam, từ rừng nhiệt đới chân núi đến rừng ôn đới núi cao.

– Tài nguyên biển to lớn và đa dạng: sinh vật biển giàu có, khoáng sản nhiều (titan), các bãi biển đẹp…

5. Bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai 

– Khôi phục và phát triển diện tích rừng là khâu then chốt. Đồng thời, bảo vệ và nuôi dưỡng các hệ sinh thái ven biển, đầm phá, cửa sông….

– Luôn sẵn sàng và chủ động phòng chống thiên tai (sương muối, giá rét, lũ bùn, lũ quét, bão lụt, hạn hán, gió Tây khô nóng…) để giảm nhẹ tác hại của chúng.

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Dựa trên hình 42.1, xác định vị trí và giới hạn của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

Trả lời: miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc hữu ngạn sông Hồng, từ Lai Châu đến Thừa Thiên – Huế.

2. Hãy quan sát hình 42.1 và cho biết những dãy núi, những sông lớn nào có hướng tây bắc – đông nam.

Trả lời: 

– Các dãy núi hướng tây bắc – đông nam: Hoàng Liên Sơn, Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao, Trường Sơn Bắc.

– Những dòng sông có hướng tây bắc – đông nam: Đà, Mã, Cả,…

3. Hãy giải thích tại sao ở miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ mùa đông lại ngắn hơn và ấm hơn ở miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ?

Trả lời:

   Về mùa đông, các đợt gió mùa Đông Bắc lạnh đã bị chặn lại bởi dãy Hoàng Liên Sơn và nóng dần lên khi đi xuống phía nam, nên mùa đông ở đây đến muộn và kết thúc sớm, ấm hơn so với miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ (là nơi trực tiếp đón gió mùa Đông Bắc).

4. Qua hình 42.2, em có nhận xét gì về chế độ mưa của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ?

Trả lời:

– Khu vực Tây Bắc (đại diện là Lai Châu) có mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mưa nhiều nhất vào các tháng 6, 7, sau đó là tháng 8. 

– Khu vực Bắc Trung Bộ (đại diện là Quảng Bình) có mùa mưa chậm hơn, từ tháng 9 đến tháng 12, trong đó tập trung chủ yếu vào các tháng 9, 10, 11, cao nhất là tháng 11.

5. Hãy nêu giá trị tổng hợp của hồ Hoà Bình.

Trả lời:

Hồ Hoà Bình được xây dựng từ năm 1979, hoàn thành năm 1994, cùng với toàn bộ công trình thuỷ điện Hoà Bình.

– Giá trị thuỷ điện: hàng năm, công trình thuỷ điện Hoà Bình sản xuất được 8,16 tỉ kWh điện cung ứng cho cả nước. 

– Giá trị thuỷ lợi và chống lũ: Hồ chứa được 9,5 tỉ mo nước, tạo nên khả năng điều tiết nước cho hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình (tăng lượng nước vào mùa khô, giảm đỉnh lũ cực đại vào mùa lũ), có tác động tích cực đến công tác thuỷ lợi ở đồng bằng sông Hồng, đặc biệt đảm bảo an toàn về mùa lũ cho Hà Nội và các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ.

– Giá trị kinh tế: Hồ có chiều dài 230km, chiều rộng trung bình 1km, độ sâu trung bình 80m, tạo điều kiện cho giao thông thuỷ trên thượng lưu đập, đồng thời là nơi thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản và hoạt động du lịch. Ngoài ra, nước hồ còn tăng cường độ ẩm không khí cho vùng Tây Bắc vào mùa khô hanh, đặc biệt trong những ngày có gió phơn Tây Nam khô nóng.

6. Em hãy xác định vị trí và địa danh của các mỏ ghi trên hình 42.1

Trả lời:

– A-pa-tít: Lào Cai.

– Đất hiếm: Lai Châu.

– Sắt: Yên Bái, Hà Tĩnh.

– Đá vôi: Hoà Bình, Thanh Hoá.

– Crôm: Thanh Hoá.

– Titan: Hà Tĩnh.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Nêu những đặc điểm tự nhiên nổi bật của miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Trả lời: Những đặc điểm tự nhiên nổi bật của miền:

– Có nhiều dải núi cao, sông sâu, hướng tây bắc – đông nam.

– Khí hậu nhiệt đới gió mùa, bị biến tính mạnh mẽ do độ cao và hướng núi.

– Tài nguyên phong phú, đa dạng, song khai thác còn chậm.

– Nhiều thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán).

2. Vì sao bảo vệ và phát triển rừng là khâu then chốt để xây dựng cuộc sống bền vững của nhân dân miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ?

Trả lời:

   Vì ở miền này có nhiều thiên tai nhất nước ta. Thiên tai từ vùng núi phía tây dội xuống (mưa lũ, gió Tây khô nóng, giá rét), từ vùng biển phía đông ập vào (bão tố, sụt lở đất, cát bay lấp đồng ruộng).

3. Hãy sắp xếp các đèo sau đây theo đúng trình tự từ Nam ra Bắc: đèo Mụ Giạ, đèo Keo Nưa, đèo Lao Bảo, đèo Hải Vân và cho biết chúng nằm trên những quốc lộ nào?

Trả lời: Thứ tự sắp xếp: đèo Hải Vân (trên Quốc lộ 1), đèo Lao Bảo . (trên Quốc lộ 9), đèo Mụ Gia, đèo Ngang (trên Quốc lộ 1), đèo Keo Nưa (Quốc lộ 8).

4. Sưu tầm tranh ảnh, tư liệu về hệ sinh thái của các vườn quốc gia trong miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ (Hoàng Liên Sơn, Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Kẻ Bàng, Bạch Mã,…).

Hướng dẫn: sưu tầm từ sách, báo, tạp chí, tờ rơi, đặc biệt từ internet.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc hữu ngạn sông Hồng, từ

A. Lai Châu đến Thừa Thiên – Huế

B. Lai Châu đến Đà Nẵng

C. Điện Biên đến Thừa Thiên – Huế

D. Điện Biên đến Đà Nẵng.

2. Điểm nào sau đây không đúng với miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ?

A. Núi non trùng điệp, nhiều núi cao, thung lũng sâu

B. Sông suối lắm thác, nhiều gềnh

C. Các dãy núi chạy theo hướng vòng cung

D. Có đủ các vành đai khí hậu từ nhiệt đới đến ôn đới.

3. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ có

A. mùa đông đến sớm và kết thúc muộn

B. mùa hạ chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam khô nóng

C. mùa lũ đến sớm hơn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

D. nhiệt độ trung bình năm thấp hơn miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ. 

4. Giá trị nổi bật của sông ngòi miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là

A. thuỷ điện

B. thuỷ lợi

C. nuôi trồng thuỷ sản

D. mở rộng châu thổ về phía biển

5. Bãi biển nào sau đây không thuộc miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ?

A. Sầm Sơn        B. Cửa Lò       C. Đồ Sơn        D. Lăng Cô.

Đáp án câu hỏi tự học

1.A    2.C   3.B    4.A     5.C

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 42. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ
Đánh giá bài viết