I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Biết được vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

– Nêu và giải thích được một số đặc điểm nổi bật về địa lí tự nhiên của miền.

– Biết những khó khăn do thiên nhiên gây ra và vấn đề khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường của miền. 

– Sử dụng bản đồ tự nhiên miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ để trình bày các đặc điểm tự nhiên của miền.

– So sánh một số đặc điểm tự nhiên của ba miền.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Vị trí, phạm vi lãnh thổ 

– Miền Nam Trung Bộ bao gồm toàn bộ lãnh thổ phía nam nước ta, từ Đà Nẵng tới Cà Mau, chiếm 1/2 diện tích cả nước.

– Miền này bao gồm Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Một miền nhiệt đới gió mùa nóng quanh năm, có mùa khô sâu sắc

a) Từ dãy núi Bạch Mã (16° vĩ Bắc) trở vào nam

– Nhiệt độ trung bình năm đã tăng cao, vượt 25°C ở đồng bằng và trên 21°C ở vùng núi.

– Biên độ nhiệt năm thấp, dao động trong khoảng từ 3 – 7°C.

b) Chế độ mưa trong miền không đồng nhất.

– Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có mùa khô kéo dài, nhiều nơi bị hạn gay gắt; mùa mưa đến muộn và tập trung trong thời gian ngắn (các tháng 10, 11).

– Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên mùa mưa kéo dài 6 tháng (từ tháng 5 – 10), chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa khô thường bị thiếu nước nghiêm trọng.

3. Trường Sơn Nam hùng vĩ và đồng bằng Nam Bộ rộng lớn

– Trường Sơn Nam là khu vực núi và cao nguyên rộng lớn, hùng vĩ. Cảnh quan nhiệt đới ở đây đa dạng, có thêm phần mát mẻ, lạnh giá của khí hậu miền núi và cao nguyên.

– Đông Nam Bộ là một vùng chuyển tiếp từ miền núi Trường Sơn Nam xuống đồng bằng thấp, độ cao khoảng 100 – 400m.

– Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, chiếm tới hơn một nửa diện tích đất phù sa của cả nước.

4. Tài nguyên phong phú và tập trung, dễ khai thác

– Khí hậu, đất đai có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông – lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn (nóng quanh năm, mưa nhiều, đất đỏ badan và đất phù sa màu mỡ,…)

– Tài nguyên rừng phong phú, nhiều kiểu loại sinh thái. Diện tích rừng chiếm 60% diện tích rừng cả nước, trong rừng có nhiều sinh vật quý hiếm.

– Tài nguyên biển đa dạng và có giá trị to lớn

+ Bờ biển Nam Trung Bộ có nhiều vùng vịnh nước sâu, kín đáo để lập hải cảng.

+ Thềm lục địa phía nam có trữ lượng dầu khí lớn.

+ Trên vùng biển có những đảo yến giàu có, những đảo đá san hô…

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Hãy xác định trên hình 43.1 phạm vi lãnh thổ của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ, chỉ rõ các khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời: Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ bao gồm toàn bộ lãnh thổ phía nam nước ta, từ Đà Nẵng tới Cà Mau và từ Hoàng Sa, Trường Sa tới Thổ Chu, Phú Quốc.

2. Vì sao miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ có chế độ nhiệt ít biến động và không có mùa đông lạnh giá như hai miền phía bắc?

Trả lời: do tác động của gió mùa Đông Bắc ở miền này đã giảm sút mạnh mẽ; gió Tín phong đông bắc khô nóng và gió mùa Tây Nam nóng ẩm đóng vai trò chủ yếu.

3. Vì sao mùa khô ở miền Nam diễn ra gay gắt hơn so với hai miền phía bắc?

Trả lời: do mùa khô ở miền Nam thời tiết nắng nóng, ít mưa, độ ẩm nhỏ, khả năng bốc hơi rất lớn vượt xa lượng mưa.

4. Tìm trên hình 43.1 những đỉnh núi cao trên 2.000m (Ngọc Linh 2.598m, Vọng Phu 2.051m, Chư Yang Sin 2.405m) và các cao nguyên (Kon Tum, Plây Ku, Đắk Lắk, Lâm Viên, Mơ Nông, Di Linh).

5. So sánh với đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long có những nét khác biệt cơ bản nào?

Trả lời: 

– Đồng bằng sông Hồng có: hệ thống đê lớn ngăn lũ, nhiều ô trũng nhân tạo, có nhiều cồn cát ven biển, có mùa đông lạnh, có nhiều bão, có lũ lụt hàng năm.

– Đồng bằng sông Cửu Long có: có hệ thống kênh rạch dày đặc, có một số vùng trũng rộng lớn, có đất phèn, đất mặn; có mùa khô ít mưa, có lũ ngập trên diện rộng kéo dài nhiều tháng trong năm.

6. Hãy nêu một số vùng chuyên canh lớn về lúa gạo, cao su, cà phê, cây ăn quả… ở miền Nam nước ta hiện nay và cho biết hoàn cảnh sinh thái tự nhiên của các vùng đó.

Trả lời:

– Vùng chuyên canh lúa gạo: Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng này có diện tích rộng, đất đai màu mỡ, khí hậu cận xích đạo, nguồn nước dồi dào…

– Vùng chuyên canh cao su: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Hai vùng có đất đỏ badan và khí hậu nhiệt đới, cận xích đạo) thuận lợi cho cây cao su.

– Vùng chuyên canh cà phê: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Hai vùng có đất đỏ badan và khí hậu nhiệt đới, cận xích đạo) thuận lợi cho cây cà phê.

– Vùng chuyên canh cây ăn quả: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. Cả hai vùng đều có nhiều thuận lợi về đất đai (rộng, màu mỡ) và khí hậu (cận xích đạo) cho phát triển cây ăn quả.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Đặc trưng khí hậu của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là gì? 

Trả lời: Khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình nóng quanh năm, thể hiện:

– Nhiệt độ trung bình năm cao (25 – 27°C), tổng nhiệt độ lớn hơn 9.000°C.

– Mùa khô nóng, kéo dài 6 tháng. Mưa ít và bốc hơi mạnh dễ gây hạn hán và cháy rừng.

– Biên độ nhiệt năm nhỏ từ 4 – 7°C.

– Ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc rất yếu và chỉ thể hiện trên phạm vi hẹp (khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ) gây ra mưa lớn vào thu đông.

2. Trình bày những tài nguyên chính của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Trả lời: Tài nguyên chính là:

– Đất đỏ badan: ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

– Đất phù sa: ở Tây Nam Bộ.

– Quặng bôxit: ở Tây Nguyên.

– Dầu khí; ở thềm lục địa.

3. Lập bảng so sánh ba miền tự nhiên Việt Nam

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ kéo dài từ

A. Thừa Thiên – Huế đến Kiên Giang

B. Đà Nẵng đến Cà Mau

C. Quảng Nam đến Cà Mau

D. Đà Nẵng đến TP. Hồ Chí Minh.

2. Nhiệt độ trung bình năm ở vùng đồng bằng từ vĩ tuyến 16° vĩ Bắc trở vào vượt

A. 22°C .        B. 23°C          C. 24°C              D. 25°C.

3. Nơi khô hạn nhất của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là

A. cực Nam Trung Bộ

B. Tây Nguyên

C. Đông Nam Bộ

D. Đồng bằng sông Cửu Long.

4. Khu vực địa hình nào sau đây không thuộc miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ?

A. Trường Sơn Nam

B. Trường Sơn Bắc

C. Các cao nguyên badan Tây Nguyên

D. Đồng bằng Nam Bộ.

5. So với cả nước, diện tích rừng của miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ chiếm

A. 30%           B. 40%          C. 50% .             D. 60%.

Đáp án câu hỏi tự học

1.B    2.D     3.A   4.B    5.D

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 43. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ
Đánh giá bài viết