Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2021 chủ yếu vẫn tập trung vào lớp 12. Cách hỏi và yêu cầu của mỗi phần có thể thay đổi theo hướng phù hợp và đa dạng hơn:

Với phần Đọc hiểu, các câu hỏi kiểm tra kết quả đọc hiểu rất đa dạng và phong phú: có thể hỏi về đặc điểm thể loại, kiểu văn bản, phương thức biểu đạt; vai trò, tác dụng của các biện pháp tu từ, các yếu tố hình thức nghệ thuật; đề tài, chủ đề, nội dung chính, nghĩa tường minh và hàm ẩn của một chi tiết, câu, đoạn, hình ảnh, biểu tượng trong văn bản…

Đề thi năm 2020 của Bộ GD&ĐT tập trung học về cách hiểu các nội dung của văn bản và ý kiến của HS về một số nội dung đặt ra trong văn bản là chính, ít hỏi về các yếu tố hình thức đơn thuần. Nghĩa là để chú ý các thông tin thu được từ văn bản và phản hồi của người đọc nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý việc kiểm tra kết quả đọc hiểu có thể xuất phát từ rất nhiều yêu cầu khác nhau như trên đã nêu; khó có đề văn nào bao quát hết được tất cả các yêu cầu đọc hiểu, vì thế khi ôn tập, HS không nên chỉ tập trung vào một số yêu cầu như nêu ở đề thi năm 2020.

Về câu nghị luận xã hội, đề thi năm 2020 kế thừa cách hỏi, cách nêu yêu cầu của những năm trước cả về độ dài đoạn văn (khoảng 200 chữ), cả về nội dung gắn với phần Đọc hiểu, vận dụng kết quả đọc hiểu để bàn luận. Tuy nhiên, có thay đổi yêu cầu tập trung gắn nội dung của văn bản đọc hiểu (ví dụ “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” ở đề chính thức đợt 1 và “sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống ở đề chính thức đợt 2) với kinh nghiệm và thực tế của bản thân người viết. Đó là một hướng đúng và thiết thực.

Về câu nghị luận văn học, đề thi năm 2020 của Bộ GD&ĐT cùng có thay đổi. Do tình hình dịch bệnh Covid 19, nội dung chương trình các cấp đều được giảm tải cho phù hợp với thực tiễn dạy học. Theo đó, yêu cầu của đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2020 chỉ tập trung vào các tác phẩm quen thuộc đã học ở lớp 12 (đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, đợt 1 và bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, đợt 2). Yêu cầu viết bài văn (tự luận) của đề cùng rất quen thuộc: phân tích tưởng Đất Nước của Nhân dân trong đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm (đề thi đợt 1), phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong đoạn thơ của Tố Hữu (đề thi đợt 2) – vấn đề không có gì xa lạ với HS đã học qua lớp 12. Những yêu cầu vừa nêu trong đề thi phù hợp với bối cảnh năm học 2020, nhưng rất hạn chế trong đánh giá và các yêu cầu ấy quá quen thuộc và đã có nhiều bài văn mẫu. Tính phân hoá của đề không cao. Muốn vượt lên chỉ có thể tìm cách diễn đạt sao cho trong sáng, có chất văn, có sáng tạo,…

Trong khi chưa đổi mới theo hướng yêu cầu nghị luận về 1 tác phẩm mới, chưa được học để đánh giá chính xác hơn năng lực đọc hiểu và viết bài nghị luận của HS thì việc thay đổi cách hỏi, cách nêu yêu cầu là một bước tiến về nghị luận văn học. Cũng vì thế khi ôn tập, HS cần chú ý đọc kĩ đề, suy nghĩ từ yêu cầu cụ thể của đề mà lập ý và trình bày, tránh tản mạn, nói chung về tác phẩm; tránh chép lại bài văn mẫu; tránh những điều nói ở đề văn nào cũng đúng.

Về phạm vi liên hệ với kiến thức lớp 10 và 11, trong sách này đã có lưu ý một số văn bản, tác phẩm và một số đề liên quan đến lớp 11. Với chương trình lớp 10, ngoài việc vận dụng các kiến thức và kĩ năng tiếng Việt, làm văn đã học, trong khi ôn luyện, HS có thể tập làm quen với một số đề mà cậu nghị luận xã hội yêu cầu liên hệ với các văn bản – tác phẩm đã học ở lớp 10 trong phần Đọc hiểu.

– Ví dụ 1:

I.ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: 

Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ,
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “Một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu,
Rèn thêm đao kiếm,
Áo vải chân không,
Đi lùng giặc đánh.
Ba năm rồi gửi lại quê hương.

Mái lều gianh,
Tiếng mõ đêm trường,
Luống cày đất đỏ
Ít nhiều người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô,
Tháng năm bạn cùng thôn xóm.
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng.
Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng.
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
– Đằng nớ vợ chưa?
– Đằng nớ?
– Tớ còn chờ độc lập
Cả lũ cười vang bên ruộng bắp,
Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.

1948

(Hồng Nguyên, Nhớ, 100 bài thơ hay thế kỉ XX, NXB Giáo dục. 2007, tr. 140 – 141 )

 Câu 1 Trong 12 dòng thơ đầu, hình ảnh “lũ chúng tôi” – những người lính được giới thiệu ở những phương diện nào?

Câu 2 Anh/ Chị hiểu như thế nào là “ít nhiều” và “mòn chân” trong hai dòng thơ sau:

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya

Câu 3 Nêu tác dụng của đoạn hội thoại sau đây:

– Đằng nớ vợ chưa?

 – Đằng nớ?

Tớ còn chờ Độc lập! 

Câu 4 Hình ảnh người lính trong đoạn thơ trên có gì khác so với hình ảnh trang nam nhi đời Trần trong bài Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão sau đây (Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng)?

Múa giáo non sông trải mấy thu, 

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu. 

Công danh nam tử còn vương nợ, 

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Ngữ văn 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 116)

II. LÀM VĂN

Câu 1

Từ đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tinh thần vượt khó của bạn thân trong cuộc sống.

Câu 2 Hình tượng nhân vật trữ tình trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh – một tâm hồn lớn, một trí tuệ lớn, một dũng khí lớn.

Hãy làm sáng tỏ nhận xét ấy qua các bài thơ đã học và đã đọc.

– Ví dụ 2:

I. ĐỌC HIỂU 

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm mát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa lọng nói về.

(Nguyễn Đình Thi, Đất nước, Ngữ văn 12, tập một, Sđd, tr. 125)

Câu 1 “Chúng ta trong đoạn thơ trên là những ai? 

Câu 2 Nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ có trong đoạn thơ trên. Câu 3 Nội dung chính của đoạn thơ trên là gì?

Câu 4 Chỉ ra 01 điểm tương đồng về tư tưởng của tác giả trong đoạn thơ trên với tư tưởng của Nguyễn Trãi trong đoạn trích bài Bình Ngô đại cáo (trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng):

Như nước Đại Việt ta từ trước, 

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. 

Núi sông bờ cõi đã chia, 

Phong tục Bắc Nam cũng khác. 

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập, 

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương. 

Tuy  mạnh yếu từng lúc khác nhau, 

Song hào kiệt đời nào cũng có.

(Ngữ văn 10, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 17) 

II. LÀM VĂN 

Câu 1 Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về lòng tự hào dân tộc.

Câu 2 “Cái tôi” Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Nguồn website giaibai5s.com

Một số lưu ý trong Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn
Đánh giá bài viết