I. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI LÝ THUYẾT

1. Quan sát hình 59.1 (SGK trang 178), cho biết dạng địa hình chủ yếu của khu vực Đông Âu.

Trả lời

Dạng địa hình chủ yếu của khu vực Đông Âu là đồng bằng.

2. Quan sát hình 59.2 (SGK trang 179), giải thích về sự thay đổi từ bắc xuống nam của thảm thực vật ở Đông Âu.

Trả lời

– Phía bắc là đồng rêu, do khí hậu lạnh giá quanh năm; tiếp theo là rừng lá kim, do khí hậu ôn đới lục địa.

– Tiếp theo là rừng hỗn giao và rừng lá rộng, do ảnh hưởng của Đại Tây Dương.

– Thảo nguyên và nửa hoang mạc phát triển ở vùng phía nam, nơi có khí hậu lục địa sâu sắc nhất (lượng mưa trong năm không quá 200 mm, nhỏ hơn độ bốc hơi tới 5 – 6 lần).

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu các đặc điểm tự nhiên nổi bật của khu vực Đông Âu.

Trả lời

– Đông Âu là một dải đồng bằng rộng lớn, chiếm 1/2 diện tích châu Âu. Bề mặt có dạng lượn sóng, cao trung bình 100 – 200 m. Phía bắc có địa hình bằng hà; phía nam, ven biển Ca-xpi có dải đất thấp hơn mực nước đại dương tới 28 m.

– Khí hậu ôn đới lục địa. Càng đi về phía đông và nhất là về phía đông nam, tính chất lục địa càng sâu sắc. Khí hậu cũng thay đổi từ bắc xuống nam, phía bắc có khí hậu lạnh, xuống phía nam mùa đông ngắn dần và ấm hơn.

– Sông ngòi đóng băng về mùa đông. Các sông lớn nhất là Von-ga, Đôn, Đni-ep.

– Thảm thực vật thay đổi rõ rệt từ bắc xuống nam. Rừng và thảo nguyên có diện tích rộng lớn.

2. Nền kinh tế của khu vực Đông Âu có những khác biệt gì so với các khu vực khác của châu Âu?

Trả lời

– Nền công nghiệp Đông Âu khá phát triển nhưng các ngành công nghiệp truyền thống như khai thác khoáng sản, luyện kim và cơ khí giữ vai trò chủ đạo. 

– Nông nghiệp phát triển theo quy mô lớn, chủ yếu là sản xuất lúa mì và các nông sản ôn đới.

III. BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Khoanh tròn câu trả lời đúng nhất:

1. Địa hình ở Đông Âu chủ yếu là

A. đồng bằng.       B. núi.        C. cao nguyên.     D. bồn địa.

2. Đặc điểm nào sau đây không đúng với đồng bằng Đông Âu?

A. Bề mặt có dạng lượn sóng.

B. Chiếm 1/2 diện tích châu Âu.

C. Cao trung bình 10 – 20 m.

D. Phía bắc có dạng địa hình băng hà.

3. Đồng bằng Đông Âu có độ cao trung bình từ.

A. 10 – 20 m.    B. 20 – 50 m.    C. 50 – 100 m.    D. 100 – 200 m.

4. Sông ngòi ở Đông Âu có đặc điểm là

A. nhiều nước quanh năm.

B. đóng băng về mùa đông.

C. ngắn, dốc.

D. lớn nhất là sông Đa-nuyp.

5. Sông lớn nhất ở Đông Âu là

A. Von-ga.       B. Rai-no.      C. Da-nuyp.     D. U-ran

6. Thảm thực vật ở Đông Âu từ bắc xuống nam lần lượt là

A. đồng rêu, rừng lá kim, rừng hỗn giao, rừng lá rộng, thảo nguyên, nửa hoang mạc.

B. rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng hỗn giao, nửa hoang mạc, thảo nguyên.

C. rừng lá kim, rừng hỗn giao, thảo nguyên, nửa hoang mạc, rừng lá rộng.

D. rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng hỗn giao, thảo nguyên, nửa hoang mạc.

7. Các khoáng sản ở Đông Âu chủ yếu tập trung trên lãnh thổ của

A. Liên bang Nga và U-crai-na.

B. Liên bang Nga và Bê-la-rút.

C. Liên bang Nga và E-xtô-ni-a.

D. Liên bang Nga và Ba Lan.

8. Rừng và thảo nguyên ở Đông Âu có diện tích rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển

A. công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. 

B, công nghiệp khai khoáng.

C. công nghiệp chế lâm sản, thuỷ sản.

D. nông nghiệp và lâm nghiệp theo quy mô lớn.

9. Nguyên nhân chủ yếu làm cho ngành công nghiệp ở Đông Âu một thời gian dài gặp nhiều khó khăn là do

A. tài nguyên cạn kiệt.

B. thiếu lao động có tay nghề.

C. thị trường không ổn định.

D. chậm đổi mới công nghệ.

10. Nước nào ở Đông Âu được xem là một trong những vựa lúa lớn của châu Âu?

A. Liên bang Nga.                         B. E-xtô-ni-a.

C. U-crai-na.                                  D. Bê-la-rút.

Đáp án

1A 2C 3D 4B 5A 6A 7A 8D 9D 10C

Nguồn website giaibai5s.com

Phần ba. Thiên nhiên và con người ở các châu lục-Chương X. Châu Âu-Bài 59. Khu vực Đông Âu
Đánh giá bài viết