Đã lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở về quê hương nơi tổ tiên, ông cha tôi sinh ra và gắn bó. Tôi hồi hộp và bâng khuâng vì từ khi lớn lên, đây là dịp đầu tiên tôi được về quê. Tỉnh dậy từ sớm, trước cả nhà, tôi cố gắng hình dung về quê mình nhưng hình ảnh nào cũng giống những bức ảnh, cuộn phim nào đó đã lưu trong trí nhớ của tôi. Tôi đành chịu, và sốt sắng đợi về đến nơi sẽ biết.

Rồi cũng đến lúc ô tô lăn bánh, nhanh chóng bỏ lại sau nó sự ồn ào náo nhiệt, chật chội và chen chúc của thành phố. Nhà thưa dần, không khí thoáng đãng và yên tĩnh hơn. Theo con đường quốc lộ lớn, chúng tôi xa dần thành phố. Cảnh vật, làng xóm, đồng ruộng cứ lướt qua rất nhanh bên cửa xe, hương lúa thoảng đưa ngọt ngào, thơm mát. Tôi mê mải nhìn với niềm yêu thích của đứa trẻ bấy lâu bị nhốt trong nhà, trong bao thứ phải học miên man như vi tính, âm nhạc, hội họa, võ thuật và các môn học khác. Tôi bất ngờ khi thấy cuộc sống nơi thôn quê tươi xanh và êm ả đến nhường này.

Xuống xe, cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cây cổ thụ và giếng nước rất to xây gạch bao quanh. Tuy nhìn thấy lần đầu, nhưng hình ảnh giếng nước gốc đa không hề xa lạ với tôi vì nó đã đi vào tiềm thức của tôi qua câu chuyện của những người thân trong gia đình. Nó là dấu | hiệu đầu tiên của làng quê tôi và của nhiều làng quê khác trên đất Việt

Nam này. Cây đa làng tôi to quá, cành lá sum suê, che mát cả một vùng rộng. Dưới gốc đa có mấy cụ già bày chõng tre bán hàng vặt. Tôi nhìn thấy một ấm nước, vài chiếc cốc thủy tinh, mấy quả chuối, vài hộp kẹo và một túi bánh đa nướng phồng to. Bố tôi vẫn kể cho tôi nghe về các thức quà quê này. Bố còn bảo, gốc đa là nơi mọi người đợi chờ nhau ra đồng sản xuất, trẻ em thì nô đùa vui vẻ. Phía sau cây đa là làng quê tôi. Thoạt tiên tôi chưa nhìn thấy gì ngoài những lũy tre xanh bao bọc làng quê tôi. Những cây vươn cao, lắc lư trong gió, lá xào xạc như đón chào những đứa con xa quê. Chợt tôi thấy một đàn gà con theo mẹ đi kiếm mồi dưới gốc tre. Gà mẹ “Cục! Cục!” lắc lư đi trước, lũ con tròn trĩnh, xinh xắn, vàng ươm chạy theo, luôn miệng kêu “Chiếp! Chiếp!”. Mấy em tôi reo lên thích thú. Con đường dẫn vào làng mát rượi bóng tre. Hai bên đường những chiếc ao làng nhỏ bé rải rác khắp nơi. Tôi luôn có cảm giác vừa mới lạ vừa thân quen trước cảnh vật nơi đây. Lạ vì lần đầu tiên nhìn thấy, nhưng quen vì đã nghe bố mẹ kể chuyện nhiều lần.

Vào đến nhà, ông bà và các cô bác, anh chị em đã đợi sẵn, tôi ù cả tại trước những lời chào hỏi. Ai cũng thân mật hỏi thăm, xoa đầu, đùa vui. Không thể kể ra hết được niềm vui sướng của tôi. Tôi tự trách mình cứ cắm đầu vào học mà quên đi rằng ở cái làng nhỏ bé, xa xôi này tôi có bao người thân ruột thịt, bao người yêu quý tôi. Ở đó luôn nồng nàn tình yêu thương, bao bọc.

Lũ trẻ trạc tuổi tôi xúm vào lôi kéo tôi đi sang nhà này nhà nọ, miếng sắn được mời mà sao thấy ngon thế. Chúng nhìn tôi ăn và cười vui vẻ. Chúng rủ tôi ra vườn xem rau và cà chua. Màu xanh, màu đỏ tươi ngon, no ấm. Gốc vối bên bờ ao thân bạc thếch, lá to cứng rạp mình trên mặt nước. Tôi đã biết đây chính là “Con ngựa sắt” bố cưỡi ngày nào để phi ra trận đánh giặc. Bố kể bao kỉ niệm về nó, bố thường nói tuổi của nó nhiều hơn tuổi ông bà tôi. Tôi không thích uống nước vối, nhưng vẫn thấy yêu cây vối già này nhiều lắm. Nó đâu chỉ là cây, mà còn là kỉ niệm thuở thơ ấu của bố tôi. Và giờ đây với tôi, nó chính là quê hương. | Bọn trẻ còn khoe tôi cái bãi thả diều. Đó là một cánh đồng bằng phẳng, rộng và có mướt xanh, chiều êm ả bọn trẻ thường thi thả diều với nhau trong hương và gió của đồng quê. Chao ôi, nghe kể mà thấy thích, thấy thèm được như chúng quá. Tôi thầm nhủ, hè tới dứt khoát tôi phải xin về quê ở với ông bà thật lâu mới được.

Ra đến ven làng, trải ra trước mắt tôi là cảnh đồng lúa mênh mông đang trổ đòng. Một biển lúa dạt dào như mở ra trước mắt tôi bao điều kì thú. Âm thanh xào xạc, đều đặn như lời ru của đất. Hương thơm của lúa âm ấm, lan tỏa khắp nơi. Tôi cảm thấy màu sắc, âm thanh của sự sống như được bắt nguồn ở đây. Tôi bỗng thấy mọi thứ xung quanh trở nên tươi đẹp quá, mặn mà và ấm áp quá.

Đang mải ngắm cảnh đồng quê thì bố mẹ gọi tôi về ra viếng mộ tổ tiên. Những nấm mồ nhỏ, xanh cỏ, mùi hương trầm thoảng tới, ai cũng thấy thiêng liêng. Tôi cố hiểu ra dần những gì yêu quý về quê hương mình. Nhớ lời mẹ dặn, tôi chắp tay cầu cho ông bà tổ tiên được yên bình, phù hộ cho con cháu mọi điều tốt lành. Tôi xin các cụ phù hộ cho tôi học giỏi, chóng lớn. Ngẩng lên, tôi bắt gặp ánh mắt trìu mến của ông bà và cô chú. Hầu như ai cũng vừa lòng.

Khi xa quê hương, tôi càng yêu quý quê hương mình. Lên xe mà lòng tôi thầm hẹn lại ngày về thăm gần nhất. Chưa bao giờ tôi hiểu rõ câu hát quen thuộc như lúc này:

Quê hương mỗi người có một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

Giaibai5s.com

Phần 2 Đề 32: Kể về quê hương.
5 (100%) 6 votes