I. Những kiến thức cơ bản

1. Loại hình ngôn ngữ: Trên thế giới hiện nay có nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, theo ước tính có khoảng 5000 ngôn ngữ. Qua nghiên cứu, có một số loại ngôn ngữ có những nét giống nhau do có cùng nguồn gốc; đồng thời cũng có một số ngôn ngữ tuy không cùng nguồn gốc nhưng lại có những đặc trưng cơ bản giống nhau. Vì vậy, qua đối chiếu so sánh, các nhà ngôn ngữ học phân chia, sắp xếp ngôn ngữ theo hai tiêu chí như sau:

– Một số ngôn ngữ có những nét chung do cùng nguồn gốc thì được sắp xếp theo ngữ hệ như: ngữ hệ Ấn – Âu, ngữ hệ Nam Á.

– Một số ngôn ngữ tuy không cùng nguồn gốc nhưng có những đặc trưng cơ bản giống nhau (giống nhau trên các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) thì xếp theo một số loại hình; có hai loại hình ngôn ngữ quen thuộc là loại hình ngôn ngữ đơn lập và loại hình ngôn ngữ hòa kết.

2. Đặc điểm loại hình của tiếng Việt: Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập và có những đặc trưng cơ bản sau: 

a. Tiếng là đơn vị cơ sở của ngữ pháp: về mặt ngữ âm, tiếng là âm tiết; về mặt sử dụng, tiếng có thể là từ hoặc yếu tố tạo từ.

b. Từ không biến đổi hình thái: đây là đặc trưng vô cùng quan trọng để phân biệt loại hình ngôn ngữ đơn lập với loại hình ngôn ngữ hòa kết.

   Từ trong tiếng Việt không biến đổi hình thái khi cần biểu thị những ý nghĩa ngữ pháp; trong khi đó, ở tiếng Anh, để biểu thị ngữ pháp khác nhau, từ thường phải biến đổi hình thái. Ví dụ:

– Tiếng Việt:

Tôi tặng cho anh ấy quyển sách của tôi.

Ở trong câu này, hai từ Tôi không hề thay đổi kết cấu hình thái.

– Tiếng Anh:

   Cũng cùng một câu như thế nhưng từ Tôi thứ nhất là I (vị trí chủ ngữ); trong khi từ Tôi thứ hai sẽ biến thành My.

c. Biện pháp chủ yếu để biểu thị ý nghĩa ngữ pháp là sắp đặt từ theo thứ tự trước sau và sử dụng các hư từ: một khi trật tự sắp xếp các từ ngữ và các hư từ thay đổi thì ý nghĩa của câu cũng thay đổi. Ví dụ:

– Tôi đi bơi.

– Bạn đi bơi với tôi nhé!

– Tôi đang đi bơi.

   Những từ như với, nhé, đang là hư từ, một khi có sự tham gia của các hư từ và tùy theo vị trí sắp xếp của các hư từ trong câu mà ý nghĩa của câu sẽ thay đổi.

II. Luyện tập: Học sinh xem kĩ phần lí thuyết và áp dụng để giải quyết yêu cầu của các bài tập trong sách giáo khoa.

Bài tập 1

a. Trèo lên cây bưởi hái hoa ,

    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

    Em có chồng rồi anh tiếc em thay. (Ca dao)

Nụ tầm xuân ở câu thứ hai là thành phần bổ ngữ.

Nụ tầm xuân ở câu thứ ba là chủ ngữ.

b. Thuyền ơi có nhớ bến chăng,

   Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. (Ca dao)

– Bến ở câu thứ nhất là thành phần bổ ngữ.

– Bến ở câu thứ hai là chủ ngữ.

c. Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho. (Tục ngữ)

– Từ trẻ thứ nhất là thành phần bổ ngữ; từ trẻ thứ hai là chủ ngữ.

– Từ già thứ nhất là thành phần bổ ngữ; từ già thứ hai là chủ ngữ.

d. Con đem con cá bống ấy về thả xuống giếng mà nuôi. Mỗi bữa, đáng ăn ba bát thì con ăn hai, còn một đem thả xuống cho bống

   Nói xong Bụt biến mất. Tấm theo lời Bụt thả bống xuống giếng. Rồi từ hôm ấy trở đi, cứ sau bữa ăn, Tấm đều để dành cơm, giấu đưa ra cho bống. Mỗi lần nghe lời Tấm gọi, bống lại ngoi lên mặt nước đớp lấy những hạt cơm của Tấm ném xuống. Người và cá ngày một quen nhau, và bống ngày càng lớn lên trông thấy. (Tấm Cám).

– Từ bông thứ nhất là thành phần định ngữ.

– Ba từ bống tiếp theo là thành phần bổ ngữ.

– Hai từ bống sau cùng là chủ ngữ.

Bài tập 2. Học sinh tự làm bằng cách tìm một câu tiếng Anh và dịch ra tiếng Việt, từ đó đối chiếu hai câu để thấy sự khác nhau giữa loại hình ngôn ngữ hòa kết và loại hình ngôn ngữ đơn lập.

Bài tập 3. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa. (Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

– Hai hư từ trong đoạn văn này là từ đã và từ lại.

– Từ đã thể hiện sự việc đã xảy ra rồi.

– Từ lại cũng thể hiện một sự việc đã xảy ra nhưng với ý nhấn mạnh hơn nữa.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 25. Đặc điểm loại hình của tiếng Việt
Đánh giá bài viết