I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   A.X. Pu-skin (1799 – 1837) là nhà thơ vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga”.

   A.X. Pu-skin xuất thân trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Mát-xcơ-va. Từ thời kì học ở trường trung học dành cho con em quý tộc (1811 – 1817), A.X. Pu-skin đã sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và cũng sớm nổi tiếng với nhiều bài thơ yêu nước, ngợi ca sức mạnh vĩ đại của nhân dân Nga trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược của Na-pô-lê-ông năm 1812. Vì những bài thơ chống đối Nga hoàng, A.X. Pu-skin bị đày xuống miền Nam (1820 – 1824), rồi bị đày lên miền Bắc (1825 – 1826). Cuộc đời A.X. Pu-skin chịu nhiều bất hạnh và đau thương. Cuối cùng ông chết trong một cuộc đấu súng do chính quyền Nga hoàng dàn dựng.

   Không chỉ là một thi sĩ lừng danh với hơn 800 bài thơ trữ tình, A.X. Puskin còn là tác giả của tiểu thuyết bằng thơ nổi tiếng Ép-ghe-nhi Ô-nhê-ghin (1823 – 1831) khởi đầu cho chủ nghĩa hiện thực Nga, tác giả của bi kịch lịch sử hoành tráng Bô-rít Gô-đu-nốp (1825), sáng tác ra những trường ca sâu lắng như Ru-xlan và Li-út-mi-la (1820), Người tù Cáp-ca-dơ (1821), tác giả của những truyện ngắn xuất sắc như Cô tiểu thư nông dân (1830), Con đầm pích (1833), những truyện ngụ ngôn thâm trầm…

   Các sáng tác phong phú của A.X. Pu-skin đã thể hiện tuyệt đẹp tâm hồn nhân dân Nga khát khao tự do và tình yêu. Ở thể loại văn chương nào, A.X. Pu-skin cũng thể hiện tiếng nói Nga trong sáng, thuần khiết, thể hiện cuộc sống một cách giản dị, chân thực.

   Với những đóng góp của mình, A.X. Pu-skin được mệnh danh là Mặt trời của thi ca Nga.

2. Tác phẩm

   Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của A.X. Pu-skin, được khơi nguồn từ mối tình của nhà thơ với A.A. Ô-lê-nhi-na (con gái của A.N. Ô-lê-nhin, Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga) – người mà mùa hè năm 1829 A.X. Pu-skin đã cầu hôn nhưng không được chấp nhận. Bài thơ vốn không tên, nhan đề Tôi yêu em là do người dịch đặt.

   Tôi yêu em được đánh giá là viên ngọc vô giá trong kho tàng thi ca Nga.

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. Kết cấu bài thơ và điệp khúc Tôi yêu em

   Bài thơ được sắp xếp liền mạch 8 câu, không chia thành các khổ thơ. Toàn bài có hai câu thơ lớn, mỗi câu bốn dòng thơ. Như vậy, bài thơ gồm có hai phần, cả hai phần đều bắt đầu bằng một cụm từ Tôi yêu em. Mới đọc bài thơ, chúng ta có cảm giá tác giả trình bày theo lối vòng tròn, có vẻ như trùng lặp, nhưng trên thực tế, bài thơ có ý trào lên ào ạt như những con sóng vỗ bờ, con sóng sau dữ dội hơn con sóng trước. Hình thức biểu đạt trùng nhau nhưng cảm xúc có sự tăng tiến.

   Xét bề ngoài câu chữ, nhân vật trữ tình dường như thông báo việc rút lui, từ bỏ tình yêu, dập tắt lửa tình. Đó là trật tự lôgíc trong cách giãi bày tình cảm của nhân vật trữ tình. Nhưng trật tự lôgíc đó chỉ là bề ngoài, còn trong sâu thẳm tâm hồn, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình cuồn cuộn chảy, bất chấp lôgíc. Không nén được, cảm xúc đó bật lên như một điệp khúc: Tôi yêu em.

   Tôi yêu em được lặp nhiều lần như một điệp khúc. Đó vừa là một khẳng định không chút hồ nghi, bâng khuâng, do dự, vừa là một sự thú nhận với tất cả chân thành thốt lên tận đáy lòng. Đó là khát vọng cháy bỏng của một trái tim yêu muốn được đáp lại. Đó còn là một lí luận của tình yêu, tôi có quyền yêu em dù cho em có yêu tôi hay không. Lí luận của con tim đã bất chấp lí luận của lí trí. Lí trí muốn dập tắt lửa tình nhưng con tim vẫn muốn thốt ra Tôi yêu em.

2. Tâm trạng của tác giả trong bài thơ 

Lời mở đầu bài thơ chính là lời thú nhận của tác giả:

                 Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

                 Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

                 Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

                 Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Nói là chưa hẳn đã tàn phai nhưng dường như lại bùng lên mãnh liệt:

                 Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

                 Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

                 Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm.

   Ngọn lửa tình có lúc bùng lên mãnh liệt, có lúc đằm thắm, âm ỉ nhưng đó là cái âm ỉ để chuẩn bị cho một đợt bùng phát. Tình yêu âm thầm, đơn phương có lúc chông chênh không hi vọng bởi tác giả nhiều khi có cảm giác tôi tìm em, em tìm ai? Yêu một người là hạnh phúc vì yêu, là đau khổ vì cảm giác tình yêu không được đền đáp. Tác giả có lúc rụt rè không dám đến gần để rồi ghen với cả những ánh mắt qua đường.

   Tuy hậm hực lòng ghen nhưng tác giả lại chứng tỏ mình là một người dịu dàng, cao thượng. Nét nổi bật nhất trong nhân cách yêu là chân thành, đằm thắm ngay cả khi không hi vọng. Đó là một mối tình tự nguyện, một tình cảm trọn vẹn dành cho người mình yêu.

   Tình cảm của tác giả đầy đủ mọi sắc thái, mọi cung bậc, vừa rất con người với những đam mê, những hờn ghen, vừa mang tính lí tưởng bởi yêu hết mình và hiến dâng trọn vẹn. ..

3. Giá trị nhân văn và vẻ đẹp của bài thơ

   Hai câu thơ cuối cùng là câu trả lời, vụt sáng lên một giá trị nhân văn, một tư thế cao thượng của con người đang yêu ấy:

                    Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,

                    Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

   Cảm xúc bị dồn nén được giải tỏa, tuôn trào. Điệp khúc tôi yêu em được lặp lại đến ba lần như một lời khẳng định tình yêu của tác giả rất chân thành đằm thắm. Điều đó có nghĩa ngọn lửa tình yêu trong trái tim tác giả không bao giờ tắt, không bao giờ lụi tàn, nhạt phai. Chính sự chân thành, đằm thắm, không bao giờ nhạt phai ấy là cái gốc của tấm lòng cao thượng trong tình yêu. Nó lí giải vì sao tác giả ở đoạn trên lại có một xử sự dịu dàng, tế nhị, trân trọng người mình yêu và đến cuối bài thơ lại có một lời chúc thiêng liêng đầy vị tha: Tôi cầu mong em có được một người yêu em cũng chân thành, đằm thắm như tôi.

   Có một điều tế nhị sâu xa trong hoàn cảnh trớ trêu này. Tình yêu khi không được đền đáp thường là nỗi khổ đau đưa đến lòng tự ái, hận thù, nhưng nếu đó là tình yêu của một trái tim chân thật, độ lượng, nhân hậu, thì dù bị cự tuyệt, con người cũng có thể có những xử sự cao thượng. Lời cầu mong cuối bài thơ còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng.

   Chính thái độ trân trọng, tôn thờ, sùng kính đối với phụ nữ đã đưa bài thơ của Pu-skin vươn tới những giá trị nhân văn cao cả trong kho tàng thơ tình nhân loại.

   Bài thơ diễn tả một tình yêu vô vọng mang âm sắc buồn nhưng trên hết vẫn là sự mãnh liệt và cao thượng của trái tim một con người với mối tình không thành. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng. Chất thơ của bài thơ toát ra những cảm xúc chân thành, ghìm nén, những lời nói giản dị nhưng đầy thiết tha tế nhị, mãnh liệt, đằm thắm và cao thượng. Tôi yêu em là khúc hát của trái tim, là một bài thơ tình độc đáo trong thơ ca nhân loại.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 26. Tôi yêu em
Đánh giá bài viết