∗ Hướng dẫn làm bài tập

1. Đọc hai đoạn kết bài dưới đây (SGK trang 14) và cho biết cách kết bài ở hai đoạn này có gì khác nhau:

– Đoạn kết bài a tả một người thân trong gia đình em là kết bài | theo kiểu không mở rộng: nhấn mạnh tình cảm với người được tả.

– Đoạn kết bài b tả một bác nông dân đang cày ruộng là kết bài theo kiểu mở rộng: thể hiện tình cảm với bác nông dân, bình luận vai trò của những người nông dân đối với xã hội.

2. Hãy viết hai đoạn kết bài theo hai cách đã biết cho một trong bốn đề văn ở bài tập 2, tiết luyện tập tả người (dựng đoạn mở bài).

a) Tả một người thân trong gia đình em.

– Kết bài không mở rộng:

   Mỗi lúc hình dung ra dáng thân thương của bà, đôi mắt hiền từ, nước da màu hạt dẻ nhăn nheo của bà, tôi tự nhủ thầm: “Hãy làm điều tốt để bà vui”.

– Kết bài mở rộng:

   Bà em đã khoẻ lại. Mọi người đều vui mừng nhưng em là người sung sướng nhất. Sau trận ốm, bà em vẫn làm việc, vẫn nấu cơm, quét dọn nhà cửa và day em hoc. Ôi có lẽ trên đời này, bà em tốt nhất với em. Bà là người mà em yêu nhất. Em mong sao bà sống trăm tuổi để vui vẫy với con cháu.

b) Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn ở gần nhà em.

– Kết bài không mở rộng:

   Thủy Tiên là một người bạn tốt, em cần học tập ở Tiên những đức tính như giúp đỡ bạn bè, lễ phép với người lớn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà.

– Kết bài mở rộng:

   Được chứng kiến thành tích học tập của Thủy Tiên, em rất cảm phục bạn. Em cũng hiểu thêm được con người cần phải có ý chí và nghị lực, dù gặp hoàn cảnh nào nếu ta đã quyết tâm thì sẽ thành công. Gương học tập của Thủy Tiên mãi mãi là tấm gương sáng cho em noi theo.

c) Tả một ca sĩ đang biểu diễn.

– Kết bài không mở rộng:

   Em rất thích giọng hát của chú Trần Tiến. Em sẽ cố gắng sưu tập một bộ đĩa hát của chú để lúc nào rảnh rỗi em thưởng thức.

– Kết bài mở rộng:

   Các bài hát mà chú Trần Tiến sáng tác đều phù hợp với mọi lứa tuổi. Bố tôi rất thích chú hát bài “Ngọn lửa cao nguyên” bởi âm hưởng của nó hùng tráng, gợi được cả một cuộc sống sôi động của đồng bào Tây Nguyên. Còn mẹ thì lại thích bài “Chị tôi” lời ca nhẹ nhàng đầm ấm như một lời tâm sự. Còn tôi thì rất thích bài “Mặt trời bé con” nhí nhảnh, tươi vui. Tôi mong rằng chú sẽ sáng tác nhiều bài hát cho tuổi thiếu niên.

d) Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích.

– Kết bài không mở rộng:

   Những vở kịch mà cô Minh Vượng đóng em đều thích cả. Em mong cô luôn có những vai diễn mới, đem tiếng cười sảng khoái đến cho mọi người.

– Kết bài mở rộng:

   Được chứng kiến sự hóa thân của cô Minh Vương qua nhiều vai diễn, em càng cảm phục trước sự lao động nghệ thuật vất vả của cô. Để có một vai diễn hay chắc cô phải mất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi, khám phá tính cách của nhân vật, rồi lại phải nghiền ngẫm với số phận của các nhân vật. Có như thế cô mới mang đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái.

3. Hãy tự nghĩ một đề văn tả người. Viết đoạn kết cho bài văn tả người theo đề tài ấy.

   Đề văn: Tả một người bán hàng đang làm việc ở cửa hàng bách hóa trong lúc đông khách.

– Kết bài không mở rộng: 

   Rời cửa hàng bách hóa nhưng hình ảnh cô bán hàng vẫn hiện lên trong tâm trí của em, em mong các cửa hàng khác cũng có những cô mậu dịch viên vui tính, lịch sự và niềm nở như cô bán hàng ở cửa hàng hợp tác xã quê em.

– Kết bài mở rộng:

   Cửa hàng bách hóa Tân Thới Hiệp ở phường em là một siêu thị thu nhỏ, với những mặt hàng chất lượng cao, giá cả hợp lí và đặc biệt là các cô mậu dịch viên nhiệt tình vui vẻ khiến khách hàng nhớ mãi. Đúng là “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nếu xã hội ta đâu đâu cũng có những cô bán hàng vui vẻ như vậy thì đất nước ta sẽ văn minh, lịch sự chẳng kém gì các nước phát triển khác trên thế giới.

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng Việt 5 Tập 2-Tuần 19. Người công dân-Tập làm văn. Luyện tập tả người (Dựng đoạn kết bài)
Đánh giá bài viết