I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Người giàu không nhất thiết phải có bằng cấp đàng hoàng, nhưng đều đánh giá cao việc tự học qua đọc sách hằng ngày.

Steve Siebold là tác giả cuốn “Người giàu suy nghĩ như thế nào” và là một triệu phú tự thân nổi tiếng tại Mỹ. Khi còn là cậu sinh viên nghèo rớt, Steve Siebold đã nhen nhóm mong muốn trở thành người giàu sau cuộc phỏng vấn với một triệu phú.

Kể từ đó, suốt hơn ba thập kỷ qua, Siebold vẫn tiếp tục phỏng vấn hơn 1.200 người thuộc top giàu nhất thế giới. Và ông nhận và thu giải trí chung của họ là tự học bằng việc đọc sách. Business Insider trích lời của Siebold cho biết: “Hãy bước vào ngôi nhà của một người giàu có, và một trong những thứ đầu tiên bạn thấy sẽ là thư viện sách khổng lồ mà họ dùng để tự dạy mình cách trở nên thành công hơn. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu lại đọc tiểu thuyết, báo lá cải và các tạp chí giải trí”.

Điều này chứng tỏ, nhu cầu của người giàu là giáo dục, chứ không phải là giải trí. Hãy lấy Warren Buffett làm ví dụ. Buffett từng cho biết ông dành khoảng 80% thời gian hằng ngày để đọc sách.

Bill Gates cũng có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ. Nhà đồng sáng lập Microsoft nhất định phải đọc thứ gì đó mỗi đêm, từ sách về những nhân vật truyền cảm hứng (Warren Buffett, Franklin D. Roosevelt), quá trình phát triển của lịch sử (phát minh vắc-xin và bom nguyên tử) cho tới những ấn phẩm triết học sâu sắc và trí tuệ (The Economist, Scientific American).

Theo Thomas Corley – tác giả cuốn Rich Habits: The Daily Success Habits Of Wealthy Individuals (Những thói quen để thành công của giới giàu có), 67% người giàu dành ra một tiếng hoặc ít hơn mỗi ngày để xem tivi. Trong khi, tỉ lệ này với người nghèo chỉ là 23%. Ngoài ra, chỉ 6% người giàu dành thời gian xem các chương trình thực tế, trong khi đây lại là hoạt động ta thích của những người nghèo (78%).

Người giàu không nhất thiết phải có bằng cấp đàng hoàng. Thậm chí nhiều người còn chẳng được ăn học đầy đủ. Tuy nhiên, họ đều đánh giá cao vai trò của việc học sau khi tốt nghiệp, Siebold giải thích.

“Nhiều người tin rằng những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ là con đường dẫn tới sự giàu có. Họ bị mắc kẹt với suy nghĩ đó và chẳng thể vươn tới tầng ý thức cao hơn. Người giàu có không quan tâm tới cách thức thực hiện, mà là kết quả sau cùng”, ông viết.

(Trích Thú tiêu khiển khiến các tỉ phú giàu có, dẫn theo http://www.vnexpress.net, ngày 06 – (01 – 2016)

Câu 1 Theo tác giả đoạn trích, thói quen hằng ngày, thú giải trí chung của những người giàu có là gì? 

Câu 2 Người viết đưa ra thông tin “67% người giàu dành ra một tiếng hoặc ít hơn mỗi ngày để xem tivi. Trong khi, tỉ lệ này với người nghèo chỉ là 23%. Ngoài ra, chỉ 6% người giàu dành thời gian xem các chương trình thực tế, trong khi đây lại là hoạt động ưa thích của những người nghèo (78%)” nhằm mục đích gì? 

Câu 3 Người viết quan niệm như thế nào về vai trò của bằng cấp?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Đọc sách phải chăng chỉ để học cách làm giàu? Viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh/ chị. 

Câu 2 (5,0 điểm)

Vẻ đẹp của sông Hương qua đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

GỢI Ý VÀ HƯỚNG DẪN

I. ĐỌC HIỂU.

Câu 1 Theo tác giả đoạn trích, thói quen hằng ngày, thủ giải trí chung của những người giàu có là đọc sách – tự học bằng con đường đọc sách.

Câu 2 Thông tin này cho thấy người giàu ít xem tivi (nhất là các chương trình thực tế ) hơn người nghèo. Người giàu dành nhiều thời gian cho việc tự học và đọc sách.

Câu 3 Người viết quan niệm bằng cấp không phải là điều kiện cần để làm giàu (Người giàu không nhất thiết phải có bằng cấp đàng hoàng) cũng không có vai trò quan trọng trên con đường làm giàu, thậm chí đôi khi nó còn cản trở việc phấn đấu, vươn lên (Nhiều người tin rằng những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ là con đường dẫn tới sự giàu có. Họ bị mắc kẹt với sự nghi đó và chẳng thể vươn tới tầng ý thức cao hơn).

II. LÀM VĂN 

Câu 1 HS cần nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề “Đọc sách phải chăng chỉ để học cách làm giàu?”; lập luận thuyết phục, có lí lẽ và dẫn chứng cụ thể; đoạn văn đảm bảo dung lượng khoảng 200 chữ, có thể trình bày theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành hoặc tông – phân – hợp,…, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Tham khảo gợi ý sau: – Đọc sách có nhiều mục đích, trong đó có mục đích học cách làm giàu.

– Tuy nhiên, đọc sách không phải chỉ nhằm mục đích duy nhất là học cách làm giàu; việc đọc sách còn hướng đến nhiều mục đích khác nữa, tuỳ theo quan điểm của mỗi người.

– Đọc sách có nhiều lợi ích khác nhau: giúp giải trí, thư giãn, giúp phát triển, hoàn thiện nhân cách, thanh lọc tâm hồn, phát triển các năng lực ngôn ngữ, giao tiếp, tưởng tượng, sáng tạo,…

– Khi người đọc biết vận dụng tối đa các ích lợi của việc đọc sách thì sẽ dễ dàng hơn trong việc lập thân, lập nghiệp; sẽ dễ thành công trên con đường làm giàu.

– Để việc đọc sách có hiệu quả, cần có mục đích cụ thể, rõ ràng; biết chọn sách để đọc và điều quan trọng là có phương pháp đọc hiệu quả.

Câu 2 Đề bài yêu cầu HS nghị luận về vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. HS cần viết bài văn có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Tham khảo các ý chính sau:

a) Trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, sông Hương được Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả với hai vẻ đẹp: vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp lịch sử, cuộc đời và thi ca.

– Vẻ đẹp tự nhiên của sông Hương:

+ Sông Hương ở thượng nguồn:

  • Sông Hương – “bàn trường ca của rừng già”; 
  • Sông Hương – “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”;
  • Sông Hương – “người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”. 

+ Sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế:

  • Sông Hương – “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại” được “người tình mong đợi” đến đánh thức;
  • Sông Hương – vẻ đẹp “trầm mặc”, “như triết lí, như cổ thi”. + Sông Hương giữa lòng thành phố Huế: 
  • Sông Hương – “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”; 
  • Sông Hương – “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”; 
  • Sông Hương – “nàng Kiều trong đêm tình tự”. 

– Vẻ đẹp lịch sử, cuộc đời và thi ca của sông Hương:

+ Sông Hương mang vẻ đẹp của một bản hùng ca ghi dấu bao chiến công oanh liệt của dân tộc.

+ Sông Hương mang vẻ đẹp giản dị của một người con gái dịu dàng.

+ Sông Hương đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà thơ.

Với mỗi biểu hiện trên, HS cần tìm những dẫn chứng tiêu biểu và phân tích giá trị của chúng để làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương.

b) Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích

– Ngôn ngữ phong phú, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu chất thơ, sử dụng nhiều phép tu từ;

– Có sự kết hợp hài hoà giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa những liên tưởng phong phú, sự uyên bác và những trải nghiệm của tác giả,… 

c) Tình cảm của tác giả đối với sông Hương: yêu say đắm và tự hào về vẻ đẹp của con sông quê hương.

Nguồn website giaibai5s.com

Đề thực hành luyện tập thi THPT quốc gia môn Ngữ văn – Đề 27
Đánh giá bài viết