I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

 Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

LÁ ĐỎ 

Gặp em trên cao lộng gió 

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương 

Vai áo bạc quàng súng trường

Đoàn quân vẫn đi vội vã 

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em em gái tiền phương

 Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…

1974 

(Nguyễn Đình Thi, Tuyển tập thơ Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước. NXB Hội Nhà văn, H., 1999)

Câu 1 Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? 

Câu 2 Hình ảnh so sánh: “Em đứng bên đường như quê hương Vai áo bạc quàng súng trường” gợi lên vẻ đẹp nào của nhân vật “em”? 

Câu 3 Sức gợi của hình ảnh “Rừng lạ ào ào lá đỏ” và “Bụi Trường Sơn nhoà trời ta”? 

Câu 4 Anh/ Chị có nhận xét gì về hai câu thơ cuối bài?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) bình luận về vai trò của những người “em gái tiền phương” trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của dân tộc ta. 

Câu 2 (5,0 điểm)

Có người cho rằng hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành đã góp phần làm cho tác phẩm đạt tới tầm vóc của những khúc sử thi hào hùng và mang vẻ đẹp trữ tình lãng mạn. 

Ý kiến của anh/ chị về vấn đề trên như thế nào?

GỢI VÀ VÀ HƯỚNG DẪN

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1 Nhân vật trữ tình trong bài thơ là cô gái (em gái tiền phương).

Câu 2 Hình ảnh so sánh “Em đứng bên đường như quê hương Vai áo bạc quàng súng trường” gợi lên vẻ đẹp gần gũi, thân thương, vừa mộc mạc, tao tần vừa kiên cường, rắn roi,… của người con gái tiền phương.

Câu 3 Hình ảnh “Rừng lạ ào ào lá đỏ” và “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” gợi tả không gian của cuộc gặp gỡ giữa anh lính Trường Sơn và cô gái tiên phương: không gian núi rừng vừa hiện thực vừa lãng mạn; vừa trữ tình, thơ mộng (giữa mùa thu của đại ngàn Trường Sơn, lá rừng rụng ào ạt, đỏ rực) vừa hào hùng, dữ dội (lửa bụi chiến tranh bay nhoà trời),…

Câu 4 Hai câu thơ cuối bài là lời chào, cũng là lời ước hẹn tràn đầy niềm lạc quan, tin tưởng và hi vọng vào ngày chiến thắng của người lính Trường Sơn.

 II. LÀM VĂN 

Câu 1 HS cần hiểu đúng vai trò của những người “em gái tiền phương” trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của dân tộc ta; nếu được những dẫn chứng cụ thể, có lí lẽ và lập luận thuyết phục; đoạn văn đảm bảo dung lượng (khoảng 200 chữ), có thể theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, song hành hoặc tông – phân – hợp…; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Sau đây là một vài gợi ý:

– “Em gái tiền phương” là những người phụ nữ trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu cùng bộ đội trên những tuyến đầu của mặt trận (phân biệt với “em gái hậu phương” là những người con gái không trực tiếp ra trận, ở lại hậu phương để sản xuất và chiến đấu). Cụ thể, “em gái tiền phương” ở đây là các nữ quân nhân hoặc thanh niên xung phong có mặt trên các tuyến đường Trường Sơn gian khổ, ác liệt trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

– Họ có vai trò vô cùng quan trọng và có những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến:

+ Là lực lượng trực tiếp góp phần làm nên chiến công nơi tiền tuyến chống quân thù (những cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, ở Truông Bồn,…). Qua hai cuộc kháng chiến, đã có hàng triệu nữ quân nhân, nữ thanh niên xung phong tham gia lực lượng vũ trang. Đó là những cô gái đi tải đạn; là những cô giao liên xuyên rừng dẫn đường cho cán bộ, cho quân giải phóng, là hàng trăm ngàn nữ thanh niên xung phong không quản ngày đêm phá bom, san lấp, mở đường cho xe ta ra tiền tuyến;…

+ Trong số những “em gái tiền phương” ấy, có biết bao nhiêu người đã ngã xuống chiến trường; biết bao cô gái đã “lấy tình yêu Tổ quốc thắp lên ngọn lửa – Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom” (Khoảng trời – hố bom, Lâm Thị Mỹ Dạ).

– Họ xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Câu 2 Đề bài yêu cầu HS nghị luận về một ý kiến bàn về hình tượng cây xà nu trong truyện Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành). HS cần viết (1 bài văn có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài; xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Tham khảo định hướng làm bài sau đây:

a) Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Tác giả: Nguyễn Trung Thành quê ở Quảng Nam nhưng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, ông chủ yếu sống ở Tây Nguyên. Ông hiểu biết sâu sắc, gắn bó mật thiết với cảnh vật và con người các dân tộc Ba-na, Gia-rai, Ê-đê,… ở vùng đất này. Nhờ đó, ông viết nhiều và viết rất hay về Tây Nguyên. Với tiểu thuyết Đất nước đang lên (1955) và truyện ngắn Rừng xà nu (1965), ông được coi là nhà văn của Tây Nguyên.

– Tác phẩm: Rừng xà nu là tác phẩm nổi tiếng nhất trong số những sáng tác của Nguyễn Trung Thành viết trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

b) Giải thích: Tầm vóc sử thi hào hùng và vẻ đẹp trữ tình lãng mạn của truyện ngắn Rừng xà nu toát lên từ cảm hứng, chủ đề, hình tượng nhân vật (trong đó có hình tượng cây xà nu) và cách kể chuyện cũng như ngôn ngữ tác phân.

+ Rừng xà nu là tiếng nói của lịch sử và thời đại, gắn liền với những sự kiện, những biến cố có ý nghĩa trọng đại đối với toàn dân (phân tích hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để thấy Rừng xà nu được sáng tác như một sự biểu dương, bằng sức mạnh của nghệ thuật, con đường đấu tranh giải phóng mà nhân dân Tây Nguyên nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung đã chọn: con đường bạo lực cách mạng. đấu tranh vũ trang.

+ Rừng xà nu phản ánh ý chí kiên cường, bất khuất, khát vọng, niềm tin mãnh liệt và sức sống bất diệt của ca một dân tộc trong hành trình giành độc lập, tự do cho đất nước, nhân dân; bảo vệ cuộc sống của mỗi cá nhân và của cộng đồng.

+ Rừng xà nu mang âm hưởng hào hùng của “khan” Tây Nguyên, là chuyện của một đời – cuộc đời của người anh hùng, dũng sĩ Tnú – được kể trong một đêm, với ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu cảm xúc và nhạc điệu, khi vang động, khi tha thiết, lúc trang nghiêm.

c) Phân tích ý nghĩa của hình tượng cây xà nu trong việc tạo nên tầm vóc sử thi hào hùng và vẻ đẹp trữ tình lãng mạn của truyện ngắn Rừng xà nu.

– Giới thiệu khái quát về hình tượng cây xà nu: Hình tượng cây xà nu là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Trung Thành, là hình tượng vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa tượng trưng. Đó là bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hùng vĩ, đồng thời cũng là biểu tượng cho số phận đau thương và tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của người dân Tây Nguyên thời kì chống Mĩ cứu nước. Trong tác phẩm, có khoảng 20 lần nhà văn nhắc trực tiếp hoặc gián tiếp đến cây xà nu, rừng xà nu và những biến thể khác như củi xà nu, khói xa nu, lửa xà nu, nhựa xà nu, lá xà nu,…

– Phân tích ý nghĩa của hình tượng cây xà nu: Cây xà nu chứng kiến, chịu chung nỗi đau thương của dân làng Xô Man. Cây xà nu kiên cường, bất chấp bom đạn vẫn sinh sôi nảy nở, vươn lên xanh ngút ngàn, bất tận; biểu tượng cho tinh thần quật cường, khát vọng tự do, sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên.

+ Mở đầu câu chuyện (đoạn văn thứ nhất), nhà văn miêu tả một tình huống đặc biệt: sự chạm trán trực tiếp, sự đối lập giữa sức sống, sự quả cảm của dân làng Xô Man với sự tàn bạo, dữ dội của bom đạn kẻ thù, từ đó nhà văn đi vào miêu tả rừng xà nu. Nhà văn sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hoá; dùng nhiều tính từ, động từ mạnh để miêu tả cây xà nu từ tổng thể, khái quát đến chi tiết, cụ thể. Ngòi bút của nhà văn như ống kính của nhà quay phim đã bao quát, thu vào máy quay sự trùng điệp của rừng xà nu chạy tít tắp đến chân trời. Đó là cánh rừng nằm cạnh con nước lớn, hằng ngày phải hứng chịu bom đạn, đại bác của giặc. Đó cũng là cánh rừng đầy thương tích: “không có cây nào không bị thương”, những vết thương dần bầm lại, nhựa xà nu như những cục máu lớn, đọng lại như nỗi căm hờn… Nhưng nó đã có từ ngàn đời và sẽ còn tồn tại đến ngàn đời sau.

+ Kết thúc tác phẩm, nhà văn lấy lại gần như nguyên văn câu viết về rừng xà nu ở phần mở đầu. Điều này tạo nên kiểu kết cấu vòng tròn vừa khép lại câu chuyện này vừa mở ra một câu chuyện khác. Kết cấu đầu cuối tương ứng ấy, một mặt, khiến người đọc có cảm tưởng như kì tích anh hùng của Tnú. của dân làng Xô Man mà tác giả vừa kể chỉ là sự tiếp nối của những tù trường danh tiếng và câu chuyện sẽ được viết tiếp bởi những thế hệ sau của làng; mặt khác, dường như câu chuyện không chỉ bó hẹp trong không gian của làng Xô Man ma còn được mở rộng ra khắp mọi miền đất nước.

+ Ngoài phần mở đầu và kết thúc, trong câu chuyện về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man, cây xà nu luôn được nhắc đến với một dụng ý nghệ thuật rõ nét:

Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống thường nhật của người dân làng Xô Man: Cây xà nu có mặt trong đời sống hằng ngày của người dân làng Xô Man tự ngàn đời: lứa xà nu cháy trong bếp của mỗi gia đình, lửa xà nu cháy trong nhà ưng tập hợp dân làng, khói xà nu xông bảng nữa để trẻ con học chữ, .. Cây xà nu còn gắn với những sự kiện trọng đại của dân làng Xô Man: ngọn đuốc xà nu dẫn đường cho cụ Mết và dân làng vào rừng lấy giáo, mác, dụ, rựa,… để chuẩn bị nội dậy; khi giặc đốt hai bàn tay Tnú, dân làng Xô Man đã nổi dậy để rời “xác mười tên lính giặc ngổn ngang quanh đống lửa đó”. Cây xà nu thấm sâu vào suy nghĩ và cảm xúc của dân làng: cảm nhận của Tnú về cụ Mết khi về thăm làng đông y trần, ngực cũng như một cây xà nu lớn); sự tự hào của cụ Mết về cây xà nu (không có cái gì mạnh bằng cây xà nu đất ta)…

Cây xà nu tượng trưng cho số phận và phân chất của người dân Tây Nguyên trong đấu tranh cách mạng: Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đại bác kẻ thù tượng trưng cho những mất mát, đau thương vô bờ mà người dân Tây Nguyên phải gánh chịu trong chiến tranh, Đặc tính ham ánh sáng của cây xà nu tượng trưng cho niềm khát khao tự do, lòng tin vào lí tưởng cách mạng của người dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến. Kha năng sinh sôi nảy nở mãnh liệt của cây xà nu tượng trưng cho sự tiếp nối của nhiều thế hệ người dân Tây Nguyên đoàn kết bên nhau trong cuộc kháng chiến. Sự tồn tại kì diệu của rừng xà nu bất chấp những hành động hủy diệt của kẻ thù tượng trưng cho sức sống bất diệt, sự bất khuất, kiên cường và sự vươn lên mạnh mẽ của con người Tây Nguyên trong chiến tranh.

d) Nhận xét, đánh giá

– Đặc điểm của cây xà nu có sự hài hòa, tương ứng với những phẩm chất cao đẹp của người dân làng Xô Man. Thiên nhiên và con người Tây Nguyên đã thực sự hòa nhập với nhau trong ca nỗi đau thương và sự kiên cường, mạnh mẽ. Nó là biểu tượng của dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên nói chung trong kháng chiến.

Nghệ thuật miêu tả cây xà nu: với biện pháp nhân hoá, hình tượng cây xà nu đã trở thành chứng nhân của lịch sử; sự xuất hiện lặp lại của hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu ở mơ đầu, kết thúc và trong suốt thiên truyện đã khiến cây xà nu trở thành người bạn đồng hành của dân làng Xô Man… Những đoạn văn nói về xà nu là những đoạn văn đẹp hào hùng, bi tráng, đầy chất thơ; những chi tiết về xà nu bao giờ cũng gây ấn tượng mạnh về sự đau thương mà bất khuất, dữ dội, khốc liệt mà trữ tình, lãng mạn (vì nó gắn với những con người và cuộc sống làng Xô Man trong những năm chiến tranh).

– Qua việc miêu tả về cây và rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật đặc sắc, góp phần quan trọng tạo nên tầm vóc sử thi hào hùng và chất trữ tình, cảm hứng lãng mạn cách mạng của tác phẩm.

 

Đề thực hành luyện tập thi THPT quốc gia môn Ngữ văn – Đề 21
Đánh giá bài viết