DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Ái Quốc.

– Giới thiệu về truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (hoàn cảnh ra đời, chủ đề tư tưởng).

– Thái độ của tác giả đối với Phan Bội Châu: yêu mến, trân trọng, tôn kính nhân cách và khí phách của người anh hùng dân tộc.

2. Giải quyết vấn đề:

– Thái độ của tác giả thể hiện qua những lời ca ngợi trực tiếp cuộc đời và nhân cách cụ Phan: “con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi…”; “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”.

– Thái độ của tác giả thể hiện qua những phác vẽ hình tượng Phan Bội Châu trong màn gặp mặt tưởng tượng với toàn quyền Va-ren:

+ Sự im lặng của Phan Bội Châu trước những lời hênh hoang, xảo trá, phản động của Va-ren: thể hiện sự khinh bỉ, không thể và không thèm giao tiếp với những kẻ có bản chất và hành động để hèn.

+ Lời bình của tác giả về sự im lặng của cụ Phan: sự không hiểu nhau giữa cụ Phan và Va-ren không phải do bất đồng ngôn ngữ mà là do hai con người ở hai lực lượng, hai tính cách đối lập nhau, không tìm được tiếng nói chung.

+ Lời kết và tái bút của truyện ngắn: là lời châm biếm, sỉ nhục sâu cay đối với Va-ren và ca ngợi người anh hùng dân tộc Phan Bội Châu.

3. Kết thúc vấn đề:

– Tóm lại về thái độ trân trọng, ngưỡng mộ của nhà văn với cụ Phan trong tác phẩm.

– Thái độ đó cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước thiết tha, lòng tự hào dân tộc sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc.

BÀI LÀM

Phan Bội Châu (1867-1940) là một nhà văn lớn, tiêu biểu nhất cho nền văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX. Nhưng trước hết, nói đến Phan Bội Châu là nói đến một nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại, lãnh tụ của các phong trào Duy tân, Đông du, Việt Nam Quang phục hội. Mặc dù không thành công trên con đường cách mạng, nhưng nhiệt tình yêu nước và khí phách hào hùng, hiên ngang của người anh hùng Phan Bội Châu đã được lưu vào sử sách, rạng rỡ muôn đời. – Ngày 18-06-1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Trung Quốc và giải về giam ở Hỏa Lò, chờ ngày xét xử. Một phong trào của đông đảo nhân dân trong nước rộ lên đòi thả Phan Bội Châu. Và từ đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu để góp một tiếng nói đấu tranh sắc bén cho phong trào yêu nước này. Ngòi bút của nhà văn đã xây dựng hình tượng cụ Phan bằng tất cả niềm yêu mến, tôn kính và ngưỡng mộ khí phách và nhân cách của người anh hùng dân tộc.

Thái độ của tác giả được thể hiện khi thị trực tiếp qua những lời tổng kết, khái quát về cuộc đời và nhân cách Phan Bội Châu, khi thì qua những nét phác về thái độ của cụ Phan trong cuộc gặp mặt tưởng tượng với Toàn quyền Va-ren trong nhà biệt giam.

Ngay trước khi đi vào miêu tả cuộc chạm trán giữa hai nhân vật ấy, nhà văn không hề giấu giếm thái độ tôn kính, ngưỡng mộ của mình đối với cụ Phan. Tác giả cất lên những lời ca ngợi trực tiếp cuộc đời và nhân cách Phan Bội Châu: “con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kê bên cô”. Đó là một “bậc – anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Có thể nói, chưa ai lại cất lên những lời ngợi ca cụ Phan nồng nhiệt, ngưỡng mộ đến như thế!

Không chỉ thế, thái độ của tác giả còn được thể hiện qua những phác vẽ hình tượng Phan Bội Châu trong màn gặp mặt tưởng tượng với Toàn quyền Va-ren.

Trong suốt cuộc gặp mặt ấy, tác giả dường như chỉ tập trung vào miêu tả ngôn ngữ, cử chỉ của nhân vật Va-ren. Đáp lại những lời dụ dỗ, thuyết phục đầy hùng hồn của hắn chỉ là sự im lặng. Tự khắc, cuộc đối thoại giờ đây trở thành một màn độc thoại. Va-ren đã tự biến mình thành một con rối, một tên hề đang múa may, nói năng, tự trình diễn trên sân khấu hài kịch. Sự im lặng của Phan Bội Châu có ý nghĩa gì? Phải chăng trước những lời huênh hoang, xảo trá, phản động của Va-ren, hành động im lặng dửng dưng ấy chính là thể hiện sự khinh bỉ tột cùng, không thể và không thèm giao tiếp với những kẻ có bản chất và hành động đê hèn.

Tác giả đưa ra lời bình về sự im lặng của cụ Phan: “không phải vì một bên nói tiếng Nam, một bên nói tiếng Tây: đã có một viên quan ở đấy làm thông ngôn cơ mà. Nhưng cứ xét binh tình thì đó chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu”. Như vậy, sự không hiểu nhau giữa cụ Phan và Varen không phải do bất đồng ngôn ngữ mà là do hai con người ở hai lực lượng, hai tính cách đối lập nhau, không tìm được tiếng nói chung. Một bên là tính cách gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Một bên là người anh hùng “xả thân vì độc lập tự do”, không chịu hạ mình làm nô lệ và sống trong cảnh nô lệ, tiêu biểu cho khí phách của dân tộc Việt Nam. Đặt trong thế đối sánh với hình ảnh một Va-ren huênh hoang, xảo trá, hình tượng Phan Bội Châu hiện lên càng trở nên uy nghi, lẫm liệt, mang phong thái bất khuất, kiên cường.

Chưa dừng lại ở đó, lời kết và tái bút của truyện ngắn được coi là một “đòn đánh” quyết định “hạ gục” Va-ren và là tiếng nói tôn vinh, ca ngợi tuyệt vời người anh hùng dân tộc Phan Bội Châu. Tác giả đưa ra lời quả quyết của một anh lính dũng An Nam về nụ “cười ruồi” của cụ Phan- “một sự thay đổi nhẹ trên mặt người tù lừng danh” chỉ diễn ra có một lần. Còn một nhân chứng khác lại quả quyết rằng “Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren”; và nhà văn bình luận: “cái đó thì cũng có thể”. Những giả định của tác giả tạo nên một “màn sương huyền thoại” xoay quanh nhân vật Phan Bội Châu. Nó khắc sâu thêm một lần nữa tư thế và khí phách bất khuất, hào hùng của cụ Phan cũng như tô đậm sự thảm hại của Toàn quyền Va-ren. Thái độ của nhà văn đối với hai đối tượng này từ đó cũng được thể hiện rõ.

Như vậy, với nghệ thuật trần thuật sắc sảo và bút pháp trào phúng sắc bén, sâu cay, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu là một áng văn yêu nước độc đáo của Nguyễn Ái Quốc. Ca ngợi, ngưỡng mộ, tôn kính người anh hùng cách mạng Phan Bội Châu, tác giả truyện ngắn cũng đã thể hiện sâu sắc lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước thiết tha, nhất là đất nước, dân tộc trong cảnh ngộ mất nước, nô lệ. Tinh thần dân tộc và tấm tình yêu nước ấy đã làm nên giá trị và thành công của tác phẩm bất hủ này.

Giaibai5s.com

Đề số 6: Thái độ của nhà văn với Phan Bội Châu trong truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu.
Đánh giá bài viết