I. Yêu cầu

 Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn xuôi là nêu những cảm xúc, suy nghĩ của mình sau khi đọc nó.

– Bài viết phải nêu được cảm nhận của người viết về chủ đề tư tưởng, đặc biệt là các nhân vật (hoặc một, hai nhân vật chính), các chi tiết quan trọng của tác phẩm.

– Trong khi nêu lên cảm xúc, suy nghĩ, cần phải dựa vào sự tóm tắt, phân tích các nhân vật, chi tiết, nhưng luôn luôn lưu ý đấy chỉ là phương tiện để bộc lộ cảm xúc, chúng không được lấn át cảm xúc.

II. Gợi ý

– Đọc kĩ tác phẩm, nắm chắc thời điểm ra đời, sự liên quan của tác phẩm với các tác phẩm khác của nhà văn, nội dung chính và nét độc đáo nghệ thuật của tác phẩm.

– Trên cơ sở đọc, cảm thụ, hình thành cảm nhận và ấn tượng chung về tác phẩm, về nhân vật chính của tác phẩm.

– Đi sâu vào những cảm xúc, ấn tượng chính xung quanh các nhân vật, hành động và ứng xử của nhân vật chính, các chi tiết quan trọng, nổi bật của tác phẩm.

– Bày tỏ thái độ khen, chê, tán thành, phản đối,… đối với cách giải quyết vấn đề của tác giả trong tác phẩm.

– Có thể đọc các bài phê bình về tác phẩm, nhưng chỉ để tham khảo, người viết phải có cảm xúc, thái độ đánh giá riêng của mình.

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI

– Ấn tượng chung về tác phẩm mà người viết sẽ nói tới.

B. THÂN BÀI

– Suy nghĩ, cảm xúc về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

– Cảm xúc về hình ảnh các nhân vật trong tác phẩm.

– Cảm xúc và suy nghĩ về nhân vật chính.

– Cảm xúc, suy nghĩ về các chi tiết nổi bật, các biện pháp nghệ thuật,…

– Cảm nghĩ về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

C. KẾT BÀI

– Tình cảm của người viết, dự cảm về sức sống của tác phẩm.

IV. Bài minh họa

Ca dao có câu “Con người có cố có ông – Như cây có cội như sông có nguồn”. Bất cứ người Việt Nam nào cũng biết câu chuyện truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” và tự hào về nòi giống, về cội nguồn cao quý của mình. Khi học câu chuyện này, một lần nữa em thêm tự hào về trí tuệ của các bậc cha ông đã sáng tạo ra một câu chuyện rất hay về nguồn gốc dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam lại chọn Lạc Long Quân giống Rông và Âu Cơ giống Tiên để tôn làm người sinh ra dân tộc. Lạc Long Quân là con trai thân Long Nữ là người có nguồn gốc thần thánh linh thiêng. Người có sức khoẻ vô địch, có nhiều phép lạ, lại thương dân. Những phẩm chất đó thật đáng ca ngợi và tự hào.

Người mà Long Quân yêu mến và kết làm vợ chồng là Âu Cơ. Âu Cơ là người thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Hai người có nguồn gốc cao quý, vừa tài giỏi, vừa xinh đẹp kết làm vợ chồng thì thật là một mối tình tuyệt vời. Và kết quả của mối tình đó là một trăm người con trai xinh đẹp, khoẻ mạnh như thần ra đời.

Chi tiết Âu Cơ sinh ra một cái bọc có trăm trứng, rồi trăm trứng mới nở ra thành một trăm người con trai thật li kì nhưng cũng hết sức có ý nghĩa. Nó khẳng định những người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đều cùng chung một cái bọc lớn nên sau này gọi nhau là “đồng bào” (cùng bọc) để nhắc nhở về nguồn gốc gắn bó thân thiết, đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Vì tập quán sinh hoạt khác nhau, nên Lạc Long Quân và Âu Cơ không cùng chung sống bên nhau mãi mãi. Một cuộc chia tay đã diễn ra. Năm mươi người con trai theo cha xuống biển. Năm mươi người cùng với mẹ ở miền núi cao. Nhưng cả hai bên đều hứa sẽ giúp nhau khi hoạn nạn. Đây là một cách giải thích của người xưa về người vùng biển hay vùng núi, người mọi miền 

trên đất nước Việt Nam đều có chung nguồn gốc. Và dù có ở vùng nào thì cũng vẫn phải nhớ rằng mình là con cháu Rồng Tiên, con cháu hai vị thần có sức mạnh vô địch, có vẻ đẹp tuyệt vời, phải thương yêu đoàn kết.

Người con cả được tôn làm Hùng Vương. Ngày nay đền thờ các vua Hùng vẫn còn trên vùng đất Phong Châu, Phú Thọ. Điều đó càng làm cho em tin rằng câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” là câu chuyện có căn cứ lịch sử. Đây là câu chuyện rất lãng mạn, rất thơ mộng về mối liên quan khăng khít của các dân tộc trên mảnh đất Việt Nam.

 

Đề: Phát biểu cảm nghĩ về truyện Con Rồng cháu Tiên
Đánh giá bài viết