I. Yêu cầu

– Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ đòi hỏi người viết phải nêu lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình trên cơ sở cảm thụ bài thơ đó.

– Bài viết phải nêu được cảm xúc, suy nghĩ đối với cảnh, đối với người, với hình ảnh độc đáo, câu chữ hay trong bài thơ.

– Cần vận dụng linh hoạt các cách lập ý để bài làm có sự mạch lạc.

II. Gợi ý

– Đọc kĩ bài thơ, nắm vững thời điểm ra đời, tác giả, nội dung chính và nét đặc sắc về nghệ thuật.

– Cảm nhận và hình thành ấn tượng, cảm xúc chung nhất về bài thơ.

– Đi sâu vào hình ảnh, tâm trạng, câu chữ, nhịp điệu mà bài thơ gợi nên cảm xúc và ấn tượng.

– Có thể tham khảo các ý kiến phân tích, đánh giá bài thơ, nhưng cần chú ý trình bày cảm xúc, ấn tượng của riêng mình chứ không nhắc lại ý kiến người khác.

III. Lập dàn ý

A. MỞ BÀI

– Giới thiệu sơ lược về bài thơ và cảm nhận chung.

B. THÂN BÀI 

– Cảm xúc về hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

– Cảm xúc về hình ảnh trong bài thơ, tâm trạng của tác giả.

– Cảm xúc và suy nghĩ về câu thơ.

– Cảm xúc, suy nghĩ về tiết tấu, nhịp điệu, các biện pháp tu từ,…

– Cảm nghĩ về giá trị nội dung và nghệ thuật của cả bài.

C. KẾT BÀI

– Tình cảm của người viết, dự cảm về sức sống của bài thơ.

IV. Bài minh họa – Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Cảnh khuya” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong những bài thơ Bác Hồ làm ở chiến khu Việt Bắc thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bài “Cảnh khuya” là bài thơ gây cho em sự xúc động và ngưỡng mộ hơn cả.

Càng đọc bài thơ “Cảnh khuya”, em càng thấy Bác là người yêu thiên nhiên, có tâm hồn nghệ sĩ và Bác cũng là người chiến sĩ cách mạng luôn luôn lo lắng cho vận mệnh đất nước.

Phải là người rất yêu, say mê thiên nhiên như Bác mới có thể phát hiện vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của núi rừng:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.”

Cảnh thiên nhiên bỗng trở nên gần gũi, thân thiết với con người hơn nhờ biện pháp so sánh tài tình và độc đáo : tiếng suối trong như tiếng hát xa. Ta như nghe thấy âm thanh trong trẻo, du dương của tiếng suối. Và phải chăng suối cũng như một con người nên tiếng suối mới trong trẻo như tiếng hát ? Nghệ thuật so sánh đã tạo ra một vẻ đẹp mới cho hình ảnh thơBác ví dòng suối như một người có tâm hồn, có tình cảm, đang cất tiếng hát ngợi ca vẻ đẹp của một đêm trăng. Em như thấy con suối hiện ra trước mắt thật trong trẻo với âm thanh lung linh.

Tiếng suối làm nổi bật cảnh tĩnh lặng, sâu lắng trong đêm khuya, ánh trăng làm cho cảnh vật thơ mộng :

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Trăng chiếu lên vòm cổ thụ, nhưng như lồng vào đó ánh sáng mát dịu của mình. Trăng rọi qua kẽ lá in xuống mặt đất tạo thành muôn vàn đốm sáng lung linh như hoa. Hoa sáng của ánh trăng lồng vào hoa trên mặt đất đang mở cánh uống sương đêm. Cảnh vừa thực nhưng lại vừa ảo, mà nghiêng về ảo. Trăng sáng, cây cổ thụ, bóng hoa và hoa trên mặt đất tuy ở ba tầng bậc khác nhau mà như gắn bó, đan xen vào nhau, tôn vẻ đẹp của nhau. Sự gắn bó ấy chính là nhờ từ “lông” nối trắng với cổ thụ, nối bóng cổ thụ với hoa. Bác đã vẽ ra trước mắt em một bức tranh tươi đẹp, có trăng sáng, có cây xanh, có hoa in mặt đất, có tiếng suối trong ngân nga như tiếng hát. Trước cảnh ấy, ai mà chăng say mê, ngây ngất ? Bác là người có tâm hồn nghệ sĩ. Bác có thức khuya để ngắm cảnh cũng là lẽ thường tình. Phải chăng Bác thức khuya, Bác chưa ngủ vì cảnh thiên nhiên quá mĩ lệ ?

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”

Mới đọc đến câu thứ ba thì ai cũng đoán Bác chưa ngủ, Bác không ngủ được vì cảnh đẹp. Bác chỉ so sánh cảnh như “vẽ”. Như vẽ là như thế nào, mỗi người đọc tự tưởng tượng. Nhưng như vẽ có nghĩa là rất đẹp, cũng giống như trong ca dao ví cảnh “như tranh hoạ đô”. Tuy thế, câu thơ thứ tư Bác cho biết: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Hoá ra không phải Bác thức khuya để ngắm cảnh đẹp. Bác thức khuya vì lo nồi nước nhà. Lúc ấy, quân ta mới rút lên Việt Bắc. Bọn Pháp tìm mọi cách đánh vào chiến khu hàng tiêu diệt Chính phủ kháng chiến. Bác lo lắng là phải. Cảm xúc khâm phục trào dâng trong em. Câu thơ đã lí giải nguyên nhân Bác thức khuya, Bác chưa ngủ: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Đã bao đêm Bác thao thức. Đêm nay Bác cũng thức khuya để lo việc nước, nhưng chợt gặp cảnh thiên nhiên tươi đẹp, lòng người xúc động mà bật ra những vần thơ của bài “Cảnh khuya” chứ không phải Bác ngắm canh để làm thơ. Bác bận trăm công ngàn việc, lo lắng vì vận mệnh đất nước, nhưng trong khoảnh khắc, Người vẫn cảm nhận được sự tươi đẹp, thơ mộng của thiên nhiên. Người nghệ sĩ và người chiến sĩ trong Bác luôn luôn gắn bó. Điều này khiến cho em hay bất cứ ai đọc thơ đều yêu kính, khâm phục tâm hồn của Bác, tấm lòng của Bác.

Đọc bài thơ “Cảnh khuya”, em vừa say mê, thích thú với cảnh, vừa kính phục phẩm chất và tâm hồn của Bác. Bài thơ chỉ cho chúng ta biết một đêm thức khuya, không ngủ của Người. Nhưng Bác còn bao nhiêu đêm thao thức, Bác còn bao nhiêu đêm không ngủ vì “thương đoàn dân Công”, vì lo nồi nước nhà” ? Không ai đếm được. Và chính vì thế mà em càng thêm kính yêu Người.

 

 

Đề: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đánh giá bài viết