Đề 94 – Thuyết minh về cây phượng.

BÀI LÀM

Trong cuộc sống và những kỉ niệm học sinh, mùa hạ thường đến bằng mùa thi, cùng với những nhánh phượng vĩ đỏ ối lấp ló báo hiệu ngày chia tay. Cùng với màu đỏ rực của phượng vĩ, là những hàng lưu bút, là những món quà nho nhỏ lưu niệm tặng nhau của những cô cậu học trò. Trong mỗi chúng ta, nếu đã trải qua thời áo trắng đến trường, ắt hẳn mỗi người đều mang một kỷ niệm đặc biệt, gắn liền với phượng vĩ. Phượng vĩ trở thành tượng biểu tượng của mùa hạ, và của một thời học trò.

Phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar, tại đó người ta tìm thấy nó trong các cánh rừng ở miền tây Malagasy, nó được con người trồng ở rất nhiều nơi. Phượng vĩ, hay xoan tây, điệp tây hoặc hoa nắng (tên khoa học: Delonix regia) là một loài thực vật có hoa sinh sống ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Tên “phượng vĩ” là chữ ghép Hán Việt, “phượng vĩ” có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Đây có thể là một hình thức đặt tên gọi theo cảm xúc vì các lá phượng vĩ nhất là các lá non trông giống như hình vẽ đuôi của loài chim phượng. Tên thông dụng trong tiếng Anh là: Flamboyant, Royal poinciana và Mohur tree. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, do thông thường nó có thể cao tới một độ cao vừa phải, tán lá tỏa rộng và dày đặc của nó tạo ra những bóng mát. Có lẽ vì màu sắc rực rỡ đỏ rực nổi bật trên nền trời, nên phượng vĩ được so sánh như những ngọn lửa giữa rừng. Màu đỏ thắm của phượng vĩ đã được thổ dân vùng Madagascar cho vào hàng hoàng tộc của thảo mộc, cũng như nó được công nhận là hoa biểu tượng cho xứ Puerto Rico.

Thuộc vào loại thân mộc, cây phượng vĩ cao khoảng 6-12 mét, tán lá xoè rộng như chiếc dù lớn, cành dài khoảng 20-40cm, dày đặc những lá kép nhỏ li ti. Hoa phượng đỏ thẫm, đường kính khoảng 6-10cm mỗi hoa, với bốn cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ hơi cam, dài tới 8 cm, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với bốn cánh kia và lốm đốm màu trắng/vàng hoặc cam/vàng (cũng có khi trắng/đỏ). Bên trong nhụy hoa là tập hợp của mười nhánh, dài khoảng 10cm, với phấn hoa thu hút ong bướm. Sau khi hoa tàn, từ đài hoa mọc ra quả phượng. Quả là loại quả đậu có màu nâu sẫm khi chín, dài tới 60cm và rộng khoảng 5cm; tuy nhiên, các hạt riêng rẽ lại nhỏ và cân nặng trung bình chỉ khoảng 0,4 g, hạt to cỡ hai ngón tay út. Quả phượng có thể được dùng làm củi đốt. Ở những miền quê Việt Nam, đôi lúc hạt phượng được đem rang trong cát để ăn vì có nhiều dầu, vị bùi bùi thơm thơm. Trong ngành tinh chế hóa chất, hương và dầu thơm (essence) của phượng vĩ được dùng trong việc xoa bóp (massage) làm giảm căng thẳng cơ bắp. Biết sử dụng hương hoa phượng, người ta có thể thoải mái hơn, cũng như cảm thấy nhẹ nhàng hơn để bắc nhịp cầu liên lạc giữa người với người. Cây tái sinh hạt và chồi đều mạnh, có thể phát triển tốt trên mọi loại địa hình: ven biển, đồi núi, trung du. Cây thuộc loại ưa sáng, mọc khoẻ, phát triển nhanh, không kén đất, rất dễ gây trồng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là tuổi thọ không cao: cây trồng trên đường phố chỉ 30 tuổi là đã già cỗi, thân có dấu hiệu mục rỗng. Sâu bệnh, nấm bắt đầu tấn công, cây trồng trong công viên, trường học có thể có tuổi thọ cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 40-50 năm tuổi. Gỗ thuộc loại trung bình, dùng trong xây dựng, đồ gỗ dân dụng. Cây cho vỏ và rễ làm thuốc hạ nhiệt, chống sốt. Vỏ cây có thể sắc nước uống trị sốt rét, đầy bụng, tê thấp, giảm huyết áp. Lá trị tê thấp và đầy hơi, Phượng vĩ nở rất lâu, và mùa phượng vĩ thường kéo rất dài, từ tháng năm, sáu đầu mùa hạ, cho đến cuối mùa vào tháng chín. Thông thường vào mùa hạ ở những vùng nhiệt đới hay có giông bão, thế mà phượng vĩ lại rất kiên cường, sau những cơn mưa bão đó, cây không sao cả, chỉ có những cành cây dòn sẽ gẫy.

Tại Việt Nam, phượng vĩ được người Pháp du nhập trồng vào những năm cuối thế kỷ XIX tại các thành phố lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn… Hiện nay phượng vĩ là loài cây phổ biến của Việt Nam được trồng rộng rãi từ Bắc vào Nam trên vỉa hè, công viên, trường học. Hải Phòng là nơi trồng rất nhiều phượng vĩ, vì thế thành phố này còn được gọi một là “thành phố Hoa Phượng Đỏ”. 

Cây phượng thường được trồng trong sân trường. Phượng vĩ là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò, do mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò. Do vậy, nó gắn liền với nhiều kỉ niệm buồn vui của tuổi học trò, và vì thế người ta gắn cho nó tên gọi “hoa học trò”. Nhà thơ Thanh Tùng có bài thơ Thời hoa đỏ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành bài hát cùng tên, viết về những kỉ niệm của tuổi trẻ với mùa hoa phượng vĩ. Nhà thơ Xuân Diệu thì có một bài tản văn với nhan đề Hoa học trò đã trở nên bất hủ. Học trò rất thích nhặt những cánh hoa về, ép vào tập làm “bướm phượng”, còn nhị hoa thì các cô cậu ngắt ra chơi… chọi gà. Mỗi lần hoa phượng nở là báo hiệu mùa hè, mùa thi đến. Và hàng năm, tại quê nhà, mỗi mùa phượng vĩ nở rộ, là mỗi người trong chúng ta lại nao nao nhớ về một mùa phượng vĩ riêng của chính mình.

Đề 94 – Thuyết minh về cây phượng.
Đánh giá bài viết