Đề 93 – Thuyết minh về loài cá chép.

BÀI LÀM

Cá chép là một loài thuỷ sinh gần gũi với người Việt Nam bởi nhiều lí do. Vừa là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao vừa là một con vật mang đến giá trị văn hoá, tâm linh trong đời sống tinh thần của người Việt.

Cá chép còn được gọi là cá gáy, loài cá hiện được nuôi ở nhiều quốc gia trên thế giới, sống chủ yếu trong nước ngọt, cũng sống được ở nước lợ có nồng độ muối thấp. Có nhiều dạng hình cá chép và màu sắc khác nhau, phân bố rộng, xuất hiện ở khắp các nước trên thế giới. Cá cũng sống được ở ao nước tĩnh có hàm lượng oxy thấp, hay sông nơi có nước chảy thường xuyên. Việt Nam đã phát hiện nhiều dạng cá chép: cá chép bạc, cá chép kính, cá chép trấn, cá chép hông, cá chép lưng gù… Thân cá hình thoi, mình dây, dẹp bên. Viền lưng cong, thuôn hơn viền bụng, đầu cá thuôn, cân đối, mõm tù, có hai đội râu. Khi trưởng thành cá chép ăn chủ yếu sinh vật đáy như nhuyễn thể, giun, ấu trùng côn trùng, mùn bã hữu cơ, mầm non thực vật. Sau một năm có thể đạt trọng lượng: 0,5 – 0,8 ki-lô-gam, hai năm có thể đạt : 0.8 – 1,2 ki-lô-gam… Trong tự nhiên người ta còn bắt gặp những con cá chép sống lâu năm có trọng lượng tới hàng chục ki-lô-gam. Cá chép sinh sản bằng trứng.

Cá chép có giá trị về nhiều mặt. Về mặt trị kinh tế, cá có thể nuôi đại trà với sản lượng lớn, có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép đều cho năng suất và hiệu quả rất cao. Ngoài ra còn được nuôi để diệt ấu trùng muỗi. Cá còn dùng làm cá cảnh trong công nghệ di truyền màu sắc. Về mặt dinh dưỡng, thịt cá dày và béo, ít xương dăm, thớ thịt trắng mịn, mùi vị thơm ngon được xem như “Vua của các món ăn “. Sở dĩ cá chép được đánh giá cao bởi nó có nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng như protit (16%), lipit (3,6% – 5,6%), axit béo omega 3 (0,3%)…; ngoài ra còn có các vitamin A, B1, B2, B6, Vảy cá chép có chứa collagen. Mật cá chép có sắc tố mật, acid mật và sterol. Cá chép được các nhà khoa học dinh dưỡng phương Tây xem là một nguồn cung cấp vitamin B12, giúp bồi dưỡng hệ thần kinh. Trong Đông y, cá chép có tên là lí ngư. Thịt, vảy và mật cá chép đều là những vị thuốc quý. Đông y cho rằng thịt cá chép có vị ngọt, tính bình, có tác dụng lợi niệu, hạ khí, tiêu thũng, an thai, thông sữa, giảm ho, suyễn. Vảy cá tính bình, có tác dụng cầm máu. Mật cá có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng thông ứ, được xem là một trong những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ.

Các món ăn từ cá chép cũng rất phong phú. Cá chép có thể chiên, kho, nấu canh, hấp dưa chua, làm lẩu… món nào cũng hấp dẫn và giàu dinh dưỡng. Ta cũng có thể tìm thấy món cá chép từ những bữa tiệc sang trọng hay mâm cơm bình thường trong mỗi gia đình.

Bên cạnh giá trị kinh tế và dinh dưỡng, cá chép còn có giá trị tinh thần và tâm linh. Theo phong tục dân gian, vào ngày 23 tháng chạp hàng năm dân chúng chính thức tiễn ông Táo về trời báo cáo công việc trần gian trong năm qua cho Ngọc Hoàng. Để đưa tiễn ông Táo về chầu trời, người ta làm lễ cúng tiễn gọi là Chạp ông Công, Đồ cúng ông Táo thứ không thể thiếu còn có cái chép. Để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc và miền Trung người ta cùng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý “cá hóa long” nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ “phóng sinh” – thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng.

Cá chép còn là biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí, sung túc, Người Việt không ai không biết đến truyền thuyết cá chép vượt vũ môn, hoá rồng. Vì thế cá chép được coi như rồng – một con vật linh thiêng cao quý. Cũng bởi vậy, cá chép được coi như một biểu tượng cực kì may mắn. Nên nếu nhà có trẻ nhỏ bắt đầu đi học, người ta có thể tìm mua một con cá chép phong thủy bằng ngọc hoặc đồng để cầu may mắn thuận lợi cho bé trong con đường học hành, thi cử. Còn theo học thuyết phong thủy, sự kích hoạt cho dòng “Thủy” tại căn nhà nơi ta sinh sống là một trong những điều tối quan trọng. Trong khi đó, cá chép được cho là linh vật số một trong việc kích thích “nguồn Thủy” tại nơi nó trấn giữ. Vì thế mà người đời cho rằng cá chép đem đến vận may, hoá giải sát khí, bệnh tật và tai hoạ. Cá chép nếu để trong nhà sẽ mang lại sự may mắn, thịnh vượng, còn để ở bàn làm việc sẽ mang lại thành công sự nghiệp, thăng quan tiến chức. Cũng vì vậy mà có nhiều huyền thoại về cá chép được thể hiện ở những bức tranh như cá chép hoá rồng, cá chép chơi trăng, cá vượt long môn… trong tranh Hàng Trống là “Lý ngư vọng nguyệt”, tranh Đông Hồ “Cả chép”. Ở đó ta lại bắt gặp cảnh cá chép thể hiện sung túc, hạnh phúc. Nó không chỉ đẹp về hình thức mà còn có giá trị cao về nội dung.

Với những giá trị về nhiều mặt như vậy, cá chép là một loài có ích và gần gũi với con người Việt Nam

Đề 93 – Thuyết minh về loài cá chép.
Đánh giá bài viết