Đề 95 – Thuyết minh về cách viết một bài văn, một kiểu bài hay cách học văn.

BÀI LÀM
Mấy mẹo vặt khi viết văn kể chuyện

Kể chuyện luôn là một nghệ thuật được kết hợp từ rất nhiều yếu tố như ngôn ngữ, giọng điệu, lối diễn đạt, cách triển khai câu chuyện, khả năng là hóa các sự kiện, khả năng tạo ra sự bí ẩn cho những gì mình định kể… Hiệu quả cuối cùng là phải tạo ra được ở người tiếp nhận một câu chuyện không chỉ sâu sắc cả về phương diện tư tưởng lẫn thẩm mĩ mà còn gây cho họ hứng thú suy nghĩ.

Yêu cầu đặt ra trước hết – và điều này cực kì quan trọng – là phải tạo cho câu chuyện có được một sự hấp dẫn người đọc. Hấp dẫn là phẩm chất tối cần thiết của một câu chuyện kể, dù dưới dạng kể miệng hay văn kể. Một câu chuyện có nội dung rất tốt nhưng vẫn không vào được người đọc, người nghe là chuyện rất thường thấy. Cùng một nội dung câu chuyện nhưng dưới ngòi bút của người này thì trở nên rất hay mà dưới ngòi bút của người khác lại thành rất dở cũng là chuyện vẫn diễn ra hàng ngày. Tất cả những hiện tượng đó đều có nguyên nhân gắn với nghệ thuật kể chuyện.

Có rất nhiều kết cấu của một câu chuyện kể.

1. Kể theo trình tự thời gian

Nghĩa là tôn trọng thứ tự diễn tả các sự kiện trong câu chuyện. Người đọc bị dẫn dắt bởi một hứa hẹn ngầm là những gì hấp dẫn nhất còn ở phía sau, Muốn không phản bội lời hứa thì bạn phải biết giấu chuyện. Nghĩa là điều bạn đang kể với điều bạn định kể không trùng nhau. Điều bạn đang kể nhằm khiến độc giả hướng sự phỏng đoán theo hướng này, rồi bỗng họ ngỡ ngàng nhận ra cái đích của nó ở hướng khác và phát hiện ra điều bạn định kể. Yếu tố bất ngờ là yếu tố sống còn cho câu chuyện trong trường hợp này. Nếu không làm được như vậy, lời kể theo trình tự thời gian dễ gây tẻ nhạt, khiến người đọc bị lì cảm xúc. 

2. Bật mí trước

Nghĩa là kết thúc của câu chuyện được nói ra ngay từ đầu và những gì kể sau đó chỉ nhằm diễn giải logic của cái kết thúc ấy. Mẹo này có tác dụng thu hút người đọc bằng một ấn tượng mạnh buộc họ muốn thỏa mãn trí tò mò thì phải theo dõi tiếp. Nhưng điều đó cũng giống như bạn quyết định cưỡi lưng cọp. Độc giả đòi hỏi những gì diễn ra phải tương xứng với ấn tượng về cái kết ấy. Nếu không đạt được điều đó họ có cảm giác bị lừa bằng một câu chuyện đầu voi đuôi chuột, rằng người kể tung hỏa mù, tưởng có cả một thế giới té ta chả có gì. Đây là điều tệ hại nhất với bất kì người viết nào.

3. Đánh lạc hướng

Bây giờ mới là lúc bạn không ngại tung hỏa mù khiến độc giả có cảm giác bị lạc ngay từ đầu. Những gì bạn kể một cách công phu hóa ra lại chỉ là cái nền cho một câu chuyện khác cứ thấp thoáng ẩn hiện và chỉ hiện ra một cách rõ ràng bằng chính sự chắp nối của người đọc. Một nụ cười mỉm, một cái xuýt xoa của độc giả chính là dấu hiệu bạn đã thành công. Nhưng hãy cẩn thận bởi bạn rất dễ bị trả giá cho trò phiêu lưu này. Trước hết bạn phải đủ sức kiểm soát và đưa dẫn câu chuyện đã bị chính bạn cắt vụn ra, nếu không nó rất dễ bị rơi vào tình huống chính bạn không biết mình đang làm gì, còn độc giả thì nổi giận một cách chính đáng trước trò ú tim chữ nghĩa mà họ không cần.

4. Chen ngang

Đây là mẹo hay được dùng nhất hiện nay. Thời gian và các sự kiện không tuân theo logic vật lí. Vào thời điểm sự kiện này đang xảy ra và trong khi độc giả đang chờ xem nó là cái gì thì một sự kiện khác được kể chen vào và trong khi có cảm giác sự kiện ấy sắp kết thúc thì cái sự kiện đang xảy ra kia lại lù lù hiện ra. Và cứ như vậy, độc giả liên tục phải xác định xem mình đang ở trong khoảng thời gian nào bởi nếu không chính họ rất dễ bị nhầm lẫn. Mẹo này khiến câu chuyện biến đổi không ngừng, tạo ra sự sinh động và những hứa hẹn bất ngờ. Nhưng nếu không cao tay dễ rơi vào thảm họa tự mình làm rối tung lên và biến một câu chuyện mộc mạc nhưng có ý nghĩa thành câu chuyện được cắt dán công phu nhưng vô nghĩa hoặc không đâu vào đâu.

5. Mượn chuyện

Người kể chuyện hóa thân thành độc giả đang theo dõi một câu chuyện nào đó và cái câu chuyện ấy giống hệt về nội dung với câu chuyện mình định kể, chỉ khác tên nhân vật. Nghĩa là về hình thức thì câu chuyện định kể vẫn chưa được kể ra nhưng thực chất nó chính là câu chuyện nghe được kia.

Tuy nhiên mẹo mực nghe có vẻ ghê gớm nhưng đôi khi chỉ là mẹo vặt. Bài văn của bạn mà không có hồn, bạn không có duyên kể chuyện – một thứ năng khiếu đấy – bạn không tôn trọng người đọc, bạn cẩu thả khi dùng ngôn từ… thì càng lắm mẹo càng chỉ lộ ra chỗ dở. Đừng bắt chước người khác, đây mới thực là mẹo hay để có một câu chuyện hấp dẫn mang dấu ấn của người kể.

(Tạ Duy Anh, Văn học và tuổi trẻ, số tháng 10/2005)

Đề 95 – Thuyết minh về cách viết một bài văn, một kiểu bài hay cách học văn.
Đánh giá bài viết