HƯỚNG DẪN

I. VĂN TẾ

Văn tế là một thể loại văn gắn với phong tục tang lễ, chủ yếu nhằm bày tỏ sự thương tiếc của tác giả và của những người thân đối với người đã mất. Vì thế trong văn tế thường có phần kể lại cuộc đời người quá cố, tuy nhiên, văn tế chủ yếu thể hiện cảm xúc của người sống với người đã mất. Tính chất trữ tình là yếu tố đậm đặc trong một bài văn tế. Trong lịch sử văn học Việt Nam, văn tế phát triển thành một thể loại văn học có giá trị nghệ thuật cao vượt ra khỏi quy phạm của một bài tế người chết thông thường. Nhiều bài văn tế không chỉ dừng lại ở tình cảm riêng tư mà còn thể hiện tình cảm của dân tộc, thời đại như: Văn tế thập loại chúng sinh (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Văn tế Phan Chu Trinh (Phan Bội Châu).

Kết cấu thông thường của một bài văn tế gồm có bốn phần. Phần Lung khởi thường mở đầu bằng Thương ôi!, Hỡi ôi!…, luận chung về lẽ sống chết, cảm tưởng khái quát về người đã mất. Phần thích thực kể về cuộc đời và công đức của người đã mất, thường mở đầu bằng Nhớ linh xưa (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh), Nhớ tướng công xưa (Văn tế Trương Định),… Phần Ai vãn thể hiện niềm nhớ thương tiếc nuối của người sống trước vong hồn người đã khuất. Phần Kết ca ngợi linh hồn bất tử, bất diệt, cầu mong linh hồn chứng giám cho sự tiếc thương của những người sống với người chết.

Nguyễn Đình Chiểu là người thành công đặc biệt với thể loại này. Nhiều tác phẩm như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh… có sức lay động, khơi gợi tình cảm yêu nước sâu sắc và mãnh liệt trong thời điểm nước nhà bị giặc giày xéo. 

II. VĂN TẾ NGHĨA SĨ CẦN GIUỘC

1. Hoàn cảnh ra đời

Tác phẩm ra đời vào cuối năm 1861, đầu 1862. Đây là thời điểm cả nước, đặc biệt là nhân dân miền Nam đang sôi sục đứng lên chống lại thực dân Pháp.

Ngày 16 – 12 – 1861 xảy ra một trận đánh đồn Cần Giuộc, nhiều nghĩa sĩ nông dân đã tập kích, phá đồn, tiêu diệt được nhiều giặc Pháp và tay sai. Trong trận này, gần hai mươi nghĩa binh đã hi sinh. Cảm kích trước lòng dũng cảm của nghĩa sĩ, Tuần phủ Gia Định giao cho cụ Đồ Chiểu viết bài văn tế đọc tại buổi lễ truy điệu các nghĩa sĩ.

Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc khích lệ cao độ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bài văn tế vì thế nhanh chóng được lưu truyền và được nhân dân yêu thích.

2. Bố cục

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tuân thủ nghiêm ngặt kết cấu chung của một bài văn tế truyền thống. Tác phẩm được chia làm bốn phần:

a) Phần 1 (Lung khởi, câu 1 và 2): Phần này nêu rõ chủ đề của bài văn, đó là sự hi sinh vẻ vang của những người nông dân trong không khí sôi động của dân tộc. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc mở đầu bằng một câu thơ có sức khái quát cao độ, có ý nghĩa mở cảm xúc cho toàn bộ tác phẩm: Súng giặt đất rền, lòng dân trời tỏ. Câu thơ ngắn gọn chia làm hai vế cân xứng đã dựng lên được bối cảnh sôi động của lịch sử xã hội lúc bấy giờ. Đặt sự đối lập giữa Súng giặc – lòng dân tác giả muốn thể hiện thế đối kháng tương xứng có sự chứng giám thiêng liêng của đất trời. 

b) Phần 2 (Thích thực, câu 3 đến câu 15): Trong phần này, Nguyễn Đình Chiểu tập trung làm bật nổi hình ảnh người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong một quá trình từ cuộc sống lao động cực khổ đến cuộc đời chiến đấu anh dũng và vẻ vang.

– Trước khi vào trận đánh, họ là những người dân lam lũ, cực nhọc, hoàn toàn xa lạ với việc binh đao (cui cút làm ăn, toan lo nghèo khổ, chỉ biết ruộng trâu,…). Từ cui cút không chỉ gợi cuộc đời lầm lũi, nghèo khổ của họ mà còn mang sắc thái biểu cảm lớn. Khi giặc đến, lòng căm thù ở họ thật mãnh liệt (ghét thói moij như nhà nông ghét cỏ, muốn ăn gan, cắn cố, chém rắn đuổi hươu…), họ nhận thức được ý thức trách nhiệm của mình với non sông đất nước, từ đó nguyện xả thân vì việc lớn. Chỉ một đoạn ngắn có mấy câu nhưng tác giả đã giúp chúng ta nhìn thấy một quá trình chuyển biến từ tình cảm đến nhận thức, hành động ở những người nông dân chân lấm tay bùn.

– Hình ảnh đội quân áo vải trong trận nghĩa đánh Tây được khắc họa bằng bút pháp tả thực, không mang tính ước lệ. Các chi tiết được chọn lọc, mang sức khái quát cao nhằm thể hiện thật nổi bật vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, chân chất của người lính nông dân.

Nguyễn Đình Chiểu đã khắc hoạ hình ảnh người lính tả xung hữu đột, trong thế đối lập giữa ta và địch, giữa vũ khí thô sơ (manh áo vải, ngọn tầm vông, hoa mai đánh bằng rơm con cúi…) và chiến công vang dội (đốt xong nhà, chém rớt đầu quan hai…). Nhịp thơ cắt ngắn, khoẻ, nhanh kết hợp với hàng loạt động từ chỉ hành động nhanh, mạnh (đốt, chém rớt, đâm ngang, đạp rào lướt tới, xô cửa xông vào, hè trước ý sau…), làm tăng cấp độ khẩn trương, sôi sục của lòng người trong trận đánh. Hình ảnh người nông dân trong tác phẩm sáng lên vẻ đẹp của lòng dũng cảm, không ngại hi sinh, của ý chí căm thù giặc sâu sắc.

c) Phần 3 và phần 4 (Ai vãn và kết, từ câu 16 đến câu 30): Tác giả bày tỏ sự tiếc thương, niềm cảm phục của tác giả và nhân dân đối với những liệt sĩ đã hi sinh vì dân tộc.

– Nỗi tiếc thương với những người đã hi sinh : Chữ ôi! ngắt giữa câu 15 và 16 làm chùng lại nhịp thở nhanh, mạnh, sôi sục ở đoạn trên, mở ra một đoạn thơ trầm lắng, bị thương. Nỗi tiếc thương hướng tới cái chết quá nhanh, quá bất ngờ của những người dám hi sinh tính mạng để bảo vệ mảnh đất quê hương đất nước. Nỗi buồn đó giăng mắc lên cả những vật vô tri vô giác như cỏ cây, nhuốm lên nỗi niềm của mọi người từ già đến trẻ (Cỏ cây mấy dặm sầu giăng, già trẻ hai hàng lụy nhỏ). Những chữ vì ai vì ai… như xoáy sâu thêm, nhấn mạnh thêm cái chết cao cả, vinh quang, vì dân vì nước của nghĩa sĩ.

Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu ở phần này khơi gợi được nỗi đau thương lan tỏa đến cảnh vật, con người. Bằng những hình ảnh có sức lay động lòng người như: mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều, vợ yếu chạy tìm chồng, bóng xế dật dờ trước ngõ… tác giả nói được nỗi đau mất người ruột thịt. Có một sự hoà điệu không thể tách bạch giữa tiếng khóc của người thân trong gia đình, của tác giả và của nhân dân nói chung được sự mất mát này.

– Niềm cảm phục trước cái chết vẻ vang của nghĩa sĩ Cần Giuộc: Bài văn tế không chỉ là sự tiếc thương mà còn là niềm cảm phục sâu sắc trước cái chết vì nghĩa lớn của nghĩa sĩ Cần Giuộc. Đó là cái chết để tỏ rõ ý chí căm thù, kế tục truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc (Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng Ninh); đó là cái chết trả nợ non sông (… danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen… ai cũng mộ); đó là cái chết lưu danh muôn thuở (nghìn năm tiết rỡ). Vừa tôn vinh cái chết lưu danh của nghĩa quân tác giả vừa thể hiện thái độ mạt sát không liếc lời với quân thù man rợ. Tác giả gọi chúng là quan tà đạo, phỉ báng cả tổ tiên ông cha của kẻ thù, khinh bỉ lối sống hưởng thụ theo Tây nhục nhã của chúng (chia rượu lạt, gặm bánh mì…).

Cảm xúc được nâng cao ở cuối bài, lời thơ như lời hiệu triệu nhân dân đứng lên vì nghĩa lớn: Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh, hơn còn nhà chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ (câu 23); Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc (câu 29). Không chỉ thể hiện tình cảm của mình trước vong hồn nghĩa sĩ Cần Giuộc mà qua bài văn tế, Nguyễn Đình Chiểu còn thể hiện thái độ tích cực của một nhà Nho chân chính trước vận mệnh nước nhà.

Bốn phần trên kết cấu chặt chẽ trong một mạch cảm xúc thương xót, ngưỡng mộ, biết ơn. Bài văn tế đã vượt khỏi hoàn cảnh ra đời cụ thể của nó (viết để đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ), thể hiện được tình cảm sâu sắc của cộng đồng nhân dân trước vong hồn người nghĩa sĩ hi sinh vì dân tộc, trở thành một tác phẩm văn học thực sự có giá trị, có sức sống lâu bền. 

3. Giá trị nghệ thuật

– Không bi ai, thống thiết như những bài văn tế thông thường và như những bài văn tế khác của Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc mang tính chất bi hùng. Giọng văn thay đổi theo cảm xúc, khi thì ai oán, xót xa, trầm lắng, khi thì bị tráng thống thiết, khi thì hào hứng, sôi nổi.

– Ngôn ngữ giản dị mà trang trọng, có giá trị biểu đạt lớn. Hình ảnh thơ khơi gợi đến tận cùng xúc cảm thẩm mĩ (chia rượu lạt, gặm bánh mì, mẹ già ngồi khóc trẻ, vợ yếu chạy tìm chồng); chi tiết nghệ thuật chọn lọc đã dựng nên trong văn học Việt Nam một tượng đài đẹp, kỳ vĩ về người nghĩa sĩ nông dân. Nhà văn Hoài Thanh trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – một trong những bài văn hay nhất của chúng ta (Nguyễn Đình Chiểu – Tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, 2002) đã viết: Nhưng trước đó chưa bao giờ có và sau đó đến mấy chục năm cũng chưa hề có trong văn thơ ta một cái nhìn yêu thương và kính phục như vậy đối với người nông dân. Tác phẩm xứng đáng là đỉnh cao của thể loại văn học đặc biệt này.

ĐỀ 87: Phân tích bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Đánh giá bài viết