I. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN LƯU Ý

1. Câu hỏi chuẩn bị bài

Vấn đề 1. Quan sát hình 23.1 trang 67 SGK và cho biết: quả của 12 kiểu cây dị bội (2n+1) khác nhau về kích thước, hình dạng và khác với quả ở cây lưỡng bội bình thường như thế nào?

TRẢ LỜI 

Quả của các thể dị bội khác nhau và khác với quả của cây lưỡng bội về kích thước (to hơn hoặc nhỏ hơn), hình dạng (tròn hoặc bầu dục), về độ dài của gai (dài hơn hoặc ngắn hơn).

Vấn đề 2. Quan sát hình 23.2 và giải thích sự hình thành các thể dị bội có (2n+1) và (2n-1) NST.

TRẢ LỜI 

Giao tử mang cặp NST tương đồng kết hợp với giao tử chỉ mang 1 NST của cặp đó thì sẽ cho thể dị bội (2n+1). Sự kết hợp giữa 1 giao tử mang 1 NST của cặp NST tương đồng và 1 giao tử không mang NST nào của cặp đó thì sẽ cho thể dị bội (2n-1).

2. Ghi nhớ

Đột biến thêm hoặc mất một NST thuộc một cặp NST nào đó hoặc mất một cặp NST tương đồng có thể xảy ra ở người, động vật và thực vật. Các đột biến này thường do một cặp NST không phân li trong quá trình giảm phân, dẫn đến tạo thành giao tử mà cặp NST tương đồng nào đó có 2 NST hoặc không có NST nào.

II. HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP 

Câu 1. Sự biến đổi số lượng NST ở một cặp NST thường thấy những dạng nào? 

Hướng dẫn trả lời:

Biến đổi số lượng NST ở một cặp thường thấy ở dạng (2n+1) và thể (2n-1).

Câu 2. Cơ chế nào dẫn đến sự hình thành thể dị bội có số lượng NST của bộ NST là (2n+1) và (2n-1)? 

Hướng dẫn trả lời:

Cơ chế NST dẫn tới hình thành thể (2n + 1) và (2n – 1) được giải thích trên cơ sở sự không phân li của một cặp NST tương đồng nào đó (NST thường hoặc NST giới tính) trong quá trình giảm phân hình thành giao tử. Kết quả là một giao tử có cả 2 NST của một cặp, còn một giao tử không mang NST nào của cặp đó.

Câu 3. Hãy nêu hậu quả của đột biến dị bội. 

Hướng dẫn trả lời:

Dạng thể đột biến (2n+1) và (2n-1) có thể gây ra những biến đổi về hình thái (hình dạng, kích thước, màu sắc) ở thực vật hoặc gây bệnh NST ở người: bệnh Đao và bệnh Técnơ.

Bài 23. Đột biến số lượng nhiễm sắc thể
Đánh giá bài viết