Đề 47 – Về đoạn trích Trao duyên (trong Truyện Kiều của Nguyễn Du).

BÀI LÀM

Là một trong những đoạn thơ bị thiết nhất trong Truyện Kiều, Trao duyên trở thành ví dụ minh hoạ rất điển hình cho luận điểm nói về lòng thương người vô hạn cũng như nghệ thuật miêu tả tâm lí đặc biệt xuất sắc của Nguyễn Du. Xét theo mạch tự sự trong tác phẩm, đoạn thơ thể hiện lời đáp của Thuý Kiều đối với những câu thăm hỏi ân cần từ cô em Thuý Vân và sau đó là lời đề nghị của nàng mong Vân thay mình chắp mối tơ duyên cùng Kim Trọng Nhưng xét độ dài và tính liên tục của những lời Thuý Kiều nói, ta lại có cảm tưởng như đây là đoạn độc thoại nội tâm của người con gái đang trải qua một cơn chấn động dữ dội về tâm lí, khi phải đau đớn tự từ bỏ mối tình đầu nồng thắm để làm tròn chữ hiếu với bậc sinh thành, lại phải sắp sửa dấn thân vào cõi mịt mù của số phận.

Chẳng có gì khó hiểu khi ta nhận ra rằng đọc đoạn thơ, cái đọng lại sau cùng không phải là một câu chuyện, một sự việc mà là nỗi đau khổ của kiếp người hay là bi kịch của con người cá nhân quá giàu nội tâm và tràn đầy ý thức. Màn trao duyên thực sự được bắt đầu khi trong lời Thuý Kiều xuất hiện một giọng bất thường, thật nghiêm trang và thậm chí là “nghiêm trọng”:

Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Bao nhiêu người khi bình đến đoạn thơ này trong Truyện Kiều đã lưu ý một cách đúng đắn đến các từ cậy, chịu, lạy, thưa. Tại sao lại cậy, chịu chứ không phải là từ nào khác như nhờ, nhận chẳng hạn? Chẳng những các thanh trắc có âm vực thấp ở những tiếng ấy gợi được vẻ tấm tức của tâm trạng mà ngay sắc thái ngữ nghĩa của chúng cũng làm nổi bật sự vật vã trong nội tâm của Thuý Kiều. Cũng có nghĩa như nhờ nhưng cậy còn thêm một sảc thái riêng: uỷ thác cho niềm tin tưởng tuyệt đối cho ai đó về một việc rất mực hệ trọng. Tương tự thế, chịu lời tuy về cơ bản cũng giống như nhận lời nhưng vẫn có điểm khác: nhận trong thế bị nài ép, bị thua thiệt, nhận lời giúp trước khi thật sự biết mình được nhờ giúp chuyện gì (người nhờ cậy rất hiểu điều này nhưng bất đắc dĩ phải làm thế vì không còn sự lựa chọn nào khác). Quả là Thuý Kiều không chỉ nói khó mà còn làm khó cho em qua cử chỉ trái với nghi lễ gia phong: rước em ngồi lên để bái lạy sau đó mới dám thưa nguyện vọng tha thiết của mình. Chỉ mới qua lời nói và cử chỉ ban đầu này của Thuý Kiều, ta đã có thể thấy nàng là một con người thông minh, chu toàn mọi nhẽ và có tình sâu nghĩa nặng đối với những ai đã từng hay sắp sửa gia ân cho mình. Cũng không thể không nói tới sự tinh tế rất mực của Nguyễn Du khi chọn được những từ đắc địa để miêu tả nội tâm và tính cách của nhân vật.

Trong cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, sau khi đã để cho Thuý Kiều nói những lời tương tự như trên, tác giả đã dành mấy dòng để miêu tả các phản ứng của Thuý Vân. Ở đây, Nguyễn Du không làm thế. Ông muốn lời Thuý Kiều phải được tiếp tục để gây ấn tượng rằng nàng đang gây sức ép tình cảm thật sự cho em. Vả chăng, điều ông quan tâm là độ căng của tâm trạng chứ không phải là các chi tiết tự sự lặt vặt mà độc giả có thể tự đoán định hay “thêm vào” được khi đọc. Và đây vẫn là lời Thuý Kiều trong một mạch thông suốt không hề gián đoạn:

Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đầu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Thật là rành rẽ, những điều nàng Kiều kể và đề nghị! Ở nàng lúc này, lí trí đang điều tiết tình cảm và bắt tình cảm phải phục tùng. Không thể khác được khi nàng đang cố thuyết phục em nhận một việc mà em hoàn toàn không thể tiên liệu. Huống nữa, trước đó, gần như suốt đêm nàng đã thổn thức. Tâm trạng như những đợt sóng khi thắng khi trầm. Bây giờ chính là lúc nàng cần phải tỉn!! táo để gỡ một mối tơ cuối cùng đầy phức tạp. Đoạn thơ đã được Nguyễn Du viết ra một cách khúc chiết, mỗi dòng chứa một thông tin sự việc và chúng gối lên nhau một cách logic, liên tục. Có một sự tương khớp kì lạ giữa nhịp điệu của lời thơ và nhịp điệu của tình cảm, tâm trạng. Nhà thơ như không kể về tâm trạng mà là bộc lộ tâm trạng. Ông đã nhập thân hắn vào nhân vật để nói ra những lời đúng của nhân vật, khiến cho tâm trạng nhân vật nổi lên ở bình diện thứ nhất, không bị dát mỏng để hoà lẫn vào lời trần thuật chung của toàn tác phẩm. Ở trên ta đã thấy Thuý Kiều đưa em vào tình thế của mình như thế nào. Đến đây, ta vẫn thấy nàng tiếp tục làm việc đó, sau mỗi lời kể lể sự tình. Hết “Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em” lại đến “Xót tình máu mủ thay lời nước non”. Đúng là “Một dây một buộc ai dùng cho ra”! Nếu ở câu trước ta thấy Thuý Kiều như muốn lấy tư cách người chị để ép, để phó thác chuyện chắp mối tơ thừa cho em, thì ở câu sau, lời nàng thật thấu tình đạt lí. Nếu Thuý Vân nhận lời thì không chỉ vị nàng là phận em nên buộc phải nhận mà vì nàng thấy theo “phân tích” của chị, nàng đang làm một việc nghĩa, một việc lớn làm thơm danh cho gia đình, cho những người thân. Điệp từ khikhi trong lời kể của Thuý Kiều cho thấy một mặt giữa nàng với chàng Kim đã có bao nhiêu kỉ niệm, mặt khác những kỉ niệm ấy còn roi rói, tươi nguyên trong lòng nàng, khi nàng hồi nhớ lại. Với chúng, ai đành và ai có gan phải đi như một cái gì phù phiếm, thoáng qua? Thế nhưng tai ương đã ập đến, người ta không thể lo vẻn vẹn đôi đường cho cả chữ hiếu lẫn chữ tình. Nhưng ai là người có thể giúp nàng giải quyết thanh thoả nợ tình với chàng Kim? Không có ai khác ngoài Thuý Vân, bởi nàng vẫn chưa bị cái gì ràng buộc. Hơn thế, giữa Thuý Kiều và Thúy Vân lại có tình máu mủ, lời nước non cực trọng may chỉ có Vân mới gánh nổi. Một khi Vân đã nhận lời trao duyên thì Kiều có thể ngâm cười chín suối, dù thịt nát xương mòn…

Vẫn không cho Thuý Vân nói thêm một lời nào, Nguyễn Du tiếp tục để Thuý Kiều “chủ động”. Chao ôi! Trước những lí tình mà nàng đưa ra, cô em Vân còn có thể làm gì hơn là im lặng thuận tình trong niềm thương xót vô bờ bến. Còn Kiều đã đến lúc nàng phải trao lại những kỉ vật tình yêu cho em mình giữ:

Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Sự rành rẽ của lời trao duyên tuy vẫn còn nhưng điều cần cái trong tình cảm đã xuất hiện. Lí trí đã không còn hoàn toàn điều tiết được tình cảm nữa. Một giai đoạn mới của tâm trạng được bắt đầu với hai từ của chung có tính chất như một cái bản lề. Những khoảng tối, vùng mờ của ngôn từ cũng từ đây mà xuất hiện dày hơn. Trước hết, thật khó giải thích hai từ của chung. Đã bao nhiêu người băn khoăn đặt câu hỏi của chung là của ai? Mà xem chừng lời giải đáp thoả đáng vẫn còn xa vời. Có thể diễn nôm ý câu thơ và cũng là nói rõ ra ý của nàng Kiều như thế này chẳng: đã giữ lấy duyên này không đành để nó phôi pha, đứt đoạn thì cũng cần phải giữ lấy vật này như là chứng tích của lời nguyện ước chung giữa Thuý Kiều và Kim Trọng – nó là của chung hai người. Người đọc luôn muốn hiểu một cách tường minh về nghĩa từ, nghĩa câu trong văn bản, nhưng nếu quả thực những từ này, câu này là của Thuý Kiều thì làm sao ta có thể đòi hỏi nó phải tường minh hoàn toàn được! Niềm luyến nhớ, nuối tiếc mối tình đầu, nỗi đau đớn trước sự tan vỡ của giấc mơ hạnh phúc đã chi phối mạnh mẽ tính mạch lạc của lời Kiều nói, làm cho nó đôi khi trở nên khó hiểu. Đối với người đọc, dây chính là các bằng chứng ngôn từ sống động nhất chỉ lối cho ta tìm về những nghịch lí của tâm trạng kẻ đang đau khổ.

Điều cần nói và cũng là khó nói nhất đã được bày tỏ. Sự gắng gượng của lí trí đã đạt tới giới hạn cuối cùng. Sau đó, lí trí buông xuôi cho tình cảm bị thiết “điều hành” lời lẽ. Những câu nói “gở” liên tục được thốt ra từ miệng nàng Kiều:

Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên!
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hưởng nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây.
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghi trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan. 

Sao lại thế, đang sống hẳn hỏi mà cứ hết mệnh bạc lại đến mất người, hết hồn về lại đến người thác oan? Đó là chưa kể cái chuyện tình mới tươi rói, nồng nàn hôm qua lại bị đẩy vào thời gian ngày xưa xa lăng lắc. Thì trước Kiều chưa kịp cảm giác mình đã trắng tay, còn sống mà như đã chết. Lúc trước điều chưa kịp nghĩ đến bản thân, bây giờ là lúc nàng thấy thương nàng vô hạn. Trước, Kiều mong em vì xót tình máu mủ đã giúp mình, cũng là giúp gia đình giữ được thanh danh vì không có người bội ước. Hơn thế, giúp Kiều cũng là vì Kim Trọng, bởi Kiều chẳng muốn người yêu bị hụt hẫng, thiệt thòi. Sau Kiều như muốn khẩn cầu em đoái thương đến mình như một cô hồn khi thì vất vưởng chốn dạ đài, lúc lại bơ vơ miền dương thế. Kiều chẳng có gì nữa hết, chẳng có lí do để tồn tại, lấy cớ gì để mà ép buộc ai? Nhiều lắm, nàng cũng chỉ mong một chút mủi lòng ở người đang sống. Nàng phải lưu ý trước để em nàng khỏi quên: “Trông ra ngọn cỏ lá cây – Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”. Thật tội nghiệp cho nàng vì chính nàng cũng tự biết mình tội nghiệp. Hồn còn mang nặng ước xưa nhưng nẻo về đã tuyệt. Âm dương cách trở, mặt chẳng thể chạm mặt còn lại thì bị nuốt chửng bởi hư vô, câm lặng hoàn toàn. Nỗi đau đớn như thế phải nói là đã đạt tới mức tột cùng. Nếu ở đoạn thơ trên giọng Kiều “lí lẽ” bao nhiêu thì ở đoạn thơ đang phân tích, giọng Kiều lại ngậm ngùi, cam phận bấy nhiêu. Bề ngoài, Kiều như vẫn nói với em mà bề sâu Kiều đang tự nói với mình. Kiều đang thực sự sống trong ảo giác. Giọng nàng bỗng hụt hẳn đi để những lời nói sau dội ngược trở lại với chính nàng và có một âm hưởng xa vắng lạ lùng: “Mai sau dù có bao giờ – Đốt lò hương ấy, so tơ phím này”. Đây là câu lục bát duy nhất trong đoạn thơ mà kết thúc dòng 6 và dòng 8 đều là trầm bình thạnh. Chính do sự khống chế của hai thanh đó mà theo nguyên tắc hài hoà trầm bổng, hệ thống các thanh bằng (trầm bình hoặc phù bình) trong câu thơ, nhất là ở dòng 6 phải được tổ chức lại. Từ đó, sự ngắt nhịp thông thường 2/2/2 hoặc 2/4 trong dòng 6 được lược bỏ, khiến ta có thể đọc dòng thơ này liền một mạch. Cảm nhận của người đọc về sự thoát xác của một tấm linh hồn bắt đầu phiêu diêu vào miền vô định theo sự nới rộng nhẹ nhàng như làn khói của không gian và thời gian vì lẽ đó mà trở nên có căn cứ. Không chỉ thế, dòng thơ như còn chứa đựng một ánh nhìn xa vắng, một nỗi côi cút, bơ vơ vô cùng khó tả. Có lẽ, khi viết câu thơ này, mắt thi nhân cũng đã phải ướt lệ.

Nói chuyện mai sau, do mải để hồn đi theo tưởng tượng mà nàng Kiều chưa kịp để nước mắt chảy dàn. Khi quay lại với thực tế đổ vỡ ngổn ngang đau đớn quá, Kiều đã khóc nấc lên. Nước mắt vỡ oà ra, tuôn xối xả.

Bây giờ trâm gãy, gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.
Trăm nghìn gửi lạy tình quân,
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi!
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim lang! Hỡi kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Đúng là không còn gì có thể vớt lại được nữa! Trâm đã gãy, gương đã tan, “Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi” và tất cả đã là “nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Những thành ngữ chỉ sự tan vỡ của tình duyên đã được vận dụng vô cùng thích hợp, có tác dụng xoáy sâu vào nỗi đau của nàng Kiều – một nỗi đau đớn lớn tích chứa muôn vàn nỗi đau đã từng có trong đời. Các thán từ ôi, hỡi, thôi thôi không ngớt được thốt ra cho thấy tình cảm của Kiều đã lâm li tới cực độ. Phụ âm đầu ng được lặp lại liên tiếp trong câu “Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi” kết dính các tiếng lại, buộc ta phải đọc một hơi cả dòng thơ, đã diễn tả thật thần tình trạng thái Kiều không còn muốn nghe gì, không còn muốn thấy gì ngoài nỗi tuyệt vọng của bản thân mình. Còn giọng điệu chì chiết, đay nghiến số phận của nàng thì được biểu đạt rất nổi bật ở câu “Phận sao phận bạc như vôi” với sự trùng điệp của từ phận và sự xuất hiện của một so sánh lạnh ngắt như nhát chém vô tình.

Hoài Thanh đã so sánh cách Nguyễn Du để cho nàng Kiều đang nói với Thuý Vân bỗng quay sang nói một mình rồi chuyển hẳn sang nói với người yêu vắng mặt, với cách nhà viết kịch Pháp Ra-xin (Racine) để cho Ăng-đờ-rô-mác (Andronaque) đang nói với Pia-rut (Pyrrhus), kẻ thù của chồng mình, bỗng quên hẳn Pia-ruột, chuyển sang nói với Héc-to (Hector), người chồng đã khuất. Từ đó nhà phê bình nhận xét về sự “nhập vai” của hai cây bút vào nhân vật, cho rằng họ đã “nắm chắc những diễn biến có quy luật của lòng người”. Quả đó là những nhận xét chính xác và tinh tế. Tuy nhiên, cũng có thể cho rằng trong trường hợp này, Kiều không nói (vì lí trí tỉnh táo đã bất lực, không còn đủ sức đưa lời lẽ nhân vật vào khung đối thoại thông thường) mà Kiều đang rên lên trong trạng thái tâm thần bấn loạn. Không hề có một câu miêu tả cử chỉ của nàng Kiều nhưng độc giả có thể thấy được rất rõ dáng đổ sụp xuống của nàng thông qua nhịp điệu đoạn thơ. Nàng như đang lay lia lịa người vắng mặt (“Trăm nghìn gửi lại tình quân”), lắc đầu quây quậy (“Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi”) và bàn tay đập liên tục xuống mặt sàn theo nhịp điệu đuối dần (“Phận sao thận bạc như vôi – Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”). Đến khi nàng nức lên “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang! – Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!” là khi ta biết sức chịu đựng của tinh thần nàng đã đạt tới điểm chót hay nói cách khác là đợt sóng cảm xúc đã dâng lên tới đỉnh cao nhất. Sau đó, chỉ còn là sự sụp đổ của cả trạng thái tinh thần lẫn thể chất, là ngất xỉu, đúng như Nguyễn Du đã viết ở mấy câu liền đó: “Cạn lời, hồn ngất máu say – Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng”. Chứng kiến nỗi đau đớn vô bờ của nàng Kiều trước sự tan vỡ của mối tình đầu, người đọc hiểu rằng nhu cầu được sống hạnh phúc trong tình yêu của con người tha thiết và cháy bỏng đến độ nào. Phản nhân đạo nhất chính là việc tước đoạt của con người cái nhu cầu, cái quyền chính đá!!g ấy. Theo lời Tản Đà khi chú thích và bình luận Truyện Kiều (trong Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện, Tân Dân xuất bản, 1941) thì “Trong cả quyển Kiều, văn tả tình không mấy đoạn dài hơn như đây. Đoạn này thật lâm li, mà như thế mới hết tình sự”. Rõ ràng Nguyễn Du đã có một sự lựa chọn đúng đắn. Phải chăng ông muốn tạo ra một điểm nhấn để người đọc cảm nhận được sâu sắc tấn bi kịch của tình yêu mà ông muốn thể hiện trong toàn tác phẩm? Thêm nữa, với đoạn thơ này, ông muốn tự tạo cho mình cơ hội đi sâu khám phá cái chiều sâu bí ẩn của nội tâm con người – điều không phải ai sống trong thời đó cũng thấy được, cảm nhận được sức hút của nó như sức hút của một nhân tố mới mẻ biểu thị chất lượng mới của ý thức về cái tôi cá nhân. Thuý Kiều dưới ngòi bút của Nguyễn Du không chỉ là con người nghĩa vụ, con người chức năng, dù nàng bao giờ cũng tỏ ra nhớ nghĩa vụ và chu tất, cẩn thận trong việc thực hiện nó, bất kể gặp hoàn cảnh thế nào. Nàng gây ấn tượng đậm nhất cho ta ở tư cách là một con người cá nhân mà suy nghĩ, khát khao luôn muốn thoát khỏi sự gò bó, khuôn phép. Bi kịch của nàng chính là ở chỗ đó. Trao duyên xong đâu đã phải là xong mọi chuyện. Phần hậu trao duyên mới chính là phần để lại dư âm. Dư âm của sự cộng hưởng khát vọng giữa nhân vật, tác giả và cả thời đại nữa.

Đề 47 – Về đoạn trích Trao duyên (trong Truyện Kiều của Nguyễn Du).
Đánh giá bài viết