Đề 40 –  Đọc “Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn”(Trích Đại Việt sử ký toàn thư)

BÀI LÀM

Trong lịch sử các triều đại nhà Trần có hai nhân vật nổi tiếng là Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn. Cả hai đều đi vào tầm ngắm của tác giả Đại Việt sử kí toàn thư nhưng mỗi người một cách. Nếu nhân vật Trần Thủ Độ hiện lên như một tính cách, một thứ rường cột quốc gia, một nhà quản lí coi trọng phép nước, giữ vững kỉ cương thì nhân vật Trần Quốc Tuấn được tái hiện toàn diện hơn, cả tài năng, đức độ, tâm huyết của một bậc hiền tài. Cách kể của tác giả cũng khác. Nếu nhân vật Trần Thủ Độ hiện lên bằng các chi tiết tiêu biểu, chọn lọc như những giai thoại thông qua lối truyện kể dân gian thì nhân vật Trần Quốc Tuấn lại là một chân dung trong hồi kí. Từ hai cái mốc cuối đời là khi ốm và lúc mất, người viết sử đã nhớ lại những gì mà ông để lại cho đời, cho dân cho nước. Cùng với chân dung khách quan của nhân vật còn có sự bình luận đánh giá từ nhiều phía: phía kẻ thù, phía nhà vua, cả tác giả và quần chúng nhân dân đông đảo. Chính vì vậy mà những trang viết về nhân vật lịch sử này giàu chất văn học hơn.

Nói đến một vị đại tướng cầm quân như Trần Quốc Tuấn thì trước hết phải nói đến tài năng thao lược. Về phương diện này, nhân vật Trần Quốc Tuấn nổi bật lên. Đâu phải ngẫu nhiên mà kê sách chặn quân xâm lược phương Bắc được ông trình tấu lên vua một cách rõ ràng, cặn kẽ. Ấy là lấy đoản binh chế trường trận. Chiến thuật ấy không có gì là mới vì binh pháp đã nói từ lâu. Kết hợp với phép dụng binh ấy cần phải có một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Cái cần trước tiên là tướng giỏi. Nhưng thế nào là tướng giỏi? Theo Trần Quốc Tuấn thì tướng giỏi là tướng có tài quyền biến, đánh giặc như đánh cờ, tuỳ thời tạo thế. Nhưng có tài chưa đủ. Tướng giỏi còn phải là người có tâm, có đức. Có như thế mới có được đội quân một lòng như cha con. Cái cần thứ hai là được nhân dân ủng hộ. Muốn được nhân dân ủng hộ thì không một cách nào khác hơn là “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bên gốc”. Cái nhìn có tầm vĩ mô chiến lược ấy phải chăng là của riêng Trần Quốc Tuấn? Cái nhìn ấy đã xâu chuỗi lại bao nhiêu chiến tích vẻ vang từ thời Triệu Đế, thời Đinh, thời Lê, thời Lí, thời Trần. Thời Triệu Đế, có nhân dân làm kế “thanh dã”. Thời Đinh, Lê thì “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa”. Còn mới đây nhất vào triều đại nhà Trần có được hậu thuẫn quan trọng là “vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước nhà cố sức” mà quân giặc phải tan. Không nằm trong binh pháp Tôn Tử, kế sách ấy là của Trần Quốc Tuấn. Sau này nó trở thành đường lối của cuộc chiến tranh nhân dân thời hiện đại.

Cách ứng xử của Trần Quốc Tuấn thật là mẫu mực. Đối với bề trên (nhà vua) thì Trần Quốc Tuấn “kính cẩn giữ tiết làm tôi”. Vì có công lớn mà đưỢC quyền phong tước cho người khác, nhưng “Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào”. Điển hình nhất là khi ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra để cấp lượng quân, ông chỉ làm lang tướng giả chứ không dám cho họ tước lang tướng thực. Có quyền lực trong tay mà không bao giờ lạm dụng quyền lực, trong lịch sử các danh nhân Đại Việt, hiếm có một con người như thế nào.

Đối với tướng sĩ dưới quyền Trần Quốc Tuấn tin họ như tay chân. Việc cha ông có hiềm khích với Trần Thái Tông là việc lớn. Không tham bác ý kiến của ai trong hoàng tộc, Trần Quốc Tuấn lại tâm sự và lắng nghe ý kiến của hai kẻ gia nô. Một mặt, dạy đạo trung cho họ (trong Hịch tướng sĩ, ông gọi là đạo “thần chủ”), một mặt ông hết lòng tiến cử họ. Một loạt các danh nhân nước Đại Việt từ đó mà nên. Những Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông. Còn Phạm Ngũ Lão, Trần Thị Kiển, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm… đều là môn khách của ông cả.

Chuyện khó xử nhất là chuyện giải quyết mối bất hoà giữa thân phụ Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương với vua Trần Thái Tông. Nói cho thật khách quan thì lỗi này thuộc về Trần Thủ Độ. Nhưng vì là lời trăng trối của cha, Trần Quốc Tuấn không khỏi bận lòng. Mâu thuẫn giữa chữ “hiếu” với chữ “trung” giải quyết thế nào cho phải. Được hiểu thì mất trung, được trung thì mất hiếu. Tinh thế phức tạp này dễ đẩy Trần Quốc Tuấn vào thế trở đi mắc núi trở lại mắc sông, mặc dù thâm tâm, Trần Quốc Tuấn đã nghiêng về một phía. Trước lời căn dặn của cha, tuy hết sức lắng nghe nhưng đã “không cho là phải”. Song, sự nhạy bén của lương tri không đủ sức vượt qua các bức tường vô hình mà nghiệt ngã. Phải bối rối lắm, Trần Quốc Tuấn mới đem tâm sự mà hỏi Dã Tượng và Yết Kiêu. Nghe xong Quốc Tuấn cảm phục đến phát khóc và không ngớt lời khen ngợi hai kẻ gia thần. Mà câu nói của họ nào có phức tạp gì đâu: “Làm kế ấy tuy được phú quý một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi!”.

Trần Quốc Tuấn cảm động về lòng thành thực của họ và khóc cho lời đáp sáng tỏ mà mình vừa tìm được trước một ngã ba đường. Thật là “Được lời như cởi tấm lòng”, Trần Quốc Tuấn như đã có chân lí ở trong tay. Đó là hòn đá thử vàng để phân biệt đúng sai, thuận nghịch. Trắng, đen đến lúc này không còn được phép lẫn lộn. “Trắng” thì ngâm cho là phải. Còn “đen” thì ông rút gươm ra dù người đó là con ruột của mình. Trên đời này, cái khó nhất là chuyện riêng tư. Nhưng ngay cả chuyện riêng tư ở Trần Quốc Tuấn cũng không bao giờ khuất tất, không bao giờ dối mình và giấu mình. Tấm lòng ấy như tấm bánh bóc ra càng thấm thía vị ngọt ngon thơm thảo.

Cách đánh giá Trần Quốc Tuấn của đương thời. Nếu phân tuyến địch – ta thì thấy điều kì lạ là: dù địch hay ta với ông đều hết lời ca ngợi. Về phía kẻ thù triyền kiếp, dù phải “kính nhi viễn chi” cũng tỏ lòng trân trọng “gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên”. Còn về phía ta, từ vua đến dân, từ người kể chuyện đến người nghe chuyện không khỏi ngưỡng phục, tự hào. Vua Trần Thánh Tông tự tay soạn văn bia ở sinh từ của Trần Quốc Tuấn, ví ông với Thượng phụ ngày xưa. Dân gian thì ở vùng chậu huyện Lạng Giang, hễ gặp tai nạn là có nhiều người đến cầu đảo, nhờ dựa linh hồn ông. Còn đối với đất nước, “mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hỗ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lợi”. Riêng với tác giả Ngô Sĩ Liên không có chi tiết quan trọng nào về ông mà không có lời bình.

Những lời bình ấy là sự biểu dương khẳng định, khi thì về sự trung nghĩa như việc “kính cẩn giữ tiết làm tôi”, hoặc rằn bảo tướng sĩ dưới quyền “là dạy đạo trung đó”. Khi về thì công tích có một không hai của Trần Quốc Tuấn trong việc tiến cử hiền tài, hoặc nhờ Trần Quốc Tuấn mà “đời Trung Hưng lập nên công nghiệp hiếm có”. Bằng cách đánh giá từ nhiều phía trên đây, nhân vật Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cứ như toả ra một thứ hào quang thần thánh. Và sự thật, trong tín ngưỡng dân gian, ông là một bậc thánh từ lâu. Đền thờ ông ở khắp nơi đều được gọi bằng một cái tên chung vô cùng trân trọng: Đền thờ Đức Thánh Trần.

Đề 40 – Đọc “Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn”(Trích Đại Việt sử ký toàn thư)
Đánh giá bài viết