HƯỚNG DẪN 

1. Dễ nhận ra rằng đây là một bài thuộc phần Máu lửa. Bài thơ được viết vào năm 1938, nhưng nguồn cảm hứng của nó đã có từ một năm trước đó, khi Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhà thơ hồi tưởng lại:

“Tôi […] nhận rõ ngay mình đang bước vào một cuộc đời mới. Một năm sau (1938), cái cảm giác ấy vẫn tươi nguyên trong tôi:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạn.       
Mặt trời chân lý chói qua tim          
Hồn tôi là một vườn hoa lá.             
Rất đậm hương và rộn tiếng chim….
                                                       (Tố Hữu, Nhớ lại một thời, sđd

2. Bài thơ không chỉ nói về sự khởi đầu của “một cuộc đời mới”. Từ ấy, đó còn là sự khai sinh của một hồn thơ mới, mà chân dung của nó đã hiện lên, thật chói chang trong khổ thơ đầu.

Tố Hữu kể lại rằng, thời khắc thiêng liêng, khi nhà thơ được kết nạp Đảng, là “một đêm mưa lâm thâm”. Nhưng khổ thơ lại tràn đầy, chan chứa mặt trời và ánh nắng; bởi đấy không phải là ngoại cảnh. Cái khu vườn mà thi sĩ khắc họa ở khổ thơ là hình ảnh của một thế giới nội tâm đang tới độ tột cùng của cảm giác vui say, ngây ngất.

Và đây là sự vui say chỉ có ở một tâm hồn tươi trẻ, ở đó, mọi thứ đều phải trở nên thật chói lọi, nồng nàn. Vì thế, nắng phải là nắng hạ, và ánh nắng hạ ấy phải bừng lên; mặt trời không soi, không chiếu mà phải chói qua tim; hương hoa không thoảng ngát mà đậm, rất đậm; và tiếng chim phải rộn, chứ không chỉ ríu rít, véo von. Một thi cảm rất khỏe, của một con tim trai tráng. 

Khó có thể nói hay hơn về sự choáng ngợp của một thanh niên mười bảy, mười tám tuổi khi bắt gặp lý tưởng của đời mình. Trong cách diễn tả của Tố Hữu, nó như sự phát hiện bất ngờ một miền đất hứa. Mặt trời của lí tưởng như chợt đổ ngập ánh nắng, làm tốt tươi lên cả một vườn hồn.

3. Song “mặt trời chân lý” đã không chỉ đem lại cho người thanh niên sức sống và niềm vui sống. Với Tố Hữu, lí tưởng còn là nguồn sáng làm rạng rỡ lên một lẽ sống và một cách sống ở đời.

Khở thứ hai của Từ ấy vẫn mở đầu bằng một chữ tôi. Nhưng đó đã không phải là một cái tôi chỉ còn bề sâu mà mất đi bề rộng, như lời người phát ngôn cho thi ca lãng mạn. Ba câu đầu của khổ thơ có một cấu trúc giống nhau, với đầu bên này là những gì thuộc cá nhân mình (lòng tôi, tình tôi, hồn tôi), còn đầu bên kia là nhân quần lớn rộng (mọi người, trăm nơi, bao hồn khổ). Nhưng đó không phải là hai phía đối lập nhau. Trái lại, ở đây chỉ thấy có sự quấn quýt, bằng những những sợi tơ vô hình mà bền chắc (buộc), chỉ thấy sự gắn bó và hoà hợp (trang trải, gần gũi). Cái tôi không bị cuộc đời đè nặng, mà ngược lại, góp phần làm nên sức nặng mạnh mẽ, lớn lao của cả khối đời.

Khổ thơ là hình ảnh về một cái tôi không thể có ở văn chương lãng mạn.

4. Khổ thơ cuối cùng vẫn tiếp tục nói về cái tôi. Chân dung một thi sĩ mới vẫn tiếp tục hiện lên trong hình ảnh một con người ở giữa mọi người và của mọi người lao khổ (của vạn nhà, của vạn kiếp phôi pha, của vạn đầu em nhỏ không áo cơm..). Nhưng nhà thơ đã không đứng trên, cũng không đứng ngoài những kiếp lầm than ấy để lắng nghe âm vang của nó dội lên trong lòng mình. Trong tư cách một thi nhân, Tố Hữu thấy mình là người của đại gia đình những con người khổ cực, là ruột thịt, máu mủ, là con, là em của họ. Lời thơ đặc biệt thấm thía, xót thương khi nói về vạn đầu em nhỏ không áo cơm cù bất cù bơ mà nhà thơ đã tự nguyện làm anh (chẳng phải tình cờ mà niềm xúc cảm thơ đầu tiên của Tố Hữu đã dành cho những đứa trẻ tựa con chim non rũ cánh, đi tìm tổ bơ vơ như thế). 

Từ ấy, tóm lại, là bài thơ đánh dấu một sự khởi đầu – sự khởi đầu của một đời người và sự khởi đầu của một nguồn thơ.

ĐỀ 220: Phân tích bài thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu.
Đánh giá bài viết