Đề 29 – Về bài thơ Khuê oán của Vương Xương Linh.

BÀI LÀM

Vương Xương Linh (? – 756) tự là Thiếu Bá, quê Kinh Triệu (nay thuộc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây). Vì ông đã từng làm ở Giang Ninh, Long Tiêu, nên cũng được gọi là Vương Giang Ninh, Vương Long Tiêu. Năm Khai Nguyên thứ 15 (727), ông đỗ tiến sĩ, sau đó lại đỗ khoa thi Bác học hành từ. Tuy độ cao nhưng Vương Xương Linh chỉ được giữ những chức quan nhỏ và bị biếm trích nhiều lần. Trong loạn An – sử, ông lánh nạn ở vùng Giang, Hoài, bị tên thứ sử Lư Khâu Hiểu giết hại.

Vương Xương Linh là nhà thơ kiệt xuất thời Thịnh Đường, thường viết về đề tài biên tái, quân lữ, cung oán, khuê tình và tống biệt; đề tài nào ông cũng có những tác phẩm xuất sắc. Thơ ông rất tinh tế, trang nhã, thanh tân, ý cảnh thâm thúy. Ông sành các thể thơ nhưng đặc biệt sở trường ở thế thất ngôn tuyệt cú. Nhiều bài tuyệt cú của Vương Xương Linh được người thời Đường gọi là thần phẩm. Thơ Vương Xương Linh hiện còn 186 bài; trong đó những bài như Xuất tái, Thái liên khúc, Phù Dung lâu tống Tân Tiệm, Khuê oán… rất được hâm mộ.

Khuê oán
(Nỗi oán của người phòng khuê)

Phiên âm:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,           
Xuân nhật ngưng trang thường thủy lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc           
Hối giao phu tế mịch phong hầu              

Dịch nghĩa:

Người đàn bà trẻ nơi phòng khuê (ngây thơ) không biết buồn,
Ngày xuân trang điểm xong bước lên lầu đẹp
Chợt thấy màu dương liễu đầu đường,
Hối hận đã để chồng đi tòng quân để tìm kiếm ấn phong hầu.  

Dịch thơ:

Trẻ trung nàng biết chi sầu
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm gương
Nhạc trông vẻ liễu bên đường
“Phong hầu”, nghĩ dại, xui chàng kiếm chi.

                                                  (Tản Đà dịch)

Nhan đề là khuê oán mà câu mở đầu lại là:

Khuê trang thiếu phụ bất tri sầu,

Vì sao câu mở đầu lại là một phản đề như vậy? Vì sao chồng ra trận mà người khuê phụ lại không buồn?

Thời Thịnh Đường, Trung Quốc là một nước giàu mạnh và có lãnh thổ rộng lớn, nhà Đường đã phải quân đội ra trấn thủ biên cương và nếu có điều kiện thuận lợi thì mở mang lãnh thổ (khai biên). Hoàn cảnh ấy làm dấy lên tinh thần “kiến công lập nghiệp” ở các tướng sĩ. Nhiều người ra biên cương với hi vọng lập công để được phong hầu:

Công danh chỉ hướng mã thượng thủ,
Chân thị anh hùng thất trượng phu.     

(Công danh giành được trên lưng ngựa,
Mới thật anh hùng xứng trượng phu)  
                                         (Sầm Tham)

Thân nhân của họ cũng ủng hộ ước nguyện ấy. Thời phong kiến ở Trung Quốc, người vợ được gọi là nội, Họ yên tâm với cái định lí:

Phu nhân bất hạ đường
Hành tử tại vạn lí          

(Thiếp không ra khỏi cửa      
Chàng muôn dặm viễn hành)
                                 (Hàn Dũ)

Bởi vậy, người thiếu phụ có chồng ra trận mà lòng vẫn bình yên. Và nàng vẫn làm công việc bình thường, hàng ngày, cũng là công việc muôn thuở của người phụ nữ khuê các: trang điểm Trang điểm xong lên lầu ngắm cảnh cũng như là chuyện đương nhiên. Nhưng hình như trong động tác thường thủy lâu còn có một động cơ tinh túy nào đó, đôi khi tự người thiếu phụ cũng chưa thật rõ. Khi xưa Dự Nhượng nói: Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình. Nay, người thiếu phụ trang điểm rồi hình như nàng cảm thấy trống vắng. Kinh thi từng nói:

Sang động từ đó chàng đi
Đầu tóc thiếp rối khác chỉ có bồng
Phần con nào phải thiếp không
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?

Làm dáng rồi nhưng kẻ yêu mình đâu?

Đọc thơ Đường chúng ta nhận thấy mỗi khi lên cao là mỗi khi con người có nỗi niềm tâm sự. Lên cao là để nhìn xa (đăng cao vọng viễn). Đặt trong hệ thống không gian nghệ thuật thơ Đường, ta cảm nhận được hình như có một động cơ tâm lí mơ hồ nào đó tiềm ẩn trong người thiếu phụ đã khiến nàng lên lầu đẹp. Nhưng, hai câu rồi, nghĩa là nửa bài tuyệt cú rồi, vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự oán. Trong thơ tuyệt cú, câu thứ tư (câu hợp hay câu kết) là quan trọng nhất vì nó là kết tinh ý nghĩa của toàn bài. Nhưng câu khó nhất là câu thứ ba, vì nó là câu chuyển, nó là bước chuẩn bị cho sự xuất hiện của câu kết.

Lên lầu rồi:

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc.
(Chợt thấy màu dương liễu đầu đường)

Lập tức người thiếu phụ:

Hối giao phu tế mịch phong hầu
(Hối hận đã để chồng đi tòng quân để tìm kiếm ấn phong hầu)

Tại sao thấy màu dương liễu nàng lại hối hận? Trong tiếng Trung Quốc, chữ liễu và chữ lưu có âm đọc gần giống nhau. Người Trung Quốc xưa có một phong tục: lúc chia tay, người ở lại bẻ một cành dương liễu tặng cho người ra đi để biểu thị niềm lưu luyến. Bởi vậy, trong thơ cổ Trung Quốc, đặc biệt là trong thơ Đường, màu dương liễu, cành dương liễu hay động tác bẻ liễu là một hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho sự li biệt. Màu dương liễu là tín hiệu của mùa xuân, cũng là biểu tượng của li biệt, nó như một giọt xúc tác nhỏ vào nỗi lòng của người khuê phụ khiến phản ứng tâm lí lập tức xảy ra, nàng như bừng tỉnh, hối hận đã để chồng đi tòng quân để tìm kiếm ấn phong hầu. Sao ta lại để cho chồng ra trận, vào chỗ chết để tìm công danh? Ấn phong hầu mà làm chi khi vợ chồng tuổi xuân mãi phải phân li? Mà biết đâu cũng là tử biệt? Bởi xưa nay chinh chiến mấy ai về (Vương Hàn).

Chữ hốt (bỗng, chợt) ở đầu câu thứ ba đánh dấu một sự chuyển, một sự đột biến, vượt cấp của cảm xúc, nhận thức. Nó là chiếc bản lề khép mở hai vùng trời của thế giới tâm trạng. Ở cái khoảnh khắc hốt kiến… dương liễu sắc, tâm trạng người thiếu phụ xảy ra một sự đột biến, từ bất trị sầu sang hối hận. Hối hận còn da diết, còn đáng sợ gấp mấy sầu. Trước đây nàng bất tri sầu vì nàng đang đam mê nấp đằng sau cái ấn phong hầu hào nhoáng. Chữ hối chính là cánh cửa hé mở, người chinh phụ phát hiện ra tâm hồn mình và người đọc cũng từ sự hé mở ấy mà hiểu được tâm tư nàng:

Tứ thơ đi theo một quá trình tâm lí:

Bất tri sầu – hốt – hối
Mê – đốn – ngộ

Cùng với người thiếu phụ, người đọc đốn ngộ: Chiến tranh là tai họa. Sau sự hồi đó là sự oán: oán cái ấn phong hầu, oán chiến tranh phi nghĩa. Câu cuối cùng câu kết đã giải thích nhan đề của bài thơ: Khuê oán. Nhan đề cũng là chủ đề – Phản đề đã tìm được đáp án.

Với 28 chữ của một bài tuyệt cú, Vương Xương Linh đã thể hiện được tiếng nói phản đối chiến tranh phi nghĩa của nhân dân thời Đường, cũng là của nhân loại từ xưa đến nay. Công bằng mà nói, trước Vương Vương Linh, cùng thời với ông và cả về sau nữa, khuê oán là một đề tài thường gặp trong thơ. Nhưng cấu tứ đặc biệt của bài thơ này đã thể hiện được quá trình tâm lí, bộc lộ được cả phần tiềm ý thức của con người, khiến nó trở thành một thần phẩm, đại biểu cho tiếng nói phần nói phản đối chiến tranh.

Nguyễn Thị Bích Hải – Bình giảng thơ Đường

Đề 29 – Về bài thơ Khuê oán của Vương Xương Linh.
Đánh giá bài viết