HƯỚNG DẪN 

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Huy Cận là một nhà thơ hiện đại thực sự, một gương mặt lớn của phong trào Thơ mới với tập Lửa thiêng khi thi sĩ mới ở độ tuổi đôi mươi. Nhưng không phải ngẫu nhiên, khi giới thiệu đầy hào hứng về chiến thắng với những thành công vang dội của “một cuộc cách mạng trong thi ca” Việt Nam, Hoài Thanh viết về nhà thơ rất trẻ và đầy tài năng này, vẫn trân trọng trích dẫn bài thơ của Trần Tử Ngang (đời Đường) để minh chứng cho một hồn thơ Việt đậm màu sắc Á Đông: Đó là hồn thơ Huy Cận.

2. Màu sắc cổ điển – Đường thi của “Tràng giang”

Tên tác phẩm Tràng giang với sự lựa chọn từ Hán Việt (khác với “sông lớn” hay “sông dài”) gợi đến âm hưởng Đường thi.

– Đọc hai câu đầu trong Tràng giang, người ta dễ nhận ra âm hưởng của hai câu thơ đời Đường khá quen thuộc với người Việt:

Vô biên lạc mộc liệu tiêu hạ          
Bất tận trường giang cổn cổn lai…

 Tuy nhiên, Huy Cận thể hiện tâm trạng của người trí thức Việt Nam ở thế kỉ XX trước cảnh sông nước vào thời còn trong vòng nô lệ.

– Cho đến hai câu trong khổ thơ cuối, với rất nhiều sáng tạo của Huy Cận, người đọc vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của ý thơ Thôi Hiệu thuở nào:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị     
Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 

– Nói âm hưởng Đường thi hay màu sắc cổ điển chính là nói một vẻ đẹp riêng của thơ Huy Cận. Dù là một nhà thơ mới, nhưng hồn thi nhân vẫn không “thất cước với giống nòi”, ngược lại, nó tôn vinh vẻ đẹp trường tồn cho bài thơ, nó lay động lòng người vốn quen từ ngàn năm với vẻ đẹp thẩm mĩ Á Đông, nó phù hợp với trạng thái cảm xúc của người làm thơ trong Tràng giang. Nó mang lại một vẻ đẹp cổ điển, một phong cách đĩnh đạc cho thơ Huy Cận. Dù, bấy giờ, theo một nhận xét của Hoài Thanh – trên đầu mỗi nhà thơ mới, ít nhiều có bóng dáng của dăm bảy nhà thơ Pháp… thì, đây lại càng là một dấu hiệu cho cá tính sáng tạo, một điều kiện tiên quyết mang lại sức sống cho thi phẩm này.

3. Vẻ đẹp hiện đại của “Tràng giang

Cảm hứng về sông nước tràn đầy trong bốn bề không gian với việc sáng tạo những hình ảnh mới của Huy Cận trong: thuyền về / nước lại: nắng xuống / trời lên; bèo dạt, củi khô… Chính Huy Cận khi nói về Tràng giang cũng nhắc đến việc học người xưa và sáng tạo của mình trong bài thơ, điều đó càng khẳng định những thành công mới của tác giả.

– Một không gian hiện hữu những hình ảnh nhỏ bé, nổi trôi, lênh đênh vô định trước cái mênh mang của sông nước: con thuyền xuôi mái, củi một cành khô, bèo dạt về đâu… bến cô liêu, không đò, không cầu… một không gian vắng lặng và quạnh hiu. Cảnh vật được cảm nhận bằng tâm trạng nhiều hơn là tả thực.

– Khổ thơ cuối cùng vừa có những hình ảnh “kì vĩ” rất riêng của nhà thơ, lại vừa thể hiện tâm thế của lớp thi sĩ ám ảnh về cái tôi cô đơn một thời đại thơ mới. Nhớ quê chỉ là sự hoá giải tâm trạng cô đơn mà thôi. “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”, nhớ nhà chỉ là một lối thoát. “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” mới thực sự là nỗi nhớ không gian, trong đó ẩn chứa tâm trạng cái tôi cô đơn và khao khát được hòa nhập với cái vĩnh hằng của vũ trụ, tuy nhiên, đó cũng chỉ là khao khát. Vì vậy, có buồn đau cũng là đương nhiên. Một nỗi đau cần có của loài người được thể hiện chân thành qua thơ. Điều đó cũng mang lại giá trị nhân bản đích thực cho thơ ca nói chung; khẳng định giá trị của tác phẩm và tài năng của nhà thơ với phong cách độc đáo, với tiếng nói riêng, tạo nên sức sống cho thơ.

4. Tổng kết

Thơ mới nói chung và thơ Huy Cận (trước 1945) nói riêng là một thành tựu lớn lao của quá trình hiện đại hoá thơ ca Việt Nam ở thế kỉ XX. Trong sự đa dạng về phong cách sáng tác thơ, Huy Cận đã đóng góp tiếng nói riêng của mình. Tràng giang là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật đó, một phong cách đĩnh đạc, trang nghiêm, cổ điển mà vẫn chứa đựng tâm thế của một lớp người mới, đi tìm cái tôi và thấm thía một cái tôi cô đơn trước vũ trụ, một nỗi buồn nhân thế trước thời thế xã hội lúc bấy giờ. 

ĐỀ 248 : Vẻ đẹp cổ điển mà hiện đại trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận.
Đánh giá bài viết