Đề 20: Những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới số 43)của Nguyễn Trãi.

BÀI LÀM

Bài thơ ra đời vào thời điểm cụ thể nào trong cuộc đời Nguyễn Trãi, ta khó xác định một cách chính xác. Nhưng căn cứ vào nội dung cảm xúc thể hiện trong bài, có thể suy đoán rằng nó đã được viết ra trong cảnh thanh bình của đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Minh đã thắng lợi. Phải thế thì một con người gánh bao trọng trách của quốc gia như Nguyễn Trãi mới có được phát rỗi rãi (rồi) để giãi lòng ra với thiên nhiên tạo vật được chứ. Chả biết nhà thơ có được rỗi rãi nhiều thật không, nhưng trước thiên nhiên, tâm thế của ông thật thư nhàn, dù có thể chỉ là thư nhàn được tạo dựng bằng ý thức văn hóa.

Rồi hóng mát thuở ngày trường.

Câu thơ nghe như một tiếng thở dài, trầm sâu mà nhẹ nhõm. Các trầm bình thanh mở và đóng câu thơ (rồi, ngày trường đã tạo cho người đọc ấn tượng đó. Cả thể chất lẫn tâm hồn nhà thơ đều đã ở vào trong trạng thái thích hợp nhất để hưởng thụ vẻ đẹp căng tràn sức sống mà mùa hè đang bày ra trước mắt: 

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Kể cũng lạ. Thơ cổ thường chuộng bước đi từ tốn trong việc miêu tả cảnh vật. Những hình ảnh động nhất, gây ấn tượng mạnh nhất ít được phô ra ngay từ những câu đầu của bài thơ. Ở đây, cái ý muốn ghi chép trung thành cảm giác của mình có vẻ mạnh hơn cái ý muốn “làm thơ” (nghĩa là ý muốn sắp xếp các chi tiết, hình ảnh làm sao cho phù hợp với cảm nhận duy lí của người viết về đối tượng), dẫu giữa chúng có mối tương quan hòa hợp, thống nhất. Câu thơ thật đậm chất tạo hình. Trừ hai chữ hòe tán nêu danh tính sự vật, còn tất cả các chữ còn lại đều mang tính chất miêu tả cụ thể, khiến người đọc có cảm tưởng đang thấy được trước mắt tán hòe xanh cứ vươn mãi ra như một chiếc ô lớn, trùm bóng mát rượi lên con người có tâm hồn thật trẻ đang thưởng ngoạn cảnh vật. Từ tượng hình đùn đùn với các phụ âm “đ” đòi hỏi khi phát âm phải bật hơi mạnh đã diễn tả được không chỉ đường nét, hình khối bên ngoài của tán cây hòe mà như còn biểu hiện được năng lượng sống mạnh mẽ bên trong của nó nữa. Rõ ràng, giữa nhà thơ và cảnh vật có một sự hoà đồng gần như là máu thịt. Nếu xem cả bài thơ là một bức tranh thì có thể nói với câu thứ hai này, nhà thơ – họa sĩ đã phóng bút vạch được những nét đậm, khỏe tạo thành một điểm tựa vững chãi cho toàn bộ bố cục. 

Thừa tiếp cái thế bút đã được biểu lộ ở câu thứ hai, liên thơ tiếp đó bổ sung hoàn chỉnh những chi tiết có thể đưa lại ấn tượng rõ rệt về một ngày hè chan hòa ánh sáng, màu sắc và hương thơm:

Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.   

Rọi cái nhìn duy lí vào bài thơ, ta sẽ nhận ra sự chặt chẽ trong cấu trúc của nó. Từ độ dài của khoảng thời gian ban ngày (ngày trường) đến sắc lụa thắm của cây hòe, từ màu đỏ của hoa thạch lựu đến mùi hương tỏa ngát của hoa sen (hồng liên), tất cả đều là những dấu hiệu đặc trưng của mùa hè (ở câu 6 còn có một âm thanh tiêu biểu nữa là tiếng cầm ve gắng dỏi). Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều tài liệu, tên bài thơ đã được đặt lại là Cảnh ngày hè. Tuy nhiên, đọc tới liên thơ vừa dẫn, điều độc giả chú ý hơn hết lại vẫn là tính cảm giác của những hình ảnh và sự đắc địa của những chữ lột tả trạng thái động của sự vật như phun, tiễn (tiễn được sách giáo chú thích là dư ra, là ngát). Câu thứ ba của bài thơ có thể được xem là câu miêu tả màu hoa lựu độc đáo bậc nhất trong thi ca Việt Nam. Sau này, ta sẽ còn được đọc một câu thơ khác của Nguyễn Du cũng thuộc loại đệ nhất tài tình nói về hoa lựu: “Dưới trăng quyên đã gọi hè – Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”. Cũng về hoa lựu, mỗi thi hào có một cách nhìn riêng, điểm nhấn riêng, nhằm tới những mục đích nghệ thuật không giống nhau. Hoa lựu của Nguyễn Du lập lòe như tín hiệu ngày hạ đang tới, còn hoa lựu của Nguyễn Trãi phun thức đỏ như sự phô khoe nguồn nhiệt năng dồi dào hàm chứa trong mình, cũng là trong cái mùa mà dương khí thịnh đạt, tràn trề nhất trong một năm.

Nếu liên thơ thứ hai nghiêng về sự thay thì liên thơ thứ ba nghiêng về sự nghe:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ    
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Các dữ kiện được đưa tới từ nhiều kênh thu nhận khác nhau của giác quan đã làm cho sự miêu tả trong bài thơ trở nên linh hoạt và biến hóa. Không phải ngẫu nhiên mà các từ láy tượng thanh lao xao, dắng dỏi được đặt lên đầu câu thơ. Có lẽ tác giả muốn làm nổi bật những ghi nhận sống động của kênh thính giác. Với âm thanh lao xao của chợ cá, một cảnh sinh hoạt của con người đã được gợi ra. Nhưng không phải cảnh náo nhiệt nơi đô hội mà cảnh thanh bình của miền thôn dã. Đúng là có niềm xôn xao trong vẻ lặng thầm biểu thị nhịp sống hài hòa trường cửu của vũ trụ. Trong câu “Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”, nhà thơ đã khéo léo tạo ra sự tương ứng giữa chi tiết gợi âm thanh với chi tiết tả đường nét – màu sắc của sự vật nhằm đưa độc giả đắm mình vào một giai điệu dìu dặt, trầm tĩnh và bình ổn – cái giai điệu có thể tạo ra ở ta một tâm thế lắng nghe khác, không phải hướng về những âm thanh rộn rực bên ngoài mà là âm thanh thầm thì trong lòng tạo vật, trong lòng người thợ luôn trăn trở nghĩ suy về vận mệnh, vận hội của đất nước và dân tộc. Đến liên thơ này, âm điệu của bài thơ đã có sự biến chuyển tinh vi, sự kích thích trực tiếp các giác quan đang từng bước nhường chỗ cho sự khêu gợi những cảm nhận sâu lắng. Đây chính là lúc tiếng Ngu cầm trong tưởng tượng của thi nhân cất lên:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng  
Dân giàu đủ khắp đòi phương. 

Ước có cây đàn của vua Thuấn chẳng phải cái gì khác hơn là ước muốn được hoà điệu cùng thiên nhiên, tạo vật, được san sẻ niềm vui sống trong cảnh thái bình của muôn dân. Cao hơn, đó còn là niềm mong mỏi cuộc sống an lạc của người dân ở mọi phương trời được duy trì vĩnh viễn. Lắng nghe thật kĩ, ta nhận ra trong hai chữ dẽ có hình như có vương một chút ưu tư – cái ưu tư đã trở thành một nét bất biến trong nhân cách lớn lao của Nguyễn Trãi, được hậu thế vô cùng trân trọng và thương quý. Đọc đến câu cuối của bài, ta cảm nhận được sâu sắc rằng: cội nguồn của niềm vui mà nhà thơ đã biểu lộ, chính là cảnh quốc thái dân an mà ông hằng mơ ước đang dần trở thành hiện thực trước mắt. Nếu dân không giàu đủ thì cảnh ngày hè dù có tưng bừng, tươi tắn đến mấy, đối với Nguyễn Trãi, cũng mất hết ý nghĩa. Bài thơ, như vậy, bề nổi là nói về cảnh ngày hè mà bề sâu là nói về tư tưởng thân dân của một con người vĩ đại.

Đặt trong bối cảnh phát triển của nền thi ca tiếng Việt thời Nguyễn Trãi, có thể thấy Cảnh ngày hè có nhiều điểm cách tân. Đầu tiên là trên phương diện thể thơ. Hai câu lục ngôn ở vào vị trí mở và đóng bài thơ cùng cách ngắt nhịp dao động từ mô hình 4/3 sang mô hình 3/4/ (riêng ở câu 1 là 1/, câu 8 là 3/3/) đã chứng tỏ rằng tác giả không bị khuôn khổ thể loại có sẵn câu thúc (ở đây ta đang xem xét vấn đề với thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi: riêng trong thơ chữ Hán, ông cũng như nhiều nhà thơ Việt Nam khác nhau này tuân thủ rất nghiêm chỉnh – dù sao thơ chữ Hán trong quan niệm của họ cũng là loại thơ phù hợp với con người đạo lí, con người quan phương, mà đã thế, nó không thể bị cải sửa một cách tùy ý).

Rõ ràng trong bài thơ Nôm ta đang tìm hiểu, thể luật thi đã được Việt hóa, bớt đi phần nào tính chất “nghiêm nghị”, cho phép nhà thơ thể hiện được một cách tự nhiên nhất cảm giác trực tiếp của mình về cảnh vật. Phải xem điều vừa nói cũng lại là một điểm cách tân nữa – cách tân về lối quan sát sự vật, về chất thơ – nếu ta nhớ rằng loại hình thơ cổ điển thường có lối cảm nhận không phải bao giờ cũng được ưu tiên miêu tả. Những hòe, thạch lựu, hồng tiên, chợ cá làng Ngư phủ, cầm ve, lầu tịch dương có lẽ chẳng phải đợi đến Nguyễn Trãi mới đi vào thơ. Nhưng bằng vào việc đặt bên cạnh chúng những từ (phần lớn là “thuầ” Việt) có chức năng miêu tả trạng thái động của sự vật như: đùn đùn, rợp, giương, phun, tiễn, lao xao, dắng dỏi,… tác giả đã làm cho những hình ảnh kia trở nên giàu sắc thái cá biệt, không bị đông cứng lại thành những ước lệ (Nhiều bài thơ vịnh cảnh trong Hồng Đức quốc âm thi tập, có lẽ do chịu ảnh hưởng ít nhiều của thơ Nguyễn Trãi, cũng có được đặc điểm đáng yêu này). Người đọc thú vị nhận ra trong bài thơ của Ức Trai một cảnh ngày hè rất đỗi Việt Nam, gần gũi và thân thuộc. Tất nhiên, chúng ta không thể quên rằng một lối miêu tả hiện thực chủ nghĩa (dù là theo kiểu của thơ) vẫn chưa thể xuất hiện vào thời Nguyễn Trãi. Cảnh ngày hè, tuy thế, vẫn chưa mang vẻ đẹp tự thân. Sự sống động của nó như ta cảm thấy trong bài thực sự đã được nhìn như một biểu hiện của cái đại đức đang bao trùm cả đời sống đất nước thời nhà Lê dựng nghiệp, thời có những dấu hiệu chứng tỏ một nền thái bình thịnh trị đã được bắt đầu. Hắn chúng ta không ngạc nhiên khi thấy bài thơ muốn “chốt” lại ở nhận thức về cảnh dân giàu đủ trong khi phần lớn chi tiết miêu tả lại hướng về thiên nhiên ngày hè. Ở đây, không có gì khập khiễng trong cấu trúc của bài thơ cả. Trong sự nhất thống của vũ trụ, mọi tồn tại đều mang một ý nghĩa phổ quát và cảnh vật không bao giờ tồn tại với tư cách là cảnh vật thuần túy!

Đề 20: Những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới số 43)của Nguyễn Trãi.
4.3 (85.45%) 22 votes