Đề 19 – Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới bài 43) của Nguyễn Trãi

BÀI LÀM

Bài 1:

Đặt trong bài Bảo kính cảnh giới số 43, trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, cái tựa Cảnh ngày hè kể cũng phải. Phần lớn thơ thuộc chùm Bảo kính cảnh giới vẫn nghiêng về những gương báu tự răn mình, đúng như chủ đề chung của cả chùm. Trong khi đó, bài 43 này, dù không phải không có cái ý răn mình, nhưng lại nghiêng nhiều về tức cảnh. Toàn thi phẩm là tâm tình nồng hậu của Ức Trai trước cảnh tượng hưng thịnh của ngày hè. Dù được viết cách nay đã hơn sáu thế kỉ, nhiều ngôn từ đã trở nên xa đối với người hiện đại, thậm chí kèm theo luôn phải có cả một bản chú thích lê thê đến gần 20 mục, nhưng Cảnh ngày hè vẫn dư sức vượt qua khoảng cách thời gian dằng dặc, vượt qua rào cản ngôn ngữ rậm rịt để đến được với người đọc bây giờ. Điều gì đã khiến cho bài thơ có được sức sống này? Sự tài hoa của ngòi bút chăng? Vẻ tinh tế của tâm hồn chăng? Tầm vóc lớn lao của một tấm lòng chăng? Có lẽ không riêng một yếu tố nào, mà là sự kết tinh của tất cả thành một chỉnh thể thi ca sống động, một kiến trúc ngôn từ cô đúc dư vang.

Cảnh ngày hè trước hết là một cảnh tượng rực rỡ và rộn rã. Nếu tuân theo nguyên lí “thi trung hữu họa”, người đọc hoàn toàn có thể cảm thụ thi phẩm như một bức tranh. Một bức tranh được vẽ bằng ngôn từ. Một bức tranh nghiêng về gam màu nóng, theo lối phân loại của hội họa. Thật là gam màu đặc trưng của ngày hè.

Hai câu đề, với những nét bút đầu tiên đã đưa ngay cái không khí hè đến với người đọc:

Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương

Ngày hè hiện ra với một tâm thế, một thời gian, một không gian khá ăn nhập với nhau. Ba chữ Rồi hóng mát đã gợi ra hình ảnh một Ức Trai trong dịp nhàn rỗi hiểm hoi nào đó đang hóng mát ngày hè. Nhưng ba chữ Thuở ngày trường mới giàu sức gợi hơn. Ngày mà dài thì đúng là đã tóm được cái chênh lệch đến ngắn ngày dài khá đặc trưng của ngày hè. Nhưng có phải chỉ là chuyện thời lượng đơn thuần không? Hình như còn là chuyện tâm lí riữa. Khoảng thời gian nào mà lại có thể khiến một con người vốn han gánh vác việc xã tắc giang sơn này cảm nhận là “thuở ngày trường”? Thời ông đang làm rường cột bận bịu với chính sự cung đình của một vị quan đầu triều ư? Không thể. Khi ấy, người say sưa hành sự khó mà cảm nhận về “ngày trường”. Vì thế, chữ “ngày trường” gợi ra những ngày nhàn cư mà chẳng thật thanh nhàn bên ngoài chính cuộc của Ức Trai chăng? Mà đâu chỉ hiện trong nghĩa của chữ, tâm thế ấy như còn ẩn trong âm vang của lời. Chẳng phải thế sao? Câu khai mở đã gây một cảm giác lạ đối với người quen đọc thơ thất ngôn bát cú. Có một cái gì đó như là giao thoa của những cảm giác trái chiều: ngắn mà lại dài, mau mà lại khoan. Sao thế nhỉ? Có phải vì đó là một câu phá cách: lời chỉ có sáu tiếng (lục ngôn), tiết tấu chỉ có hai (3/3)? Cả chuỗi lời thì ngắn, mỗi tiết tấu lại dài. Số nhịp thì dồn lại, mỗi nhịp lại trải ra. Sự co giãn này có hiệu quả gì đây? Hãy lắng nghe âm vang của nó: 

Rồi hóng mát / thuở ngày trường

Chẳng phải nó tạo ra một ngữ điệu khá đặc biệt, chứa đựng những tình điệu dường như cũng trái chiều: vừa hối thúc lại vừa thong dong? Thong dong mà hối thúc, nhàn cư mà bận tâm, chẳng phải là cái tâm thế thường trực ở Úc Trai hay sao? Có lẽ sẽ không ngoa khi nói rằng chính tâm thế này đã ngầm tìm kiếm cho nó kiểu cấu trúc ngôn từ như thế trong câu khai mở! Người nghiên cứu hiện đại có thể gọi đó là sự tham gia sáng tạo của vô thức chăng?

Kết hợp câu đề thứ hai với hai câu thực ra sẽ thấy một thiên nhiên dồi dào sức sống được hiện lên qua sắc độ rực rỡ của thảo mộc hoa lá:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.  

Trật tự không gian trải từ cao xuống thấp, điểm nhìn của thi sĩ cũng di chuyển từ tầng không qua hiên nhà rồi xuống ao sen. Ở tầng nào thiên nhiên cũng không chịu tĩnh. Chúng động. Màu xanh lục lá hòe thì “đùn đùn” như cuộn lên từng khối biếc, tán hòe thì “rợp giương” như cử lọng giường ô. Màu đỏ hoa lựu không lặng lẽ tô son điểm sắc, cũng không lập lòe dậy lên vài đốm lửa, mà nhất loạt phun trào thức đỏ, tựa pháp hoa hừng sáng cả hiên nhà. Từ dưới ao, hoa sen cũng hưởng ứng bằng sắc hồng chín ửng cùng mùi hương dậy lên bay tỏa không gian. Mật độ dày của các động thái “đùn đùn”, “rợp giương”, “phun”, “tiễn”… đã tạo nên một sự sôi động đằng sau mỗi loài thảo mộc tưởng chừng tĩnh tại. Như thế, động thái mạnh lại được cộng hưởng bởi sắc độ gắt của gam màu, tất cả làm dấy lên sức sống của thiên nhiên đang kì toàn thịnh.

Chưa hết. Chúng ta còn thấy Nguyễn Trãi tinh tế hơn nhiều. Thi sĩ đã bắt được một nhịp vận hành vô thức hối thúc, xô đẩy tạo vật nữa. Chỉ cần chú ý một chút thôi sẽ thấy điều này: thảo mộc thì tiếp nối liên tục từ cao xuống thấp, động thái thì liên tiếp từ trong ra ngoài, lá – hoa – hương thì tiếp ứng nhau, nhất là cái nhịp độ khẩn trương:

Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.  

Loài này đang thì loài kia đã, hô ứng nhau, chen bước nhau gợi ra được không khí các tạo vật đang đua tranh phô sắc khoe hương.

Có lẽ cần dừng đôi chút về câu chữ ở đây. Trước hết, là chữ. Hiện có hai bản ghi khác nhau về câu thơ Hồng liên trì đã … mùi hương và do đó có hai cách hiểu khác nhau. Một bản chép là “tin”, nghĩa là hết mùi hương, diễn tả vẻ suy. Một bản chép là “tiễn”, nghĩa là đưa tỏa mùi hương, diễn tả vẻ thịnh. Đi liền với chữ là cú pháp. Cặp quan hệ từ “con”… “đã” trong cặp câu thực biểu hiện quan hệ cú pháp nào? Không ít người chỉ thấy chúng biểu đạt quan hệ suy giảm: “đang còn”… “đã hết”. Từ đó đã dẫn tới việc hiểu nghĩa của chúng là Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ / Hồng liên trì đã tin (hết) mùi hương. Hiểu thế có phù hợp không? Để làm sáng tỏ ngoài những căn cứ về văn tự Nôm, có lẽ cần phải có thêm căn cứ về văn bản thơ và các quy luật nghệ thuật nữa. Trong nghệ thuật, có quy luật, tiểu tiết phục tùng tổng thể, tổng thể chi phối tiểu tiết. Cảm hứng chung của thi phẩm là về sự sung mãn toàn thịnh của ngày hè. Cho nên các hình ảnh (cả thiên nhiên lẫn đời sống) tạo nên tổng thể ở đây cũng phải nhất quán, mỗi chi tiết đều phải góp mình làm nổi bật cái thịnh. Xem thế, chữ “tịn” ít có lí. Nó nói cái suy. Tổng thể nói thịnh, tiểu tiết sao lại nói suy? Rõ ràng “tịn” sẽ lạc điệu, phá vỡ hệ thống. Trái lại chữ “tiễn” nói cái thịnh, mới cộng hưởng được với vẻ toàn thịnh ấy. Về quan hệ cú pháp cũng thế. Cặp phó từ “con”… “đã”… đâu chỉ nói về loại quan hệ suy giảm: “đang còn”… “đã hết”, mà nó còn dùng để chỉ loại quan hệ tăng tiến: “đang còn”… “đã thêm”. Trong tổng thể này, quan hệ phải là tăng tiến thì mới ăn nhập. Bởi vậy, nghĩa của hai câu thơ chỉ có thể là: Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ / Hồng liên trì đã tiễn đưa, tỏa) mùi hương. Hương sen, sắc lựu tiếp ứng nhau, chen đua nhau cùng hợp nên vẻ toàn thịnh của ngày hè.

Ăn nhập với thiên nhiên rực rỡ là một đời sống rộn rã. Theo đó, bức tranh ngày hè toàn thịnh vốn đã đầy màu sắc giờ lại tràn ngập cả âm thanh:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ    
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Nghĩ cũng thú vị, chợ là một hình ảnh vô cùng điển hình của cuộc sống này. Lúc đương đông buổi chợ là hình ảnh vui của một cuộc sống sầm uất đi lên. Còn khi chợ tan là hình ảnh rã đám của một cuộc sống đường đi xuống. Chỉ cần nhìn vào diện mạo chợ, cũng có thể thấy được âm vang của đời sống. Âm thanh “lao xao” từ chợ cá làng ngư phủ đã nói lên vẻ sầm uất của cuộc đời xung quanh. Cả hình ảnh bóng tịch dương nữa. Nắng tắt, bóng tối dâng lên vây phủ bốn bề, âm thanh sinh hoạt cũng dần dần thưa thớt. Lúc tịch dương thì dù đó là miền sơn cước hay chốn chương đài cũng đều khó tránh khỏi không khí quạnh hiu cô tịch.

Nhưng không khí ấy ở đây đã bị xua tan bởi nhạc ve. Tiếng ve gióng giả inh ỏi như một bản đàn làm cho hoàng hôn cũng trở nên náo nhiệt. Phải là một tâm hồn mở, một điệu hồn náo nức thì mới có thể nghe tiếng ve inh ỏi thành tiếng đàn cầm ve như thế. Từ làng ngư phủ xa xa của dân nghèo lớp dưới, đến lầu son gác tía của người lớn trên, chỗ nào cũng rộn rã vui tươi, Cái nhìn khái quát đã thâu tóm được hoàn cảnh cuộc sống trong đôi nét bút tài hoa. Trước, vẽ thiên nhiên thì từ cao xuống thấp, giờ về đời sống lại trải từ thấp đến cao, từ xa lại gần. Lối viết đảo ngược cú pháp, đặt những âm thanh lao xao và dắng dỏi lên đầu mỗi câu khác nào như tạo nên những điểm nhấn, Ta ngỡ như người viết đang muốn phổ vào không gian cả một dàn âm thanh rộn rã. Cảnh hưng thịnh của ngày hè, nhờ thế, mà càng trở nên phồn thịnh hơn.

Nếu chỉ dừng lại ở cảnh không thôi, cũng đã phần nào thấy được lòng người vẽ cảnh. Phải, cảnh tượng ấy đâu chỉ nói với ta về sự tinh tế của một tâm hồn, đó còn là sự phấn chấn của một tấm lòng thiết tha với đời sống. Nhưng, ta có dịp được hiểu về tấm lòng ấy trực tiếp hơn qua chính lời ước ao bộc trực của thi sĩ:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương

Giá chi có cây đàn của vua Thuấn, ta sẽ gảy khúc Nam phong cầu cho dân giàu đủ khắp muôn phương. Cặp câu kết này hé mở cho chúng ta về lòng chí của Ức Trai, Người dám mang trong mình ước nguyện kia phải là ai vậy? Một thi sĩ đơn thuần thôi sao? Một công thần thanh tướng thôi sao? Những kẻ ấy dám mơ đến việc cầm trong tay cây đàn của một quân vương sao? Không. Trong đời về phận vị, Nguyễn Trãi là một công hầu. Nhưng trong thơ, trong cái thế giới của những khát vọng riêng tư nhất, ông đã bộc lộ khát khao lớn ngang tầm với những bậc quân vương vốn là thần tượng của lịch sử. Điều này có gì là không chính đáng đâu! Và, đó là khát khao tầm cỡ Nghiêu Thuấn.

Thêm nữa, Nguyễn Trãi muốn gảy đàn để chỉ ca ngợi cuộc sống phong túc hiện thời thôi sao? Không. Dù cảnh tượng bày ra nhỡn tiền kia quả là hưng thịnh. Nhưng nó vẫn chưa khiến ông thỏa nguyện. Ông muốn cầm cây đàn vua Thuấn gảy khúc Nam Phong để cầu mong cho dân tình phong túc hơn nữa. Ông mong muốn một cuộc sống thực sự thanh bình và no đủ, nghĩa là một thiên hạ thực sự thái bình. Đó là khát khao sâu kín và cháy bỏng suốt một đời Nguyễn Trãi. Vì nó ông đã phải trả giá bằng cả sinh mạng và tôn tộc của mình. Chẳng thế mà ông cần phải đúc nó vào trong một câu lục ngôn, một câu đột nhiên ngắn lại, như để ghim sâu điều đau đáu của cõi lòng. Thì đó là khát khao Nghiêu Thuấn của một con người suốt đời âu việc nước” chứ sao!

Và, Cảnh ngày hè như thế, chẳng phải là sự hòa điệu tuyệt vời giữa tâm hồn và nét bút của một đấng tài hòa với tấm lòng của một bậc minh vương lượng tướng ư?

(TS. Chu Văn Sơn – Tạp chí Văn học tuổi trẻ, Số 15 – 2006)

Bài 2:

Rất nhiều tác phẩm thể hiện tài năng đa dạng, phong phú của Nguyễn Trãi, trong đó tập thơ chữ Nôm Quốc âm thi tập là một tập thơ đáng chú ý. Được sáng tác không liên tục từ thời trẻ, hồi chưa đỗ đạt, lưu lạc cho đến lúc làm quan to, công thành danh toại và khi về già, bị biếm bích, ở ẩn Côn Sơn… có thể nói rằng, tập thơ là một tập đại thành mang chứa không biết bao nhiêu nỗi lòng, tâm sự của Nguyễn Trãi. Dẫu vậy, khép lại Quốc âm thi tập nổi bật hơn cả, đó vẫn là một tình yêu nồng đượm, tha thiết với thiên nhiên, đất nước, thể hiện triết lí sống mà suốt đời tác giả luôn theo đuổi. Triết lí sống vì sự ấm no, hạnh phúc của người dân.

Bài thơ 43 trong chùm đề tài Bảo Kính cảnh giới được sách giáo khoa lớp 10 (Tập 1) đặt đầu đề là Cảnh tình mùa hè chính là một bài thơ tiêu biểu cho chủ đề này.

Rồi, hóng mát thuở ngày trường  
Hòe lục đùn đùn tán rợp giường.  
Thạch lựu hiện còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tin mùi hương.     
Lao xao chợ cá làng ngư phủ,        
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.    
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,        
Dân giàu đủ khắp đòi phương.         

Điểm đáng chú ý ở bài thơ trước hết thể hiện sự sáng tác của tác giả trong việc sử dụng và cách tân thể thơ thất ngôn bát cú của Trung Quốc. Việc giữ lại số lượng câu, chữ của thể thơ này nhưng xen câu thơ 6 chữ ở câu 1 và câu 8 thể hiện sự sáng tạo. Và ý thức trân trọng đối với ngôn ngữ và văn học dân tộc. Sự phá cách cộng với ngôn ngữ tiếng Việt được sử dụng trong tập thể, bài thơ, suy cho cùng đó cũng chính là tấm lòng với đất nước, quê hương. Rõ ràng, điều đó với Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện bằng những hành động thiết thực nhằm bảo vệ Tổ quốc của thời kì Lam Sơn khởi nghĩa hào hùng. Ông ý thức điều này cả khi sáng tác thơ, sáng tạo văn chương. Chính vì vậy, tiếp cận với “Cảnh tình mùa hè” nói riêng và Quốc âm thi tập nói chung, điều trên đây chính là một trong những điểm sáng đầu tiên mà người đọc cần phải hướng đến trước khi đi vào hệ thống hình ảnh thiên nhiên, vẽ lên một bức tranh mùa hè hết sức sắc sảo của bài thơ.

Mở đầu, như thường lệ của kết cấu thể thơ thất ngôn bát cú, Nguyễn Trãi giới thiệu tâm cảnh sáng tác của mình:

Rồi, hóng mát thuở ngày trường,
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Tức là, trong trường hợp này, ông vẫn khẳng định mối tiên ưa canh cánh bên lòng. Thế mà ở đây, Nguyễn Trãi làm kẻ nhàn tản. Rõ ràng, với con người ông, bài thơ chắc chắn ra đời trong hoàn cảnh đau đớn nhất của Nguyễn Trãi, hoàn cảnh của một giai đoạn mà Nguyễn Trãi bắt buộc các quan về ở ẩn ở Côn Sơn. Khác với Nguyễn Du về sau, Nguyễn Trãi là con người sinh ra để hành động. Thế mà, lúc này, con người hành động ấy phải nói: Rồi, hóng mát thuở ngày trường… Câu thơ chỉ hoàn cảnh sáng tác mà ngấm ngầm một tấc lòng, một tâm sự. Thế nhưng, nhìn ở khía cạnh tinh thần, Nguyễn Trãi không phải là kẻ bị quan, yếm thế. Nghị lực, niềm tin, những nghị lực. Những niềm tin đã được mài dũa của thời kì nếm mật nằm gai – đã giúp ông vượt lên hoàn cảnh số phận. Ông vẫn nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước. Vẻ đẹp của cuộc sống người dân đáng lẽ sẽ là sung túc, no ấm hơn nữa trong buổi thái bình. Vẻ đẹp đã giúp chúng ta khẳng định rằng, ông không chỉ là một nhà quân sự, một bậc khai quốc công thần, ông còn là một nghệ sĩ lớn. Người nghệ sĩ ấy đã vượt lên những nỗi buồn để tái dựng một bức tranh mùa hè đầy sắc màu, đầy những thức vị điển hình. Hình ảnh cây hòe tán rợp giường, hình ảnh lửa lựu lập lòe đơm bông (Kiều) trong:

Thạch lựu hiện còn phân thức đỏ.

Hình ảnh sen hồng – một loại hoa tiêu biểu của mùa hè – tỏa hương… Tất cả tạo nên bức tranh mùa hè đầy màu sắc, thể hiện khả năng cảm nhận, thấu đáo của một nghệ sĩ khi họa bút. Ở đây, khi họa bút rất nhiều giác quan được vận dụng. Từ thị giác (sắc màu, hình ảnh) đến khứu giác (hương hoa), thính giác (âm thanh):

Lao xao chợ cá làng ngư phủ   
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Tất cả làm nên khúc cầm đầy những cung bậc về một mùa hè trong cảm nhận của người nghệ sĩ. Thế nhưng, riêng đối với nhân cách của Nguyễn Trãi, sẽ rất phiến diện khi ta chỉ dừng lại ở đó trong Cảnh tình mùa hè. Vượt lên trên tất cả là tấm lòng thơ vẫn tình đời tha thiết của ông. Cảnh đẹp đã mở ra trong lòng Nguyễn Trãi một nỗi day dứt, một ước vọng:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Ước vọng đủ khắp cho người dân mọi nơi có thể thực hiện trong cảnh thanh bình một cách khá thuận lợi thì ở đây… Nguyễn Trãi không nói tiếp nhưng ta hiểu được nỗi lòng của ông trong chữ lẽ có. Đáng lẽ điều ấy sẽ là hiện thực nếu triều đình nhà Lê bấy giờ trong một mối đồng tâm. Đằng này, việc tranh giành quyền lợi, tham quyền cố vị, lục đục… của họ đã khiến điều ấy – sự ấm no, sung túc, của người dân – còn rất mờ mịt. 

Cảm động, nhân văn biết bao tấm lòng của Nguyễn Trãi. Tấm lòng thân dân, Dân di bản (Lấy dân làm gốc) canh cánh mãi bên lòng ông, theo đuổi ông trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi, mọi lúc. Tấm lòng ấy hiện hữu cả khi Nguyễn Trãi làm kẻ thưởng ngoạn thiên nhiên. Đọc hết Cảnh tình mùa hè không thể nghi ngờ gì nữa khẳng định rằng: Nguyễn Trãi không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa, ông còn là một nhân cách lớn của kẻ suốt đời vì dân, vì nước.

Đề 19 – Phân tích bài thơ Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới bài 43) của Nguyễn Trãi
4.3 (85.45%) 11 votes