BÀI LÀM 

Cảm giác đầu tiên về khổ một bài thơ là cảm giác đầm ấm, ngọt ngào của sự sum vầy, đoàn tụ. Một sự bừng sáng lên của sắc nắng với “vườn ai”. Ngọt từ cảnh vật, ngọt cả lời mời: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Lời mời ấy không phải của hôm nay. Nó có từ hôm qua, từ lâu, xa vắng lắm. Vì thế nó nói như cơn gió thoảng qua làm xao động lá cành trong tiềm thức giống với câu: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc – Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Mùa xuân chín). Cảnh là cảnh của hôm nay, còn nỗi nhớ lại hướng tới cái ngày xưa, cái thời đã trở thành vàng son quá khứ. Cả một câu thơ thất ngôn mà chỉ có một thanh trắc đã là la. Thanh trắc ấy lại rơi vào cuối câu cong vút một nét mày vừa thầm thì vừa là cái duyên của người mời mọc. Đó là chiếc cầu như một chiếc cầu dải yếm nối hai bờ của con sông chỉ hẹp một gang để nhà thơ bước từ cõi thực sang cõi mộng. Sắc nắng, “vườn ai” chính là cõi mộng rực rỡ huy hoàng. Nơi ấy đã gặp những gì mà chính ta mơ ước. Nắng ấy là nắng cổ tích. “Vườn ai” là mảnh vườn chiêm bao “Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao” (Truyện Kiều). Nắng với vườn là sự hạnh ngộ bất ngờ. Nắng vì vậy mới là nắng thuỷ tinh:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Một sắc nắng không phải thông thường: thời gian không màu, sắc nắng cũng không màu. Ấy là sắc nắng phi thời gian mặc dù ai cũng hiểu đó là sắc nắng của hôm nay, của buổi sớm. Nó rất khác, với các thứ nắng mật ong, nắng vàng (dù cả hai đều đẹp) ở chỗ: đây là tia nắng đầu tiên không phải bình minh của một ngày mà là bình minh của một đời. Vì thế nhìn mãi, nhìn mãi mà không tin vào mắt nhìn: nó có phải là thực hay không? Nhịp điệu câu thơ như một thứ sóng lòng, cứ chòng chành va đập tâm tư giữa hai vùng thực ảo. Hai chữ “nắng” không mảy may tả nắng mà tả cảm giác của người nhìn nắng lần đầu, như bỡ ngỡ vừa quen, vừa lạ. Nó rất khác câu thơ Xuân Diệu: “Thong thả chiều vàng thong thả lại – Rồi đi, đêm xám đến dần dần” (Giờ tàn). Bởi ở Xuân Diệu đó là cảm giác tiễn đưa, mất mát, xót xa. Còn cái nắng ở đây ngược lại. Nó thức dậy xôn xao cả cõi lòng và mảnh vườn gặp con gió tình nhân thổi đến. Mảnh vườn ấy như một cái gì có thật. Cụ thể là màu xanh (xanh như ngọc). Màu xanh ấy chứng thực rằng đây không phải giấc mơ đâu. Nhưng cùng với cách nói văn xuôi ấy, có một thoáng ngỡ ngàng rất là thi sĩ: “mướt quá” thì như trạng thái mê đi vì sung sướng, còn “vườn ai” thì bâng khuâng, man mác, mơ hồ, nghĩa là một cảm giác lâng lâng khó tả. Trong bối cảnh tâm trạng ấy, một gương mặt thoáng hiện ra như một thứ hồn của cảnh. Vẻ phúc hậu của bức chân dung không rõ nét này (vì có lá trúc che ngang) có lẽ chỉ cần xác nhận một điều rất cần xác nhận: đây không phải cảnh Thiên Thai mà chỉ là thế giới trần gian, phàm tục. Mảnh vườn nguyên sơ, thanh khiết ấy không cần phải quy nó về quyền sở hữu của một người nào (vì biết nó là “vườn ai”?). Chỉ nên hiểu đó là một thứ vườn đời (khách quan) và một thứ vườn lòng (chủ quan) của nhà thi sĩ.

Gió theo lối gió, mây đường mây

Bài thơ đến đây hoàn toàn đứt mạch không có một mối liên hệ nào với khổ thơ đầu. Chuyển hẳn sang một vùng trời khác, một thế giới mà không hề có dấu hiệu chuyển kênh. Sự đứt nối trong tư duy bắt đầu xuất hiện. Hiện tượng này khác với Mùa xuân chín, bởi ở Mùa xuân chín giữa khổ một với khổ hai vẫn là cảnh xuân, kể cả với khổ ba cũng thế. Những câu thơ “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”, “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi”… tạo nên một dòng chảy liên tục của hồn thơ, thậm chí cả cảnh vật bên ngoài. Tính nguyên khối của hình tượng thơ hiện lên rất rõ. Còn ở bài Đây thôn Vĩ Dạ này điều đó đã không xảy ra. Yếu tố siêu thực nếu có, chính là ở đây với dấu hiệu đầu tiên của nó. Tâm thế bất định biểu hiện ở chỗ: vừa đặt được hạnh phúc vào vòng tay, ngay sau đó lại để nó mất đi, vừa sum họp đã chia lìa “Anh đi đường anh, tôi đường tôi – Tình nghĩa tôi ta có thế thôi” (Thế Lữ) mà chẳng phải khác nhau về mục đích sống hay từ tác động của hoàn cảnh khách quan. Cái vỡ ra ở đây là tự trong lòng nhà thơ và vì sao thì không ai biết. Chúng ta chỉ biết đây là câu thơ rất buồn. Nhưng ngay nỗi buồn ở đây cũng phi lí. Trong thực tế vận hành của quy luật vốn có xưa nay là mây với gió cùng đường, gió thổi mây bay. Nhưng ở đây, quy luật đồng hành bị phá vỡ: mây với gió quay lưng lại với nhau để lại một dòng nước âm thầm vô cảm “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.

Về hình thức thì cảnh đâu có buồn. Ở đây có gió, có sông và còn có cả trăng nữa (“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”). Thi liệu không thiếu nhưng hồn thi nhân cạn kiệt rồi chăng? (“Gió trăng chở một thuyền đầy” – Nguyễn Công Trứ). Tứ thơ đến đây như con diều gãy cánh. Một thứ hố đen thăm thẳm hiện lên và hồn thơ rơi xuống. Cảm giác chơi vơi cần đến một chiếc phao cứu sinh thì chiếc phao ấy hiện ra:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay .        

. Thì ra, con thuyền thơ đã lạc sang một bến khác, không phải cái bến trần gian (“Thuyền về có nhớ bến chăng – Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” – Ca dao). Lấy cái mộng mị dư thừa mà lấp đầy khoảng trống của cái thực thì đây là sự so le không khớp với nhau của một lối tư duy kiểu khác, mà lối tư duy này ở Hàn Mặc Tử lại rất phổ biến trong thơ, nhất là những câu thơ về trăng. Ngay tên gọi các bài thơ của ông đã hình thành một ý niệm chuyển vùng: ngủ với trăng, say trắng, rượt trăng, trăng tự tử, một miệng trăng… Nó khác xa thế giới nhân sinh của các thi sĩ đương thời, khác xa cả với các thi sĩ đời Đường hơn một nghìn năm về trước. Vùng trời thơ của Hàn Mặc Tử như có một ngôi sao lại rơi vào vì thế mà trở thành khó hiểu. Phải chăng đó là niềm lạnh giá cô đơn thường trực nơi ông? Được sống, được hạnh phúc, được yêu thì ra chỉ là một thứ mơ ước hão huyền. Chỉ còn có thể có nó trong mộng tưởng, mà mộng tưởng cũng không viên mãn, cũng đứt đoạn, nửa vời (nhà thơ đã không ít lần khổ đau trong đổ vỡ, đê mê trong đổ vỡ: “Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu – Cho đê mê âm nhạc và thanh hương” – Thánh nữ đồng trinh Maria). Có thời người ta đã cho nó là những câu thơ bệnh hoạn. Nhưng thật ra thì nhận xét đó hoàn toàn không đúng. Cái “điên” của Hàn Mặc Tử trong thơ là sự giằng xé phi thường, đau đớn phi thường (suy cho cùng thì rất nhân văn) để thoát ra một thứ lồng cũi hữu hình của thể xác để vươn tới những khoái cảm vô hình của sáng tạo, của tự do. Bầu trời thơ lồng lộng trên đầu lúc nào cũng vẫy gọi và không ít lần thi sĩ đã bay lên bằng đôi cánh thiên thần. Trở lại hai câu thơ viết về công trăng, thuyền trăng. Thuyền trăng, sông trăng với thơ Hàn Mặc Tử là một thứ môi sinh, một thứ cơm ăn nước uống tinh thần để tồn tại một hồn thơ không khi nào thôi khô khát. Bởi vậy, không có nó, thiếu nó, nhà thơ như thiếu ô-xy. Đó là những ca cấp cứu thường xuyên cần nhất phải kịp thời. Nhưng “tối nay” là tối nào? Trong thơ Xuân Diệu đã từng có một đêm ngà ngọc thiên đường (“Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời”) nhưng bay lên để cuối cùng rơi xuống. Còn ở đây, với Hàn Mặc Tử, đó là đôi cánh vĩnh viễn của thơ. Sống trắng đẹp, con thuyền chở trăng vàng đẹp. Chúng thật lộng lẫy một cách bí ẩn mơ hồ. Nó vẫy gọi một hồn thơ chưa một phút ngoảnh mặt, vô tình với nó.

– Những câu thơ rất hay mà cũng rất đau tự nó hình thành từ trái tim rạn nứt của nhà thơ: yêu đời nhưng không được đời yêu. Ông mặc cảm về thân phận của một kẻ lạc loài, tự vất vưởng ở bên lề cuộc sống.

Trở lại bài thơ ở khổ cuối: “Mợ khách đường xa khách đường xa – áo em trắng quá nhìn không ra”, ta thấy xuất hiện một bóng dáng con người áo trắng. Con người ấy cũng mơ hồ như vườn ai, thuyền ai. Nhưng chắc chắn người khách đường xa này không phải là người chở thuyền trắng, càng không phải là gương mặt lá trúc che ngang. Vậy giữa ba con người ấy có mối liên hệ gì với nhau? Chất siêu thực của bài thơ một lần nữa nổi lên như một điểm nhấn, nhấn vào cái khắc khoải của một hồn thơ bất an, bất định. Nhịp điệu của thơ cũng lạ. Nó cứ chập chờn nửa tỉnh nửa mê. Mà ngay trong mê, dáng nét con người cũng chỉ là thấp thoáng. Cái đẹp do đó mới thật tuyệt vời trong sự thanh khiết tinh khôi (cũng như những tia nắng hàng cau trong vườn ai ở khổ một). Có phải vì thế chăng mà thi sĩ phải tự dặn mình: đừng để lẫn nó vào sương khói (bởi sương khói cũng màu trắng, nhưng là một thứ màu trắng trần tục, tầm thường). Tách, lọc riêng ra cho mình một thế giới như thế, mà vẫn không yên, hay đúng hơn chính vì thế mà không yên:

Ai biết tình ai có đậm đà?

Một bài thơ có ba dấu hỏi như ba lần gõ ngón tay vào cánh cửa cuộc đời để đi tìm cái đẹp, nhưng lần này nó se thắt hơn. Ở tần số của chữ “ai” (hai lần trong một câu thơ), ở sự hồi hộp đầy xao xuyến bâng khuâng khó tả. Thì ra tình thơ xét cho cùng chẳng có gì ghê gớm cả. Nó chỉ là một thứ tình đời, niềm giao cảm với đời vì yêu đời mà cuộc sống mới thành thơ. Nhưng yêu đời mới chỉ là một vế của sự cân bằng. Còn lại phía bên kia, chao ôi là một thao thức? Không còn tượng trưng, không còn siêu thực nữa, câu thơ cũng chỉ dung dị, hiền lành như một thứ ca dao nguyên chất. Ca dao nói: “Ai đi đường ấy hỡi ai – Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm”. Chỉ có điều, thơ Hàn Mặc Tử mở rộng khái niệm hơn. “Ai” có thể là một người con gái, có thể trùng hợp với người khách áo trắng mà cũng có thể là không. “Ai” rất có thể chỉ là con người nói chung, là hình ảnh về cuộc đời nói chung. Đó mới là địa chỉ đỏ của một hồn thơ hướng tới.

Vậy tóm lại, ta có thể thấy gì trong Đây thôn Vĩ Dạ. Không loại trừ kí ức về một người con gái cụ thể, một con sông có tên là sông Hương, một mảnh vườn của cái thôn Vĩ Dạ, nhưng âm hưởng bao trùm đáng nói hơn và nhất là đáng quý hơn: đó là : lòng yêu đời, ham sống của một thân phận bất hạnh mà đời không cho sống, cho yêu. Trong bi kịch nghiệt ngã vẫn kì diệu một tâm hồn cao khiết, đắm say. Sự khỏe khoắn của thể chất tâm hồn ấy nhờ tài năng đã gửi vào thi ca những kì vọng của riêng mình, cao hơn nữa, khát vọng sống, khát vọng được làm người mà ta vẫn gọi đó là hạnh phúc.

ĐỀ 199: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử
Đánh giá bài viết