HƯỚNG DẪN 

Nam Cao mở đầu truyện Chí Phèo theo kiểu đảo lộn trật tự thời gian, không tuân thủ diễn biến bình thường của cuộc đời nhân vật. Ông để Chí Phèo xuất hiện trong bối cảnh đã bị lưu manh hoá, đang vừa đi vừa chửi trong cơn say và nỗi cô đơn bức xúc đến cao độ giữa một buổi trưa vắng người ở làng Vũ Đại. Rồi sau đó mới ngược thời gian kể về gốc tích ngọn ngành của cuộc đời nhân vật trước đó. Bằng cách mở đầu như vậy, tác giả đã ngay lập tức đưa người đọc nhanh chóng vào trung tâm của câu chuyện, để người đọc tiếp cận ngay với bản chất của vấn đề và con người được phản ánh mà không cần dựng lên những tấm phông thiên nhiên hoặc cuộc sống để làm nền cho sự xuất hiện của nhân vật như nhiều nhà văn cùng thời với ông đã làm. 

– Ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo:

+ Tiếng chửi của một kẻ say mở đầu truyện ngắn rất bất ngờ và như là cách giới thiệu sự xuất hiện ấn tượng của nhân vật. Kì thực, Chí Phèo “vừa đi vừa chửi”, “chửi như hát”, rồi say “cơn này tràn sang cơn khác” và “rạch mặt ăn vạ” là ba biểu hiện cho tính chất lưu manh, tha hoá của Chí từ ngày mãn hạn tù. Thoạt đầu, Chí chưa có ý thức chửi đủ năm đối tượng là trời, đời, cả làng Vũ Đại, những người không chịu chửi nhau với Chí và người đã sinh ra thân phận khốn khổ của Chí, nhưng khi mơ hồ nhận ra điều đau đớn và xúc phạm là “không đứa nào chửi nhau với hắn” thì Chí Phèo chửi một cách phẫn nộ tất cả những gì liên quan đến đời hắn (Làng Vũ Đại lúc ấy im phăng phắc, chỉ có tiếng chửi của Chí và tiếng chó cắn nhau).

+ Rõ ràng, đối tượng của tiếng chửi, thực ra đã được tiềm thức Chí xác định chính là cái xã hội thối tha tạo ra số kiếp Chí Phèo. Tiếng chửi của Chí là một cách bộc lộ gay gắt phản ứng vô vọng của nhân vật. Đó là tiếng chửi lạc lõng, cô đơn, bị phẫn cùng cực của một con người cô độc, sống không ra người nên đã gợi nhiều ẩn ý nghệ thuật.

ĐỀ 179: Cách vào truyện của Nam Cao độc đáo như thế nào? Hãy nêu ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong đoạn văn mở đầu thiên truyện.
Đánh giá bài viết