Đề 15: Nụ cười hài hước trong ca dao

BÀI LÀM

Bài 1:

a. Về đối

Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn
Dẫn trâu, sợ họ máu hàn
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.

Trong đời sống, người ta vốn không ưa loại người Mười vải không được bát nước xáo”, nghĩa là loại người khoác lác, huênh hoang, nói nhiều, hứa nhiều nhưng chẳng làm được cái gì cho ai khác. Vế đối của bài ca dao này bề ngoài có vẻ đang cho ta tiếp cận một con người, một chàng trai thuộc loại đó. Thực ra thì không phải vậy. Chàng trai quả có nói khoác, nhưng anh ta tự biết mình đang nói khoác và cũng chẳng che giấu người nghe sự nói khoác ấy. Nói khoác cho vui – bất cứ ai muốn nghe chàng nói đều phải hiểu quy ước ấy để khỏi có đánh giá lầm lẫn về một con người.

Trong hệ thống những thủ tục cưới xin ngày trước, thách cưới thường đặt ra cho người con trai đi hỏi vợ một vấn nạn. Nhà nghèo mà phía gia đình cô gái đòi hỏi đồ dẫn cưới quá cao thì chàng trai chỉ còn cách chào thua. Hoặc giả, anh cũng muốn chuẩn bị lễ vật thật hậu hĩnh cho xứng với nàng, và đặc biệt là để thể hiện tấm thịnh tình của anh, nhưng tình trạng “kiết xác” khiến anh bị bó tay. Rất có thể chàng trai trong bài ca dao này gặp phải một tình huống dở khóc dở cười như vậy. Thôi thì đành mượn tiếng cười bởng lớn để che giấu “nỗi đau” vậy. (Hoàn toàn có thể giả định một hoàn cảnh diễn xướng khác: tất cả chỉ là chuyện dựng lên để gây cười – một tiếng cười vô tư, nhẹ nhõm trong giao tiếp hằng ngày của các chàng trai, cô gái).

Cái hay của vế đối trong bài ca dao dĩ nhiên gắn liền với thủ pháp cường điệu, phóng đại. Nhưng để cảm nhận cho thấu đáo điều này, ta không thể không chú ý tới trình tự xuất hiện từ to đến nhỏ của những đồ dẫn cưới mà chàng trai từng dự tính đưa tới nhà nàng. To hay nhỏ không thuần túy thuộc phạm trù khối lượng mà chủ yếu thuộc phạm trù sang, quý, có giá trị. Chàng trai quả là suy tính rất ráo riết. Hết phương án này đến phương án khác được đưa ra nhưng khổ thay cuối cùng đều không thực hiện được. Ta không thể trách chàng về sự thiếu hiểu biết và thái độ quan tâm chu đáo. Chàng không chỉ biết lo cho xong việc mình mà còn biết lo cho người khác, đặc biệt là lo cho họ nhà gái nữa (sợ họ máu hàn không ăn được thịt trâu, sợ họ nhà nàng có gân khi dùng thịt bò). Thì ra vấn đề chỉ là lí do khách quan chứ không phải vì lí do bó buộc về “kinh tế”. Chàng đã từng dự tính đem voi làm đồ dẫn cưới cơ mà! Quả là một dự tính “hoành tráng” – “hoành tráng” tới mức huyễn hoặc. Đáng tiếc là nó đổ vỡ bởi chàng chợt nhớ ra voi chính là hàng quốc cấm. Biết làm sao bây giờ? Một sáng kiến mới nảy ra. Voi, trâu, bò tuy khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là thú bốn chân. Hóa ra đồ dẫn cưới phải cần tới thú bốn chân chứ gì? Việc này có thể giải quyết được! Thế là chàng trai đi tới quyết định quyết định chứ không phải nêu dự tính nữa): “dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng”. Thế là xong nhé, chuột ở đây cũng là chuột béo chứ chả phải đùa. Ai dám bảo đồ dẫn cưới này không xứng đáng với nàng, với họ nhà nàng?.

Đến với vế đối của bài ca dao, ta được thưởng thức tài nói khoác đã đạt tới mức “thượng thừa” của chàng trai. Nói khoác nhưng rất có bài bản. Mọi tình tiết đưa ra đều hợp lí để thuyết phục mọi người tin rằng cái quyết định cuối cùng là… đại hợp lí. Dĩ nhiên, muốn bắc được chiếc cầu từ voi, trâu, bò (những thứ đồ sính lễ “đáng kể”) tới chuột (đồ sính lễ đáng gọi là bôi bác, không thể chấp nhận), chàng trai đã phải sử dụng đến một xảo thuật hay một phép ngụy biện tài tình: thì chúng giống nhau cả, chỉ là loài thú bốn chân chứ có khác gì đâu. Trong khi người nghe lời chàng trai đã trôi tới điểm kết thúc. Chàng trai đã nói xong và đã “kích hoạt” được trung khu thần kinh gây cười ở mọi người!

Riêng đối với chàng trai, tiếng cười mà anh đưa tới cho chúng ta rất có thể trước đó đã giúp chính anh quên đi phần nào mặc cảm nghèo hèn để tiếp tục sống, tiếp tục mơ mộng và… nói khoác.

b. Vế đáp

Chàng dẫn thế, em lấy làm sang,
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lớn thách gà,
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang:
Củ to thì để mời làng
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi!
Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà ;
Bao nhiêu củ rím, củ hà,
Để cho con lợn, con gà nó ăn…

Ta đang chứng kiến một cuộc đối đáp hết sức thú vị giữa những kì phùng địch thủ. Chả có ai nhận lầm về nhau trong cuộc chơi này. Có gái – người đưa ra vế đáp – không đặt mục tiêu “phản pháo” chàng trai như trong trường hợp của một số bài ca dao khác vốn chứa đựng ý châm chọc và khích bác. Cô đã chấp nhận lời nói khoác của chàng trai như một phần tất yếu của cuộc chơi, để rồi tiếp tục thúc đẩy tinh thần hài hước của nó phát triển trong lời đáp lại. Đừng tưởng qua hai dòng đầu của vế đáp, cô gái chỉ hiện lên như một con người dịu dàng, đúng mực và khiêm nhường. Những phẩm chất đó có thể vốn có ở cô, nhưng trong tình huống này, nó đang bị lấn át bởi một phẩm chất khác tạm gọi là “bản lĩnh”. Biết chàng nói khoác mà vẫn trả lời bằng giọng nhẹ như không – đó chẳng phải là bằng chứng cho thấy cô cũng là kẻ rất biết đùa hay sao? Nhưng cái đùa của cô mang một vẻ tinh tế rất riêng và cũng rất phụ nữ. Điều quan trọng khác là cô thấy mình không thể làm tổn thương chàng trai về chuyện chàng nghèo. Chàng trai đã đùa cho vui, nhưng như trên đã nói, đùa có thể còn là một cách che đậy nỗi buồn thân phận. Cô gái hiểu điều đó cho nên khi buông lời đùa lại, cô vẫn khéo léo gài vào một niềm cảm thông nếu được nói thẳng ra bằng giọng nghiêm trang, thật thà vẫn có thể gây nên chút tự ái ở chàng trai, và hơn nữa, nó sẽ phá hỏng quy ước của cuộc chơi. Cô gái lại cũng ý thức được điều này nên đã khỏa lấp ý tính của mình bằng cách nêu một sự kiện phi lí: “Người ta thách lớn, thách gà – Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”. Một tương quan so sánh quá chênh lệch có thể khiến người nghe phì cười! Một củ khoai lang hay cả một nhà khoai lang thì cũng thế. Nói ra cho nhiều nhưng giá trị của vật phẩm không vì thế mà được nhìn nhận khác đi. Theo nhận thức bình thường, khoai lang dù là một trong những loại lương thực chính của người bình dân, nhưng với tư cách là đồ thách cưới, nó quá tầm thường, bé mọn. Tiếng cười đã nổ ran ran chung quanh làm tăng ý vị của cuộc đối đáp. Chàng trai có thể cũng cười, nhưng trong lòng, chàng hắn phải xúc động. Chàng đã nhận ra sự cảm thông từ phía cô gái. Tuy thế, sự giao cảm vẫn là chuyện riêng, kín đáo của hai người, còn trước mắt thiên hạ, họ vẫn cứ phải đẩy tiếng cười đi đến tận cùng logic của nó. Toàn bộ sự phân loại (khoai lang) và dự tính (mời những ai, mời gì) của cô gái đã chứng minh “nội dung” thách cưới chỉ cần tới khoai lang không phải là chuyện “hoang đường” như ai đó có thể nghĩ. Với khoai lang, người ta vẫn chu tất được với mọi đối tượng, từ làng xóm đến họ hàng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ con người nói chung đến những giống gia súc, gia cầm quen thuộc. Người ta thường bảo nói láo có sách là như thế. Cô gái cũng như chàng trai, quả là thuộc lòng thứ sách dạy nghề này.

Nếu chú ý hơn một chút, ta sẽ còn nhận ra một điều hơi la: lời đáp của cô gái dài hơn lời “đối” của chàng trai và ở nữa sau lời cô nói, ý đùa cợt đã nhạt đi đến mức nó gần như thành lời giãi bày tâm tình rất mực trung hậu, Thì ra thế, sau những sự bông đùa, khoác lác cho vui, cái còn đọng lại là tình người. Rõ ràng, toàn bộ bài ca dao là tiếng nói hài hước của những con người lạc quan, yêu đời, sống giàu tình nghĩa.

Bài 2.

Làm trai cho đáng sức trai,
Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng..

Bài ca dao chế giễu những đấng nam nhi kém cỏi, sức vóc yếu ớt, không thể làm chỗ dựa và trụ cột cho ai được. Dòng thơ đầu tiên xét riêng ra không có yếu tố gây cười. Nó chứa đựng một đòi hỏi nghiêm túc đối với kẻ làm trai, giống như câu mở đầu của một số bài ca dao khác không hề có giọng bỡn cợt, như “làm trai cho đáng nên trai – Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên” hoặc “làm trai cho đáng nên trai – Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”. Nhưng cái hay trong cách mở đầu bài ca dao này lại ở chỗ đó, Nó đánh lạc hướng người nghe và do đó giúp tác giả dân gian giấu được ngòi nổ gây cười cho đến phút chót, khi nó tạo ra một tâm lí chờ đợi những sự dẫn giải trang trọng. Thử giả định dòng thơ có hình thức “làm trai chẳng đáng sức trai” thì hai từ chẳng đáng sẽ hoàn toàn làm lộ ý tác giả, khiến sau cùng, nếu bài ca dao có làm bật lên được tiếng cười thì tiếng cười đó chắc cũng không giòn giã lắm. 

 Vế đầu của dòng thơ thứ hai vẫn mang tính chất của dòng thứ nhất. Chưa ai cười được với chừng ấy dữ kiện đã có. Từ sức trai cho đến khom lưng chống gối, ta mới chỉ thấy xuất hiện một logic bình thường. Nó vẫn cứ còn đánh lừa người tiếp nhận, vẫn cứ gợi lên tâm lí chờ đợi một sự kiện xứng đáng, khi thấy người đàn ông đang triển gân để chuẩn bị chứng tỏ sức mạnh của mình. Muốn kiểm chứng điều này, ta chỉ cần thay cụm từ hạt vừng bằng cụm từ quả đồi là sẽ rõ. Lúc đó, ta sẽ chỉ có một bài ca dao hoàn toàn “nghiêm nghị”.

Với bài ca dao này, tiếng cười chỉ thực sự nổ ra khi xuất hiện cụm từ hạt vừng. Chao ôi! tưởng sẽ thấy gì, hóa ra là thấy một kẻ nam nhi “dởm”, đến việc gánh hai hạt vừng mà cũng phải cố, như thể đang làm một việc trọng đại và quá sức. Càng bị nén chặt, tiếng cười càng bật ra sảng khoái. Đến lúc này, ta mới nhận thấy hết thủ pháp “giấu bài” tuyệt diệu của tác giả dân gian. Chắc người sáng tác hoàn toàn ý thức được vấn đề: tiếng nổ chỉ bất ngờ khi trước đó năng lượng được nén chặt, thật chặt.

Rõ ràng, trước khi hình ảnh gánh hai hạt vừng được trưng ra, sức mạnh gây cười của tất cả các yếu tố ngôn ngữ khác chỉ tồn tại ở khả năng tiềm ẩn!

Bài 3.

Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo.

Nhân vật trữ tình của bài ca dao là một người phụ nữ, một người vợ. Chị đang than thở với ta về cái vô tích sự của đức ông chồng. Để làm rõ cái vô tích sự đó, không có gì hay hơn việc dùng phép so sánh – đối lập. Chồng người thì thế ấy, chồng em thì thế này… Ta không thể không bật cười trước cử chỉ vô nghĩa lí của anh chồng ngồi bếp sờ đuôi con mèo. Một chi tiết thật đắt, đã thực sự tóm bắt được thần thái của đối tượng. Bằng cách đọc liên văn bản, ta còn cảm nhận được từ bài ca dao một cảm giác ngao ngán lớn hơn, khi người phụ nữ nhìn thấy chồng mình chẳng khác gì con mèo – con vật mà trong một bài ca dao khác từng được miêu tả: “con mèo nằm bếp co ro • ít ăn, ít ngủ, ít lo, ít làm”… Rõ ràng, tiếng cười trong bài ca dao là một tiếng cười phê phán. Hắn nhiều đức ông chồng phải giật mình khi nghe đến bài ca dao này.

Bài 4.

Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o…
Chồng yêu chồng bảo ngay cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những tác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu!

Nếu chỉ giữ lại những dòng lục trong bài ca dao và tước bỏ đi toàn bộ các dòng bát, ta sẽ có bức chân dung khá hoàn chỉnh về một phụ nữ vô duyên, vô tâm, vô lo và nói chung là nhếch nhác. Loại phụ nữ đó, loại người vợ đó quả khó mê, nếu không muốn nói là không thể chấp nhận được. Để nhấn mạnh thêm thái độ dị ứng của mình và để chân dung đối tượng mang đúng tính chất biếm họa, tác giả dân gian đã dùng thủ pháp phóng đại ở dòng lục thứ nhất và dòng lục thứ bảy. Tiếng nói phê bình dù muốn hay không cũng cứ hiện diện trong bài ca dao. 

Tuy nhiên, đó chỉ là giả định. Bài ca dao là một cấu trúc hoàn chỉnh. Bên cạnh các dòng lục có chức năng miêu tả chân dung của người vợ thì còn có các dòng bát thể hiện những phản ứng độ lượng khác thường, rất khác thường của đức ông chồng. Ông ta hình như không biết giận vợ. Bất cứ nết xấu nào của phu nhân cũng được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực. Phải chăng toàn bộ phản ứng của ông ta đang làm sáng tỏ một quy luật tâm lí: yêu nên tốt, đã yêu thì xấu cũng hóa ra đẹp và thậm chí khái niệm xấu trở nên xa lạ? Rất có thể bài ca dao cũng đã chứa đựng nội dung này.

Những hình như ta vẫn chưa nhìn nhận bài ca dao thực sự như một chỉnh thể. Phải thấy rằng trong bài có sự đan xen của khá nhiều thái độ đánh giá và do vậy, các thái độ đó tương tác với nhau, chế ước lẫn nhau để bài ca dao không phát triển theo chiều hướng quá nghiêm trang – nghiêm trang một cách không thật cần thiết. Cũng bởi vậy, ấn tượng mà bài ca dao trước hết có thể đưa đến cho người đọc là một ấn tượng khôi hài. Trước khi phải nghĩ ngợi sâu xa, ta đã được sống trong không khí của một tiếng cười sảng khoái, bật ra do tác động của lối nói ngoa ngôn và của những chi tiết phi lí vốn miêu tả những phản ứng không thể xảy ra trong cuộc sống bình thường.

Phan Huy Dũng
Tác phẩm văn học trong nhà trường, một góc nhìn, một cách đọc.

Đề 15: Nụ cười hài hước trong ca dao
Đánh giá bài viết