DÀN Ý

A. Mở bài:

– Tác giả: Nguyễn Thành Long là nhà văn tham gia viết văn từ kháng chiến chống Pháp. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí.

– Tác phẩm: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được ra đời sau chuyến đi thực tế của tác giả vào năm 1970.

– Nội dung: Tác phẩm đề cập tới những nét đẹp của những con người đang ngày đêm sống và cống hiến một cách âm thầm và lặng lẽ cho đất nước.

Giới thiệu nhân vật: Trong tác phẩm anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu – nhân vật chính của tác phẩm đã kể lại cho chúng ta những ấn tượng khó quên.

B. Thân bài:

1. Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên.

– Anh thanh niên một mình sống trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét. Bốn bề chỉ có cỏ cây và mây núi Sa Pa.

– Công việc của anh là “đo gió”, “đo mưa, “đo nắng”, “đo chấn động mặt đất”.

– Công việc tuy không vất vả nhưng đòi hỏi con người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, tỉ mỉ, chính xác. Nhất là nửa đêm gió lạnh tuyết rơi, lại đúng vào giờ ốp, anh thanh niên phải một mình vùng dậy ra khỏi nhà trong đêm tối mịt mù. Cái lạnh như cắt da cắt thịt gió thì chỉ chực chờ người ra là cuốn đi.

– Nhưng nỗi vất vả nhất mà anh thanh niên phải vượt qua đó là sự cô đơn, chỉ có một mình anh với núi rừng Sa Pa, nhiều khi “thèm “người quá anh đã phải một mình vác gỗ chắn đường không cho xe chạy để được nhìn thấy những hành khách trên xe.

2. Nhân vật anh thanh niên có một tấm lòng yêu nghề yêu đời và tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình:

– Mặc dù đã mấy năm rồi, anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn như vậy, công việc cũng chỉ một mình. Vậy mà anh rất yêu công việc đó. Anh đã tâm sự với ông họa sĩ “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao lại gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu vẫn gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. ” 

– Anh cũng có những suy nghĩ rất đúng về hạnh phúc của cuộc đời: Một lần do phát hiện ra đám mây khô, anh đã góp phần với không quân ta bắn rơi bao máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng. Nghe tin ấy, anh cảm thấy cuộc đời của mình thật là hạnh phúc. 

– Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, tinh thần nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc, vẫn biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp ổn định: Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách, thỉnh thoảng anh lại xuống đường tìm gặp bác lái xe để trò chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà, vơi bớt nỗi cô đơn.

3. Anh Thanh niên còn là một nhân vật với nỗi “thèm” người, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt, quan tâm đến người khác một cách chu đáo:

– Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu, lòng mến khách nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Niềm vui được đón khách dào dạt trong lòng anh toát lên trên nét mặt qua từng cử chỉ. Anh biếu bác lái xe củ tam thất để mang về cho vợ bác mới ốm dậy. Anh mừng quýnh đón quyển sách bác mới mua hộ. Anh hồ hởi đón mọi người lên thăm nhà mình hồn nhiên kể về công việc cuộc sống của mình, của bạn bè nơi Sa Pa lặng lẽ.

– Có lẽ, chúng ta khó có thể quên được việc làm đầu tiên khi mọi người lên thăm nhà: hái một bó hoa rực rỡ tặng người con gái chưa hề quen biết “anh con trai rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa vừa cắt cho cô gái, rất tự nhiên cô đỡ lấy.”

– Củ tam thất gửi vợ bác lái xe, làn trứng, bó hoa tặng bác họa sĩ già và cô gái trẻ tiếp tục cuộc hành trình đó chính là những kỉ niệm của một tấm lòng sốt sắng tận tình.

4. Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn:

– Anh luôn cảm thấy những đóng góp của mình là bình thường nhỏ bé so với những người khách bởi thể anh ngượng ngùng khi ông họa sĩ già phác thảo chân dung của mình vào cuốn sổ tay. 

– Con người khiêm tốn ấy còn hào hứng giới thiệu cho họa sĩ những người đáng để vẽ hơn mình đó là bác kĩ sư vườn rau và anh cán bộ nghiên cứu sét.

C. Kết bài:

– Bằng cốt truyện nhẹ nhàng, chi tiết chân thực tinh tế, Nguyễn Thành Long đã kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa Pa lặng lẽ. Để từ đó chúng ta thêm yêu mến một con người bình thường nhưng thật đáng yêu.

– Với truyện ngắn này, nhà văn muốn nói với chúng ta một điều: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa nói đến người đã nghĩ tới sự nghỉ ngơi, đã có những con người đang sống và cống hiến như vậy cho đất nước” mà tiêu biểu là anh thanh niên.

Đề 13: Suy nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
Đánh giá bài viết