I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Phân tích được các nhân tố tự nhiên, kinh tế – xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp: tài nguyên thiên nhiên là tiền đề cơ bản, điều kiện kinh tế – xã hội là nhân tố quyết định.

– Phân tích sơ đồ, liên hệ thực tế các nhân tố ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

A. Các nhân tố tự nhiên

1. Tài nguyên đất

– Tài nguyên quý giá, tư liệu sản xuất không thể thay thế được của nông nghiệp.

– Đa dạng: có 14 nhóm, trong đó chiếm diện tích lớn nhất là đất phù sa và đất feralit.

+ Loại đất phù sao khoảng 3 triệu ha; tập trung tại các đồng bằng.

+ Các loại đất feralit: trên 16 triệu ha; tập trung chủ yếu ở trung du và miền núi, thích hợp cho trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và một số cây công nghiệp ngắn ngày.

2. Tài nguyên khí hậu

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nguồn nhiệt, ẩm phong phú làm cho cây cối xanh tươi quanh năm, sinh trưởng nhanh, có thể trồng hai, ba vụ trong năm.

– Sự phân hoá khí hậu theo chiều Bắc – Nam, theo mùa và theo độ cao cho phép trồng được cả cây cận nhiệt và ôn đới bên cạnh cây nhiệt đới; giữa các vùng có sự khác nhau về cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng.

– Các thiên tai (bão, gió Tây khô nóng, sương muối, rét hại, sâu bệnh phát triển nhanh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm,…) gây thiệt hại không nhỏ cho nông nghiệp.

3. Tài nguyên nước

– Mạng lưới sông ngòi dày đặc có nhiều giá trị về tưới nước và thuỷ lợi. Nguồn nước ngầm khá dồi dào là nguồn nước tưới quan trọng trong mùa khô.

– Khó khăn: về mùa mưa thường có lũ lụt gây thiệt hại lớn, về mùa khô lại thường bị cạn kiệt, thiếu nước tưới.

4. Tài nguyên sinh vật: Tài nguyên thực, động vật phong phú, là cơ sở để thuần dưỡng, tạo nên các giống cây trồng, vật nuôi.

B. Các nhân tố kinh tế – xã hội

1. Dân cư và lao động nông thôn

– Dân số sống ở nông thôn (74%), lao động nông nghiệp (trên 60%).

– Nông dân nước ta là giàu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, gắn bó với đất đai.

2. Cơ sở vật chất – kĩ thuật

– Các cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ trồng trọt, chăn nuôi (hệ thống thuỷ lợi, hệ thống dịch vụ trồng trọt, hệ thống dịch vụ chăn nuôi,…) ngày càng được hoàn thiện.

– Công nghiệp chế biến nông sản được phát triển và phân bố rộng khắp, hỗ trợ nhiều cho sự phát triển nông nghiệp (tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của hàng nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định và phát triển các vùng chuyên canh).

3. Chính sách phát triển nông nghiệp: Những chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta (phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, nông nghiệp hướng ra xuất khẩu…) là cơ sở để động viên nông dân vươn lên làm giàu, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp.

4. Thị trường trong và ngoài nước: được mở rộng thúc đẩy sự đa dạng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Dựa vào kiến thức đã học ở lớp 8, hãy trình bày đặc điểm khí hậu của nước ta.

Trả lời:

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ trung bình năm cao (trên 21°C), lượng mưa lớn (1500 – 2000mm/năm), độ ẩm không khí rất cao (trên 80%); trong năm có hai mùa: mùa mưa (chiếm đến 90% lượng mưa cả năm) và mùa khô.

– Phân hoá rõ rệt theo chiều Bắc – Nam, theo độ cao và theo mùa.

– Có nhiều tai biến thiên nhiên (bão, lũ lụt, hạn hán,…).

2. Hãy kể tên một số loại rau, quả đặc trưng theo mùa hoặc tiêu biểu theo địa phương.

Hướng dẫn: HS liên hệ thực tế kể những loại rau quả ở địa phương các em.

3. Tại sao thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu trong thâm canh nông nghiệp ở nước ta?

Trả lời:

– Chống úng, lụt trong mùa mưa bão.

– Đảm bảo nước tưới trong mùa khô.

– Cải tạo đất, mở rộng diện tích canh tác.

– Tăng vụ, thay đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng.

Kết quả là sẽ tạo ra được năng suất cây trồng cao và tăng sản lượng cây trồng.

4. Kể tên một số cơ sở vật chất – kĩ thuật trong nông nghiệp để minh hoạ rõ hơn sơ đồ trang 26 SGK.

Trả lời:

– Hệ thống thuỷ lợi; các hồ chứa nước, kênh mương nội đồng, các công trình chống úng, chống hạn,…

– Hệ thống dịch vụ trồng trọt: cơ sở tạo giống lúa, cơ sở sản xuất và cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu,….

– Hệ thống dịch vụ chăn nuôi: cơ sở lai tạo giống, chế biến thức ăn, thuốc thú y,…

– Các cơ sở vật chất – kĩ thuật khác: các phòng thí nghiệm, các loại máy móc, thiết bị phục vụ chăn nuôi, các cơ sở khuyến nông, khuyến ngư,…

4. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Phân tích những thuận lợi của tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp ở nước ta.

Trả lời:

– Đất: đa dạng, có 14 nhóm khác nhau, trong đó chiếm diện tích lớn nhất là đất phù sa và đất feralit.

+ Đất phù sa khoảng 3 triệu ha, tập trung chủ yếu ở các đồng bằng, thích hợp cho trồng lúa nước và nhiều cây công nghiệp ngắn ngay.

+ Đất feralit khoảng 16 triệu ha, tập trung chủ yếu ở trung du và miền núi, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp lâu năm: (chè, cà phê, cao su,…), cây ăn quả và một số cây ngắn ngày (ngô đậu tương,…).

+ Diện tích đất nông nghiệp hiện nay khoảng 9 triệu ha.

– Khí hậu: nhiệt đới gió mùa ẩm.

+ Nguồn nhiệt, ẩm phong phú tạo điều kiện cây cối phát triển quanh năm, có thể trồng 2 – 3 vụ/năm.

+ Phân hoá rõ rệt theo chiều Bắc – Nam, theo mùa và theo độ cao, cho phép nước ta cung cấp sản phẩm đa dạng (cả cây nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới), cơ cấu mùa vụ khác nhau giữa các vùng.

– Nước:

+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc, có giá trị về mặt thuỷ lợi.

+ Nguồn nước ngầm dồi dào là nguồn nước tưới quan trọng vào nua khô.

– Tài nguyên sinh vật phong phú:

+ Là cơ sở để thuần dưỡng, tạo nên các cây trồng, vật nuôi.

+ Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, thích nghi với các điều kiện sinh thái của từng địa phương.

2. Phát triển và phân bố công nghiệp chế biến có ảnh hưởng như thế nào đến phát triển và phân bố nông nghiệp?

Trả lời:

– Tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản.

– Thúc đẩy sự phát triển các vùng chuyên canh.

– Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, nhờ sự hỗ trợ tích cực của công nghiệp chế biến, nông nghiệp nước ta mới trở thành ngành sản xuất hàng hoá.

3. Cho những ví dụ cụ thể để thấy rõ vai trò của thị trường đối với tình hình sản xuất một số nông sản ở địa phương em.

Hướng dẫn:

Liên hệ thực tế địa phương về một số nông sản được sản xuất nhiều nếu như có thị trường tiêu thụ, ngược lại, có những loại nông sản đang được sản xuất nhiều, nhưng khi thị trường từ chối hoặc thu hẹp thì hầu như không phát triển sản xuất nữa.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Sự phát triển và phân bố nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào các tài nguyên:

A, đất, khí hậu, nước và sinh vật.

B. đất, khí hậu, nước và khoáng sản.

C, đất, khí hậu, nước và rừng.

D. đất, khí hậu, nước và biển.

2. Đất phù sa nước ta có khoảng:

A. 2 triệu ha.          B. 3 triệu ha.           C. 4 triệu ha.         D. 5 triệu ha.

3. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp hơn:

A. 6 triệu ha.         B. 7 triệu ha.          C. 8 triệu ha.            D. 9 triệu ha.

4. Loại cây trồng chủ yếu ở nước ta là cây

A. nhiệt đới.              B. cận nhiệt.          C. ôn đới.          D. xích đạo.

5. Biện pháp hàng đầu trong tủ âm canh nông nghiệp nước ta là:

A. cải tạo đất.                             B. chống xói mòn.

C. thuỷ lợi.                                 D. giống.

ĐÁP ÁN CÂU HỎI TỰ HỌC

1A 2B 3D 4A 5C

Nguồn website giaibai5s.com

Địa lí kinh tế-Bài 7. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp
Đánh giá bài viết