BÀI LÀM 

Cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta là cuộc chiến lâu dài và gian khổ. Những người lính khi ra trận đã phải đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Ấy thế mà những thứ đó không cản được tinh thần chiến đấu của họ. Người lính vẫn ra mặt trận bằng niềm vui tươi, phấn khởi, tinh thần ung dung, lạc quan. Điều này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ra đời bắt nguồn từ cảm hứng trước một hình ảnh độc đáo: “những chiếc xe không kính”. Trong những năm chiến tranh, nhất là thời điểm mà Phạm Tiến Duật viết bài thơ (1969), giặc Mĩ điên cuồng bắn phá ác liệt dọc tuyến đường Trường Sơn hàng chặt đứt mạch máu giao thông chính vận chuyển vũ khí, lương thực từ Bắc vào để chi viện cho miền Nam. Vì vậy hình ảnh những chiếc xe không còn nguyên vẹn đã trở nên quen thuộc. Điều quan trọng là với hồn thơ nhạy cảm, thích phát hiện, khám phá những cái mới lạ, Phạm Tiến Duật đã cảm nhận được cái chất thơ toát lên từ hiện thực chiến tranh.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh cụ thể, chân thực, độc đáo, cho ta thấy cái dữ dội của chiến tranh và nổi bật tư thế của người chiến sĩ lái xe:

Không có kính không phải vì xe không có kính 
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.                    
Ung dung buồng lái ta ngồi                                 
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.                           

Trước tiên, tác giả giải thích nguyên nhân dẫn đến việc những chiếc xe trần trụi, không kính. Đó là những chiếc xe ấy đã bị tiếng bom của quân thù tàn phá. Kì lạ và độc đáo – đó là những tính từ miêu tả chính xác cho những chiếc xe như vậy. Từ ngôn từ, hình ảnh đến nhịp điệu thơ đều rất tự nhiên, mộc mạc, có sức gợi. Câu thơ làm hiện lên trước mắt người đọc một hình ảnh lạ lùng giúp người đọc có những liên tưởng về tính chất khốc liệt ngày càng tăng của cuộc chiến tranh ấy. Không có kính tưởng chừng như thiếu thốn, tưởng chừng như vất vả nhưng ở đây những chiến sĩ lái xe lại không hề bị quan. Họ biến hình ảnh chiếc xe không kính thành bình thường, biến những khó khăn, thiếu thốn thành cái thú vị. Hai từ “ung dung” được đặt lên đầu câu cho thấy tư thế hiên ngang, có thể làm chủ được tay lái, làm chủ con đường phía trước của người lái xe. “Ta” vừa chỉ người lái xe, vừa đại diện cho nhiều người. Tinh thần ung dung ấy không chỉ có ở một mình người lái xe mà có ở trong tất cả những con người ngồi trên chiếc xe ấy. Phát hiện nào cũng gây ấn tượng về nỗi gian khổ của người lính lái xe ra trận. Những người chiến sĩ luôn tự tin lái xe ra mặt trận, sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Ngồi trong xe ấy, họ có thể nhìn thấy:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng      
Thấy con đường chạy thẳng vào tim 
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 
Như sa, như ùa vào buồng lái.          

Lời thơ nhịp nhàng, sôi nổi như lời ca, tiếng hát khiến không khí vui tươi, phấn khởi. Không có kính, họ có thể nhìn thấy bất cứ những thứ gì đang diễn ra, ngay cả gió cũng có thể nhìn thấy. Từ “nhìn” không chỉ đơn thuần là thị giác giữa mà nó ẩn chứa trong đó cả những cảm nhận, cảm giác của con người. Hình ảnh “như sao “như ùa” diễn tả sự vận động gấp gáp của đoàn xe ra trận. Những cặp thơ đối lập vừa diễn tả nỗi gian khổ của người lính, vừa diễn tả niềm lạc quan của họ:

Không có kính, ừ thì có bụi,                   
Bụi phun tóc trắng như người già.          
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc 
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!                

Không có kính, ừ thì ướt áo                        
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời               
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa              
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi!               

Một tâm hồn lãng mạn, cảm nhận từng vẻ đẹp của thiên nhiên qua ô cửa kính vỡ. Một thái độ ngang tàng, thách thức, coi thường mọi gian khổ, hiểm nguy. Gió bụi của hiện thực và cũng là những gian khổ, thử thách mà các chiến sĩ phải vượt qua trên đường ra mặt trận, “Bụi phun tóc trắng như người già” nhưng các chàng trai ấy vẫn vui vẻ, lạc quan “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!” Cấu trúc thơ lặp lại không có kính… ừ thì… đã làm toát lên thái độ thử thách khó khăn, không hề run sợ, coi thường mọi khó khăn, để động viên mình và động viên đồng đội. Và niềm lạc quan ấy còn được thể hiện bằng hành động: chưa cần rửa, chưa cần thay. Giọng thơ âm vang rộn rã, tràn đầy sức sống sôi nổi của tuổi mười tám, đôi mươi. Những người lính trẻ ấy thật kiên cường và trẻ trung, hóm hỉnh. Không chỉ vậy, họ còn là những người đồng chí gắn bó keo sơn, khăng khít. Sự tụ họp của những chiếc xe đồng cảnh ngộ đã gắn kết những người lính lại với nhau và qua cửa kính họ làm quen với nhau, truyền cho nhau thêm động lực chiến đấu: 

Những chiếc xe từ trong bom rơi     
Đã về đây họp thành tiểu đội           
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới    
Bắt tay nhau qua ô cửa kính vỡ rồi.  

Những con người ấy vốn dĩ không quen biết, vậy mà giờ đây, trong gian khổ, họ thân thiết gắn bó, họ chào nhau như những người bạn đã quen. Qua bao bom đạn, từ khắp các nẻo đường, những chiếc xe đã cùng về một nơi tụ hội, để kể cho nhau nghe những chặng đường mà mình đã vượt qua. Họ là những con người đoàn kết, gắn bó với nhau. Họ là những con người chỉ cần ngồi ăn với nhau một bữa cơm đã có thể trở thành gia đình: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Gia đình – hai tiếng thân thương gợi hình ảnh những con người cùng chung huyết thống. Những người lính Trường Sơn có chung dòng máu sôi sục và khát vọng giải phóng miền Nam, giải phóng đất nước. Đó cũng là tinh thần của toàn dân ta, cùng nhau vượt qua những khốn khó, gian lao để đi đến thành công.

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.       

Hình ảnh “miền Nam phía trước” vừa nói lên được nhiệm vụ quan trọng là tiếp viện cho chiến trường miền Nam của “tiểu đội xe không kính” vừa gợi lên tình cảm thiêng liêng của người chiến sĩ lái xe đối với miền Nam ruột thịt. Tuy chiếc xe có bị phá hủy như thế nào, dù gian khó bao nhiêu thì chỉ cần trong xe có một trái tim. Đó chính là tình yêu Tổ quốc, là động lực thúc đẩy người lính, giúp người lính có thêm sức mạnh. Giọng điệu thay đổi thích hợp, nhịp điệu luôn biến hóa. Câu thơ kết của bài thơ có lẽ là câu thơ hay nhất đã kết lại sức mạnh của con người chính là ở tình yêu – tình yêu đất nước, tình thương đồng bào và tình yêu hóa thành ý chí, lòng kiên cường. Nhưng đồng thời nó cũng gợi ra một tương lai tươi sáng cho chiến trường miền Nam: cuộc kháng chiến ắt sẽ thắng lợi vẻ vang.

Với hình ảnh người chiến sĩ kiên cường, với niềm tin yêu, tinh thần lạc quan, hóm hỉnh. Bài thơ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đó cũng là động lực lớn giúp quân và dân ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Cái kết tinh đẹp nhất trong bài thơ đó là tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu của những người lính cụ Hồ.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 30: Hãy làm rõ tinh thần ung dung, lạc quan của những người chiến sĩ trong bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
5 (100%) 1 vote