BÀI LÀM. 

Nhớ khi mình ốm giữa rừng         
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi 
Quả khế rừng nấu con cá suối       
Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu.
                                             (Nấm mộ và cây trầm, thơ Nguyễn Đức Mậu) 

Những câu thơ trên nói về sự gian khổ, hi sinh, vượt lên tất cả những thiếu thốn về vật chất là tình đồng chí, đồng đội. Với những người lính ở rừng, những năm tháng ấy, tình đồng chí đồng đội thật ít nơi nào sánh bằng. Sau này, Phạm Tiến Duật cũng đã viết về những khó khăn, gian lao vất vả mà những người lính phải trải qua. Họ vượt qua những khó khăn ấy bằng niềm tin yêu, lạc quan. Trong bốn khổ thơ đầu bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” ta có thể thấy rõ những khó khăn, vất vả mà người lính Trường Sơn phải băng qua.

Nhan đề bài thơ thu hút người đọc ở cái vẻ lạ, độc đáo. Nhìn vào nhan đề ta đã thấy nổi bật lên hình ảnh những chiếc xe không kính, những chiếc xe ấy xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Hai chữ “bài thơ” thêm vào cho ta thấy rõ hơn cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả – muốn nói về chất thơ của hiện thực khốc liệt thời chiến tranh, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm vượt lên những gian khổ của thời chiến.

Trong bài thơ nổi bật lên hình ảnh những chiếc xe không kính vẫn băng ra chiến trường. Hai câu thơ đầu là lời giải thích cho sự cố có phần không bình thường ấy:

Không có kính không phải vì xe không có kính 
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.                   

Lời thơ tự nhiên đến mức buộc người ta phải tin ngay vào sự phân bua của các chàng trai lái xe dũng cảm. Chất thơ của câu thơ này hiện ra chính trong vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ. Câu thơ rất gần với văn xuôi lại có giọng thản nhiên, ngang tàng giúp thu hút người đọc vào vẻ đẹp khác lạ của nó. Hình ảnh “bom giật, bom rung” vừa giúp ta hình dung được một vùng đất từng được mệnh danh là “túi bom” của địch vừa giúp ta thấy được sự khốc liệt của chiến tranh và đó chính là nguyên nhân để những chiếc xe vận tải không có kính. Các điệp ngữ không có… không phải… không có, bom giật, bom rung đã làm cho âm điệu thơ hùng tráng, gợi tả không khí chiến trường ác liệt. Vần thơ đã gợi nên những chiếc xe vận tải quân sự mang đầy thương tích chiến tranh, và hình ảnh người chiến sĩ can trường trong khói lửa.

Hình ảnh những chiếc xe không kính đã làm nổi bật hình ảnh những chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn. Thiếu đi những phương tiện vật chất tối thiểu lại là hoàn cảnh để người lái xe bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, đặc biệt là lòng dũng cảm, tinh thần bất chấp gian khổ, khó khăn.

Ung dung buồng lái ta ngồi     
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. 

Họ là chủ nhân của những chiếc xe không kính nên khi miêu tả về họ, nhà thơ đã khắc hoạ họ với những ấn tượng, cảm giác cụ thể, sinh động khi ngồi trên những chiếc xe không kính trong tư thể “nhìn trời, nhìn đất, nhìn thẳng” qua khung cửa xe đã không còn kính chắn gió. Cái ngồi “ung dung” đàng hoàng làm chủ tình thế. Một cái nhìn khoáng đạt, bao la giữa chiến trường “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Nhịp thơ 2/2/2 kết hợp với điệp từ “nhìn” đã thể hiện tuyệt đẹp một tư thế chiến đấu rất đĩnh đạc, hào hùng của người lính trẻ trong mưa bom, bão đạn. Người lái xe như được tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng      
Thấy con đường chạy thẳng vào tim 
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 
Như sa, như ùa vào buồng lái.          

Những câu thơ tả thực tới từng chi tiết, diễn tả cảm giác về tốc độ của những chiếc xe đang lao nhanh trên đường. Không có kính chắn gió, các anh đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm, nào “gió vào xoa mắt đắng” rồi “sao trên trời”, “chim dưới đất” đột ngột, bất ngờ như sa, như ùa – rơi rụng, va đạp, quăng ném… vào buồng lái, vào mặt mũi, thân mình. Những hình ảnh gió, con đường, sao trời, cánh chim vừa thực vừa thơ, là cái thi vị nảy sinh trên những con đường bom rơi đạn nổ. Hiện thực thì khốc liệt, nhưng người chiến sĩ cảm nhận nó bằng một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn, nhạy cảm với cái đẹp – một nghị lực, một bản lĩnh phi thường. Đặc biệt hình ảnh “Con đường chạy thẳng vào tim” là một khái quát đặc sắc của con đường trái tim. Đường Trường Sơn, con đường giải phóng miền Nam, chính là con đường của trái tim. Những câu thơ trên hé lộ diện mạo tinh thần thầm kín của người chiến sĩ.

Sau gió xoa mắt đắng là bụi. Bốn chữ “ừ thì có bụi” như một tiếng mặc kệ cất lên, biểu thị một thái độ sẵn sàng chấp nhận. Bụi làm những mái tóc xanh trở nên trắng như người già, bụi làm mặt lấm cũng chẳng cần rửa:

Không có kính, ừ thì có bụi                    
Bụi phun tóc trắng như người già,         
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!               

Giọng ngang tàn, bất chấp giữa đường Trường Sơn đầy bom đạn, đèo dốc, gió bụi, mưa có thể gây bao khó khăn. Tình cảnh của các anh được miêu tả rất chân thực: “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”, nhưng người chiến sĩ đã bình thường hóa cái không bình thường đó và vượt lên cùng tất cả sự cố gắng, và tinh thần trách nhiệm rất cao. Họ chấp nhận gian khổ như một điều tất yếu, khó khăn không mảy may ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Hình ảnh của họ mang một vẻ đẹp kiên cường. Những chi tiết nghệ thuật hóm hỉnh thể hiện tinh thần lạc quan, hồn nhiên, yêu đời của tiểu đội xe không kính.

Vậy đấy, hai khổ thơ mở đầu tả thực những khó khăn, gian khổ mà những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn đã trải qua. Trong khó khăn, các anh vẫn ung dung, hiên ngang, bình tĩnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm gan góc chuyển hàng ra tiền tuyến. Không có kính chắn gió, bảo hiểm, đoàn xe vẫn lăn bánh bình thường. Lời thơ nhẹ nhõm, trôi chảy như những chiếc xe vun vút chạy trên đường.

Tiểu đội xe không kính đã xông pha trong cảnh “bom giật, bom rung” đã nếm trải nhiều gió bụi, vô cùng gian khổ, các anh còn hành quân trong mưa:

Không có kính, ừ thì ướt áo          
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời  
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.  

Trước thử thách mới, người chiến sĩ vẫn không nao núng. Các anh càng bình tĩnh, dũng cảm hơn, “mưa tuôn, mưa xối xả”, thời tiết khắc nghiệt, dữ dội nhưng đối với họ tất cả chỉ là “chuyện nhỏ”, chẳng đáng bận tâm, chúng lại như đem lại niềm vui cho người lính. Chấp nhận thực tế, câu thơ vẫn vút lên tràn đầy niềm lạc quan sôi nổi: “không có kính ừ thì có bụi, ừ thì ướt áo”. Những tiếng “ừ thì” vang lên như một thách thức, một chấp nhận khó khăn đầy chủ động, một thái độ cứng cỏi. Dường như gian khổ hiểm nguy của chiến tranh chưa làm mảy may ảnh hưởng đến tinh thần của họ, trái lại họ xem đây là một dịp để thử sức mình như người xưa xem hoạn nạn, khó khăn để chứng tỏ chí làm trai.

Những vần thơ ít chất thơ nhưng càng đọc thì lại càng thấy thích thú, giọng thơ có chút gì nghịch ngợm, lính tráng. Ta nghe như họ đương cười đùa, tếu táo với nhau vậy. Có lẽ với những năm tháng sống trên tuyến đường Trường Sơn, là một người lính thực thụ đã giúp Phạm tiến Duật đưa hiện thực đời sống vào thơ ca – một hiện thực bộn bề, một hiện thực thô ráp, trần trụi, không hề trau chuốt, gọt rũa. Đấy phải chăng chính là nét độc đáo trong thơ Phạm Tiến Duật. Và những câu thơ gần gũi với lời nói hàng ngày ấy càng làm nổi bật lên tính cách ngang tàng của những anh lính trẻ hồn nhiên, yêu đời, trẻ trung. Đó cũng là một nét rất ấn tượng của người lính lái xe Trường Sơn. Cái cười sảng khoái vô tư, khác với cái cười buốt giá trong bài thơ “Đồng chí”, nụ cười hồn nhiên ấy rất hiếm khi gặp trong thơ ca chống Pháp, nụ cười ngạo nghễ của những con người luôn luôn chiến thắng và tràn đầy niềm tin.

Như vậy, những người lính Trường Sơn đã băng qua những gian nan, vất vả, những chông gai để tiến vào miền Nam phía trước, để chi viện cho chiến trường thân yêu. Họ quên đi cái nhọc nhằn của bản thân, trên môi họ lúc nào cũng nở nụ cười tươi thắm, nụ cười tin vào chiến thắng ngày mai.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 31: Phân tích bốn khổ thơ đầu bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
3.2 (64%) 40 votes