I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Đọc Tiểu dẫn để biết xuất xứ của đoạn trích. Sau đó đọc văn bản đoạn trích. Đọc thầm một lần toàn bài để nắm được diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều khi “trao duyên” cho Thúy Vân, có cảm nhận chung về nhân vật trong cảnh “trao duyên” này. Tập đọc diễn cảm (đọc thành lời) thể hiện đúng tâm trạng của Thúy Kiều qua từng chặng của lời trao duyên (nói với Thúy Vân, nói với chính mình, nói với Kim Trọng). Dưới đây là những gợi ý để các em trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài.

1. Việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu có ý nghĩa gì ?

   Chúng ta đều biết mối tình giữa Thúy Kiều với Kim Trọng là một mối tình đầu tha thiết, thiêng liêng và sâu nặng (xem bài “Thề nguyền” sau bài này). Thúy Kiều lại là người sâu sắc trong tình yêu. Bởi thế, khi phải bán mình chuộc cha để giữ trọn chữ hiếu, nàng đành phải đau đớn dứt tình với Kim Trọng. Nhưng trong cái đêm thức trắng nghĩ đến thân phận và tình yêu, lúc nàng “trao duyên” cho Thúy Vân để “trả nghĩa” cho người yêu, làm sao Kiều không đau đớn khi mối tình đầu đẹp đẽ là thế, nay bỗng tan vỡ ? Và những kỉ niệm của tình yêu hiện lên như một quy luật tất yếu trong cái giây phút vô cùng đau xót của cuộc đời nàng. Trong khi nói với Thúy Vân, Kiều như sống lại với các kỉ niệm của tình yêu với Kim Trọng. Nàng như sống trong hồi ức qua những kỉ vật và nhất là tưởng nhớ lại cái đêm thề nguyên thiêng liêng cùng Kim Trọng :

                         Kể từ khi gặp chàng Kim

              Khi ngày quạt ước khi đêm chén thể.

                         … Chiếc bành với bức tờ mây

              Duyên này thì giữ vật này của chung.

                         … Mất người còn chút của tin

              Phím đàn với mảnh hương nguyên ngày xưa.

                         Mai sau dầu có bao giờ,

              Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

   Kỉ niệm sống dậy mãnh liệt, ào ạt trong Kiều. Ngỡ như tình yêu vẫn bừng bừng trong lòng nàng vào cái giây phút trớ trêu nàng phải buộc lòng “trao duyên” cho em gái. Duyên đã trao (để trả nghĩa) nhưng tình yêu thì làm sao có thể dứt được? Chính vì thế mà nỗi đau càng tăng lên, và bi kịch càng hiện rõ. Đó là ý nghĩa của việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu trong cảnh “trao duyên” như một sự bộc lộ, giãi bày nỗi lòng của mình, như một nhu cầu “tái hiện” những kỉ niệm không thể không nói đến. Cảnh Kim Trọng cho thêm hương vào lò hương (“Đài sen nối sáp lò đào thêm hương”) được tái hiện qua “mảnh hưởng nguyền” (“đốt lò hương ấy”), cảnh Kiều đàn cho Kim Trong nghe (“So lần dây vũ dây văn”) được nói tới qua “phím đàn” (“so tơ phím này”). Những hình ảnh, từ ngữ này cho thấy trong tâm hồn Kiều, những kỉ niệm đẹp đẽ của tình yêu có sức sống mãnh liệt. Đặc biệt là cái đêm thề nguyền thiêng liêng trong cuộc đời người con gái, làm sao nàng có thể quên được? Chi tiết này được Kiều nhắc đến hai lần khi nàng nói với em gái, và được nhắc đến trong hình ảnh sóng đôi đẹp đẽ giữa nàng với Kim Trọng :

2. Hãy tìm những từ ngữ cho thấy điều nghĩ đến cái chết. Việc tập trung dày đặc những từ ngữ đó có ý nghĩa gì?

   Trong khi nói với Thúy Vân, Kiều đã liên tưởng cái chết sắp đến với mình. Cái chết được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một ý nghĩ đã thành hình rõ nét và chắc chắn trong tâm trí Kiều, như một day dứt ám ảnh nặng nề trong lòng nàng và truyền cả nỗi ám ảnh đó sang người đọc :

                        – Chị dù thịt nát xương mòn

                Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

                       – Trông ra ngọn cỏ lá cây

                Thấy hiu hiu gió thì hay chị về .

                       Hồn còn mang nặng lời thề

                Nát thân bộ liễu đền nghi trúc mai

                       Dạ đài cách mặt khuất lời

                Rảy xin chén nước cho người thác oan.

   Cái chết được diễn tả bằng nhiều từ ngữ khác nhau : hồn, dạ đài, người thác oan, bằng nhiều cách nói đầy ám ảnh : Nát thân bổ liễu đền nghĩ trúc mai, Rảy xin chén nước cho người thác oan……Và có gì như hư ảo : Trông ra ngọn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió thì hay chị về (Đây là Kiều nhớ lại cảnh Đạm Tiên đã từng hiện về qua làn gió “ào ào đổ lộc rung cây, ở trong đường có hương bay ít nhiều” khi Kiều thắp hương và làm thơ bên mộ Đạm Tiên, càng khiến cho câu thơ nói về cái chết của mình thêm bị thương, đau xót – cái chết của con người hồng nhan bạc mệnh như Đạm Tiên).

   Nhưng vì sao Kiều lại nghĩ đến cái chết và diễn tả cái chết của mình đầy ám ảnh như vậy? Nàng cảm thấy cuộc đời trống trải vô nghĩa khi không còn tình yêu nữa, nàng nghĩ đến cái chết và cảm thấy đây sẽ là cái chết đầy oan nghiệt (“Rảy xin chén nước cho người thác oan”). Đây chính là tiếng nói thương thân xót phận của một người con gái tha thiết với tình yêu, gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm thương cảm sâu sắc. Ở đây cần chú ý đến các khái niệm “hồn”, “dạ đài”, “người thác oan” để nói về cái chết của Kiều. Mô típ chiêu hồn, gọi hồn trong Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Phản chiêu hồn của Nguyễn Du cho thấy nhà thơ quan tâm nhiều đến phương diện oan ức của những cái chết của con người, một phương diện độc đáo của chủ nghĩa nhân đạo Nguyễn Du.

3. Kiều đối thoại với những ai? Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua lời đối thoại trong đoạn trích.

   Về hình thức, ta thấy toàn bộ trích đoạn là lời thoại của Kiều nói với Thúy Vân. Tuy nhiên, có lúc Kiều chuyển đối tượng, như đang tự nói với chính mình (những từ ngữ và hình ảnh gợi lại kỉ niệm tình yêu), hoặc rõ nhất là cầu than thân :

                         Bây giờ trâm gãy gương tan,

                  Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

rồi lại chuyển sang đối thoại với Kim Trọng trong đoạn cuối :

                         Trăm nghìn gửi lạy tình quân

                  Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

                         Phận sao phận bạc như vôi!

                  Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

                         Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

                  Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

   Ngỡ như Kim Trọng đang ở trước mặt Kiều vậy. Nhưng vì sao lại có sự chuyển đối tượng? Điều này chỉ có thể giải thích bằng nỗi đau ghê gớm của Kiều khiến nàng như đang trong một tâm trạng hoảng loạn, không tự chủ được mình, đang có nhu cầu muốn giãi bày, bộc lộ để may chăng có thể vơi đi chút nào nỗi đau ấy. Vì vậy, không chỉ nói với em gái (với Thúy Vân, chủ yếu là lời “trao duyên”), mà còn phải nói với chính mình và nhất là với người yêu thì nỗi lòng nàng mới có thể giãi bày, mới có chỗ để bộc lộ hết được. Nếu chỉ đơn thuần là những lời dặn dò Thúy Vân thì cảm xúc của nhân vật không đạt tới cao trào, bi kịch của thân phận và tình yêu không được đẩy tới đỉnh điểm, nhân cách cao đẹp của Kiều cũng không có điều kiện bộc lộ. Ở đây, Nguyễn Du thực đã thấu hiểu nỗi lòng nhân vật, và hơn thế nữa, đã nhập vào nhân vật để diễn tả rất thực và rất sâu diễn biến tâm trạng của Kiều trong cảnh “trao duyên” có một không hai trong cuộc đời và trong văn thơ này.

4. Nhận xét về mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí, nhân cách và thân phận của Kiều qua đoạn trích.

   Trong cảnh “trao duyên”, nhân vật Thúy Kiều hiện lên rất thực mà cũng rất cao đẹp qua các mối quan hệ : giữa tình cảm và lí trí, giữa nhân cách và thân phận. Về mặt tình cảm, Kiều tha thiết với tình yêu Kim Trọng, nhưng chữ hiếu buộc nàng lựa chọn sự hi sinh tình yêu:

                           Để lời thệ hải minh sơn

               Làm con trước phải đền ơn sinh thành. 

   Đó là một sự lựa chọn đúng với các nguyên tắc ứng xử đạo lí phong kiến của thời trung đại. Do đó, về mặt lí trí, Kiều nhận thức được sự tất yếu phải nhờ em gái trả nghĩa. (Đây là điều dễ hiểu đối với người phương Đông xưa, vì thế mà Thúy Vân nhận lời không chút do dự). Tuy nhờ Thúy Vân trả nghĩa, nhưng tình yêu sâu sắc, mãnh liệt của Kiều lại khiến nàng đau đớn, than thân trách phận, xót xa (đến mức như mê sảng, hoảng loạn) chứ không hề thanh thản. Thân phận đau khổ nhưng nhân cách sáng ngời ở chỗ Kiều biết hi sinh tình yêu của mình nhưng lại càng tha thiết, trân trọng tình yêu đó hơn bao giờ hết. Ở đây, cần phải thấy một nét cao quý của nhân vật : với bản thân mình, Kiểu chỉ nghĩ đến cái chết như là một định mệnh, và nàng đã dồn tất cả yêu thương của mình cho Kim Trọng đến mức nàng có thể nhận hết lỗi về mình cho dù nàng không hề có lỗi :

                          Ôi Kim Lang ! Hỡi Kim Lang !

                  Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !

   Đó là nét đẹp vị tha của người phụ nữ phương Đông, của người phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực tình yêu, ngay cả khi tình yêu đó đã tan vỡ. Nhưng trong tâm hồn Kiều, thật khó nói cái gì mạnh hơn, áp đảo hơn : lí trí hay tình cảm, thân phận hay nhân cách. Chúng hòa quyện chặt chẽ với nhau để làm nên nét cao đẹp của nhân vật. Kiều không muốn nêu gương về đạo nghĩa, nàng ứng xử như văn hóa của thời trung đại đòi hỏi song không thôi nghĩ về thân phận, về tình yêu riêng tư của mình. Do đó, nàng gần với con người thực, con người tự nhiên nhiều chiều chứ không phải là một tấm gương đạo lí đơn giản, một chiều. Đó là một con người thực ngoài đời và qua ngòi bút miêu tả tâm trạng tài tình của Nguyễn Du đã thành một hình tượng nhân vật sống động và chân thực, khác với nhân vật Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vốn thiên về biểu trưng cho đạo đức.

II. LUYỆN TẬP

Bài tập bổ sung

1. Hãy cho biết nhan đề Trao duyên có phù hợp với nội dung đoạn trích không ? Vì sao ? Hãy thử đặt một nhan đề khác cho đoạn trích.

2. Qua việc trao duyên của Kiều, em hiểu gì về tình yêu ?

   Hướng dẫn : Hai bài tập này theo dạng suy luận văn học. Từ những hiểu biết về đoạn trích, các em suy nghĩ và trả lời theo cảm nhận riêng của mình. Vì vậy, cần đọc lại những điều phân tích trên đây, dựa vào đó như những cơ sở kiến thức để phát biểu ý kiến của mình.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 29: Trao duyên
Đánh giá bài viết