I. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

   Trước hết, cần đọc Tiểu dẫn để nắm được xuất xứ của đoạn trích : Kiều đã rơi vào bẫy của Tú Bà và buộc phải ra tiếp khách. Đây là đoạn đời khổ nhục, xót xa nhất của nhân vật khi Kiều phải làm kĩ nữ ở lầu xanh.

   Đọc thầm vài lần để có cảm nhận chung về tình cảnh, tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn đời này. Sau đó tập đọc diễn cảm (thành lời) cố gắng diễn tả đúng tình ý trong đoạn trích, đồng thời xem kĩ các chú thích để hiểu đúng và sâu hơn văn bản (các chú thích ở đây đều có nguồn gốc, xuất xứ từ các điển tích trong văn học Trung Quốc). .

   Dưới đây là những gợi ý để các em trả lời các câu hỏi trong phần Hướng dẫn học bài.

1. Đoạn trích chia thành mấy đoạn nhỏ ? Nội dung của mỗi đoạn ?

Có thể chia đoạn trích thành 3 đoạn :

– Đoạn 1: (“Biết bao…… tôi tìm Trường Khanh”) : Giới thiệu tình cảnh trớ trêu của Kiều : phải làm kĩ nữ tiếp khách ở lầu xanh (chủ yếu là ngôn ngữ tác giả).

– Đoạn 2 : (“Khi tỉnh rượu…… nào biết có xuân là gì ?”) : Tâm trạng, nỗi niềm của Kiều trong cảnh sống ấy (tiếng nói nội tâm của nhân vật).

– Đoạn 3: (“Đòi phen….. mặn mà với ai ?”): Tả cảnh để diễn tả tâm tình cô đơn, đau khổ của Kiều.

   Xét về mặt kết cấu trong đoạn thơ này, ta thấy có sự cân xứng, chặt chẽ : đoạn 1 giới thiệu chung (4 câu), sau đó xoáy sâu vào nội tâm của nhân vật (8 câu), cuối cùng khép lại bằng bức tranh cảnh ngụ tình để khắc sâu, nhấn mạnh cả tình cảnh trớ trêu và tâm trạng tủi nhục của nhân vật (8 câu).

2. Bút pháp ước lệ trong đoạn trích có ý nghĩa như thế nào đối với việc diễn tả thân phận éo le của nàng Kiều ? Qua đó, có thể nói gì về tình cảm của tác giả đối với nhân vật ?

   Đây là một thử thách lớn đối với Nguyễn Du khi phải miêu tả cảnh sống trở trêu của nhân vật mà ông trân trọng, yêu quý. Và ông đã chọn bút pháp ước lệ để miêu tả. Bút pháp ước lệ ở đây chỉ là những hình ảnh bướm ong, cuộc say, trận cười,… những điển cố, điển tích được sử dụng như lá gió cành chim, Tống Ngọc, Trường Khanh. Chúng giúp tác giả vượt qua một vấn đề nan giải: một mặt vẫn đạt được yêu cầu tả thực, không né tránh số phận thực tế của nhân vật chính (do đó vẫn tạo nên được ý nghĩa phản ánh và phê phán hiện thực của tác phẩm); nhưng mặt khác, nhờ cách miêu tả theo bút pháp ước lệ mà vẫn giữ được chân dung cao đẹp của nhân vật Kiều. (Bút pháp ước lệ vẫn nói được cuộc sống kĩ nữ tiếp khách làng chơi của Kiều, nhưng nhờ cách nói của nó là ước lệ, tượng trưng nên sự thực chỉ hiện ra theo nét nghĩa quy ước, khái quát chứ không hiện ra một cách trực tiếp, cụ thể, trần trụi dễ gây những “phản cảm” không tốt có thể ảnh hưởng đến bản chất trong trắng, cao đẹp vốn có của cô gái “phong gấm rủ là” như Kiều khi nàng bị xã hội đen bạc ấy đẩy đến cảnh sống bùn nhơ này). Và chính sự lựa chọn bút pháp ước lệ trong đoạn trích đã thể hiện thái độ trân trọng, đầy cảm thông, yêu quý của Nguyễn Du đối với nhân vật. Thái độ này là nhất quán trong toàn tác phẩm Truyện Kiều của nhà thơ nhân đạo Nguyễn Du.

3. Các dạng thức đối xứng khác nhau được sử dụng trong đoạn thơ và giá trị nghệ thuật của chúng.

   Nổi bật trong đoạn thơ là nghệ thuật đối xứng nhằm tập trung thể hiện chủ đề của nó. Các hình thức đối xứng được Nguyễn Du khai thác triệt để trong đoạn trích là để tô đậm nỗi thương thân xót phận của nhân vật khi buộc phải sống trong cảnh lầu xanh trớ trêu này.

– Đối xứng ở cấp thấp nhất là tiểu đối trong bốn chữ:

+ Bướm lả              /       ong lơi

+ Lá gió                  /       cánh chim

+ Dày gió               /        dạn sương

+ Bướm chán        /         ong chường

+ Mưa Sở              /         mây Tần

+ Gió tựa               /         hoa kề

   Đây là thủ pháp chẻ những cụm từ thông thường tạo thành quan hệ đối xứng nhằm nhấn mạnh mức độ cao hơn của nội dung cụm từ không tiểu đối :

+ Bướm ong lả lơi         →         Bướm lả 7 ong lơi

+ Dày dạn gió sương    →         Dày gió ở dạn sương

  Tách hai yếu tố bướmong, lảlợi ra, và đặt ở thế đối xứng, thân phận bẽ bàng của người kĩ nữ được tô đậm, nhấn mạnh hơn, gây cảm giác xót xa hơn (Dày gió / dạn sương cũng vậy).

– Đối xứng ở cấp tiểu đối trong khuôn khổ một câu :

+ Khi tỉnh rượu / lúc tàn canh

+ Nửa rèm tuyết ngậm / bốn bề trăng thâu.

   Đối xứng kiểu này có giá trị nhấn mạnh sự liên tục, kéo dài của sự vật hay cái mênh mông của không gian.

– Đối xứng tạo nên giữa hai câu thơ lục bát :

+ Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

   (Tạo ra sự đối lập gay gắt giữa quá khứ êm đềm hạnh phúc và hiện tại đây nghiệt ngã).

+ Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

   (Nhấn mạnh bằng so sánh : Thân thể còn đau khổ hơn là sự bẽ bàng , chua chát trên vẻ mặt).

+ Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì ?

(Đối lập người / ta)

   Tóm lại, trong một đoạn thơ ngắn 20 câu, Nguyễn Du đã khai thác triệt để các khả năng tu từ và đã sử dụng rất thành công các hình thức đối xứng khác nhau nhằm thể hiện chủ đề của nó.

4. Nỗi “thương mình” của nhân vật có ý nghĩa mới mẻ như thế nào đối với văn học trung đại ?

   Trong văn học trung đại, nhìn chung, các nhà văn thường viết theo “cái ta – đạo lí” của xã hội phong kiến, sự tự ý thức của con người cá nhân chưa được bộc lộ rõ nét như văn học hiện đại sau này. Vì vậy, “nỗi thương mình” . của Kiều trong đoạn trích này có một ý nghĩa sâu sắc xét về sự tự ý thức của con người cá nhân trong lịch sử văn học trung đại. Người phụ nữ xưa thường được giáo dục theo tinh thần an phận thủ thường, cam chịu, nhẫn nhục… Nhưng khi Kiều “giật mình mình lại thương mình xót xa” thì điều này đã bao hàm ý nghĩa “cách mạng” trong sự tự ý thức. Ở đây, Kiều không chỉ biết hi sinh, nhẫn nhục, cam chịu mà đã có ý thức về phẩm giá, nhân cách bản thân, tức ý thức về quyền sống bản thân. Đó là một câu thơ rất đáng để ta suy nghĩ về sự tự nhìn lại mình của người con gái bị xô đẩy vào cuộc sống ô nhục trở trêu này :

                         Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

              Giật mình mình lại thương mình xót xa.

   Nàng “giật mình, thương mình xót xa” vì tự soát lại bản thân, nàng thấy phẩm giá, tư cách của mình không thể sống trong cảnh ô nhục ấy :

                        Khi sao phong gấm rủ là

            Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

                      Mặt sao dày gió dạn sương

            Thân sao bướm chán ong chường bay thân!

   Rõ ràng khi nàng thấy “thương mình thì cũng có nghĩa là nàng đã tự nhận ra phẩm giá, nhân cách của mình. Nguyễn Du đã nói hộ cho nhân vật cái điều quý giá ấy – cái điều mà trái tim nhân đạo của ông đã chứa chất, ấp ủ cho con người, vì con người. Ông phải để cho nhân vật của mình biết đấu tranh cho quyền sống của họ. Trong cảnh ngộ của Kiều lúc này, nàng chưa thể đấu tranh thoát khỏi lầu xanh của Tú Bà, nhưng một cái “giật mình, thương mình” như vậy cũng đáng ghi nhận, trân trọng. Nó chính là sự đấu tranh trong bản thân con người, đánh dấu một bước đi lên của con người về sự tự ý thức. Càng đáng quý hơn khi đây lại là sự tự ý thức của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đây là một nét mới mẻ trong cách nhìn nhận về con người của Nguyễn Du, đem đến một điểm mới cho văn học trung đại (mặc dù “thương thân, xót phận” là một nội dung thường gặp trong thơ văn thế kỉ XVIII, nhưng Nguyễn Du viết về chủ đề này vẫn sâu sắc và thấm thía hơn).

5. Dùng đoạn trích để lí giải câu thơ: “Như nàng lấy hiệu làm trinh – Bụi nào cho đục được mình ấy vay ?”

   Tranh luận về việc điều “trinh” hay “dâm” là một vấn đề trong lịch sử đọc Truyện Kiều. Ở đây, trong cuộc tái nổi gộ, Kim Trọng không hề có chút mặc cảm nào về cuộc đời 15 năm chìm ncủa Kiều, đã dứt khoát khẳng định, ngợi ca : “Như nàng lấy hiệu làm trinh…”. Vì sao vậy? Đoạn trích này cho thấy tâm hồn Kiều là cao thượng, trong trắng mặc dù Kiều sống giữa chốn bùn nhơ. Nguyễn Du đã không né tránh thực tế nghiệt ngã, nhưng nhà thơ nhân đạo vĩ đại đã đề cao nhân cách của Kiều, phẩm giá của Kiều bằng chính việc tả nỗi buồn, chán chường của nàng giữa chốn bùn nhơ của lầu xanh.

II. LUYỆN TẬP

   Bài tập bổ sung: Hãy cho biết nghệ thuật đối có vai trò gì trong đoạn trích ?

   Gợi ý : Các em đọc kĩ phần phân tích ở câu 3 trên đây để trả lời câu .. hỏi này.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 29: Nỗi thương mình
Đánh giá bài viết