BÀI LÀM

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ bình dân Nam Bộ nổi tiếng. Sáng tác của ông sử dụng những ngôn ngữ, lời nói giản dị, mộc mạc, chân chất như chính con người vùng này. Qua những điều giản dị đó ông lại làm toát lên được nghĩa khí hào hiệp, vẻ đẹp sáng ngời, đáng quý của con người nơi đây mà tiêu biểu là người anh hùng Lục Vân Tiên trong “Truyện Lục Vân Tiên”. Vẻ đẹp của chàng được thể hiện tài tình nhất trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

Mở đầu đoạn trích, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả một cách chân thực, sống động những hành động của Lục Vân Tiên, đó chính là khi chàng ra tay diệt trừ cái bạo tàn, không cho phép nó làm tổn hại, gây ra đau khổ cho những người dân lương thiện, đây là một hành động đẹp, là biểu hiện ra bên ngoài của một tấm lòng đáng quý, đáng trân trọng. Đây là nhân vật lí tưởng, hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn của một người anh hùng nghĩa hiệp, tuổi trẻ, tài cao, lòng đầy khao khát muốn được lập công danh, đem tài năng cứu người, giúp đời. Tác giả đặt nhân vật vào hai tình huống hành động để thể hiện tính cách cao đẹp ấy. Đó là tình huống đánh cướp cứu người và tình huống gặp gỡ Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên.

Tình huống đánh cướp cứu người là tình huống bất ngờ bởi lúc này Vân Tiên đang trên đường lên kinh ứng thi, chẳng may trên đường gặp kẻ ác đang quấy nhiễu dân lành nên chàng đã ra tay giúp đỡ. Chàng đối mặt với lũ cướp hung hãn trong tư thế bị động, bất ngờ, trong tay đã không có vũ khí lại chỉ có một mình trong khi quân giặc đông đúc, hung hãn. Hình ảnh Lục Vân Tiên hành hiệp trường nghĩa được tái hiện rất cụ thể trong hành động và lời nói khi chiến đấu với bọn giặc:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. 

Hành động đánh cướp trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Lục Vân Tiên. Một mình chàng, tay không tấc sắt dám đương đầu với cả một toán giặc cỏ với đầy đủ các loại vũ khí gươm giáo sáng quắc trong tay. Hành động “bẻ cây làm gậy” của chàng là một hành động dũng cảm, xuất phát từ cái đức của một con người “vị nghĩa vong thân” (vì việc nghĩa mà không tiếc thân mình). Tuy một mình nhưng chàng vẫn hiện lên rất uy dũng, mạnh mẽ, hào hiệp xông thẳng vào trận đánh, vừa tiến tới lại vừa thét lên những lời nói đầy giận dữ, quả quyết kết tội bọn giặc “bớ đảng hung đồ” “chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. Kết quả, bọn cướp sợ hãi thất kinh mà “vỡ tan” như đàn ong vỡ tổ. Tên cướp cầm đầu là Phong Lai thì chẳng kịp trở tay, bị ăn ngay một gậy chí mạng sống không được, chết cũng không xong. Tác giả không giới thiệu tính cách nhân vật mà để cho nhân vật tự khẳng định tài năng võ nghệ bằng hành động quyết liệt trước bọn cướp. Kết quả là:

Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Giọng thơ hùng tráng vang lên diễn tả trận đánh cướp đầy kịch tính, hấp dẫn. Tác giả như trút được cơn giận trong lòng, đó là hậu quả đích đáng mà bọn hung đồ phải nhận.

Đánh tan lũ cướp, chàng đã giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Cuộc gặp gỡ kì ngộ giữa người đẹp và trang anh hùng diễn ra cảm động và đầy tình người. Vân Tiên ân cần hỏi thăm người bị nạn, hình ảnh mạnh mẽ, quyết liệt khi chiến đấu đã bỗng chốc trở thành hình ảnh của một người nam nhi ân cần, chu đáo khi quan tâm đến người bị nạn.

Dẹp rồi lũ kiến chòm ong
Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?” 

Tuy rằng cuộc chiến diễn ra rất ác liệt vì Vân Tiên phải một thân một mình đối chọi với một toán quân cướp nhưng khi đã giành thắng lợi, đánh đuổi được quân cướp thì Vân Tiên không hề kể nể chiến công mà chỉ coi bọn cướp là “lũ kiến chòm ong”, và đối tượng mà chàng quan tâm chính là tiếng khóc vọng từ trong xe. Điều này chứng tỏ hành động cứu người không chỉ xuất phát từ tinh thần tượng nghĩa mà còn bởi tấm lòng nhân hậu, thiện lương của chàng dành cho con người.

Lục Vân Tiên là một nho sinh nên những hành động đều rất chuẩn mực:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai. 

Khi Kiều Nguyệt Nga – người con gái gặp nạn được Vân Tiên cứu giúp tỏ ý muốn diện kiến và cúi lạy để cảm tạ thì Lục Vân Tiên đã kiên quyết từ chối, chàng đề cao tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” làm hiện lên hình ảnh con người sống khuôn phép, có phần hơi cứng nhắc nhưng cũng thấy được vẻ rất dễ thương của chàng. Chàng nghe Nguyệt Nga có ý báo đáp liền nở nụ cười – một nụ cười rất tươi, biểu lộ một tâm hồn cao cả: vô tư, hào hiệp, khảng khái. Chàng xem việc đánh cướp của mình là một hành động nhân nghĩa. Người tráng sĩ phải ra tay dũng cảm cứu nhân độ thế, diệt trừ cái ác, chở che, bênh vực những người lầm than, bị áp bức. Nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì đâu còn đáng mặt anh hùng nữa? Lí do Vân Tiên kiên quyết không chịu nhận sự đền ơn của Nguyệt Nga bởi chàng luôn tâm niệm:

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm điều thế ấy cũng phi anh hùng. 

Theo chàng, làm việc nghĩa mà mong được trả ơn thì há chẳng phải “phi anh hùng” sao.Chàng làm việc nghĩa, cứu giúp dân lành là xuất phát từ tấm lòng thiện lương, từ tình thương vô tận đối với con người. Hình ảnh của chàng hiện lên trang thơ sáng bừng khí chất của người anh hùng, lấy việc nghĩa làm trách nhiệm, không màng ơn nghĩa, báo đáp “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”.

Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa nhân vật Lục Vân Tiên mang cốt cách tráng sĩ thời loạn, trọng nghĩa khinh tài, sống và hành động theo phương châm: “Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ”. Vân Tiên là người anh hùng sáng ngời phẩm giá, cũng như Từ Hải trong “Truyện Kiều”.

Có thể nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử của Lục Vân Tiên thể hiện qua tác phẩm đều rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Khắc họa nhân vật Lục Vân Tiên cũng là cách nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu vẽ ra hình mẫu anh hùng lí tưởng và khát vọng lẽ công bằng ở đời.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 23: Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” trích “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, em hãy làm sáng tỏ những phẩm chất cao đẹp, đáng quý của người anh hùng Lục Vân Tiên
Đánh giá bài viết