BÀI LÀM 

Người anh hùng lí tưởng mẫu mực là đề tài được nhiều tác giả văn học trung đại quan tâm. Ấy là những con người luôn xả thân vì nghĩa lớn, thấy việc bất nghĩa mà đau đớn lòng. Lục Vân Tiên là một anh hùng với những phẩm chất sáng ngời mà Nguyễn Đình Chiểu xây dựng nên. Người anh hùng trường nghĩa ấy đã đem tài năng của mình để giúp người, cứu đời. Ta có thể thấy rõ điều này trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.

“Truyện Lục Vân Tiên” với 2082 câu lục bát, được viết theo kiểu truyền thống của loại truyện phương Đông, truyện đề cao đạo lí làm người: trọng nghĩa, nhân hậu, lòng hào hiệp, khát vọng công lí, công bằng xã hội của nhân dân lao động. Trích đoạn “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” nằm ở phần đầu tác phẩm, có chức năng giới thiệu sự tương ngộ của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, qua đó bộc lộ vẻ đẹp phẩm chất của người anh hùng nghĩa hiệp.

| Vân Tiên vốn con nhà thường dân nhưng học giỏi, văn võ toàn tài, chàng đang háo hức lên đường vào kinh ứng thi. Trên dọc đường đi, chàng gặp bọn cướp lưu manh đang quấy nhiễu dân lành. Nhìn thấy cảnh đó, chàng không thể làm ngơ, bèn ghé lại bên đường, bẻ cây làm vũ khí chiến đấu. Bọn cướp lực lượng đông, mặt đỏ phừng phừng, dữ tợn, được trang bị đầy đủ vũ khí trong khi chàng chỉ có một mình, vũ khí lại là một cây gậy đơn sơ bẻ ở bên đường, ấy thế mà chàng lao vào không hề nao núng. Xuất phát điểm của hành động này là từ phẩm chất cao đẹp trong con người chàng, không hề tính toán thiệt hơn. Nguyễn Đình Chiểu so sánh trận đánh của chàng với trận đánh của Triệu Tử Long khi xưa:

Vân Tiên tả đột hữu xông,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Trận đánh không được miêu tả chi tiết mà chỉ được tóm lược lại qua một vài từ ngữ đặc sắc, tiêu biểu và phép so sánh. So sánh chàng với Triệu Tử Long – một nhân vật nổi tiếng trong Tam quốc mà người Nam Bộ rất mê. Ngày xưa, Triệu Tử Long chiến đấu vì ngôi vua nhà Hán, còn ngày nay, Lục Vân Tiên chiến đấu là vì sự yên bình cho nhân dân, hành động đó thật giản dị, vô tư trong sáng và cao đẹp biết bao. Và Lục Vân Tiên đã chiến thắng. Sự chiến thắng ấy có thể dễ dàng lí giải được bởi Lục Vân Tiên chiến đấu bằng sức mạnh của lòng nhân nghĩa, sức mạnh của tình yêu thương nhân dân và lòng dũng cảm kiên cường.

Lâu la bốn phía vỡ tan, 
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong. 

Diễn biến trận đấu chỉ được miêu tả bằng một vài từ những kết quả trận đấu lại được miêu tả rất tỉ mỉ, cụ thể. Lời thơ chân chất như lời kể chân thành, kể bằng giọng hào sảng. Nhà thơ tự hào vì người anh hùng của mình và hào sảng trước kết quả trận chiến. Đó là hậu quả mà bọn độc ác, bất nhân ắt phải nhận lấy. Sau thắng lợi, chàng vẫn khiêm nhường, chính trực khi ân cần cất lời hỏi thăm người đang khóc ở trong xe, rồi chàng động lòng thương, an ủi cô gái: “Ta đã trừ dòng lâu la”. Đây là tình huống gặp gỡ được xây dựng dựa trên motip quen thuộc ở truyện cổ dân gian cũng như truyện Nôm: dũng sĩ diệt trừ những thế lực tàn ác để cứu người đẹp. Rồi chàng bắt đầu hỏi thăm cô gái ngọn ngành từ tên tuổi, quê hương và nguyên cớ vì sao lại gặp nạn. Và khi được biết đó là hai cô gái trẻ thì chàng trở nên lúng túng:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai. 

Chỉ qua lời nói đó ta đã thấy Lục Vân Tiên còn là người coi trọng đạo lí, tuân theo khuôn phép trong xã hội. Chàng không muốn Kiều Nguyệt Nga ra ngoài chào hỏi mình mà ảnh hưởng đến phẩm tiết của nàng, bởi quan niệm của người xưa “nam nữ thụ thụ bất thân” giữa con trai và con gái phải luôn biết giữ khoảng cách,  không được gần gũi, thân thiết nhau quá. Mục đích lớn hơn của Lục Vân Tiên đó là, chàng không muốn nhận sự báo ơn của nàng bởi chàng làm việc này xuất phát từ tâm của mình. Chàng từ chối nhận chiếc trâm vàng của Kiều Nguyệt Nga, chỉ cùng nhau xướng họa một bài thơ rồi thanh thản ra đi, không hề vương vấn bởi “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Làm ơn vì muốn được giúp đỡ mọi người chứ không phải vì tiền của, lợi ích, ấy mới là người anh hùng chính đáng. Câu nói của chàng với Kiều Nguyệt Nga càng làm cho con người chàng đáng được trân trọng hơn.

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng. 

Lục Vân Tiên nói thế và những hành động của chàng trong đoạn trích cũng như trong tác phẩm luôn tuân theo những gì mà chàng đã nói: chàng đánh cướp là vì việc nghĩa. Đây cũng chính là hình mẫu của người anh hùng theo quan niệm của nhân dân, khác hẳn với chân dung người anh hùng phong kiến, phải có vóc dáng phi thường, có tính cách ngang tàng, có tài năng kiệt xuất.

Trong đoạn trích, tác giả đã đặc tả nhân vật chủ yếu qua ngôn ngữ, cử chỉ và hoạt động của nhân vật. Nhân vật được tác giả đặt trong những tình huống, những xung đột đời thường, trong những mối quan hệ xã hội và bộc lộ tính cách qua lời nói, hành động, cử chỉ. Tác giả đã khéo léo lồng ghép vào đó ước mơ về một xã hội bên bình, an lành.

Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” là một đoạn trích hay, độc đáo, có thể coi là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa và những đạo đức đáng quý, tốt đẹp ở đời. Thể hiện ước mơ của tác giả, của nhân dân về khát vọng hành đạo giúp đời, hướng tới lẽ công bằng, cái thiện, cái đẹp sẽ luôn chiến thắng cái xấu, cái ác.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 22: Phân tích đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” trích “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu
Đánh giá bài viết