BÀI LÀM 

Trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, Nguyễn Đình Chiểu đã làm sáng tỏ những phẩm chất ngời sáng của một người anh hùng lí tưởng. Bên cạnh người anh hùng đó, ở đoạn trích này ta không thể không nhắc đến một nhân vật nữa là Kiều Nguyệt Nga – nhân vật góp sức làm nên vẻ đẹp cao thượng của người anh hùng ấy. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga để lại cho người đọc những ấn tượng sâu sắc về người phụ nữ Việt Nam.

Trong chuyến đi về miền Hà Khê, Kiều Nguyệt Nga đã phải đối mặt với một mối nguy hiểm lớn từ đám “bộ đảng hung đồ”. Thân gái yếu ớt không thể làm gì hơn nên khi bị bọn hung đồ chặn cướp thì nàng đã rất hoảng loạn, sợ hãi. Tuy nhiên, khi được những hành động nghĩa hiệp, nhân nghĩa của Lục Vân Tiên cứu giúp thì những lời nói, hành động sau đó của Kiều Nguyệt Nga đã bộc lộ được phẩm chất đoan trang, dịu dàng, có học thức của một tiểu thư khuê các:

Thưa rằng: “Tôi thiệt người ngay, 
Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ.
Trong xe chật hẹp khôn phô, 
Cúi đầu trăm lay cứu cô tôi cùng” 

Nguyệt Nga là nhân vật lí tưởng thể hiện quan điểm của tác giả về hình mẫu một người phụ nữ có học thức, rất đỗi kiên trinh, thủy chung, trong sáng. Nàng xưng hô khiêm nhường. Nàng thực hiện phép tắc lễ nghi trong giao tiếp với Lục Vân Tiên bằng một thái độ và lời lẽ kính trọng, mực thước. “Thưa rằng” là cách nói đầy chuẩn mực, tôn trọng, thể hiện được cung cách của một con người có gia giáo, có học thức. Nàng cũng là người biết phải trái, trước sau, sau khi Lục Vân Tiên đã ra tay cứu giúp, nàng đã cúi đầu lạy để trả ơn. Trong cuộc đối đáp với Lục Vân Tiên còn bộc lộ nàng là một người con gái có hiếu: “Làm con đâu dám cãi cha”. Nàng luôn vâng lời cha và làm theo những mong muốn của cha. Đây là một hình mẫu lí tưởng của người con gái trong xã hội phong kiến xưa nết na, hiền thục, có học thức và có hiếu.

Nguyệt Nga băn khoăn tìm cách trả ơn Lục Vân Tiên: nàng mời chàng về nhà để đền ân nhưng chàng từ chối, tặng trâm cài đầu cho chàng thì chàng cũng không nhận. Và khi mọi lời đề nghị của nàng đều bị Lục Vân Tiên khước từ thì nàng xin đưa một bài thư giã từ. Qua đó thể hiện tài năng thơ văn hết mực tài hoa, tinh tế. an chuyển thành nghĩa, nghĩa chuyển thành tình. Từ giây phút gặp gỡ ấy cho đến suốt cuộc đời, Kiều Nguyệt Nga đã tự nguyện gắn bó với chàng trai nghĩa hiệp ấy, thủy chung son sắt, dám liều mình để giữ trọn ân tình. Vẻ đẹp trong tâm hồn nàng đã tỏa sáng, tạo thành một bức chân dung tuyệt đẹp về người phụ nữ, chinh phục được niềm cảm mến của nhân dân.

Nếu Lục Vân Tiên là biểu tượng cho vẻ đẹp nghĩa hiệp thì Kiều Nguyệt Nga là biểu tượng cho vẻ đẹp trọng ân nghĩa, luôn ghi nhớ, trân trọng lòng tốt của người khác dành cho mình. Vẻ đẹp của hai nhân vật này vì thế rất tương đồng nhau, soi sáng cho nhau.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 24: Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” trích “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu.
Đánh giá bài viết